Nơi những điều tốt nhất đều miễn phí

 09:48 | Thứ hai, 21/07/2014  0

Giáo dục - hàng cao cấp miễn phí

Với 14 trường đại học nghiên cứu và 24 trường đại học ứng dụng, Phần Lan cung cấp hơn 200 khoá học thạc sĩ bằng tiếng Anh. Khoá thạc sĩ ở các trường đại học nghiên cứu gồm 120 tín chỉ, tương đương hai năm học, bao gồm các môn chuyên ngành, môn bổ trợ, môn chung, kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, và luận văn. Khoá thạc sĩ ở đại học ứng dụng thì ngắn hơn, chỉ từ một đến một năm rưỡi, tương đương 60 - 90 tín chỉ, gồm chuyên môn nâng cao, các môn tự chọn và luận văn.

Nhập học bậc thạc sĩ ở Phần Lan không quá khó, nhưng đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo. Ngoài bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành liên quan, sinh viên phải chứng tỏ khả năng tiếng Anh, thường IELTS 6,5 hoặc TOEFL iBT 85 trở lên. Ứng viên cũng cần nộp một bản lý lịch (CV) học thuật, bài luận về mục tiêu học tập, hai - ba thư giới thiệu. Cạnh đó, muốn nhập học các trường đại học ứng dụng, ứng viên cần có ba năm kinh nghiệm làm việc. Thời gian nộp hồ sơ dự tuyển tuỳ thuộc từng trường, nhưng thường từ tháng 11 đến tháng 1 đối với đại học nghiên cứu và tháng 2, 3 đối với đại học ứng dụng.

Tự do học thuật và những “giá trị cộng thêm”

Phần Lan được đánh giá là nơi đảm bảo tự do học thuật tốt nhất châu Âu, cho người dạy lẫn người học quyền tự do bộc lộ ý kiến, tranh luận bình đẳng mà không sợ bị kiểm duyệt hay trả thù; quyền được bảo vệ đến cùng luận điểm của mình; quyền hoài nghi bất cứ điều gì được dạy, được so sánh, đối lập nó với những học thuyết trong lịch sử để tiếp cận chân lý. Với tự do học thuật, nhà nghiên cứu (giảng viên, giáo viên, nhân viên) có quyền tiến hành bất cứ đề tài nào mình quan tâm và kết luận theo dữ liệu khoa học chứ không chịu sự chi phối của ai.

 

Một nghi thức trong ngày lễ Vappu: Tượng tiều phu được tắm rửa và đội nón sinh viên

Tự do học thuật không cho phép quan điểm chính trị, tôn giáo, niềm tin triết học của các nhà chính trị, nhà quản lý hay cộng đồng tác động đến việc học tập, nghiên cứu; và bảo vệ nhà khoa học khi họ phê phán chính sách của nhà quản lý. Nếu cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, giảng viên và sinh viên được quyền khiếu nại và đòi bồi thường. Tự do học thuật cho phép giảng viên toàn quyền đánh giá, cho điểm sinh viên một cách công bằng, nghiêm túc mà không chịu bất cứ sự chi phối nào. Nó cũng cho phép giảng viên được chọn lựa phương pháp, giáo trình, kiến thức… để giảng dạy trong khoá học mình phụ trách… Tóm lại, tự do học thuật đảm bảo khoa học và người làm khoa học được tuyệt đối tôn trọng, và không thế lực nào có thể tác động đến sự thật khoa học hay trù dập người dám nói ra chân lý trái ý sếp.

http://www.studyinfinland.fi/ là cẩm nang tư vấn du học Phần Lan đầy đủ, xác thực nhất. Trang web này sẽ giúp bạn chọn ngành, chọn trường phù hợp, sau đó liên hệ trực tiếp với trường để biết yêu cầu cụ thể nhằm chuẩn bị hồ sơ. Bộ phận tuyển sinh ở các trường Phần Lan đều hồi đáp thắc mắc của ứng viên rất nhanh chóng, tận tình nên các bạn đừng ngại liên hệ với họ mỗi khi cần giải đáp.

Ở tầm vi mô, tự do học thuật cho phép sinh viên tự sắp xếp cho mình một lịch trình học tập hợp lý. Cùng hoàn thành 120 tín chỉ, mỗi sinh viên có thể thiết kế cho mình những thời khoá biểu khác nhau, dù học chung một khoá. Ngoài những môn bắt buộc, sinh viên có thể đăng ký thêm những khoá học mình quan tâm. Đa số các trường đều có trung tâm ngoại ngữ giảng dạy trên 10 thứ tiếng, với đội ngũ giáo viên là người bản ngữ, và tất nhiên hoàn toàn miễn phí.

Các trường đại học Phần Lan đều ký kết trao đổi sinh viên với nhiều trường khác trong và ngoài châu Âu. Sinh viên tham gia trao đổi có thể chọn một trong nhiều chương trình hấp dẫn, trong đó phổ biến nhất là Erasmus. Hình thành từ năm 1987, chương trình trao đổi mang tên nhà nhân văn thời Phục hưng, xuất thân từ Rotterdam (Hà Lan) này hỗ trợ sinh viên đến học ở một nước khác từ 3 - 12 tháng, để thêm trải nghiệm môi trường học thuật quốc tế, tăng cường khả năng giao lưu, thích nghi văn hoá. Trong 27 năm qua, chương trình trao đổi sinh viên Erasmus đã đưa trên 3 triệu sinh viên đi khắp châu Âu trong những học kỳ bổ ích, đáng nhớ đúng như slogan “đổi đời, khai trí” (changing lives, opening minds) của nó.

Và trải nghiệm hiếm có

Bạn đã từng nghe nói đến Bắc cực quang ảo diệu, những đêm trắng mùa hè ở Lapland xa xôi, bầy tuần lộc đáng yêu hay ngôi làng của ông già Noel chính hiệu? Phần Lan chính là nơi cho bạn thấy tận mắt những điều đó.

Điều tôi trân trọng nhất ở những người Phần Lan tốt bụng, trầm lặng và khiêm tốn là tình yêu thiên nhiên giúp đất nước Bắc Âu hiện đại, giàu có này bảo tồn hoàn hảo những rừng thông bát ngát, những hồ nước mênh mông, bầu không khí sạch nhất châu Âu cùng hệ động vật phong phú. Người Phần Lan tôn trọng, hoà hợp và tận hưởng thiên nhiên. Mùa đông thì trượt tuyết, bơi trong sông băng; mùa xuân câu cá trên băng; mùa hè hái dâu, bơi lội, tận hưởng kỳ nghỉ trong ngôi nhà nhỏ ven hồ; mùa thu hái nấm, săn bắn (theo những quy định nghiêm ngặt về sử dụng súng săn và số lượng thú được phép săn)… thời khoá biểu của người dân Phần Lan luôn đầy ắp những hoạt động ngoài trời.

Mùa đông trứ danh của Phần Lan có thể làm chùn chân những ai muốn đến đất nước này. Nhưng với tôi, mỗi lần được chiêm ngưỡng Bắc cực quang, ngắm bông tuyết (bông tuyết cũng có thật, với đủ hình dạng tuyệt mỹ) lấp lánh trong nắng, được sảng khoái trong phòng sauna hay trầm trồ trước những trái dâu chín mọng trong rừng, tôi lại thấy sáu tháng mùa đông ở đây là một cái giá quá rẻ để đánh đổi những điều kỳ diệu này.

Mọi điều tốt đẹp nhất trên đời này đều miễn phí!

Tuệ Nhật, du học sinh tại Phần Lan 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.