Sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa tại các sân bay, cửa khẩu quốc tế để kịp thời phát hiện những người nhập cảnh có biểu hiện sốt. Ảnh minh hoạ (Nguồn: SGGP)
Bác sĩ Phạm Văn Phúc: Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Không phải tất cả bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều sốt, tuy nhiên, sốt được coi là một dấu hiệu, căn cứ để sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm covid và mức độ sốt cũng sẽ tùy thuộc vào các trường hợp nhiễm bệnh khác nhau, có người sốt rất là cao, có người sốt nhẹ, không sốt.
Có một nghiên cứu trên 7.000 bệnh nhân bị nhiễm COVID-19, có 43,8% bệnh nhân sốt khi nhập viện, nhưng trong quá trình nằm viện, có đến 89% bệnh nhân có xuất hiện sốt.
Nhiệt độ sốt sẽ tùy thuộc vào đo nhiệt độ ở đâu, đo nhiệt độ ở miệng sẽ dao động như sáng trên 37,2 độ gọi là sốt, chiều trên 37,5-37,7 độ gọi là sốt; tùy thuộc vào loại nhiệt kế mình dùng, nhiệt kế thủy ngân hay điện tử thì sẽ chênh lệch nhau khoảng bao nhiêu tùy theo chất lượng nhiệt kế.
COVID-19 còn kèm theo các triệu chứng như: ho khan, cảm thấy mệt mỏi, đau cơ, và trường hợp nặng hơn thì khó thở. Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng có thể có các triệu chứng khác, như: đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, thay đổi khứu giác/vị giác, buồn nôn, tiêu chảy...
Các triệu chứng này thường xuất hiện 4-5 ngày sau khi cơ thể bị nhiễm bệnh và có thể có những người thời gian ủ bệnh dài hơn là 2 tuần hoặc hơn 20 ngày. Một số nghiên cứu chỉ ra là triệu chứng sốt thường gặp nhiều hơn ở người lớn so với trẻ nhỏ, triệu chứng sốt đối với trẻ em chỉ chiếm khoảng 36%, ở người lớn là 86%.
Không có một triệu chứng nào đặc hiệu cho COVID-19, các triệu chứng này có thể giống các triệu chứng cúm thông thường nên chúng ta không thể phân biệt được nếu không có test/xét nghiệm, và một triệu chứng không thể nói lên là bệnh nhân nặng hay nhẹ, chúng ta cần phải theo dõi.
BTV