Chiều cuối thu ngày 18.10.2022, tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm hội họa của nhóm Bạn Bè, gồm năm nghệ sĩ: Phạm Mai Châu, Đoàn Hồng, Nguyễn Văn Kiên, Trần Luân Tín, Lê Văn Thìn.
Gọi là nhóm Bạn Bè, bởi giữa những sắc thái họa cảm khác nhau, mỗi người một âm ba phá cách, thì đồng niên là mắt xích kết nối nhóm nghệ sĩ. Triển lãm Bạn Bè, thực chất, cũng đã có một lịch sử truyền thống lâu đời. Triển lãm Bạn Bè, ban đầu của nhóm họa sĩ với nòng cốt là lớp cuối cùng hệ sơ trung 7 năm học tập tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam những năm 1965-1975, lần đầu được tổ chức vào năm 2000. Sau này, triển lãm mang tên chính thức là Bạn Bè và được tổ chức lưỡng niên, quy tụ mở rộng nhiều họa sĩ tham gia.
Tập thể nhóm Bạn Bè tại buổi lễ khai mạc triển lãm.
Đại diện cho nhóm, họa sĩ Lê Văn Thìn mộc mạc chia sẻ ở triển lãm lần này, các họa sĩ đồng tuế đều đã đạt đến độ chín với nhiều suy tư lắng đọng muốn biểu kiến. Nhưng triển lãm còn có một sự bổ sung thú vị, với sự tham gia của nghệ sĩ Nguyễn Văn Kiên (sinh 1982) đến từ làng gốm truyền thống Bát Tràng. Bạn bè từ chỗ đồng niên, nay đã trở thành vong niên.
Sau triển lãm cá nhân Lắng thành công vào tháng 9.2022, họa sĩ Lê Văn Thìn (sinh 1952) lại quay trở về với không gian ấm cúng quen thuộc của một triển lãm nhóm. Vẫn là sự chiếm dụng không gian lặng lẽ của những bức tranh sơn mài tổng hợp, với lớp phủ epoxy như một thứ trang sức độc đáo khúc xạ làm sáng bừng góc gian phòng triển lãm, nhưng không kém phần thâm nghiêm màu nhiệm của tín ngưỡng dân gian.
Lê Văn Thìn, Thần Siva, sơn mài, 120x160cm.
Đối diện bên kia phòng là khoảng tranh của họa sĩ Trần Luân Tín (sinh 1951). Cùng là sơn mài, nhưng trong lần Bắc tiến này, họa sĩ mang đến những bức tranh tĩnh vật tối giản, hàm súc hướng đến sự im lặng vô ngôn. Chúng tựa những khoảnh khắc công án Thiền, ưu tư mặc tưởng về quy luật thường nhiên của sinh tồn và biến diệt, để rồi thức nhận ra sự sống, hóa sinh biến chuyển luân hồi.
Để đạt đến triết lý “đương hạ tức thị,” dù là ngôn ngữ thi văn, điêu khắc hay hội họa, hẳn họa sĩ cũng phải trải qua một hành trình chứng nghiệm đầy những lắng kết, chắt lọc.
Trần Luân Tín, Tĩnh vật, sơn mài, 100x120cm.
Những bức tranh của Đoàn Hồng (sinh 1960), dù cho là nude hay phong cảnh, dung chứa một bầu khí quyển mướt xanh mang tính độc lạ (exotic) đặc trưng của miền nhiệt đới, bằng chất liệu màu keo/tempera. Những thân thể nữ tính, chứa đựng sự lấp lửng song trùng đặc trưng, tuy phô bầy hình thể nhưng lại vừa mềm mại dịu dàng, vừa e ấp tinh khôi.
Phong cách hòa sắc dịu nhẹ của Đoàn Hồng dẫn dụ người chiêm ngưỡng tranh đến một nơi nghỉ dưỡng an trú cho tâm hồn giữa buổi trưa hè tĩnh mịch.
Đoàn Hồng, Nude và hoa chuối rừng, tempera, 53x80cm
Đoàn Hồng, Nuden và mèo 2, tempura, 78x53cm.
Phạm Mai Châu (sinh 1953) vẫn du hành vào thế giới thâm sâu của gốm. Nhưng ngoài gốm, nghệ sĩ còn giới thiệu các tác phẩm sơn mài nổi, với chất liệu nổi ở đây là gốm trên nền sơn mài.
Tạo hình gốm nổi là một thành tố cấu thành nên kết cấu của tác phẩm, một mặt là điểm nhấn, mặt khác, là sự dụng công khiến cho tác phẩm có thêm một chiều kích mới, để trở thành ba chiều. Sự giao hòa giữa gốm và sơn mài này, chứa đựng những phẩm tính diệu ngộ và huyền nhiệm.
Phạm Mai Châu, Hà Nội phố 1, sơn mài nổi, 90x120cm.
Phạm Mai Châu, Sen 2, sơn mài nổi, 90x120cm.
Câu chuyện về gốm còn được chia sẻ bởi Nguyễn Văn Kiên. Cần phải minh định sáng tác gốm như là một nghệ thuật thay vì nghề thủ công. Một câu hỏi thú vị được một khán giả đặt ra đối với người viết ở triển lãm, rằng liệu tính nghệ thuật trong các tác phẩm gốm nằm ở tính độc bản của nó? Có thể coi nó là một tiêu chí, nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, gốm nghệ thuật, so với gốm xưởng được sản xuất hàng loạt, bất chấp vẫn còn giữ những mối liên kết sâu sắc của nó với truyền thống làm gốm, rõ ràng đã thể hiện tính chất thể nghiệm, tân thời và sáng tạo. Và quan trọng hơn cả, dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ được hiện rõ trên tác phẩm.
Nguyễn Văn Kiên, Hòa quyện, gốm.
Nguyễn Văn Kiên, Hòa quyện, gốm.
Nguyễn Văn Kiên giới thiệu loạt tác phẩm gốm mang tên gọi Hòa quyện. Một nhan đề tưởng như đơn giản nhưng đặt giữa bối cảnh triển lãm Bạn Bè lại gợi dẫn những vấn đề lý thú. Sự hòa quyện ở đây, liệu là giữa những người bạn nghệ sĩ vong niên, giữa tranh và gốm, hay là giữa nét tinh xảo truyền thống, mỹ thuật ứng dụng và hơi thở đương đại trong nội tại của tác phẩm? Nhưng điều thấy rõ nhất ở nghệ sĩ, là nỗ lực siêu vượt khỏi gốm như là một loại hình thủ công thuần túy.
Bạn Bè mở cửa từ ngày 15.10.2022 đến ngày 24.10.2022.
Họa sĩ Lê Văn Thìn sinh năm 1952, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1981, là Giảng viên khoa Tạo dáng Công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội.
Họa sĩ Trần Luân Tín sinh năm 1951, tốt nghiệp hệ 7 năm Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông còn là điêu khắc gia, nhà văn với tác phẩm Được sống và kể lại đoạt giải B Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (không có giải A), đoạt Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.
Họa sĩ Phạm Mai Châu sinh năm 1953, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1981, là Giảng viên dạy Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ hoạ tại Trường Đại học Mở Hà Nội.
Họa sĩ Đoàn Hồng sinh năm 1960, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1984, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Hà Nội.
Họa sĩ Nguyễn Văn Kiên sinh năm 1982, tốt nghiệp Trường Đại học Mở Hà Nội, hiện đang làm việc và sáng tác gốm ở Bát Tràng.
Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)