Cẩm nang phòng, chống COVID-19:

Tiêm phòng cúm mùa có 'né' được virus Corona không?

 14:45 | Thứ ba, 07/04/2020  0
LTS: Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC., Mỹ vừa tổ chức cuộc Trao đổi trực tuyến lần thứ hai với một số bác sỹ chuyên khoa đầu ngành về các biện pháp phòng ngừa và xử lý nếu mắc COVID-19. Các câu hỏi đặt ra và được giải đáp tại cuộc trao đổi này là những vấn đề thiết thân, những kiến thức trực diện với “cuộc chiến” phòng chống đại dịch COVID-19 mà người dân toàn cầu đang đương đầu. Để kịp thời cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cần kíp và bổ ích này, Người Đô Thị sẽ lần lượt đăng tải theo từng nhóm vấn đề trong chuyên mục “Cẩm nang phòng, chống COVID-19” (*).

Tiêm phòng cúm mùa có tác dụng phòng chống Virus Corona không?

BS Nguyễn Thị Hằng - Trung tâm Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Bạch Mai: Cúm mùa xảy ra hàng năm, nhiều người mắc, tỷ lệ tử vong cao (250.000 – 260.000 ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới). Việc tiêm vácxin giúp giảm khả năng mắc cúm, hoặc nếu mắc thì nhẹ hơn, giảm tỷ lệ biến chứng nặng, giảm nguy cơ tử vong.

Vì vậy, khuyến cao là nên tiêm vácxin phòng cúm mùa trong mùa dịch corona để tránh bị tấn công bởi hai loại virus ở cùng thời điểm, đặc biệt là ở phụ nữ có thai, trẻ em 6 tháng – 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch. Toàn bộ nhân viên BV Bạch Mai đã được tiêm phòng cúm mùa từ đầu mùa dịch để bảo đảm sức khỏe và tránh lẫn triệu chứng khi bị virus corona. 

Kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 những hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh minh hoạ (Nguồn PLO.VN)

Virus Corona sống được trong môi trường nào, trên các bề mặt được bao lâu. Có nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra virus sống được trong không khí, hệ thống điều hòa, thông gió. Vậy có nên mở cửa sổ nếu đang sống tại chung cư hay không. Ở các nơi thời tiết lạnh và khô, nhiệt độ phòng nên để ở bao nhiêu độ C và có cần tăng độ ẩm không. Làm cách nào để bảo vệ bản thân khi phải ra ngoài trong môi trường như vậy.

BS Phạm Thế Thạch - Phó trưởng khoa hồi sức, Bệnh viện Bạch Mai: Virus corona tồn tại được trên rất nhiều bề mặt. Trong môi trường không khí, virus tồn tại được khoảng 3h;  trên bề mặt thiết bị bằng đồng thì tồn tại khoảng 4h; trên bìa cac tông từ 8h – 24h; trên bề mặt thép không gỉ khoảng 24h; trên bề mặt nhựa tồn tại tới 72h.

Có nghiên cứu cho thấy virus tồn tại trên bề mặt ngoài khẩu trang đến 7 ngày. Mật độ virus trên bề mặt sẽ giảm dần theo thời gian. Virus này tập trung nhiều ở trong dịch của đường hô hấp, nhất là đường hô hấp trên. Khi ho, hắt hơi, thậm chí thở bình thường cũng có thể phát tán virus.

Virus corona cũng được tìm thấy trong nước tiểu. Virus cũng có thể lây qua đường ăn uống nhưng đây không phải nguồn lây chính.

Virus lây nhiễm nhanh ở các khu vực thời tiết lạnh (nhất là từ 6 -10 độ C) và có độ ẩm cao vì khi đó dịch hô hấp bắn ra không khí chậm bốc hơi, chậm tan. Nhiệt độ khô nóng (từ 30 – 60 độ trở lên) kéo dài sẽ có khả năng diệt được virus. Môi trường thông thoáng cũng giúp giảm lượng vi khuẩn trong không khí.

Có nghiên cứu cho thấy nếu một hành khách mắc cúm đi trên máy bay hắt hơi, thì khoảng 80% hành khách cùng chuyến bay có thể lây nhiễm. Vì vậy tốt nhất nên mở cửa sổ cho môi trường sống, làm việc thông thoáng. Nếu thời tiết lạnh, nên tăng nhiệt độ điều hòa lên. Nếu chiếu đèn tia cực tím từ 30 – 60 phút thì virus H1N1 bị bất hoạt (tiêu diệt) nên cũng có khả năng áp dụng tương tự cho corona virus.

Nếu ra đường thì phải đeo khẩu trang để tránh hít phải virus trong không khí. Khi hô hấp bình thường, dịch hô hấp có thể bắn xa 50cm. Nếu thở mạnh, dịch hô hấp có thể bắn xa hơn 1m. Nếu khi ho thì có thể bắn xa 8m.

Ngoài ra, có thể đeo găng tay, dùng cồn rửa tay 60 độ trở lên để diệt khuẩn, nhằm hạn chế lây nhiễm qua tiếp xúc.

BTV 

Nguồn (*) Bản quyền nội dung câu hỏi và trả lời thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC.
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cách phòng ngừa cúm cho bé hiệu quả

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.