Kể từ hôm nay, 1.1.2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực.
Tại Điều 5 của luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm để phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Như vậy, kể từ hôm nay, câu cửa miệng "đã uống rượu bia, không lái xe” sẽ chính thức được luật hóa.
Để giữ khách, nhiều nhà hàng, quán nhậu đã tung các “chiêu” đảm bảo an toàn cho khách đến nhậu, hỗ trợ khách tuân thủ luật giao thông.
Lực lượng CSGT đo nồng độ cồn tài xế. Ảnh: Anh Hào
Đưa khách đã sử dụng rượu, bia về tận nhà
Ông Hoàng Anh Tuấn, chủ hệ thống nhà hàng quán ăn Nhất Nướng Sài Gòn (phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM), cho biết tính từ ngày 2-2-2020, quán sẽ bố trí nhân viên đưa khách đã sử dụng rượu, bia về tận nhà khi có nhu cầu.
Theo ông Tuấn, phụ thuộc vào lượng khách tới quán, sẽ có từ 3 đến 5 tài xế phục vụ và chi phí sẽ phụ thuộc vào quãng đường khách về. “Trong trường hợp khách đi ô tô đến quán mà đã sử dụng rượu bia, chúng tôi sẽ có tài xế lái xe chở khách về. Còn trong trường hợp khách có nhu cầu đi ô tô hoặc xe máy của nhà hàng, chúng tôi cũng bố trí phục vụ khách về nhà an toàn và tuân thủ luật giao thông” - ông Tuấn nói thêm.
Còn theo ông Thanh Tàu, chủ một nhà hàng tại đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TP.HCM, trong thời gian tới, ông sẽ chủ động liên kết với các tài xế xe ôm công nghệ để đưa khách đã sử dụng rượu bia về tận nhà.
“Riêng xe của khách tới quán sẽ được nhà hàng bố trí chỗ giữ xe qua đêm để hỗ trợ khách” - ông Tàu cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo chủ một số nhà hàng quán ăn khác trên địa bàn TP.HCM, việc bố trí tài xế đưa đón khách đã sử dụng rượu bia cũng khá phức tạp, đặc biệt khi khách đi ô tô mà quán bố trí tài xế đưa khách về, nếu xảy ra sự cố hay mất tài thì rất dễ xảy ra xích mích hay hơn thế nữa.
Nhiều nơi còn chờ hướng dẫn
Một lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết đơn vị đã triển khai cho các đội CSGT áp dụng xử phạt các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100/2019 (thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia) từ khuya 31.12.2019.
Theo một cán bộ CSGT Công an quận Gò Vấp, đơn vị này đã áp dụng nghị định này để xử phạt người tham gia giao thông vi phạm.
Cụ thể, tính từ 23 giờ 30 ngày 31.12.2019 đến sáng 1.1.2020, đơn vị đã lập biên bản 5 trường hợp vi phạm đối với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn vượt quy định.
“Các trường hợp vi phạm được lập biên bản đều sử dụng biên bản cũ nhưng áp dụng mức phạt của nghị định mới” - cán bộ này nói thêm.
Còn một cán bộ CSGT Công an quận 2 cũng cho biết đơn vị đã nhận được nghị định mới (Nghị định 100/2019) nhưng tính tới thời điểm hiện tại, đơn vị vẫn chưa áp dụng trong xử phạt người vi phạm khi điều khiển phương tiện giao thông và đang tiếp tục đợi sự hướng dẫn của các đơn vị cấp trên.
Tương tự, một cán bộ CSGT Công an quận Thủ Đức cũng thông tin: Tính đến chiều 1.1.2020, đơn vị này vẫn chưa thể áp dụng Nghị định 100/2019 để xử phạt các trường hợp vi phạm.
“Tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được sự hướng dẫn của đơn vị cấp trên và cũng chưa biết mẫu biên bản vi phạm mới của nghị định có thay đổi không để áp dụng” - cán bộ này lý giải thêm.
Các mức phạt lái xe có nồng độ cồn
Theo Nghị định 100/2019, các mức phạt dành cho các tài xế uống rượu, bia như sau:
Đối với người điều khiển xe đạp:
Phạt tiền 80.000-100.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở.
Phạt tiền 200.000-300.000 đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.
Phạt tiền 400.000-600.000 đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Đối với xe máy:
Phạt tiền 2-3 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).
Phạt tiền 4-5 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.
Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:
Phạt tiền 3-5 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).
Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.
Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Đối với ô tô:
Phạt tiền 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở (Nghị định 46 chưa quy định).
Phạt tiền 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.
Phạt tiền 30-40 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Tự Sang
>> Từ 1.1.2020 cấm hoàn toàn uống rượu bia khi lái xe
>> Luật nghiêm cấm 'ép buộc người khác uống rượu, bia'
>> 'Quốc hội không cho phép lobby dự Luật phòng chống tác hại rượu, bia'
>> 'Thi' uống rượu giỏi: Nỗi buồn 'tửu vương'
>> 'Tôi tiếc về quy định cấm người uống rượu, bia khi lái xe...'