Đỡ hơn trước nhiều lắm!
Kết quả được ghi nhận từ cuộc khảo sát 200 hộ dân ảnh hưởng trực tiếp (thuộc diện tái định cư) từ các dự án do công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và đối tác đã và đang triển khai, 100 hộ dân không bị ảnh hưởng trực tiếp và 200 chuyên gia có kinh nghiệm và hiểu biết về công cuộc phát triển khu vực phía Nam thành phố. Đề tài do PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, ủy viên hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố, trưởng khoa đô thị học trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cùng các đồng sự tổ chức thực hiện.
Mức độ hài lòng và cuộc sống hiện tại
Trong vòng bảy tháng (tháng 2-7.2014), ông Hoà và 20 đồng sự đã thực hiện khảo sát, đánh giá những thành tựu và hạn chế của việc phát triển vùng đất phía Nam thành phố với nhiều tiêu chí khác nhau liên quan đến kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường.
Theo đó, về nhà ở kết quả điều tra cho thấy 74% hộ dân ở khu vực này cho biết nhà ở của họ bây giờ tốt hơn xưa rất nhiều.Trong đó, nhà kiên cố tỉ lệ là 35% (so với trước là 2,5%), nhà cấp ba là 7% (trước là 3%), nhà cấp bốn là 57% (trước đây 42,5%) và nhà tạm bợ chỉ còn 1% (trước đây 52%).
Đánh giá về điều kiện sống
Mấu chốt của cuộc khảo sát là nghe người dân đánh giá về điều kiện sống họ đang thụ hưởng, như: nhà ở, giao thông, cấp nước sạch, điện, chất đốt, môi trường nói chung, thu gom rác thải, thoát nước vệ sinh… Ông Hoà cho biết, đa số người dân khi được khảo sát chung bộc bạch: “Đỡ hơn trước nhiều lắm”. Điều này thể hiện qua con số đến 80% người dân thuộc diện tái định cư không bỏ đi mà ở lại để an cư lạc nghiệp.
Con số đó còn được lý giải bởi người dân cảm nhận được những đáp ứng tối thiểu cho cuộc sống hàng ngày của họ. Trong đó, về thiết bị mua sắm những năm gần đây của hộ gia đình thuộc diện chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhà đầu tư, 32,5% hộ dân có máy lạnh, 23% có máy tính xách tay, 22% có máy tắm nước nóng sử dụng điện, 27% có máy vi tính để bàn, 9% có máy hút bụi, 8,5% có máy nước nóng năng lượng mặt trời, 2% có xe hơi, 89,5% có tủ lạnh, 98,5% có tivi, 94% có xe máy, 60% có máy giặt, 44% có điện thoại bàn, 97% có điện thoại di động… Đặc biệt, đa số (89,5%) các hộ dân ở Nam Sài Gòn có nhà vệ sinh tự hoại. Tiêu chí này, theo ông Hoà “là một con số có ý nghĩa khi nói về văn minh đô thị”.
Nắng sớm - Ảnh: IPC
Kết quả điều tra cũng cho thấy 50% hộ dân ở đây hài lòng với cuộc sống, 18% rất hài lòng, 26% vừa lòng vừa phải, 5% không hài lòng và chỉ 1% hoàn toàn không hài lòng (khảo sát nhóm người dân chịu ảnh hưởng từ các dự án).
Kết quả điều tra cũng cho thấy 50% hộ dân ở đây hài lòng với cuộc sống, 18% rất hài lòng, 26% vừa lòng vừa phải, 5% không hài lòng và 1% hoàn toàn không hài lòng (khảo sát nhóm người dân chịu ảnh hưởng từ các dự án).
Đánh giá của người dân về cơ hội việc làm của mình sau 25 năm sống ở Nam Sài Gòn như sau: 94,6% cho rằng cơ hội việc làm nhiều hơn nhưng mức độ cạnh tranh cũng gay gắt hơn. 38,6% thanh niên địa phương cho biết mình bị “bỏ bên lề” vì không có khả năng thích nghi, 86% thì cho là đời sống được cải thiện nhưng bất bình đẳng cao hơn, 71,6% cảm thấy đời sống tinh thần mệt mỏi…
“Không đẩy dân ra rìa”
Theo ông Hoà, đáng ra công việc khảo sát này phải được tiến hành sớm hơn bởi, đây là nơi tiên phong trong nhiều chuyện, như: khu chế xuất, nhà kiểu mẫu… Đã vậy, chưa có khu kinh tế nào xuất hiện nhiều như Nam Sài Gòn trong ý kiến, dẫn dụ của lãnh đạo Nhà nước (chỉ tính từ cấp bộ trở lên là 117 lần xuất hiện – thống kê sơ bộ của ông Hoà). Việc có thêm những khảo sát chuyên biệt hơn, từ đó đưa ra thêm những số liệu, thông tin là rất cần thiết để các nơi có thể học tập mô hình này. “Nam Sài Gòn là hình mẫu thành công về nhiều phương diện, trên nhiều cấp độ. Nghiên cứu xã hội học này chỉ là bổ sung thêm một cứ liệu mang tính định lượng nhằm làm sáng tỏ hơn những nhận định trước đó”, TS. Nguyễn Minh Hoà chia sẻ.
Mức sống hiện nay so với trước khi có dự án triển khai ở vùng Nam Sài Gòn
Nguyên là tổng giám đốc IPC từ năm 1989 đến 2005, ông Phan Chánh Dưỡng tỏ ra xúc động với những số liệu trên. Ông Dưỡng cho rằng, để làm được như vậy phải vô cùng cám ơn dân Nhà Bè và lãnh đạo ở đây. Ông rút ra mấu chốt: “Phát triển một vùng kinh tế bằng cách nào đi nữa thì người dân ở đó phải được hưởng lợi nhiều nhất chứ không phải đẩy người ta đi, lấy đất để mình làm doanh nghiệp. Tạo hồn cho một đô thị mới là tạo văn hoá, thói quen, tạo ra những không gian cộng đồng, xây dựng một không gian sinh tồn mới chứ không phải kéo dài đường, xây cao nhà …”. Chia sẻ quan điểm đó, TS. Huỳnh Thế Du, giám đốc chương trình thạc sĩ chính sách công (chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), cho biết con số 80% người dân tái định cư chấp nhận ở lại là con số ấn tượng. Bởi trong khảo sát của ông về cảm nhận chất lượng sống của các hình thái đô thị tại TP.HCM, có tới 50% số người có ý định di chuyển tới nơi khác sống, trong đó dù là ở các đô thị mới thì cũng chỉ có 60% số người muốn ở lại. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những nhân tố có thể tác động đến đời sống người dân ở đây cần được nghiên cứu sâu hơn đó là ngập nước bởi biến đổi khí hậu, “điều này xuất phát từ điều kiện địa lý của thành phố nói chung và khu Nam nói riêng”.
Đánh giá về môi trường sống đô thị
Ông Nguyễn Văn Trường, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết sở dĩ dân an cư ở Nam Sài Gòn vì đã được ứng xử rất nhân văn. Trong việc tổ chức tái định cư cũng cần tính đến việc thay đổi thói quen, nếp sống của họ. “Thay vì giao nhà, tụi tui đề nghị và quyết định giao đất nền cho người dân. Anh Phan Chánh Dưỡng còn tính toán kỹ hơn khi gia đình nào có đông con thì giao hai, ba nền bởi mai kia con cái họ lớn cũng cần có cái nền để cất nhà, có chỗ an cư thì mới lập nghiệp được”, ông Trường chia sẻ.
Đánh giá về văn minh đô thị
Trọng Văn