Thưa ông, hiện nay ở các bệnh viện công việc khám chữa bệnh luôn quá tải, ngược lại bệnh viện tư lại thưa thớt bệnh nhân. Ông quan niệm và nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức. Bởi bệnh viện tư phải tự mua sắm đất đai, vật tư, trang thiết bị máy móc từ nước ngoài, trả lương nhân viên. Giá thu của bệnh viện nhà nước thấp hơn giá thành, trong khi giá thu của bệnh viện tư tối thiểu phải bằng giá thành của máy móc khấu hao và những dịch vụ cơ bản… Tại bệnh viện công, nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bằng ngân sách nhà nước, nên nhà nước chỉ thu một phần viện phí. Trong khi đó, với bệnh viện tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất đầu tư tốt, nhưng vấn đề lớn nhất là không có nguồn nhân lực. Vì vậy, để có nhân lực bệnh viện phải trả lương thật cao. Do đó, hiện nay khoảng chênh lệch giá viện phí và sự thu hút bệnh nhân giữa bệnh viện công - tư rất rõ rệt và tất yếu.
Nguồn gốc của sự chênh lệch này là gì?
Nếu với cơ chế thuần tuý, bệnh viện công chỉ thu theo giá của nhà nước thì không thể sống được và ngành y tế không thể phát triển được. Vì vậy, các bệnh viện công mới phát sinh thêm loại hình dịch vụ, hình thức khám chữa bệnh này sẽ biến công thành tư, tức là đến bệnh viện công nhưng khám, chữa bệnh tư. Nhưng nếu không mở hệ thống khám, chữa bệnh dịch vụ thì bệnh viện công cũng không biết lấy tiền ở đâu để bù đắp cho sự thiếu hụt từ một phần viện phí, nâng cao đời sống nhân viên. Như vậy, trong một bệnh viện công tồn tại hai chế độ, và ngày càng có xu hướng phình to phần dịch vụ ra, teo phần nhà nước lại.
Về nguồn nhân lực cung cấp cho bệnh viện tư hiện nay là không đáng kể. Điều này có thể xuất phát từ việc thu nhập thực tế của một bác sĩ giỏi ở bệnh viện công hiện nay không tính được, lương của nhà nước trả không đủ để đổ xăng xe nhưng bác sĩ vẫn sống ngon lành vì có phòng mạch tư. Nếu không làm ở bệnh viện công, không có số lượng bệnh nhân đông, nổi tiếng thì bác sĩ không có nhiều bệnh nhân đến phòng mạch tư. Ngoài ra, bác sĩ còn chạy đi làm ngoài giờ cho bệnh viện tư. Do đó, ở bệnh viện tư một bác sĩ bình thường cũng phải được trả lương vài chục triệu thì họ mới làm, đồng thời không thể lôi kéo được bác sĩ nổi tiếng, bác sĩ giỏi về. Như vậy, nguồn nhân lực cho bệnh viện tư khó vô cùng, họ chỉ có cách tăng tiền viện phí để tăng tiền lương cho nhân viên, nhưng cũng chỉ dám tăng trong giới hạn.
Hơn nữa, còn có qui định một sinh viên đại học ra trường xin vào làm ở bệnh viện nhà nước năm năm mới có chứng chỉ hành nghề, mới nổi tiếng, mới có tay nghề. Lúc ấy, bác sĩ đã đủ điều kiện đi làm phòng mạch tư chứ ít khi xin vào bệnh viện tư. Vì vậy, bệnh viện tư sẽ không thể mời một sinh viên mới ra trường về làm việc vì chưa có chứng chỉ hành nghề.
Vậy, giải quyết vấn đề này như thế nào thưa ông?
Bài toán hiện nay là tại bệnh viện công giá viện phí phải tính đúng, tính đủ, nhưng thu theo chế độ, theo đối tượng, nếu thu đủ thì người dân kêu trời. Khi bệnh nhân điều trị xong, xuất viện, bệnh viện sẽ tính và in hóa đơn liệt kê các khoản như bệnh viện tư tính, sẽ ra tổng số tiền sử dụng điều trị bệnh, nhưng nhà nước chỉ thu một phần nào đó với một số khoản thôi. Do đó, khi cầm hoá đơn, người bệnh sẽ hiểu rõ giá viện phí thực tế là bao nhiêu, nhà nước thu bao nhiêu, còn lại bệnh nhân đóng bao nhiêu, như vậy họ sẽ hài lòng. Tính đủ, nhưng thu theo chế độ (trong hoá đơn đó, người bệnh đóng bao nhiêu, bảo hiểm đóng bao nhiêu và nhà nước đóng bao nhiêu). Và người bệnh có thể so sánh giá cân đối so với bệnh viện tư thì sẽ rõ giá thành. Bên cạnh đó, nhà nước cần phải khống chế tỷ lệ khám dịch vụ không quá 50%, nếu hơn mức này thì bệnh viện công không còn mang tính chất của bệnh viện công nữa.
Mặt khác, thay vì nhà nước phải bỏ tiền đầu tư cơ sở vật chất để bệnh viện công phình to chế độ dịch vụ thì nên tạo điều kiện để bệnh viện công ký hợp tác với bệnh viện tư. Nhà nước phải nhìn nhận, đánh giá mặt mạnh - yếu của hai khối công, tư để tạo điều kiện cho họ bắt tay nhau, phối hợp hài hoà, bù đắp cho nhau để cả hai cùng mạnh. Khi đó, đất nước có lợi và người dân cũng có lợi. Nhà nước điều chỉnh chính sách hợp tác công - tư, thay vì để bác sĩ làm chui thì nay được hợp pháp sang bệnh viện tư hành nghề. Bệnh viện công đưa cán bộ qua và bệnh viện tư quản lý cán bộ của mình, chịu trách nhiệm về chuyên môn của mình, và thu viện phí từ bên công qua bên tư, trả lương cho bác sĩ theo chế độ tốt. Làm như vậy vừa giảm một phần viện phí cho người dân mà thu nhập cán bộ được đảm bảo. Nhà nước chỉ cần mở đường, tạo điều kiện cho việc phối hợp công - tư, định ra những quy chế, quy định rõ ràng, ai làm sai sẽ xử lý.
Bên cạnh đó, trong tương lai nhà nước sẽ cho ra đời những trường y tế tư, đào tạo ra nguồn nhân lực cho y tế tư và lúc đó mới giải quyết được nguồn nhân lực cho y tế tư.
Bình Minh thực hiện