Đặc khu kinh tế ở Việt Nam: Những thử nghiệm và thất bại

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Địa phương không đủ thẩm quyền, Trung ương không thống nhất...

 10:18 | Thứ hai, 04/06/2018  0
LTS. Giới quan sát nhận định nếu không có những biến động rất lớn, Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế - ĐKKT) thiết kế riêng cho Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ được Quốc hội thông qua trong phiên họp này. Thậm chí khi chưa có luật, Quảng Ninh - địa phương được đánh giá là sốt sắng nhất với ĐKKT - đã huy động hơn 55 ngàn tỉ đồng trong và ngoài ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng Vân Đồn.

Nhiều ưu đãi vượt trội, nhu cầu nguồn lực đầu tư rất lớn (lên đến 1,57 triệu tỉ đồng đến 2030 theo quan điểm của Bộ Tài chính), lo ngại về an ninh quốc phòng... nhưng mô hình này sẽ được triển khai đồng loạt. Khi ấy, sự trục trặc của ĐKKT không gói gọn trong địa giới hành chính của địa phương, mà gây tổn hại nghiêm trọng và lâu dài đến tương lai phát triển quốc gia. 

Không phải đến bây giờ ĐKKT mới thành chuyện chính sự. Cách nay gần ba thập niên, mô hình này đã được đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng. Hơn mười năm sau, ý tưởng này xuất hiện với một hình dạng khác: Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Tuy nhiên, “phòng thí nghiệm thể chế” này cơ bản không thành công.

Nhắc lại câu chuyện Chu Lai, Người Đô Thị tiếp cận hai người trong cuộc. Nhân chứng thứ nhất là GS. Võ Đại Lược - tác giả của đề xuất - cũng là người có công sưu tầm các tài liệu về ĐKKT và cho in thành sách. Thứ hai là ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

 

Đề xuất xây dựng ĐKKT cách đây gần 30 năm đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội VII, và được thí điểm. Trong mười mấy địa điểm đề xuất không có Chu Lai. Nhưng rồi Chu Lai lại được chọn, với tên gọi khu kinh tế mở. Theo ông, tại sao Chu Lai được chọn, dựa trên cơ sở nào?

Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Ảnh Việt Dũng

Theo tôi nhớ, cách đây khoảng 25 năm đã có một nghị quyết của Trung ương chủ trương cho nghiên cứu xây dựng ở Việt Nam một số ĐKKT ở vùng ven biển. Sau đó Chính phủ cho chọn địa điểm để chuẩn bị đề án xây dựng trước một đặc khu. Các địa phương và các ngành liên quan để xuất mười mấy địa điểm. Trong đó, Quảng Nam đề xuất chọn phía đông của tỉnh để lập đề án xây dựng ĐKKT Đông Quảng Nam. 

Trong quá trình thảo luận, đối với đề xuất của Quảng Nam, Bộ Chính trị và Chính phủ có chỉ đạo điều chỉnh từ ĐKKT Đông Quảng Nam thành Khu kinh tế mở Chu Lai, chủ yếu là cho cơ chế chứ không lập đơn vị hành chánh riêng. Khi ấy Chu Lai được gọi là khu kinh tế mở đầu tiên. Tôi cũng không rõ lý do vì sao lúc đó đã có thay đổi trong chỉ đạo, không làm ĐKKT như đã nói trong nghị quyết trước đó mà lại chuyển sang khu kinh tế mở. Lâu nay tôi cứ nghĩ, giá mà ngày đó Bộ Chính trị và Chính phủ kiên định như nghị quyết lúc đầu thì tốt biết mấy!

Theo tôi hiểu, lúc đó Chu Lai được chọn địa điểm là vì mấy lý do sau:

Thứ nhất, nằm ở vị trí trung độ, chính giữa Hà Nội và TP.HCM, tiếp giáp biển Đông, phía sau lưng là núi, thuận lợi để lan tỏa khi thành công và tiện cho công việc bảo vệ quốc phòng khi cần thiết.

Thứ hai, các tuyến giao thông chính xuyên Việt đều đi ngang qua, có sân bay và cảng biển ở cả hai đầu phía Bắc và Nam của tỉnh, nằm trên hành lang của đường hàng hải quốc tế và dưới cánh bay của đường hàng không quốc tế, ở gần các tuyến đường xuyên Á.

Thứ ba, có mặt bằng còn trống nhiều, rộng rãi, ít ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp và ít phải giải tỏa các công trình. Thứ tư, là vùng đất trước đây đã từng có truyền thống phát triển kinh tế mở, đó là thời kỳ có thương cảng Hội An xưa gắn với một trung tâm kinh tế mở của Đàng Trong.

Chu Lai đến nay vẫn chưa thu hút được dòng vốn từ những nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ. Thế nhưng lại có thông tin hãng sản xuất máy bay Boeing từng đề nghị đặt một trạm sửa chữa tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Chính quyền Quảng Nam đánh giá thế nào về đề nghị của Boeing, nhất là ở hai khía cạnh kinh tế và chính trị? Quảng Nam đã ứng xử với cơ hội này như thế nào? 

Khu kinh tế mở Chu Lai sau hơn 15 năm chính thức thành lập đã có một số thành công đáng kể, giải quyết công việc làm cho hàng vạn lao động, tăng giá trị sản phẩm công nghiệp và thu ngân sách của Quảng Nam rất nhiều lần. Từ chỗ là một trong hai tỉnh nghèo nhất nước về thu ngân sách, lúc chia tỉnh cách đây 20 năm chỉ thu trên 130 tỉ đồng, chủ yếu là nhờ ngân sách trung ương trợ cấp hầu hết, đến nay thu khoảng 20 ngàn tỉ đồng, bắt đầu có đóng góp cho ngân sách trung ương, mà phần lớn là thu từ Khu kinh tế mở Chu Lai. 

Tôi nghĩ, nếu xét về mặt hiệu quả đầu tư thì Chu Lai có thể nói là thành công. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, nếu so với kỳ vọng và mục tiêu ban đầu, thì Chu Lai chưa thành công, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn về cơ chế mà tỉnh Quảng Nam làm được như vậy là rất cố gắng. 

Nguyên nhân chưa thành công là do khung pháp lý và sự thoáng mở chưa đủ mạnh, còn rụt rè, và nhất là không nhất quán, không kiên định về cơ chế chính sách. Ví dụ, lúc đầu, nêu nguyên tắc vượt trội về khuyến khích đầu tư và cấp lại nguồn thu trên địa bàn để phát triển hạ tầng, đã được cấp trên đồng ý nhưng sau đó chỉ thực hiện hơn một năm thay vì 20 năm như đã nói, đã hứa lúc đầu… Tuy đã có một số nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư ở đây, nhưng không lớn, chưa phải có tầm cỡ, chủ yếu thành công là do đầu tư trong nước. 

Chưa có luật nhưng Quảng Ninh đã huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách trên 55.000 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Vân Đồn. Ảnh: Hoàng Hàng

Khi mới thành lập khu kinh tế mở, có một vài tập đoàn đầu tư nước ngoài, chủ yếu là Hoa Kỳ đã có nhã ý nghiên cứu đầu tư vào sân bay Chu Lai (trung chuyển quốc tế, sửa chữa máy bay…), hai bên đã đi tới đi lui và gặp nhau thảo luận mấy lần, lãnh đạo Quảng Nam lúc đó cho rằng đó là các dự án rất quan trọng, sẽ tạo ra cú hích đáng kể đối với khu kinh tế mở nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung, cũng đánh giá sơ bộ rằng các nhà đầu tư ấy muốn làm thật sự và có khả năng. Tuy nhiên chuyện đã không thành, do một số vấn đề lúc đó chưa thống nhất được và chưa có ai quan tâm đứng ra giải quyết. Địa phương thì muốn nhưng không đủ thẩm quyền. Còn thăm dò và hỏi ý kiến các cơ quan trung ương thì không thống nhất và chưa quan tâm đúng mức.

Ví dụ, phía Việt Nam chỉ đạo và yêu cầu sân bay phải lưỡng dụng, còn nhà đầu tư thì muốn dân sự hoàn toàn, khi nào đất nước có tình thế chiến tranh thì bàn giao cho quốc phòng Việt Nam; phía Việt Nam thì muốn hàng không Việt Nam phải quản lý công việc điều hành sân bay, còn nhà đầu tư nước ngoài thì đề xuất việc quản lý điều hành sân bay là do nhà đầu tư, còn cơ quan nhà nước của Việt Nam thì chỉ quản lý không lưu, an ninh cửa khẩu, hải quan cửa khẩu và trật tự xã hội... 

Thượng Tùng thực hiện

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.