Nhạc sĩ Đức Trí: Gió phiêu du từ miền ký ức

 10:26 | Thứ bảy, 18/03/2023  0
Sau nhiều dự án đĩa than và các đêm nhạc kỷ niệm 25 năm từ khi sáng tác ca khúc đầu tay, mới đây, nhạc sĩ Đức Trí đã giới thiệu tập ca khúc và những câu chuyện 'Tựa như gió phiêu du' (NXB Đà Nẵng và Phanbook phát hành cuối 2022). Đây có thể coi như lời tri ân mà anh gửi đến khán thính giả của mình.

Những giấc mơ hoang

Tự nhận bản thân chỉ xem việc viết ca khúc như một “nghề phụ”, thế nhưng suốt những năm qua, âm nhạc của Đức Trí đã đi cùng với rất nhiều thế hệ những người yêu nhạc. Các bản hit lớn như Ta chẳng còn ai, Khi giấc mơ về, Đêm nghe tiếng mưa… gắn liền với sự thành công của nhiều giọng hát như Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, Phương Vy… đã trở thành mảng ký ức tuyệt đẹp.

Thông thường khi một tác phẩm đến với người nghe, sự thành công thường được quyết định bởi hai yếu tố: phong cách truyền tải của ca sĩ và sự sắp đặt của người phối khí. Do đó, câu chuyện đằng sau những bài hát ấy là những bí ẩn có phần “vô hình” và thuộc về người sáng tác, thường không được kể hay là biết đến một cách rộng rãi.

Do đó thông qua tập nhạc cũng như ghi chép, những chân dung, những bối cảnh, những con người, những câu chuyện… sẽ được tái hiện một cách sinh động. Từ đó, người đọc ẩn mình vào từng câu chữ, vào mỗi nốt nhạc để hiểu và để đi sâu vào tác phẩm ấy.

Cũng như thiết kế của đĩa Nỗi yêu bé dại kết hợp cùng với giọng hát Thùy Chi ra mắt gần đây, tổng phổ của các bài hát trong tập Tựa như gió phiêu du được Đức Trí viết tay. Mang đậm hồn cốt từ những trải lòng thông qua con chữ, khán giả không chỉ cùng đọc, cùng nghe… mà còn trải nghiệm qua nhiều giác quan để đến với các câu chuyện lần đầu được kể.

Gồm 50 ca khúc được xem là những bài hát lần đầu công bố trong gia tài sáng tác hơn 150 bài hát tính đến nay, đây là tập sách có phần khiêm nhường nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, không chỉ đối với nhạc sĩ, mà còn với khán thính giả.

Khởi đầu là ca khúc viết năm 1993 và được lấy tên cho tập sách này, khi Đức Trí chuẩn bị tốt nghiệp Nhạc viện. Đâu đó khán giả vẫn có thể thấy ảnh hưởng của các nhạc sĩ thời kỳ lãng mạn - tiền chiến như Đặng Thế Phong, Lê Thương… lên nam nhạc sĩ. Và do là những thử nghiệm đầu đời, nên đúng hai thập kỷ sau (2013), bài hát này mới được hoàn chỉnh và phối theo kiểu thính phòng trong album của Phạm Thu Hà.

Từ khởi đầu đó, Đức Trí cho ra đời hàng loạt những bài tình buồn gắn với ký ức cá nhân. Xuyên qua biên giới và ở nhiều chiều không - thời gian khác nhau, người nghe cảm thấy như được đồng cảm với những ca từ cũng như giai điệu anh viết nên. Bởi lẽ, cũng như anh nói, bản thân viết nhạc không phải để chúng thành “hit”, để cho bản thân nổi tiếng, nên những bài này như những trang nhật ký về thời đã qua, với các cảm xúc thật nhất và thuần nguyên nhất.

Do đó với lần ngồi xuống để hồi cố này, những câu chuyện đằng sau từng bài hát cũng được tiết lộ. Không nhiều người biết một trong những sáng tác đầu tay - Ta chẳng còn ai thật ra ban đầu có tên Em ơi, còn ai? Ca khúc cũng thuộc vào nhóm được “ủ rất lâu” trước khi ra mắt, do có sự không hài lòng từ lời hát. Tới khi Minh Thuận vô tình bắt gặp và giao lại cho Phương Thanh thì ca khúc này mới có đời sống riêng.

Chi tiết có phần thú vị khác về ca khúc này nằm ở lời hát “ai đã từng khóc vì yêu, xin hãy yêu nhau thật nhiều”, khi thật ra ban đầu từ “khóc” được viết là “khổ”. Cảm hứng để nam nhạc sĩ viết câu này bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo. Và cũng vì phân vân ấy mà cho đến nay “cha đẻ” của nó vẫn chưa coi đây là một tác phẩm hoàn thiện.

Kết thúc của những mối tình như ta đã thấy sẽ luôn trở đi trở lại trong những sáng tác của Đức Trí. Và vì những giấc mơ hoang là những giấc mơ không được gọi tên, nên nó không thật và luôn luôn đẹp. Cảm thức nostalgia (hoài nhớ), vì thế, là thứ thường trực trong các nhạc phẩm của anh.

Nhạc sĩ Đức Trí trong Đêm nhạc “Đức Trí live concert - Hoa nắng tôi” ở Đà Lạt cuối năm 2022. Ảnh: Louis Vũ 


Hoài nhớ

Như Đức Trí chia sẻ, chính nỗi ám ảnh về mặt không gian đã bám suốt anh từ rất lâu rồi, do đó lời hát trong giai đoạn này vẫn luôn chứa đựng rất nhiều hình ảnh về sự xa xôi, về phía bên kia… Và cũng có lẽ bởi chưa trải nghiệm được thứ tình yêu “hoàn toàn”, “thật sự”, nên loạt bài sau đó gắn liền với những “người cũ” đã tạo nên mảng màu đặc sắc trong âm nhạc Đức Trí.

Với H, thiếu nữ mà anh đã gặp trong lúc học nhạc tại Mỹ, chuỗi những bài Để trọn đời thương nhớ, Hôm nay em đến… cho đến Vẫn biết thế, Đừng trách em, Vì em yêu anh hay Ngày tháng còn đó… đều được viết dành cho cô. Đó chính là những suy tư cho thứ tình yêu vô cùng mãnh liệt, để rồi sau đó chỉ còn lại những ký ức không chịu ngủ yên.

Ở nơi Boston xám lạnh và xa xôi đó, nỗi hoài nhớ như một cây thông không hề biến đổi, khiến ta không thể biết rõ là nó đang buồn hay đang vui. Điều này vô tình trùng khớp với những trạng thái có phần chán nản và đầy phức tạp trong tình yêu. Chắc hẳn sự xa xứ, nỗi nhớ nhà, một tình cảm không có đoạn kết… đã kịp thúc đẩy những cảm xúc riêng, từ đó những bản hit lớn đa phần viết ra trong thời gian này.

Ngoài mối tình ấy thì những cuộc tình thoáng qua, những cuộc gặp gỡ không thể ngờ đến… cũng đến rồi đi như cây thay lá, như khi mùa sang, như gió thu về. 

Đó là Mai với Như chưa bắt đầu để “mơ đến thiên đường nơi ấy mai này”, và rồi cuối cùng nhận ra “chẳng có thiên đường bao giờ” của Khi giấc mơ về.

Đó còn là Hà với những kỷ niệm ngay khi bước chân vào nghề, và những ngẫu hứng của Đêm nghe tiếng mưa trên đường đầy bụi đi đến phòng thu, hay Có bao giờ chỉ được viết ra trong 20 phút… Và cũng từ chính sự thấu hiểu này, mà những Và em đã yêu, Giấc mơ chỉ là giấc mơ… đã có sức sống lâu dài.

Một bản nhạc viết tay của nhạc sĩ Đức Trí. Ảnh: Phanbook 


Tách khỏi cảm xúc tình yêu, Đức Trí cũng dành cho mình một góc riêng tư, với những sáng tác dành cho bản thân, như khi anh rơi vào vùng đặc quánh của những nỗi buồn (Bóng mây đời tôi), và rồi nhận ra nó thật nhẹ nhàng trong đời xô bồ (Sáng mưa), từ đó bước đi khỏi và có một khởi đầu mới (Lúc mới yêu)…

Tập nhạc lần này qua đó cũng cho thấy một Đức Trí đa dạng với nhiều dòng nhạc cùng nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Cảm thức hoài nhớ khiến cho bên cạnh nhạc pop hiện đại, thì các yếu tố dân gian cũng sớm góp mặt trong những sáng tác đầu tay. Đó chính là sự giao thoa với nhạc lễ Nam bộ (Sài Gòn quê hương tôi), âm hưởng Bắc bộ (Nắng có còn xuân) hay Tây Nguyên (Giấc mơ xa vời)…

Chân dung một nhạc sĩ trẻ, cống hiến hết mình cho âm nhạc Việt Nam qua đó cũng được thể hiện qua tập sách này. Trong giai đoạn nhạc Hoa, nhạc Hàn dường như nhấn chìm âm nhạc đại chúng, thị trường nhạc Việt tưởng như bị bão hòa thì Đức Trí cùng đồng sự đã đưa một làn sóng mới gồm các dòng như pop/rock/country… từ đó giới thiệu đến công chúng những giọng ca mới, đầy cá tính như Đoan Trang, Phạm Anh Khoa, nhóm MTV… 

Với tập sách này, những kỷ niệm, những gương mặt, những bóng hình… trong âm nhạc Đức Trí đã hiện lên một cách sáng rõ và nhiều ấn tượng. Tựa như gió phiêu du, do đó, vừa là một lời tri ân, nhưng cũng là một chương kết cho khoảng thời gian anh từng có - với âm nhạc, với khán giả và dư âm chung.  

Minh Anh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

#bất động sản cao cấp
*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.