GS-TSKH. Phạm Hồng Giang:
Xây dựng hồ trữ nước ngọt ở biển Rạch Giá
ĐBSCL rộng hơn 4 triệu ha, nơi sinh sống của gần 20 triệu đồng bào là vùng đất trù phú và giàu tài nguyên thiên nhiên, là vựa lúa lớn nhất của cả nước và thuộc loại lớn trên thế giới, là vùng phát triển quan trọng về thủy sản và cây ăn trái, là vùng hạ du của dòng sông Mekong lớn thứ 12 về chiều dài và thứ 10 về lưu lượng trên thế giới.
Các cơ quan và các chuyên gia đã và đang lên tiếng về những hiện tượng và nguy cơ đe dọa cuộc sống và sự phát triển của ĐBSCL như lũ lụt, hạn mặn, sụt lún, sạt lở bờ, ô nhiễm, úng ngập… Trong đó, sụt lún, ô nhiễm tạo ra hoàn toàn do các hoạt động phát triển của con người. GS-TSKH. Phạm Hồng Giang (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), phân tích từ những nguyên nhân tác động chính yếu:
Các hiện tượng khác như lũ lụt, hạn mặn, sạt lở bờ… tuy vốn có trong tự nhiên nhưng gần đây trở nên trầm trọng hơn do tác động của con người và biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, hiện tượng sạt lở bờ.
Bờ sông bên lở, bên bồi là hiện tượng tự nhiên do chuyển động của dòng chảy, chuyển động của trái đất, đặc tính địa chất tại bờ… Hiện tượng này trầm trọng thêm là do các tác động nhân tạo như làm các công trình hạ tầng, khu dân cư lấn sông, phương tiện vận tải sông quá lớn và tốc độ quá nhanh, các công trình hộ bờ làm sai… và nhất là khai thác cát tùy tiện.
Về tác động của thủy điện, vào mùa khô ở hạ du bị hạn nặng thì hồ thủy điện tích nước làm cho hạn nặng thêm, còn vào mùa lũ thì đỉnh lũ xuất hiện ở hạ du có thể cao hơn mức lũ tự nhiên do phải chịu thêm nước xả lũ từ hồ mà ta thường kết tội là “lũ chồng lũ”.
Thực ra, nếu thủy điện được vận hành theo quy trình hợp lý kết hợp hài hòa lợi ích cư dân trong toàn lưu vực thì tác hại trên được giảm nhẹ. Đáng lo là những quy trình như vậy chưa có ở sông Mekong và cần khẳng định là chúng ta không được mảy may mơ hồ về chuyện này vì nước sông Mekong đang bị lợi dụng, lũng đoạn từ thượng nguồn vì động cơ xấu.
Hiện nay nhiều ý kiến luôn nhắc đến những đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong như một nguyên nhân quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thay đổi thủy văn đồng bằng. Nếu xem xét vấn đề ở khía cạnh khí hậu, từ xa xưa, ĐBSCL luôn có mùa mưa và mùa khô. Thiếu nước (và tình trạng xâm nhập mặn) vào mùa khô không phải chỉ diễn ra từ khi có các thủy điện đầu nguồn. Những năm gần đây, tình trạng hạn mặn trở nên phổ biến hơn, vậy thực trạng này phản ảnh điều gì, thưa ông?
Hiện ĐBSCL đang trải qua đợt hạn mặn hết sức gay gắt. Năm nay, và trước đó là năm 2016, hạn hán rất nặng nề không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á. Đã có nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân, ngoài yếu tố biến đổi khí hậu còn có những yếu tố nào nữa? Do ở cuối nguồn sông Mekong, nên ĐBSCL càng khó khăn và bị động. Vậy phía thượng nguồn có tác động như thế nào?
Trước hết xin nói về thủy điện. Đoạn sông Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc, còn được gọi là sông Lan Thương, có khả năng lớn về thủy điện. Hiện có 8 đập trên dòng chính ở những nơi xây dựng tương đối thuận lợi gần biên giới phía Nam. Những dự án khác ở những vị trí cao hơn phía Bắc đang được chuẩn bị. Đoạn sông Mekong trên lãnh thổ các nước Thái Lan, Lào và Campuchia có 11 dự án đập trên dòng chính được đề xuất, trong đó 1 đập (đập Xayaburi) đã xong, 2 đập (đập Pak Beng và đập Luang Prabang) đang trong quá trình thực hiện, số còn lại đang được chuẩn bị.
Thủy điện tác động mạnh đến môi trường, ngư trường và lượng phù sa nhưng nếu tuabin vẫn hoạt động thì nước vẫn chảy về hạ lưu. Tuy nhiên trong những tháng mùa khô, lưu lượng dòng chảy nhỏ, mức nước trong hồ thủy điện rất thấp, tuabin hoạt động không hiệu quả nên người ta ngừng vận hành thủy điện để tích nước trong hồ, không có nước về hạ du làm trầm trọng thêm tình trạng khô hạn. Hơn nữa, do không mưa nên về mùa khô, dòng chảy Mekong hầu như chỉ trông vào tuyết tan từ núi cao ở Trung Quốc mà ở đó van nước về hạ du của các nhà máy thủy điện đã bị khóa.
Tiếp theo là việc sử dụng nước sông Mekong, tức là vét cạn dòng Mekong về mùa khô. Các nước phía thượng nguồn đang triển khai những dự án lấy nước sông Mekong, có thể nói là, dùng cho nhu cầu của mình. Vùng cao nguyên đông bắc Thái Lan rộng 17 triệu ha (gấp hơn 4 lần ĐBSCL) thuộc lưu vực Mekong rất thiếu nước về mùa khô.
Người ta đã triển khai hệ thống thủy lợi lớn tại 4 phụ lưu của sông Mekong, hệ thống mang tên 4 sông đó là “Kong - Loei - Chi - Mun”, làm cống và trạm bơm ở cửa các sông này tại chỗ nối với sông Mekong, để bơm nước sông Mekong đang cạn chảy ngược trở lại vùng cao nguyên rộng lớn. Sông Mekong còn đâu nước nữa để chảy về hạ du!
Việc chia sẻ nguồn nước Mekong giữa các quốc gia lẽ ra phải được giải quyết ổn thỏa tại Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission - MRC), nhưng đã không thể thực hiện được. Ấy là chưa kể đến nguy cơ chuyển nước sông Mekong trong lãnh thổ Trung Quốc, nơi có sông Lan Thương (tức là thượng nguồn Mekong) chỉ cách sông Dương Tử chừng mấy chục km với một dãy núi phân thủy.
Bây giờ, việc chuyển nước bằng đường hầm qua núi không có gì khó khăn. Hiện nước sông Dương Tử đang dồi dào và người ta làm một số tuyến công trình dẫn nước từ sông này qua hàng ngàn km lên miền Bắc, vùng Bắc Kinh - Thiên Tân luôn thiếu nước. Không thể khẳng định là sẽ không bao giờ cần thêm nước sông Mekong cho các nhu cầu chuyển nước đó.
Khi nước sông cạn kiệt thì đương nhiên nước biển xâm nhập vào vùng đồng bằng. Hạn mặn là mối đe dọa rất khốc liệt cuộc sống và sản xuất ở ĐBSCL, song nó chỉ diễn ra trong thời gian của mùa khô nên khi có mưa xuống, tình huống gay gắt qua đi, nó lại dễ bị coi nhẹ.
Từ những đánh giá của ông về thực trạng hiện nay, và dự báo trong tương lai, theo ông, chúng ta cần phải có những chính sách căn bản nào (về phát triển kinh tế, xã hội), để ứng phó với một thực trạng đã và đang thay đổi?
Rất nhiều yếu tố tác động đến ĐBSCL và chúng ta phải nỗ lực hạn chế, phòng tránh và khắc phục những yếu tố bất lợi. Những yếu tố tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình… hầu như không thay đổi và ta phải tìm cách tốt nhất có thể để thích nghi. Đối với những yếu tố gây bất lợi từ thượng nguồn, cần có giải pháp chủ động trong tình huống xấu nhất.
ĐBSCL đang phải đối mặt với một cơn khát lịch sử...
Về dòng chảy, sông rạch thì có thể điều chỉnh phần nào đáp ứng yêu cầu của đời sống và sản xuất. Chỉ có việc sắp xếp dân cư và tổ chức sản xuất là chúng ta có thể và rất cần chủ động, trên cơ sở nghiên cứu cẩn thận những điều kiện tự nhiên, nhân lực, công nghệ và thị trường. Khi hoạch định chính sách cần rất linh hoạt, không quá cầu toàn. Các chủ trương đúng đem lại nhiều thành công song cũng phải chấp nhận một số bất cập đòi hỏi những điều chỉnh kịp thời.
Đã có thời kỳ chúng ta đặt yêu cầu “ngọt hóa” bán đảo Cà Mau, đưa nước sông Hậu về Cà Mau theo kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Nhưng nước sông Hậu không đủ để về đến Cà Mau và việc nuôi tôm trên diện rộng vẫn cần đến nước ngọt. Thế là phải khai thác nước ngầm. Khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún đang diễn ra ngày càng nguy hiểm. Chúng ta vẫn loay hoay tìm nguồn nước ngọt cho bán đảo Cà Mau và cho cả ĐBSCL.
Về giải pháp kỹ thuật, hiện nay ở ĐBSCL đang xây nhiều đê ngăn mặn, được xem là giải pháp trước mắt cải thiện tình hình. Ông có đồng tình với giải pháp này không? Và những hệ quả bất lợi về lâu dài như thế nào?
Việc trồng lúa ở ĐBSCL có tầm quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, cuộc sống của người dân và đặc điểm của tự nhiên. Nước mặn từ biển rất cần để phát triển thủy sản, mang lại những lợi ích lớn. Tuy nhiên ở đâu cũng cần nước ngọt. Con người sống trong môi trường có nước ngọt. Nghe tin các nhà nông học đã tạo ra giống lúa chịu mặn. Đó là một thành tựu. Nhưng không phải chỉ cây lúa mà các loại cây ăn trái, gia súc, gia cầm… đều cần nước ngọt. Vì vậy mà có đê và cống ngăn mặn. Tuy nhiên hệ thống đê và cống ngăn mặn đó chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng của sản xuất. Hệ thống ấy phải từng bước được điều chỉnh, nâng cấp để đáp ứng nhiệm vụ “kiểm soát mặn” nghĩa là phải đưa được nước mặn vừa đủ về lượng và ở những vùng cần thiết.
Xin ông gợi ý vài giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL, từ góc độ chính sách (quản lý nguồn nước...) và các biện pháp kỹ thuật cần được triển khai?
Hạn mặn diễn ra hàng năm tại ĐBSCL với mức độ ngày càng gay gắt vì, như tôi đã trình bày ở trên, biến đổi khí hậu gây hạn nặng, các công trình trên thượng nguồn (thủy điện, lấy nước…) giữ và vét cạn sông Mekong. Rất nhiều giải pháp đã được đề xuất và thực hiện như chuyển đổi cây trồng, tiết kiệm nước... Những giải pháp này đã từng được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tôi chỉ xin bàn đến giải pháp tạo nguồn nước ngọt.
Từ trước đến nay, chúng ta chỉ chú ý đến các công trình ngăn mặn và cho rằng nước ngọt trong kênh rạch là đủ dùng trong mùa khô. Khi dòng chảy từ thượng nguồn chưa bị vét cạn, và nước biển không xâm nhập, nước ngọt được trữ trong kênh rạch. Nhưng hiện nay, nếu chỉ ngăn mặn thôi thì chưa đủ vì không có nguồn nước ngọt nên kênh rạch vẫn khô. Một số đề xuất làm hồ chứa ở vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười. Những đề xuất này không khả thi vì địa hình ĐBSCL bằng phẳng và không ai làm hồ chứa trong vùng bằng phẳng như vậy.
Đương nhiên, muốn tạo nguồn nước ngọt thì phải trữ nước từ mùa mưa lũ. Trữ ở đâu? Một số chuyên gia Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đề xuất làm hồ điều tiết ở ngoài khơi vịnh Rạch Giá. Đề xuất này, theo tôi, là rất hứa hẹn và nên được nghiên cứu thấu đáo để có thể triển khai. Hồ này trữ nước lũ thoát ra biển Tây trong mùa mưa, tạo nguồn nước ngọt để bơm trong mùa khô vào ĐBSCL và bán đảo Cà Mau, cấp nước cho thị xã Rạch Giá và các đô thị khác trong vùng.
Vùng biển Rạch Giá không quá sâu nên việc thi công hoàn toàn có thể thực hiện được. Đập còn tạo nên tuyến giao thông nối thẳng Rạch Giá với Hà Tiên. Hồ trong vịnh sẽ trở thành bến du thuyền (marina) góp phần phát triển mạnh du lịch trong khu vực.
Có câu hỏi về tác động môi trường của dự án. Tác động này còn phải được nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, bất cứ kết cấu hạ tầng nào cũng đều tạo ra những thay đổi nhiều ít về môi trường. Có những thay đổi tốt hơn chứ không hẳn thay đổi nào cũng là xấu.
Duy Thông thực hiện - Ảnh: Lê Thế Thắng