Nói đến cách mạng Xanh là nói tới bước nhảy vọt về sản xuất nông nghiệp những năm 1960 - 1990. Nhờ những giống lúa (mì và gạo) năng suất cao, phân bón và kết hợp với thủy lợi, các nước thế giới thứ ba đã tăng gia sản xuất, bắt kịp nhịp độ tăng trưởng dân số, tránh được nạn đói. Sản xuất lương thực, nếu không có sự chênh lệch và bất công trong phân phối, có thể bảo đảm cái ăn cho toàn bộ nhân loại. Tất nhiên, mọi tiến bộ không được điều tiết bao giờ cũng có mặt trái. Cách mạng Xanh cũng đã làm nghèo sự đa dạng sinh học, gây ra nạn ô nhiễm tràn lan, tạo ra thất nghiệp ở nông thôn, thúc đẩy dòng chảy dân số về các đô thị, mọc lên những khu nhà ổ chuột ở các đô thị lớn.
Tại sao năm mươi năm sau lại nói tới cách mạng Xanh và cách mạng Xanh ở một thành phố khổng lồ như Paris, New York, Rio de Janeiro? Chẳng lẽ đây là một cuộc nông thôn hóa thành thị? Nội dung của nó là gì? Triển vọng ra sao?
Trước khi nói tới cách mạng Xanh ở Paris, có lẽ cũng nên nhắc lại câu chuyện muôn thuở đặt ra cho các đô thị trên thế giới: không gian xanh.
Không gian xanh - rừng, công viên, vườn hoa lớn nhỏ, lối đi trồng cây… thường được ví như lá phổi của thành phố. Thành phố càng phát triển – theo chiều rộng và chiều cao – xe cộ càng nhiều, thì càng cần cây xanh.
“Dòng chảy xanh”ở ngoại ô phía nam Paris, Verrières – le – Buisson
Paris, thủ đô nước Pháp, có hai “lá phổi” lớn là rừng Boulogne (ở phía tây nam) và rừng Vincennes ở phía đông. Ngoài ra, 20 quận nội thành có 16 công viên và 400 vườn hoa lớn nhỏ nhưng tổng diện tích không gian xanh cũng chỉ chiếm 5% diện tích thành phố. Do đó, dưới sức ép của dư luận, thành phố đã tìm cách tăng thêm diện tích xanh, bằng cách biến một vài nhà máy trong nội thành, đóng cửa vào cuối thập niên 60 (thế kỷ 20), thành công viên, biến những con đường xe lửa cũ hay dải dất ven xa lộ xuyên tâm thành những dải không gian xanh. Hai “dòng xanh” nổi tiếng: lối du ngoạn trồng cây (promenade plantée) dài gần 5km, đi từ quảng trường La Bastille tới gần sát rừng Vincennes, và dòng xanh chảy dọc theo con sông Bièvre đã bị lấp (một thứ sông Tô Lịch của “kinh thành ánh sáng”), dài gần 10km đi từ Massy-Antony, ngoại ô phía nam thành phố vào gần trung tâm Paris. Dọc theo hai “dòng xanh” này, người ta có thể đi bộ hay đi xe đạp từ xa vào trung tâm thành phố. Con đường xanh bóng cây và trồng hoa bốn mùa này còn được điểm xuyết bằng những sân chơi cho trẻ em hoặc công viên, lâu đài lớn nhỏ.
Gần đây, từ mùa xuân 2013, cả một đoạn bờ sông Seine phía tả ngạn đã trở thành một chuỗi vườn hoa, nơi mà trước đây là một đoạn đường cao tốc dành riêng cho xe hơi. Đó là chưa kể từ nhiều năm nay, vào cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, mấy cây số đường cao tốc dọc theo hữu ngạn sông Seine được biến thành bãi cát, hàng cọ, sân chơi, quán giải khát cho du khách và cư dân (những người không có phương tiện đi nghỉ hè) có thể ra đây dạo chơi, nằm nghỉ trên ghế dài hay trên mặt cát… Paris – bãi cát đã thành “mốt” được nhiều thủ đô hay thành phố lớn ở châu Âu bắt chước.
Mở rộng không gian xanh trên bề mặt là thu hẹp diện tích giao thông, gây thêm nạn kẹt xe nổi tiếng của Paris, vì thế, tất nhiên là gặp sự phản đối của người đi xe hơi cá nhân, nhưng lại được sự ủng hộ của dư luận khi họ đã quá ngán nạn ô nhiễm do khói xe hơi – vốn không chừa một ai, nhất là trẻ em, và không tha cả những người ngồi trong xe.
Ở một khía cạnh khác, cuộc sống đô thị ngày càng làm cho con người xa lạ với thiên nhiên, với vườn ruộng cỏ cây, chim chóc. Đó là chưa nói chuyện nông nghiệp thâm canh, với những phân bón độc hại, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản để rau quả lúc nào cũng mơn mởn xanh, rốt cuộc đã đặt ra vấn đề an toàn thực phẩm. Rau sạch, quả sạch trở thành nhu cầu của số đông, nhưng không nằm trong túi tiền của mọi người. Có lẽ đó là nguyên nhân dẫn tới cuộc cách mạng Xanh đang ló dạng ở Paris. Người ta bắt đầu trồng rau quả ở ban-công, trên nóc nhà, trên sân thượng. Vườn cây cá nhân, vườn cây tập thể (của một chung cư) ra đời… Sự thực, trong lãnh vực này, Paris đi theo kinh nghiệm tiền phong của “thành phố Quả Táo” - New York.
Cuộc cách mạng Xanh đã bắt đầu ở Paris, theo hướng thẳng đứng
Bà Dominique Eraud, bác sĩ, nhà ở quận 8, trung tâm Paris. Cách đây ba năm, bà xin phép hội đồng chung cư xây một sân thượng 60 mét vuông, trồng cà-rốt, xa-lát, đậu, táo, nho, dâu… Với những thiết bị hiện đại (pin mặt trời, bể chứa nước mưa, máy bơm tưới cây tự động, phân xanh làm từ cây lá, rác rưởi…), vườn rau quả của bà Eraud cung cấp 100 % nhu cầu của gia đình mỗi năm từ tháng tư đến tháng mười một. “Tôi không phải là nhà nông, cái vườn này ở trong tầm tay mọi người. Hàng năm, tôi chỉ thuê ông thợ làm vườn tới bốn hay năm lần là đủ”.
Trên nóc nhà của viện Nông học Paris (nằm ở giữa khu Latinh, nơi công chúa Như Mai, trưởng nữ của vua Hàm Nghi, đã tốt nghiệp thủ khoa năm 1928), kỹ sư Nicolas Bel đã mở ra một thửa vườn “thực nghiệm” để hướng dẫn cho “nông dân” Paris.
Cuộc cách mạng Xanh đã bắt đầu ở Paris, theo hướng thẳng đứng, như thế, trong khi không gian xanh bị hạn chế trên bề mặt của thành phố. Tất nhiên, cũng như ở New York, tương lai của cuộc cách mạng này còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Trong đó phải kể tới kiến trúc và các nhà thiết kế đô thị.
Các thành phố lớn trên thế giới liệu đã sẵn sàng để xây dựng những cao tầng nhà - vườn, phát triển không gian xanh theo chiều cao?
Nguyễn Ngọc Giao