Lumbini, đi và về

 09:31 | Chủ nhật, 07/08/2016  0

Từ Kathmandu có nhiều đường đến Lumbini, nơi sinh của Đức Phật. Hoặc tới Pokhara nghỉ chân vài ngày, trekking đến Australia Camp, rồi mới tới Lumbini. Hoặc đi thẳng tới Lumbini và vòng về Chitwan, Pokhara trước khi về lại Kathmandu.

Nếu như Kathmandu đông đúc, bụi bặm, thì Lumbini yên bình đến lạ, cho dù nhiệt độ dịp tháng 5, tháng 6 bắt đầu leo dần lên 37, rồi 38 độ C. Khuôn viên khu vườn rộng 4,8 cây số, dài chưa tới 1 cây số được rào kiên cố. Luật định không cho phép xe hơi vào vườn, nên du khách có cái thú thả bộ trong khu vườn cỏ mọc xanh mướt do vào mùa mưa. Đi giữa tiếng ve, côn trùng rả rích, thầm đếm nhịp chân lao xao trên cát sỏi, mà thả cho trí óc tự do suy tưởng. Mấy ngàn năm tồn tại trong kinh sử, Lumbini lại là chốn tương đối mới với khách hành hương. Năm 1896, hơn 25 thế kỷ sau khi hoàng hậu Maya Devi trên đường về lại quê nhà đã hạ sinh thái tử Siddhartha Gautama, các nhà khảo cổ phát hiện cây cột đá do vua Ashoka dựng lên, từ đó xác định được vị trí của Lumbini. Qua ghi chép trên đường thỉnh kinh của các sư Phổ Hiền, Huyền Trang, hồ nước, cây vô ưu (nay là cây bồ đề) mới được xác định quanh khu đền. Cũng giống như các ngôi chùa, đền ở các nước theo Phật giáo nguyên thủy, khi vào đền Maya Devi, khách viếng phải đi chân trần. Gọi là đền, chứ thật ra chỉ là không gian tạo bởi bốn bức tường sơn trắng rộng cả trăm thước vuông. Điểm nhấn chính là viên đá khắc bàn chân nhỏ, đánh dấu vị trí Đức Phật sinh ra. Tương truyền, viên đá này cũng do vua Ashoka, người trị vì ở Ấn Độ giai đoạn 273 – 232 trước công nguyên, từng viếng thăm nơi này và cho người đánh dấu lại.

Đền Maya Devi. Ảnh Th.L

Do mới được phát hiện 120 năm, nên Lumbini sau bao biến động thương hải tang điền, chẳng còn nhiều di tích nguyên vẹn. Nửa thế kỷ trở lại đây, có nhiều nỗ lực đưa Lumbini trở thành một trung tâm văn hóa Phật giáo như quy hoạch tổng thể xây dựng các ngôi chùa, đại diện cho các quốc gia theo Phật giáo. Các ngôi chùa theo Phật giáo nguyên thủy được bố trí phía Tây. Còn các chùa theo Phật giáo Mahayana nằm ở khu Đông. Ranh giới giữa khu Đông và Tây là một con kênh. Khá nhiều chùa thuộc hai khu vực Đông – Tây đang trong tình trạng xây dựng dang dở, kể cả chùa Việt Nam Quốc tự Lâm Tì Ni của thầy Thích Huyền Diệu. Nếu có nhiều thời gian, bạn nên ghé thăm hết các chùa, để có cái nhìn sơ bộ về văn hóa Phật giáo ở từng quốc gia. Trong khu Tây, đối diện chùa Trung Quốc là chùa Hàn Quốc. Bên trái của Trung Quốc là chùa Đức, rồi Pháp. Những cái tên đến từ châu Âu ấy khiến tôi lộ tính hiếu kỳ. Vào khuôn viên, nhìn trang trí các bảo tháp và ảnh các vị Lama trong chánh điện, có thể đoán ra các chùa này chịu ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng.

Rời Lumbini sau một tối ngủ an lành trên đất Phật, tôi tiếp tục hành trình đã chọn. Điểm đến kế tiếp là Chitwan. Cả con đường 120 cây số hôm ấy vắng đến lạ. “Bạn sẽ chứng kiến banda, nhưng yên tâm đi, khách du lịch không sao”, người tài xế cố gắng dùng vốn tiếng Anh phổ thông để giải thích nghĩa của từ banda. Sau vài lần bị quân đội chặn xe, tôi cũng hiểu ra, banda là cuộc đình công do các đảng chính trị tổ chức.

Ánh mắt dò hỏi của người biểu tình hay sự thản nhiên giữa chốn đông người của vị sư khất thực ở Kathmandu suy cho cùng cũng là sắc màu phong phú, đa dạng của cuộc sống. Những gương mặt ấy trôi miên man trong ký ức tôi, trên nền âm thanh gõ trống thình thình giữa trưa nắng của một vị sư già người Nhật trên đỉnh đồi ở Pokhara. Xen giữa các nhịp trống là tiếng Namo mà âm ô kéo dài rồi lịm nhưng chẳng tắt. Cứ như mối duyên nghiệp nào đó dùng dằng chẳng muốn dứt.

Bài và ảnh Thập Lý

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.