Một chuyến thăm bản lề

 00:12 | Thứ hai, 30/05/2016  0

Không phải là chuyến thăm lịch sử...

Nhìn theo chiều rộng và chiều dài quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ, đây không phải một sự kiện lịch sử như việc Hoa Kỳ chấm dứt cấm vận đối với Cuba sau hơn nửa thế kỷ và ông Obama tiến hành chuyến thăm Cuba đầu tiên của một tổng thống Mỹ từ sau khi cách mạng Cuba thắng lợi; hay là việc đạt được thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân.

       
        Bà Tôn Nữ Thị Ninh

Trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, bước ngoặt lịch sử đã xảy ra cách đây hơn 20 năm khi Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam (tháng 2.1994) và tuyên bố bình thường hóa quan hệ với nước ta (7.1995). Và chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam là của Bill Clinton - Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam tháng 11.2000. Sau đó, Tổng thống George W.Bush đã đến nước ta năm 2006 nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao APEC.

Như vậy, ông Barack Obama là vị tổng thống Hoa Kỳ thứ ba đến Việt Nam. Phải chăng có nên xem chuyến thăm này như một chuyến thăm “bình thường”, thường lệ đến một nước thành viên ASEAN, tổ chức khu vực Đông Nam Á mà chính quyền Mỹ coi trọng thể hiện qua việc lần đầu tiên đăng cai Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN tại Sunnylands, California, tháng 2.2016 vừa qua? Cần nhớ rằng trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama đã hai lần đến những nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Myanmar...

Mặt khác đây cũng không phải là một chuyến thăm “truyền thống” đến những đồng minh thân cận như Nhật, Hàn Quốc, Úc nhằm tái khẳng định, củng cố quan hệ đồng minh. Mà cũng không đơn thuần là một chuyến thăm “xã giao”, đáp lễ chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama tại lễ đón chính thức, 23.5.2016. Ảnh AFP

Vậy nếu chuyến thăm của Tổng thống Obama không thuộc hẳn một trong các dạng nêu trên thì Việt Nam chúng ta nên nhìn nhận sự kiện này như thế nào?

Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ cuối cùng của một vị Tổng thống Hoa Kỳ, vị đứng đầu Nhà Trắng không ít khi cân nhắc những quyết định và hoạt động của mình với ý thức, dụng ý để lại dấu ấn, di sản cho tương lai. Những quyết định liên quan đến Cuba và Iran vừa qua hoàn toàn nằm trong logic đó.

Vậy liệu đây có là một chuyến thăm với dụng ý tạo dấu ấn định hướng cho tương lai quan hệ hai nước?

Tôi cho rằng quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vừa có đủ tính chất riêng đặc biệt vừa đã đạt đến ngưỡng độ chín để có thể khẳng định trong điều kiện bình thường mỗi vị tổng thống Mỹ rồi cũng sẽ thăm Việt Nam.

Obama tham Viet Nam qua ong kinh nhiep anh gia Nha Trang hinh anh 9

Người đứng đầu Nhà Trắng rạng rỡ nhận bó hoa từ bé Vũ Phạm Phương Linh - đại diện cho thiếu nhi Việt Nam trong lễ đón tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Pete Souza

Dưới con mắt của cộng đồng quốc tế, cộng đồng khu vực (ASEAN) và các cường quốc, Việt Nam là một nước cỡ trung có một trọng lượng địa chính trị đáng kể (geopolitical critical mass). Với sự phát triển kinh tế tương đối cao và ổn định, mạng lưới quan hệ năng động và thuận lợi với hầu hết các nước trên thế giới và trong khu vực và hoạt động ngoại giao nhìn chung khôn khéo dựa trên hai phương châm là cân bằng linh hoạt và thực tế, biết dung hòa lợi ích chung của tổ chức với lợi ích quốc gia trong ASEAN, nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thành viên các thể chế đa phương và nay đã bắt đầu giữ vai trò chủ động hơn và tích cực hơn, chẳng hạn như việc bước đầu cử một số sĩ quan tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Nói cách khác, việc người đứng đầu cường quốc số một thế giới tới Việt Nam là hoàn toàn hợp lý và tự nhiên.

Nhưng cũng không đơn giản là một chuyến thăm “bình thường”

Quan hệ Việt - Mỹ không hẳn là quan hệ song phương “bình thường” như hầu hết quan hệ song phương khác vì quá khứ sóng gió giữa hai nước - thậm chí có thể nói rằng quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cựu thù Hoa Kỳ và Việt Nam - với vai trò đầu tàu của những cựu chiến binh thuộc hai chính đảng Mỹ như hai Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain và Hạ nghị sĩ Pete Peterson, vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam, là một quá trình độc đáo, nếu không nói là vô song trên thế giới. Cho nên quan hệ Việt - Mỹ mang một tính chất biểu trưng đặc biệt. Từ đó, hai mươi năm qua mối quan hệ giữa hai nước đã đơm hoa kết trái, mở rộng và đi sâu một cách ngoạn mục, dung nạp, “bình thường hóa” được những mối quan tâm nhạy cảm của mỗi bên là nhân quyền và hậu quả chất độc da cam, một trong các biểu hiện về tính chất chín muồi của quan hệ hai nước.

Tổng thống Mỹ Obama bộc lộ sự thân thiện, năng động khi giao lưu hơn 1 giờ đồng hồ với các thành viên Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân - Zing

Trong xu thế trên, không thể không nhắc đến một nhân tố đặc thù góp phần ý nghĩa và ngày càng năng động vào quan hệ song phương là cộng đồng gốc Việt hơn hai triệu người năm 2015 đã góp 7 tỉ USD kiều hối vào nền kinh tế Việt Nam.

Sau 41 năm, cộng đồng gốc Việt là một trong những cộng đồng gốc Á hội nhập nhanh nhất, thành công nhất tại Hoa Kỳ, với nhiều tên tuổi thành đạt trên hầu hết các lĩnh vực từ khoa học công nghệ (như GS. Trịnh Xuân Thuận - nhà thiên văn học nổi tiếng hay ông Phạm Thuận - giám đốc công nghệ của tập đoàn Uber), giáo dục (như bà Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Foothill, California) đến kinh doanh (như ông Sonny Vu, lãnh đạo Công ty Misfit Wearables hay nữ doanh nhân trẻ, ngôi sao trên mạng youtube Michelle Phan) và công quyền (như bà Jacqueline Nguyễn Hồng Ngọc - Thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang gốc Á đầu tiên tại Hoa Kỳ). Và chính tại Việt Nam, các doanh nhân Mỹ gốc Việt đứng hàng đầu trong số hơn 3.500 doanh nghiệp “Việt kiều” đã được thành lập với tổng vốn đầu tư 8,4 tỉ đô la Mỹ.

Nói cách khác, quan hệ Việt - Mỹ đã đi vào giai đoạn tích cực ổn định, nhiều hướng và tầng nấc, toàn diện, còn có thêm màu sắc riêng - khác với các nước ASEAN khác - của di sản quá khứ cùng vượt qua và hứa hẹn vô cùng to lớn, phong phú và sáng sủa của tương lai giao lưu hợp tác giữa hai nước.

Và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khu vực nhiều đổi thay và thách thức

Những đổi thay và thách thức nghiêm trọng đó đều xuất phát từ cách thức Trung Quốc trỗi dậy, chủ động đơn phương xác lập - nói cho đúng hơn là áp đặt - lợi ích quốc gia của mình, bất chấp các nước trong khu vực; bằng những hành động áp đặt như việc đã rồi, phá vỡ nguyên trạng, quân sự hóa vùng Biển Đông thành một sân sau của Trung Quốc, thách thức các cường quốc khác trong khu vực. Tình hình này là mối đe dọa trực tiếp và gián tiếp đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh ổn định, độc lập tự chủ của Việt Nam.

Do vậy cũng có thể có quan điểm hoặc mong đợi của một số người cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần chọn siêu cường số một làm đồng minh như đối sách hiệu quả nhất trước tình hình trên.

Quan điểm của tôi khác:

- Việt Nam nên tiếp tục đường lối không liên minh an ninh với bất cứ cường quốc nào. Nhưng Việt Nam cần khẳng định quyền tối cao của một quốc gia là theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, chỉ lấy lợi ích quốc gia tối thượng và hòa bình thế giới làm kim chỉ nam.

- Việt Nam nên tiếp tục vừa mở rộng và củng cố mạng lưới quan hệ, đặc biệt với các nước trong khu vực, vừa đưa quan hệ với những cường quốc như Ấn Độ, Nhật Bản, và nhất là Hoa Kỳ lên một tầm chiến lược, qua đó tạo một thế đứng vững chắc hơn cho nước ta và cùng các nước trong khu vực và liên quan đến khu vực bày tỏ thông điệp đồng thuận rằng trong thế kỷ XXI Biển Đông không thể biến thành sân sau của bất cứ ai.

Các nước lớn và nhỏ đều có lợi ích liên quan đến an ninh, tự do hàng hải và việc tuân thủ luật pháp quốc tế theo phương thức đa phương chứ không do một bên tự áp đặt cho mọi bên còn lại. Không nên lẫn lộn - cố tình hay vô tình - yêu cầu quan trọng này với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Chung quy lại, xét theo các giác độ khác nhau, chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam tuy không phải là một chuyến thăm lịch sử (theo nghĩa đen) nhưng hoàn toàn có thể là một chuyến thăm bản lề cho quan hệ hai nước, cho Việt Nam và cho khu vực.

Tôn Nữ Thị Ninh

» TP.HCM: Người dân nồng nhiệt chào đón Tổng thống Obama

» Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam

» Giáo dục khai phóng sẽ dẫn dắt đại học Fulbright Việt Nam

» Đi tìm thiết kế kinh tế cao cấp

» “Nâng sức hút nội lực để hấp dẫn các công ty Hoa Kỳ”

» Toàn văn bài phát biểu của ông Obama trước 2.000 người ở Hà Nội

» Những ngày ông Obama thăm Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia Nhà Trắng

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.