Cây tiền tỉ kêu cho không ai lấy, bán không ai mua
Mấy ngày qua ông Trần Văn Chín (90 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) dù tuổi cao nhưng hàng ngày vẫn ra hiên nhà, ngồi nhìn mấy người thợ cưa đang đốn hạ những gốc sầu riêng hơn 10 năm tuổi.
Trong tiếng cưa máy kêu hú đinh tai, ông Chín buồn rầu nói: “Tui có tổng cộng 12.000 m2 đất trồng sầu riêng, đang cho trái rất sung, mỗi năm 1 héc-ta cho thu hoạch khoảng 20 tấn trái. Nếu bán với giá bình quân 50.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta bỏ túi 1 tỉ đồng. Nhưng bây giờ phải kêu người đốn bỏ cả trăm cây, xót ruột lắm”.
Thợ cưa đang đốn hạ những cây sầu riêng hơn chục năm tuổi trong vườn của ông Chín. Ảnh: Thanh Anh
Ông Chín kể, suốt mấy tháng hạn mặn khốc liệt đầu năm nay, nước trong các con mương vườn đều cạn khô, trong khi cây sầu riêng đang rất cần nước tưới vì ở thời điểm đang xử lý ra hoa, đậu trái. Để cứu vườn cây cho thu nhập bạc tỉ, ông Chín bỏ ra hàng chục triệu đồng mua nước ngọt với giá 50.000 - 100.000 đồng/m3 về tưới chống hạn cho sầu riêng, nhưng không ăn thua.
Đến lúc UBND tỉnh Tiền Giang “mở chiến dịch” dùng sà lan lên thượng nguồn sông Tiền đưa hơn 800.000 m3 nước ngọt về hỗ trợ nông dân cứu vườn cây ăn trái, ông Chín cũng được chính quyền địa phương “chia nước ngọt” cứu vườn sầu riêng. Nhưng dù cố gắng hết mức, cuối cùng ông Chín chỉ cứu được 4.000 m2 vườn, diện tích còn lại bị chết trắng.
Sau khi 8.000 m2 vườn cây đặc sản lâm cảnh vô phương cứu chữa, ông Chín nghĩ: “Thôi thì thua keo này mình bày keo khác”, phá bỏ vườn cây bị chết để cải tạo, trồng mới vườn sầu riêng, ráng chịu đựng 5-7 năm thì sẽ có thu nhập trở lại.
Củi sầu riêng chất đống dọc tỉnh lộ 864, bán với giá 20.000 đồng/m3 nhưng không ai mua. Ảnh: Thanh Anh
“Mấy ngày đầu người mua củi còn thu mua với giá 20.000 đồng/m3, nhưng tui chưa chịu đốn vì nghĩ họ mua rẻ quá. Nhưng sau đó người mua củi không mua nữa, tui đi khắp xóm kêu người ta đến để cho họ đốn miễn phí vườn sầu riêng bị chết đem về làm củi chụm, vậy mà chẳng ai thèm lấy. Túng thế, tui phải kêu thợ cưa cây đem cưa máy vào xử lý vườn cây, tốn thêm một mớ tiền công vì cây nhỏ họ lấy 20.000 đồng, cây lớn lấy tiền công 50.000 - 60.000 đồng, chỉ đốn ngang mặt đất chứ không chịu móc gốc lên”, ông Chín cho biết.
Ở xã Tam Bình, ông Chín chỉ là 1 trong số hàng trăm chủ vườn sầu riêng bị thiệt hại nặng, phải đốn bỏ vườn cây cho thu nhập bạc tỉ. Dọc theo đường tỉnh lộ 864, những thân cây sầu riêng hơn chục năm tuổi được cưa từng khúc, chất thành đống lớn để… bán làm củi mà không ai mua là bằng chứng thuyết phục nhất về thiệt hại nặng nề của mấy ông chủ vườn 1 thời được mệnh danh là “tỉ phú sầu riêng”.
Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, đồng thời là chủ 8.000 m2 vườn sầu riêng đang cho thu hoạch và cũng là nạn nhân của hạn mặn, cho biết toàn xã có hơn 1.600 héc-ta sầu riêng, phần lớn đang cho thu hoạch. Do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, hiện nay hơn 40 % vườn cây đã bị suy kiệt và chết dần do thiếu nước tưới, thiệt hại rất nặng nề.
“Đến giờ này các vườn sầu riêng vẫn tiếp tục bị chết, UBND xã đang khảo sát thống kê, chưa có con số chính xác. Nhưng nếu chỉ tính số thiệt hại là 40 % diện tích thì mùa hạn mặn năm nay các chủ vườn sầu riêng ngay trước mắt đã mất trắng hơn 900 tỉ đồng”, ông Lâm nói. Thống kê của UBND xã Tam Bình cho thấy, toàn xã đang có khoảng 20 doanh nghiệp chuyên thu mua sầu riêng, nhưng mấy tháng qua hầu hết đều đóng cửa vì các nhà vườn không còn trái sầu riêng để thu mua.
“Tình trạng này sẽ còn kéo dài ít nhất 2 năm tới, bởi lẽ những vườn sầu riêng không bị chết thì cũng suy kiệt nặng, nhà vườn phải dưỡng cây 1-2 năm mới dám xử lý cho ra hoa, đậu trái, nhưng năng suất cũng giảm”, ông Lâm nhận định.
Ở xã Tam Bình, nhiều vườn sầu riêng chết khô đang chờ đốn hạ. Ảnh: Thanh Anh
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có hơn 13.500 héc-ta đất vườn trồng sầu riêng, chiếm hơn 14 % tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh, mỗi năm cho sản lượng hơn 277.000 tấn trái. Đến đầu tháng 6, thống kê sơ bộ cho thấy đã có khoảng 4.800 héc-ta vườn sầu riêng bị suy kiệt nặng và bị chết, tập trung ở các H.Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, TX.Cai Lậy. Cây chết, nhà vườn mất trắng hàng ngàn tỷ đồng thu nhập của mùa sầu riêng năm nay, nhưng chuyện xử lý cây chết để cải tạo vườn khiến các chủ vườn phải chịu thêm gánh nặng chi phí khá lớn.
“Cây sầu riêng 9-10 năm tuổi mỗi năm cho thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng, nay cây chết kêu bán làm củi với giá 20.000 đồng/cây mà không ai mua. Kêu cưa máy đốn cây thì cả tuần, nửa tháng họ mới đến vì thợ cưa ít mà nhu cầu của các chủ vườn nhiều. Đốn xong còn phải thuê người móc bỏ gốc cây bị chết, tính chung tiền cưa máy, tiền móc gốc mất khoảng 15 triệu đồng/héc-ta”, ông Nguyễn Văn Tư, chủ 5.000 m2 vườn sầu riêng ở xã Hội Xuân (H.Cai Lậy), ngao ngán nói.
Trong khi đó mấy ông thợ mộc vùng Cái Bè, Cai Lậy thì cho rằng, cây sầu riêng có tuổi đời trên 25 năm mới có thể lấy gỗ đóng tủ, bàn, ghế. Còn hàng ngàn cây đang bị chết thì chất lượng gỗ rất kém, chỉ dùng để làm củi chụm. “Nhưng bây giờ 10 nhà thì hết 9 sử dụng bếp gas, ai lấy củi sầu riêng về làm gì cho chật nhà. Vì vậy chủ vườn bán rẻ, kêu cho không mà chẳng ai mua, không ai lấy là điều dễ hiểu”, ông Tư Châu, 1 thợ mộc, nói.
Sầu riêng, sầu chung sẽ còn tiếp diễn?
Tại Hội nghị Tổng kết hạn mặn 2019-2020 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP.Tân An (tỉnh Long An) hôm 20.6, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo trong những năm tới nhà nông cần phải chọn các loại cây trồng tiết kiệm nước tưới, thích ứng với hạn mặn. Nhưng hầu hết các chủ vườn sầu riêng đang đốn bỏ vườn cây bị chết đều khẳng định là họ sẽ trồng lại cây sầu riêng, dù đây là loại cây cần rất nhiều nước tưới và chịu hạn mặn rất kém.
Theo ông Chín, do đây là loại cây trồng cho “siêu thu nhập” nên nhà vườn không dễ gì từ bỏ. Tuy nhiên, để trồng lại 1 héc-ta vườn sầu riêng thì nhà vườn cũng phải tốn rất bộn tiền. Theo tính toán của ông Lâm, ngoài việc đốn cây chết, cải tạo đất mất 15 triệu đồng/héc-ta, nhà vườn còn phải tốn khoảng 20 triệu đồng để mua 200 cây giống/héc-ta. Sau đó mỗi năm phải tốn thêm từ 15 - 20 triệu đồng/héc-ta cho công chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Một vườn sầu riêng đã bị đốn, nhà vườn vun mô để… trồng lại sầu riêng. Ảnh: Thanh Anh
“Tính chung nhà vườn phải mất hơn 100 triệu đồng để khôi phục lại 1 héc-ta vườn cây 5 năm tuổi. Nhưng cây 5 năm tuổi thì mới bắt đầu cho trái, rất ít. Trong khi đó đối với vườn cây bị chết thì không thể tính thiệt hại trước mắt mà phải tính đến thiệt hại trong 5-7 năm chờ vườn cây trở lại hiện trạng ban đầu. Do đó số tiền nhà vườn bị thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Lâm nói.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong tương lai tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn khốc liệt hơn mùa hạn mặn 2019-2020. Nhưng các chủ vườn bị thiệt hại nhiều ngàn tỉ đồng có lý giải riêng cho việc tiếp tục trồng sầu riêng. Ông Lâm cho biết, khi hỏi thăm vì sao lại chọn sầu riêng để khôi phục vườn thì hầu hết chủ vườn đều cho rằng đây là cây “siêu thu nhập”, nên họ rất hy vọng Nhà nước sẽ có các giải pháp công trình về thủy lợi, ngăn mặn, giữ ngọt để vườn cây đặc sản không tiếp tục bị thiệt hại nặng như năm nay.
“Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân trồng các loại cây ăn trái thích ứng với hạn mặn, nhưng hỏi mấy ông cán bộ nông nghiệp cây đó là cây gì thì tất cả đều không chỉ ra được. Vì vậy nhà vườn đành chấp nhận chơi trò “5 ăn, 5 thua”, trồng lại sầu riêng”, ông Năm Cường, chủ vườn ở H.Cái Bè, nói. Như vậy, có thể thấy trước, không chỉ thiệt hại nặng trong mùa sầu riêng năm nay và mất thu nhập trong 5-7 năm tới, các chủ vườn sầu riêng sẽ có thể tiếp tục lâm cảnh trắng tay nếu vườn cây lại bị khô hạn, nước mặn tấn công.
Tại Hội nghị Tổng kết hạn mặn 2019-2020 Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT cho biết 10/13 tỉnh vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng.
Thanh Anh