Được thành lập chính thức từ niên khóa 2012-2013, Trường Tiểu học - THCS - THPT Bồ Đề Phương Duy (trường Bồ Đề Phương Duy) ở thị trấn Thủ Thừa, tỉnh Long An không xa lạ với dư luận báo chí trong nước, không chỉ do tính chất đặc biệt mà còn do thành tích đáng nể là 7 năm liền 100% học sinh lớp 12 đều tốt nghiệp tú tài, trong đó có nhiều em đậu vào các trường đại học, có em đậu vào các trường top như Bách khoa, Kinh tế…
Nuôi dạy miễn phí cấp phổ thông, tài trợ học phí đại học
Một số em thế hệ đầu tiên nay đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định như Nguyễn Đoàn Liên Huỳnh, tốt nghiệp Đại học Tài chính - Maketing, hiện làm quản lý cho một khách sạn 5 sao, hay Nguyễn Thị Tâm tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Thực phẩm, Bùi Thị Vân tốt nghiệp Đại học Bách khoa…
Học sinh lớp 12 đang học ôn thi trong điều kiện giãn cách để phòng dịch. Ảnh: Anh Kiệt
Việc tài trợ học bổng cũng là một cố gắng rất lớn của Thượng tọa Thích Quảng Tâm và nhà trường. Nguồn tài trợ duy nhất là vận động các phật tử, mạnh thường quân giúp đỡ nhưng hiếm có người đủ sức ủng hộ một suất học phí trên dưới 10 triệu đồng cho một năm học. Vì vậy trường phải vận động nhiều người ủng hộ cho một em. Tình cảnh đặc biệt như vậy nên có em phải lần lượt khất dần đến giữa hoặc cuối năm học.
Hiện nay trường đang tiếp tục bảo trợ học phí cho hàng chục sinh viên đại học, cao đẳng.
Con số 100% học sinh tốt nghiệp không phải là chuyện lạ với nền giáo dục Việt Nam, với các trường công lập đã sàng lọc học sinh theo từng cấp học. Trường Bồ Đề Phương Duy tiếp nhận học sinh hoàn cảnh khó khăn, có cả những em khuyết tật, thiểu năng… Tất cả các em đều sống nội trú tại trường, thiếu sự chăm sóc giúp đỡ của gia đình nên ngay về tâm lý cũng đã thiệt thòi hơn nhiều so với các học sinh phổ thông khác.
Ý nghĩa của tấm bằng tốt nghiệp tú tài với các em cũng cực kỳ quan trọng ngay với các em không thi đỗ vào đại học, cao đẳng thì cũng có cơ hội học nghề hoặc tìm việc làm thuận lợi hơn, đó là hành trang duy nhất để các em vào đời, hoàn toàn tự lực vì không có một sự giúp đỡ nào khác của gia đình, người thân. Tấm bằng ấy là sự bù đắp cho những thiệt thòi, bất hạnh mà số phận đã dành cho các em từ khi mới lọt lòng hoặc từ lúc bé thơ...
Ngôi trường của tấm lòng từ tâm
Kết quả học tập đã nêu là sự kiên nhẫn và tấm lòng thương yêu của nhà trường và những người bảo trợ, mà quan trọng nhất là Thượng tọa Thích Quảng Tâm, trụ trì chùa Long Thạnh, người sáng lập và chủ tịch hội đồng trường. Sự hình thành và phát triển của ngôi trường là kết tinh từ lòng từ tâm, tình thương yêu chia sẻ.
Các em tập thể dục và thực hành thiền mỗi sáng. Ảnh: Anh Kiệt
Nguyên khi thầy Quảng Tâm thụ đắc trụ trì chùa Long Thạnh vào thập kỷ 1990 thì Thủ Thừa vẫn còn là huyện nghèo, nhiều xã vùng sâu rìa đồng Tháp Mười như Long Thạnh, Mỹ Lạc, Mỹ An… vẫn chưa có đường bộ. Nhiều học sinh ở vùng xa ra thị trấn học khó khăn, một số gia đình nghèo hoặc do hoàn cảnh đặc biệt nào đó không thể nuôi con… Cơ sở vật chất của chùa Long Thạnh thời đó cũng còn đơn sơ nhưng có khuôn viên khá rộng, thầy Quảng Tâm đã tận dụng điều kiện đơn sơ hiện có để cho các học sinh trọ học và tiếp nhận nuôi dưỡng một số trẻ bị bỏ rơi.
Từ thực tế đó, đến đầu năm 2000, gia đình cô Trần Kim Chi đã cảm kích và đầu tư xây dựng khu nhà ở khá khang trang, hình thành lên Mái Ấm Kim Chi, đón nhận nuôi dưỡng những số phận thiếu may mắn. Tiếng lành đồn xa, càng ngày, lượng trẻ được gởi gắm nhiều và sự quan tâm hỗ trợ của phật tử và các mạnh thường quân cũng nhiều hơn, năm 2011 thầy Quảng Tâm đã đứng ra thành lập trường Bồ Đề Phương Duy với ba cấp học và phát triển đến ngày nay. Tổng số học sinh hàng năm xấp xỉ 200 em.
Ngay niên khóa 2020-2021 này, trường có 168 học sinh, trong đó 85 cấp tiểu học, 38 cấp cơ sở và 34 cấp trung học.
Phát triển toàn diện văn - thể - mỹ
Tấm lòng thương yêu quảng đại và khả năng tổ chức chặt chẽ, khoa học, thầy Quảng Tâm đã huy động lòng từ ái của xã hội, vun đắp xây dựng ngôi trường tư thục miễn phí với những điều kiện sinh hoạt khả dĩ giúp các em có điều kiện sống ổn định và học tập, sinh hoạt phát triển cả văn - thể - mỹ.
Trường có khu nhà ở khang trang, ngăn cách giữa nam và nữ. Nhà ăn rộng thoáng mát, vừa là nơi tổ chức sinh hoạt tập thể. Có sân bóng đá mini, có thư viện, những phương tiện nghe nhìn căn bản. Nhờ vậy, các em không có cảm giác tù túng, có điều kiện vui chơi, hoạt động thể thao.
Và học võ thuật mỗi buổi chiều. Ảnh: Anh Kiệt
Do hoàn cảnh khó khăn ngay từ lúc mới chào đời nên khả năng tiếp nhận của các em không đồng đều, tâm lý không ổn định, sức tập trung học không cao. Để bảo đảm các em nắm vững kiến thức, thầy Quảng Tâm đã tuyển dụng đội ngũ giáo viên đã qua đào tạo chính quy, nhiều kinh nghiệm. Ngoài các chức danh giáo viên của trường phổ thông theo quy định của nhà nước, thầy Quảng Tâm còn phải bố trí thêm các giáo viên làm giám sinh để ôn bài, tổ chức cho các em ôn tập sau giờ học.
Ngoài chương trình chính khóa, các em còn được học ngoại khóa các môn năng khiếu như thư pháp, đàn ca tài tử, múa lân, võ thuật…
Sân bóng mini giúp học sinh vui chơi thể thao. Ảnh: Anh Kiệt
Thầy Quảng Tâm cũng ý thức việc dạy nghề, đào tạo cho các em những kỹ năng căn bản để có thể hội nhập cuộc sống, có khả năng vừa đi học vừa đi làm khi học Cao đẳng, Đại học. Thầy đã vận động một số doanh nghiệp dạy các em pha chế đồ uống, phục vụ bàn ăn… Một tổ chức từ thiện của Nhật Bản hỗ trợ nhà trường máy may và hướng dẫn nghề may cho các em. Sản phẩm được bao tiêu và tặng quyên góp ở Nhật Bản lấy tiền quay lại ủng hộ cho trường…
Hoạt động của nhà trường đang vận hành tích cực thì đại dịch Covid-19 hai năm qua như cơn bão dữ ập đến, gây những khó khăn nghiệt ngã.
Khó khăn vì đại dịch
Khó khăn lớn nhất, nguy hiểm nhất là bảo vệ sức khỏe của các em trước nguy cơ đại dịch trong điều kiện sống nội trú và vẫn bảo đảm sinh hoạt học tập bình thường. Thầy Quảng Tâm đã thực hiện nghiêm ngặt các quy định giãn cách của ngành y tế. Trong các giai đoạn dịch bùng phát như hiện nay, tuyệt đối không cho người bên ngoài vô khu vực của trường. Do chùa và trường có cùng khuôn viên và lối đi nên Thầy Quảng Tâm ngừng cả việc tiếp nhận phật tử đến cúng viếng chùa. Điều này gây nhiều hệ lụy, trong đó có việc ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn kinh phí ủng hộ của phật tử, mạnh thường quân. Nhưng vì sức khỏe của các em, trường đã tự "bế quan".
Đọc sách, tập viết trong lúc chờ tới giờ ăn. Ảnh: Anh Kiệt
Nghiêm ngặt bảo đảm an toàn sức khỏe, nhà trường vẫn duy trì chất lượng dạy học. Khi chúng tôi đến dù đúng lúc nghỉ hè nhưng trường vẫn tổ chức ôn tập, sinh hoạt theo phương thức giãn cách của ngành y tế. Ngoài lớp 12 học trực tiếp, chỗ ngồi giãn cách, các lớp khác học online. Thầy trò cùng thực hiện đầy đủ biện pháp 5k và được cấp khẩu trang. Hệ thống bồn nước vệ sinh tay, mặt... được thiết kế lắp đặt khắp các khu nội trú và lớp học. Những việc này làm phát sinh thêm không ít chi phí.
Khó khăn lớn hơn là nguồn kinh phí hỗ trợ cho học tập, đời sống của trường bị cắt đứt. Từ khi thành lập đến khi có dịch, một số doanh nghiệp địa phương đã bảo trợ thường xuyên bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của trường, ngoài ra có thêm các khoản ủng hộ đột xuất của người hảo tâm, phật tử. Thế nhưng, sau đợt giãn cách đầu tiên năm 2020, các doanh nghiệp bị lỗ do ngừng hoạt động kéo dài đã ngưng tài trợ. Do bị giãn cách, phật tử không được vô chùa nên lượng đóng góp vãng lai cũng giảm sút nhiều.
Bưa ăn trưa đạm bạc của 168 học sinh với đậu hũ và rau củ. Ảnh: Anh Kiệt
Một số phật tử, mạnh thường quân hảo tâm đã dùng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để kêu gọi ủng hộ cho trường như người chạy ăn từng bữa. Chia sẻ với trường khó khăn hiện nay, chúng tôi hỏi chi phí tối thiểu cho hoạt động bình thường của trường mỗi tháng là bao nhiêu? Thầy Quảng Tâm trầm ngâm trả lời: “Lương giáo viên mỗi tháng 50 triệu đồng. Mức ăn cho các em học sinh trung bình cũng phải 30.000 đồng/ngày nhân với 168 học sinh thì ngót nghét 160 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn chi phí tập vở, đồ dùng học tập...”
Hỏi về cách khắc phục khó khăn trong những tháng qua khi mất nguồn tài trợ, Thầy Quảng Tâm bùi ngùi nói: “Cái gì không cần thiết thì phải cắt giảm nhưng chuyện học hành của các em, lương giáo viên thì phải bảo đảm. Trường cũng đang mở hướng tổ chức sản xuất nước uống đóng chai để có thêm thu nhập”.
Tôi đến trường hai lần trong hai ngày liên tiếp và càng thấm thía phương châm kiên quyết của Thầy Quảng Tâm. Dù đã vào hè, thực hiện giãn cách nhưng sinh hoạt của trường vẫn sôi động. Từ 5 giờ sáng, các em đã dậy tập thể dục, thực hành thiền tập. Từ 8 giờ các lớp nhỏ ôn tập hoặc học online.
Một nhóm sinh viên từ Singapore kết nối mạng hướng dẫn các em chơi trò chơi điện tử Bingo, chơi vận động thể hình. Phần thưởng của trò chơi đơn giản chỉ là một gói snack nhưng các em hứng thú, hớn hở mừng vui khi thắng điểm như một vận động viên lên đến đỉnh Everest.
Xót xa bữa ăn của học sinh giữa mùa đại dịch. Ảnh: Anh Kiệt
Buổi chiều các em học võ thuật hoặc học các môn năng khiếu, ôn luyện tiếng Anh. Thời gian học tập sinh hoạt của các em luôn đầy đặn và sinh động nên không bị ức chế tâm lý vì giãn cách với môi trường bên ngoài.
Khoản cắt giảm lớn nhất hiện nay là bữa ăn của các em. Đến nhà bếp tham quan, tôi không khỏi ngậm ngùi. Chị cấp dưỡng và ba bốn em học sinh trực bếp đang chuẩn bị bữa ăn trưa chỉ toàn rau củ. Thành phẩm bữa ăn trưa cho 168 em chỉ có bốn xoong lưng lưng gồm đậu hũ kho, rau củ xào, giá xào và canh rau loãng. Bữa ăn có khá hơn “canh đại dương”, “nước mắm toàn quốc” của sinh viên đại học trong đầu thập niên 1980 một chút. Nhưng bữa ăn được chuẩn bị rất vệ sinh, rất chu đáo, ngoài phần ăn chính, còn có món tráng miệng là các loại trái cây địa phương như thanh long, xoài, bắp...
Trao đổi với cô cấp dưỡng, được biết thức ăn hiện nay là do các nhà hảo tâm địa phương ủng hộ mỗi ngày. Từ lâu rồi, hiếm khi các em được ăn thịt, thỉnh thoảng có trứng, còn nguồn đạm thường xuyên là đậu hũ.
Cần lắm những tấm lòng thiện nguyện
Ngồi bên hiên nhà ăn chờ đến giờ ăn, tôi trò chuyện với một bé gái mới học lớp 1, cháu rất ngoan, đọc rành rọt những dòng chữ trên quyển sách Hạt giống tâm hồn. Đột nhiên, cháu giương mắt nhìn tôi rụt rè hỏi bằng giọng Bắc lai Nam: “Ngày mai khó lắm hả ông?”.
Tôi không tin ở tai mình là đứa bé 5 tuổi lại hỏi câu hỏi ấy. Nhưng cháu lặp lại lần nữa câu nói ấy. Qua vẻ mặt, ánh mắt của cháu tôi đọc thấy nỗi lo lắng mơ hồ, bản năng của con chim bé nhỏ từng bị trúng tên. Tôi chỉ biết ôn tồn trả lời cháu là không có gì khó cả. Thầy cô rất thương con. Con cứ ngoan ngoãn chăm học, nghe theo lời thầy cô thì không có gì khó cả.
Cháu nhìn tôi thăm dò và chừng như đã tin cậy, yên tâm, chỉ một thoáng sau cháu vui vẻ tung tăng chạy nhảy lăng quăng. Tôi như hiểu và cảm thông hơn tâm trạng của nhân vật Giăng Van-giăng trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo.
Cô bé với câu hỏi: "Mai này khó lắm hả ông?". Ảnh: Anh Kiệt
Trao đổi với Thầy Quảng Tâm về ý định viết báo kêu gọi lòng từ tâm của cộng đồng xã hội hỗ trợ các em, thầy trầm ngâm trả lời: “Nhu cầu của trường thì rất lớn, chi phí sinh hoạt, đời sống, học hành các em tại trường, học bổng cho các em đang học Cao đẳng, Đại học, sách vở, phương tiện học tập… sự giúp đỡ nào cũng quý. Đã có nhiều báo đăng bài và có nhiều đoàn đến giúp ủng hộ vật chất. Điều nhà trường cần là chương trình hợp tác ủng hộ lâu dài, ổn định, thí dụ như đồng tài trợ học bổng cho một vài em nào đó. Có chương trình hỗ trợ nghề nghiệp, giúp các em có thu nhập trước mắt và có nghề nghiệp khi vào đời…”.
Thầy Quảng Tâm chép miệng kể câu chuyện thương tâm, có một em thi đậu đại học đang học dở dang nhưng vì lý do bế tắc nào đó đã tự tử: “Vậy đó! Trong trường dù thiếu thốn nhất nhưng các em được chu cấp những cái cần thiết căn bản, khi lên thành phố tất cả từ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền xe buýt phải tự lo, nếu không có nghề tạo thu nhập các em dễ vấp ngã”.
Học sinh tiểu học sinh hoạt ngoại khóa, chơi trò chơi online với sinh viên ở Singapore. Ảnh: Anh Kiệt
Rời khỏi trường đã mấy ngày qua nhưng câu chuyện của Thầy Quảng Tâm, ánh mắt cháu bé năm tuổi và bữa ăn đạm bạc của 168 em học sinh cứ bám trong đầu tôi không rời. Mong rằng cộng đồng xã hội hãy cùng chung tay đồng hành góp sức với nhà trường, với Thầy Quảng Tâm tiếp sức cho các em, những trẻ bất hạnh ngay từ lúc mới lọt lòng vượt lên số phận. Sự chia sẻ nhân ái này không chỉ là phước lành mà còn là niềm vui, hạnh phúc gieo duyên, hiến tặng.
Trường Bồ Đề Phương Duy không chỉ là nơi cứu giúp những mảnh đời bất hạnh mà còn chính là khoảnh phước điền để mỗi người có điều kiện, cơ hội gieo trồng công đức, thực tập mở rộng lòng thương yêu từ ái. Sự đồng hành, hỗ trợ cho nhà trường là sự hiến tặng cao quý đồng thời cũng là sự tiếp nhận những năng lượng phúc đức tốt lành đang lan tỏa trong khắp cùng trời đất.
Lê Đại Anh Kiệt
Mọi sự giúp đỡ xin vui lòng liên hệ với nhà trường:
- Địa chỉ: 6/115 Nguyễn Trung Trực, thị trấn Thủ Thừa, Long An.
- Email: thichquangtamlongthanhlongan@gmail.com
- Số điện thoại Thầy Thích Quảng Tâm: 0908351082
- Số tài khoản: 6608201001209. CTK: Trường TH-THCS -THPT Bồ Đề Phương Duy, Ngân hàng Agribank, chi nhánh Thủ Thừa, Long An.