Tôi rất mệt. Mệt tới độ phải nằm dài trên băng ghế giữa công viên nhìn trời. Nhưng tôi không hề hối hận cho chuyến đi. Nằm trên băng ghế nhìn lên cao, thả tâm trí bay bay qua những tán cây tôi thấy trên kia đẹp một kiểu rất thảnh thơi và an lành. Mà dưới này thì cái đẹp cam go và khốc liệt. Người cha đó sống kiểu gì vậy?
Nói bao nhiêu cũng không bằng hình dung về một ngày nào đó tự nhiên trong nhà chúng ta có một đứa trẻ cứ quay ngang bẻ móng chân nhai, hoặc cắn chảy máu chân rồi nhìn máu chảy mà không hề hoảng sợ. Một đứa trẻ tăng động thiếu tập trung. Chỉ cần có một đứa con như vậy chúng ta như có cả một quãng đời cận tận thế. Người cha ấy lại sinh đôi ngay hai đứa trẻ chẳng còn biết sợ gì trên đời.
Lúc mới tới công viên tôi chỉ nể người cha đó về cách dạy một cô bé Thùy Dương biết tự trọng, tự tin, ham học hỏi, viết văn giỏi và dám nhìn vào mọi sự thật. Chừng nhìn thấy hai thằng nhóc chạy lại giật hộp cơm khi tôi đang ăn, lượm rác để vào miệng, la ó cùng bầy kiến, thấy người cha vừa chạy lại xử lý đứa này thì đứa kia đã gây “vụ án” mới thì tôi phải nghĩ tới chữ phi thường. Nụ cười vẫn nở, niềm tin về một ngày nào đó những đứa con “chọc trời khuấy nước” kia trưởng thành và hoàn thiện vẫn cháy sáng. Niềm tin có được từ đâu?
Mỗi ngày trên Facebook tôi bị anh ta réo tên tám chục bận cho những bài viết mô tả về hai thằng nhóc quậy tưng bừng hoặc những video quay cảnh đời thường rất là thất thường của tụi nó. Tôi nghĩ hình như anh ta tự kỷ. Nhưng sao tôi không thoát khỏi con người phiền phức đó. Cái sự phiền phức chứa đựng cả kỳ công. Như một kiến trúc sư đang kỳ công gầy dựng từng viên gạch cho một công trình dài đăng đẵng. Anh ta đơn độc với đống đổ nát chỏng chơ và bén ngót. Mỗi viên gạch mang một sức nặng hủy diệt đã làm sự đơn độc tăng lên.
Cái tôi nhìn thấy là một người đang bị biến chất và anh ta cũng biết mình bị biến chất. Nhưng con người biến chất đó mang một niềm tin lớn lao: “Một ngày nào đó lớn lên, nó thành người này nọ, nhớ lại nó từng giật cơm của nhà văn ăn, ký ức đẹp đó chị”.
Một trẻ tự kỷ xem ảnh mình tại triển lãm ảnh ở Hà Nội về người tự kỷ ở Việt Nam và trên thế giới của Debbie Rasiel - một nhiếp ảnh gia có con tự kỷ. Ảnh: Doãn Đức
Một dáng người biến chất bởi nghịch cảnh đẹp lồng lộng. Anh ta tự giễu mình là người đàn ông nhan sắc. Tôi cũng gọi theo “người cha nhan sắc”. Nhưng cái “sắc đẹp” của người cha đó là có thật.
Tôi thường tiếp xúc với những đứa trẻ tăng động thiếu tập trung, cảm nhận các bé tuy đã lên ba, lên năm, thậm chí lên mười nhưng não bộ chưa đủ chín tháng mười ngày. Những đứa trẻ bình thường khi chào đời trí não đã cứng cáp trong hình dạng rất rõ ràng và cứ thế nó lớn dần lên. Những đứa trẻ tự kỷ thể tăng động hay thụ động thì như cục bột nhão nhoẹt, chèm bẹp và khối bột đó cũng lớn dần lên.
“Cục bột” không hề cứng theo năm tháng. Nếu mẹ cha bao bọc, che chắn trong hoang mang sợ hãi, “cục bột” càng nhão, càng lầy lụa và có khi nhiễm cả nấm mốc hoặc tự hoại. Nếu mẹ cha không bảo bọc, thả nó hồn nhiên lớn, hồn nhiên sống, nó bị những mưa nắng cuộc đời lạnh lùng dội lên, nó khô khốc dần trong một hình thù biến dạng, không phải người, không phải ngợm.
“Người cha nhan sắc” có một lúc hai “cục bột” nhão nhoét. Anh ta vừa nắn nót tỉa tót từng kỹ năng, vừa he hé cho tí nắng tí gió. Cứ thế, mỗi ngày qua vừa nắn nót; vừa phơi nắng, phơi sương; không thừa, không thiếu. Công viên, những mâm cơm tự phục vụ, những cuộc rượt đuổi, những cuộc cắn nhau, những buổi nằm nghe đọc sách, những phút tự tạo đồ chơi đều là để hai cục bột nhão được “tự giải quyết cuộc đời” trong tự nhiên dưới con mắt quan sát tưởng như bỏ mặc của người cha.
Tôi nhớ về một nhà báo với đứa con cũng “nhão nhoẹt” của cô. Lần đầu tiên gặp bé thì bé đã học gần hết lớp một và vô cùng sợ chữ cũng như ghét đi học. Bé không kiểm soát được phần lớn xúc cảm của mình nên đôi khi làm cho người mẹ mất bình tĩnh phải gào thét và mạnh tay đòn roi trong hoảng loạn. Tôi làm hồ sơ chuyển trường cho bé và rút bé về nhà để một mẹ dạy một con. Người mẹ đó cũng nắn nót con từng chút trong nắng gió điều độ. Cũng tập tành cho con tự xử lý tình huống từ cơn đói của mình cho tới tắm rửa và xử lý những cảm xúc tiêu cực vô tình chạm phải. Đứa nhỏ cứng cáp dần trong định dạng một chàng trai trí thức.
Khi chứng kiến những dị biệt của con, hoảng loạn với những dị biệt, người lớn vô thức ngược đãi đứa trẻ bằng những lời ta thán, biến nó trở thành đứa trẻ mang nửa phần khác biệt và nửa phần tổn thương.
Năm năm sau, khi các bạn cùng tuổi ngồi lớp Sáu, chàng trai nhỏ của chúng tôi mới lớp Năm. Nhưng, một lớp Năm khác hẳn. Bé có thể đọc bất kỳ cuốn sách nào. Bé đọc bản thảo và phản biện những hay dở có trong bản thảo cùng nhà văn dễ dàng. Những khi người mẹ nhà báo bận đi lấy tin, nơi mẹ gửi bé là thư viện. Chàng trai nhỏ có thể kiểm soát mọi ham muốn của mình liên quan với những trò chơi điện tử dễ dàng hơn những người bạn cùng lứa rất bình thường khác.
Cũng giống như cô bạn nhà báo, “người cha nhan sắc” chọn cách bắt đầu chăm chút hai “cục bột nhão” bằng cách cho các bé tự xử lý mọi thứ trên đời từng chút một.
Anh nhẫn nại cho con trải nghiệm mọi xúc cảm trên từ ít đến nhiều, trong tầm kiểm soát của anh. Tôi như thấy được vỏ não của các bé cứng dần, định dáng dần.
Tự xử lý mọi thứ từ nhỏ đến lớn một cách từ từ, những đứa trẻ non nớt dưới mức bình thường sớm bình thường và rất nhanh trở thành những đứa trẻ tự lập. Hai đứa trẻ tăng động thiếu tập trung của “người cha nhan sắc” chưa đầy ba tuổi đã có thể phản biện, có thể ví von người thân với những nhân vật trong truyện cổ tích hay có thể tự lau sàn khi làm đổ sữa.
Ngôn ngữ, mùi vị, nắng gió, màu sắc, hình dáng, sự hình dung… Mỗi ngày một ít, người cha đó cung cấp cho con, như người nuôi rễ cho cây. Có cảm giác như người cha ấy chấp nhận kỳ công cho tới ngày mình bạc tóc.
Bạc tóc thật. Nhưng thành quả nó cũng đến cùng những sợi tóc bạc. Một ngày tôi nhìn video anh quay cảnh những đứa trẻ xếp giày ngay ngắn lên kệ, ngồi tự múc ăn, tự đọc sách, tự hát tiếng Anh. Hai chàng trai sinh đôi khác biệt đã trưởng thành vượt hơn cả những đứa trẻ bình thường. Trong khi đó chúng ta chứng kiến quá nhiều đứa trẻ sinh ra bình thường nhưng cha mẹ không ý thức kỳ công cho con độc lập chủ động xử lý tình huống từ đơn giản tới phức tạp, nên khi đã hàng chục tuổi mà vẫn cứ tăng động, thiếu tập trung như một đứa trẻ trong nôi. Những đứa trẻ mãi mãi ở tuổi thôi nôi dù thể xác lên năm, lên bảy, lên mười, thậm chí đôi mươi.
Trong mỗi đứa trẻ luôn có những phần tự tin hồn nhiên và những phần nhỏ tự kỷ. Phần nào nhiều, phần nào ít là do bẩm sinh và đều là bình thường. Những phần tự kỷ hay phần tự tin sẽ phát triển vượt trội là do giáo dục. Làm thay hoặc không làm gì hết đều là vô giáo dục, đều làm cho đứa trẻ mãi non hoặc nó biến dạng thành một đứa trẻ dị biệt. Khi chứng kiến những dị biệt của con, hoảng loạn với những dị biệt, người lớn vô thức ngược đãi đứa trẻ bằng những lời ta thán, biến nó trở thành đứa trẻ mang nửa phần khác biệt và nửa phần tổn thương.
Tôi thường xuyên theo dõi những phụ huynh nuôi dạy con theo phương thức cho đứa trẻ độc lập xử lý mọi tình huống từ đơn giản đến phức tạp ngay từ khi biết ngồi. Trong đó có những Bóng Hói, Bê Lợn tự bốc ăn cả thế giới từ khi mới tám chín tháng tuổi. Chúng trở thành những đứa trẻ tự đi tìm thức ăn khi đói, tự ngồi ăn khi đến giờ, sẽ luôn là những đứa trẻ sớm dạn dĩ, tự tin dẫu hình thức vẫn còn là em bé. Biết tự xử lý những điều đơn giản cho tới phức tạp dần, những đứa trẻ rất mau thích nghi với đa dạng môi trường. Cảm giác tự kỷ thu hẹp dần, cảm giác tự tin và hồn nhiên sẽ mở rộng từng chút.
“Người cha nhan sắc” tới lúc này đã thôi réo gọi tên tôi. Bởi anh đã vượt qua được những tháng ngày gian nan nhất. Hai cậu nhóc bốn tuổi rất ham học, đọc được bảng chữ cái nhẹ nhàng, đã tề tĩnh, biết nói lý lẽ và hẳn nhiên biết thế nào là lẽ phải. Anh ta đã thôi biến chất. Công trình lớn lao đã được định dáng. Không uổng công cho những sợi tóc sớm đổi màu.
Võ Diệu Thanh