Những người trẻ “chơi” lịch sử

 20:05 | Chủ nhật, 20/08/2017  0

“Chơi” pháo đài và di tích thời chiến

Quốc không ra dáng “nhà binh”. Đầu tóc bình thường, nào phải húi cua. Dáng chẳng cao, chẳng lùn, chỉ ốm nhom, mảnh khảnh. Riêng đôi mắt kính cận thị, đích thị thư sinh. Vậy mà, Quốc đang say mê “súng ống”! Không phải súng nhỏ mà súng lớn, không phải một khẩu pháo mà cả... pháo đài! Trong laptop của anh đang “giấu quân” một loạt pháo đài từ Vũng Tàu đến Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Long An... Từ sách vở và nhiều trang web, anh “nhặt nhạnh” những hình ảnh và sơ đồ pháo đài lớn nhỏ, xây dựng từ thời Pháp.

Không những thế, anh còn săn lùng, chụp hình và vẽ lại chúng từ những cuộc “khảo cổ” một mình. Quốc cho tôi xem hình ảnh những kiến trúc pháo đài sạm đen còn nguyên súng ống rêu xanh và những pháo đài chỉ còn là di tích hoang phế giữa lau sậy. Đặc biệt, có cả ảnh một pháo đài ở một góc sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là ảnh pháo đài nhìn từ trên cao mà anh “săn” bằng được trong nhiều chuyến bay.

Lê Quốc và bản đồ các pháo đài do anh thống kê

Anh còn làm một bản đồ trên nền không ảnh của Google Map, ghi dấu 17 pháo đài xưa xếp thành hình vòng cung phía Tây Bắc và Tây Nam Sài Gòn! Một số pháo đài có ghi năm xây dựng là 1909. Cái danh sách “đồ cổ” thuộc loại “khủng” như thế vẫn đang được Quốc tìm kiếm, bổ túc và lý giải chúng ra đời như thế nào. Gần đây, nghe một người viết sách lịch sử nói rằng người Pháp chú trọng phòng thủ Sài Gòn về phía Đông - phần hướng ra biển thì anh lập tức tìm gặp để giới thiệu tư liệu về 17 pháo đài ở phía Tây. Anh cùng tác giả thảo luận ý nghĩa của hệ thống pháo đài và hẹn nhau cùng đi khảo sát thực địa để có kiến giải mới.

Quốc “chơi” pháo đài cổ từ một lần đi “phượt” ngoại thành. Rồi anh “phượt” tiếp trên internet và khám phá thấy có không ít người có cùng cái “thú” tìm hiểu lịch sử và sưu tầm hiện vật thời chiến trên nhiều lục địa, trong đó có chiến tranh Việt Nam. Những nhà “khảo cổ” dân gian này đến từ nhiều xứ sở, họ chia sẻ không chỉ hoài niệm mà còn là niềm hứng khởi khám phá lịch sử từ nhiều góc độ. Tìm thấy những pháo đài vững chãi mà giờ đây chỉ còn là phế tích, Quốc cảm nhận cuộc chiến đã diễn ra khốc liệt như thế nào.

Qua đó, anh tò mò muốn biết quá trình và cách thức người xưa bày binh bố trận, xây thành đắp lũy. Anh vẫn đang tìm kiếm ý định và cái giá của những công trình phòng thủ kiên cố trong quá khứ. Giờ đây, anh đau đáu câu hỏi về chuyện cần sử dụng những phế tích này trong hòa bình như thế nào. Anh nói với tôi: “Tại sao không có một tour thu hút du khách đi xem các pháo đài một thời oanh liệt nhỉ?”

Phương, một kỹ sư IT say mê chụp ảnh kiến trúc xưa

Quốc không chỉ “chơi” pháo đài, anh còn chú ý đến nhiều di tích khác của thời chiến. Gần đây, trên facebook, anh lập ra một fan page mang tên “Vietnam War Relics” (di tích chiến tranh Việt Nam) để lưu giữ hình ảnh và các câu chuyện một thời khói lửa đau thương. Mới nhất trên facebook này, có ảnh một vỏ bom Mỹ loại lớn còn cắm trên một vỉa hè ở quận Tân Bình. Nhìn bức hình của anh, tôi cảm nhận thêm một tiếng vọng của cuộc chiến đã rời xa hơn 40 năm.

Mấy năm trước, anh tham gia một dự án tổng hợp thông tin cho một trung tâm khắc phục hậu quả bom mìn ở Quảng Trị. Cái thú chơi lịch sử của Quốc nhiều năm nay không còn là “trà dư tửu hậu” mà thật sự trở thành máu huyết của cuộc sống. Đã từng học kiến trúc nhưng anh bỏ ngang để chỉ theo đuổi việc học sử và khảo cổ. Hiện giờ, anh vừa đi làm thiết kế để kiếm sống nhưng đồng thời vẫn đang rong ruổi các ngả đường với chiếc máy ảnh và laptop để thu thập các dấu tích chiến tranh. Quốc dự định sẽ hoàn thành một tập sách về “Vietnam war relics”, dưới góc nhìn của một người mới bước vào tuổi 20.

Chơi nhà cổ và những nhân vật xưa

Quốc còn có “thú chơi” tìm tòi nhà cổ và câu chuyện về những nhân vật xưa. Quốc đã đi “khảo cổ” ở Chợ Lớn, chụp hình nhiều đền đài, miếu mạo. Trong số này, rất đáng chú ý hình chụp các cột chỉ dấu ghi bằng chữ Hán ranh giới các khu người Hoa ngày xưa theo các bang khác nhau như Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông... Anh cho tôi xem hình một số biệt thự kiến trúc Đông Dương của các đại gia thời Pháp trên đất Sài Gòn mà anh “săn” được. Trong đó, có một ngôi nhà khi xưa lộng lẫy nhưng nay đã điêu tàn ở quận 11.

Theo anh, đó là nhà của ông Tư Mắt, còn gọi là Tư Đại Ca. Đây là nhân vật điển hình “trọng nghĩa khinh tài”, từng được cụ Vương Hồng Sển và nhà văn Sơn Nam nhắc đến. Ông là người chỉ huy việc nổi dậy chống Pháp, kêu gọi phá Khám Lớn năm 1916 để giải cứu Phan Xích Long - một thủ lĩnh của phong trào Thiên Địa Hội.

Cái thú tìm tòi nhà xưa, người xưa như thế vẫn đang lưu truyền trong nhiều bạn trẻ tuổi 20 như Quốc. Đó là Bảo Hân, cô luật sư mới ra trường, người gần đây gởi cho tôi một câu hỏi khá bất ngờ: “Chợ Lớn được chúa Nguyễn lập ra hay là người Hoa lập ra rồi chúa Nguyễn hợp thức hóa?” Hân còn hỏi tôi về chùa Cây Mai, đình Tân Thông Hội và nhiều di tích thuở Sài Gòn phôi thai. Đó là những di tích mà cô cùng các bạn tìm thấy trên sách vở và rồi tìm đến thực địa xem bằng được.

Không biết có phải “méo mó nghề nghiệp”, cái cách Hân tiếp cận và tìm hiểu những sự vật xưa thường bắt đầu bằng những câu hỏi, thay vì chấp nhận những định đề có sẵn. Hân kể hồi trung học có bạn đố cô “Đặc sản Sài Gòn là gì?”, cô không trả lời được. Thế là ấm ức, mình sanh ra ở thành phố nổi tiếng về nhiều thứ, trong đó có ẩm thực, vậy mà sao không biết. Cô hỏi ba má “có phải bánh mì Sài Gòn?” Ba má chỉ cười, ba nói thêm: “Bánh mì ở đâu cũng có, bánh mì Sài Gòn có gì khác lạ thì còn phải tìm hiểu tới nữa”. Thế là Hân tìm hiểu “tới luôn” bao nhiêu chuyện liên quan lịch sử Sài Gòn, không chỉ chiếc bánh mì.

Nhóm Cội Việt trao đổi đề tài sự phát triển song sinh Sài Gòn và Chợ Lớn

Một chiều thứ Bảy, Hân inbox cho tôi: “Chiều nay, bọn con đi chụp hình 7 cái thủy cục Sài Gòn trước khi nó trở thành quá khứ”. À, những thủy đài đã hơn 50 tuổi, đang xếp hàng đợi ngày bị phá bỏ. Cảm ơn các bạn, không quên để mắt đến những kiến trúc xưa - có thể là những cột mốc ký ức quý giá, đang bị kết liễu oan uổng hoặc không kèn không trống! Cách đây ba năm, chính những người Sài Gòn, mở đầu là một kiến trúc sư trẻ - Hữu Khoa đã làm thỉnh nguyện thư điện tử đề nghị chính quyền thành phố dừng phá bỏ Thương xá Tax.

Thỉnh nguyện thư chỉ sau một hai tuần đã có hàng ngàn người tham gia. Và qua mạng xã hội, một số lượng đông hơn rất nhiều còn bằng mọi cách viết thư, viết bài đề nghị gìn giữ tòa nhà di sản này. Nhiều bạn trẻ còn đến Thương xá Tax ngay trước những ngày sắp đóng cửa để chụp hình, quay phim. Các bạn cố gắng ghi lại tư liệu về chiếc cầu thang mosaic, không gian buôn bán sang trọng và lịch lãm của thương xá hiện đại đầu tiên của Sài Gòn. Ít nhất trong trường hợp này, tiếng nói gìn giữ di sản ở ngay những người trẻ và các thế hệ khác đã được lắng nghe.

Chỉ là một bài viết ngắn cho nên tôi chưa kể hết được câu chuyện mà tôi biết về những bạn trẻ âm thầm sưu tập sách vở, phim ảnh, bản đồ, di vật. Có những nhóm bạn trẻ như “Cội Việt”, tự làm thư viện, tự làm lớp học và tour để cùng học hỏi về di sản lịch sử, ẩm thực, văn hóa của Sài Gòn và Nam Bộ. Và còn rất nhiều nhóm trên facebook tụ họp cả trẻ lẫn già, tập hợp và trao đổi hình ảnh, kỷ vật, ký ức về những con người và lịch sử nhiều địa phương, nhiều mái trường. Tất cả đều là “hàng hiếm” trong lúc xã hội vẫn đang sôi động chuyện cơm áo, gạo tiền, sôi động chuyện thời sự nhiễu nhương, phiền muộn. Một loại “hàng hiếm” cần hết sức nâng niu.

Chao ôi, trước cái thú chơi lãng mạn và sâu đắm đó, sao mà thèm vô cùng cái tuổi 20 và tình cảm thánh thiện và dũng cảm của các bạn!

Bài và ảnh Phúc Tiến

» Sách sử chỉ đích danh quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam

» Sách giáo khoa... thừa kế

» Ba kiến nghị của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

» Để có sách giáo khoa hay

» TS Bùi Trân Phượng: 'Vì sao cứ nói học sử là để nuôi dưỡng lòng yêu nước?'

» Chân lý mù từ sách giáo khoa địa lý Trung Quốc

» Trong sách giáo khoa Lịch sử, sự thật chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa có mấy phần?

» Lịch sử phải được ghi lại, được giáo dục đầy đủ

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cập nhật sxmb mới nhấtThương hiệu Thế Giới Bida

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.