'Cơn khát' chip bán dẫn khiến cả thế giới lao đao - Bài 3:

Phát minh transistor silicon và sự ra đời của Silicon Valley

 22:11 | Thứ sáu, 04/11/2022  0
Có thể nói rằng cho đến năm 1955, Bell Labs đã khởi đầu và đặt nền móng kỹ thuật quan trọng cho hầu hết các nghiên cứu và phát triển transistor silicon và cả chip bán dẫn sau này. Tuy nhiên, các phát minh có tính đột phá trong lĩnh vực này lại xảy ra cách xa Bell Labs hàng ngàn cây số...

Phát minh transistor silicon - bước ngoặt làm thay đổi toàn bộ nền công nghiệp điện tử

Thoạt tiên các phát minh có tính đột phá trong lĩnh vực transistor và chip bán dẫn là tại công ty Texas Instruments (TI), Dallas (Texas), và sau đó là tại một công ty non trẻ khác, Fairchild Semiconductor ở Mountain View (California) thuộc một vùng rộng lớn phía nam thành phố San Fransisco, nơi sau này được gọi là Silicon Valley. Thực ra, ngoài việc các công ty này đều mua quyền sử dụng bằng phát minh transistor germanium của Bell Labs, những người trực tiếp nghiên cứu transistor silicon của TI và Fairchild đều từ Bell Labs mà ra cả. Do vậy, đây được coi là một cuộc chuyển giao công nghệ lớn nhất của nước Mỹ, đầu tiên từ Bell Labs  đến các công ty khác của Mỹ, sau đó là cả thế giới (như SONY và các công ty khác của Nhật Bản như đã nói ở kỳ trước, Hàn Quốc, Đài Loan...)    

Tháng 10.1955, tại hội nghị về các thiết bị điện tử cho ngành hàng không tại Dayton, Ohio (Mỹ), giám đốc nghiên cứu của TI, ông Gordon Teal tổ chức một cuộc họp báo đặc biệt. Ông thông báo TI đã chế tạo thành công transistor silicon. Mọi người há hốc vì sửng sốt, không tin nổi.

Ông Teal móc trong túi áo một con transistor nhỏ xíu, ông bước tới chiếc bàn đặt hệ thống khuếch đại âm thanh của cuộc họp báo. Ông mở toang bộ phận khuyếch đại, nhúng bộ phận có  transistor germanium vào cốc dầu nóng, hệ thống âm thanh trong phòng họp chết lịm ngay lập tức. Ông nhanh chóng lấy chiếc transistor của mình thay cho chiếc transistor germanium bị hỏng kia, âm thanh lại vang lên dù chiếc transistor mới vẫn nằm trong cốc dầu nóng.

Bản phác thảo thiết kế tháng 5 năm 1954 của Morton Jones về bóng bán dẫn silicon đầu tiên của TI (bên trái) và quảng cáo transistor silicon của Texas Instruments nhấn mạnh kích thước nhỏ. Nguồn: Texas Instruments, Inc.


Dẫu phát minh của Teal và các đồng nghiệm ở TI không được trao giải thưởng Nobel như các nhà nghiên cứu của Bell Labs nhưng phát minh ra transistor silicon mới thực sự làm thay đổi toàn bộ nền công nghiệp điện tử trong những năm sau đó. Như có nói ở bài Transistor - phát minh có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc cách mạng tin học, Gordon Teal đã từng làm việc ở Bell Labs và là một trong hai người đầu tiên (cùng với Morgan Sparks) chế tạo thành công chiếc transistor germanium do Shockley thiết kế. Tuy nhiên, đến năm 1953  Gordon Teal nộp hồ sơ xin làm cho TI sau khi biết công ty này đang cần tuyển chọn một giám đốc nghiên cứu về transistor.

Ngay sau sự kiện công bố phát minh transistor silicon năm 1955 nói trên, Bell Labs và TI tập trung vào nghiên cứu và phát triển chế tạo transistor dùng chất bán dẫn silicon. Như đã nói, một trong những nhược điểm quan trọng nhất của chất bán dẫn germanium là hết sức nhạy cảm với nhiệt độ. Hơn thế nữa, transistor dùng germanium ngừng hoạt động hoàn toàn ở nhiệt độ cao hơn 75 C. Silicon thì chịu nhiệt tốt hơn hẳn, tuy nhiên khi bị nấu chảy silicon lại phản ứng rất mạnh với tất cả các vật liệu chung quanh gây trở ngại cho việc tinh chế tinh thể silicon để chế tạo ra transistor.

Ngay từ những ngày đầu silicon luôn là chất được quan tâm để chế tạo transistor, nhưng các nghiên cứu chế tạo transistor silicon trước năm 1955 đều thất bại. Thực ra thì các nhà nghiên cứu của Bell Labs cũng đã chế tạo thành công transisor silicon từ tháng 1.1954, nghĩa là trước cả TI mấy tháng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Bell Labs không hài lòng lắm với kết quả của chính họ.

Morris Tenenbaum người đã chế ra chiếc transitor silicon đầu tiên kể lại: “Thoạt tiên chúng tôi nghĩ đến đăng ký bằng phát minh. Tuy nhiên có hai điều làm chúng tôi cho rằng phát minh này không có giá trị thực sự. Thứ nhất, phương pháp chúng tôi phát triển tinh thể silicon đã được phát minh và sử dụng trước đó bởi một công ty khác. Thứ hai, chúng tôi nhận thấy rằng chính phương pháp này không có ý nghĩa về mặt sản suất”. Chính vì vậy, thay vì đăng kí phát minh sáng chế transistor silicon đầu tiên, các nhà nghiên cứu của Bell Labs chỉ viết đăng kết quả trên Tạp chí Applied Physics.

Lúc bấy giờ các nhà nghiên cứu transistor silicon của Bell Labs do Shockley lãnh đạo đang tập trung vào một phương pháp mới được coi là có nhiều triển vọng nhất gọi là phương pháp ‘khuếch tán’ (diffusion). Phương pháp này quả thực cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu và phát triển transistor silicon trong những năm sau này.

Nhà khoa học William Shockley. Nguồn: Twitter


Trong khi đó công cuộc nghiên cứu ứng dụng chất bán dẫn silicon ở Bell Labs lại rẽ sang hướng khác và cũng đem lại những kết quả có tầm ảnh hưởng to lớn trong tương lai của nhân loại. Đó là vào tháng 4.1954, Bell Labs thông báo đã chế tạo thành công pin mặt trời (solar battery) làm bằng vật liệu silicon. Tuy vậy, phải đợi cho đến những năm 1970 pin mặt trời mới được sử dụng cho mục đích dân sự nhưng cũng chỉ ở mức rất khiêm tốn. Năm 1979 tổng thống Mỹ Carter cho lắp 32 tấm pin mặt trời trên nóc nhà của tòa Nhà Trắng chủ yếu để làm nước nóng. Ngày nay, các tấm pin mặt trời được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới cũng chính là nhờ phát minh quan trọng nói trên của các nhà nghiên cứu Bell Labs vào năm 1955.

Cũng vào năm 1955, Shockley đã tỏ ra hết sức bất mãn với ban lãnh đạo của Bell Labs. Ông cảm thấy không được thưởng công một cách xứng đáng cho các thành tích vẻ vang của riêng ông và của cả nhóm do ông lãnh đạo. Mãi cho đến năm 1955 Shockley vẫn chỉ là phụ trách nhóm nghiên cứu transistor bán dẫn, không được đề bạt cất nhắc mặc dù ông và nhóm của ông đã có rất nhiều bằng sáng chế cũng như công bố nhiều bài báo quan trong trong lĩnh vực bán dẫn.

Tháng 3.1955, Shockley quyết định rời bỏ Bell Labs – với niềm tin ông có thể kiếm được rất nhiều tiền từ những kiến thức và kinh nghiệm về nghiên cứu và sản xuất transistor của chính mình. Lúc bấy giờ, Shockley đã nắm được rất nhiều công nghệ kỹ thuật quan trọng về phương pháp ‘khuyếch tán’ silicon, mặt khác ông cũng biết rằng Morris Tenenbaun của Bell Labs đã chế tạo được transistor silicon là cái mà Shockley biết có thể hái ra tiền.

Ảnh chụp công ty bán dẫn của Shockley năm 1955. Nguồn: The Electrochemical Society Interface 2007.


Kế hoạch đầu tiên của Shockley là kéo các đồng nghiệp xuất sắc của ông tại Bell Labs lập công ty mới, trong đó có Morris Tenenbaun và Morgan Sparks, người đã chế tạo thành công junction transistor đầu tiên. Tuy nhiên, cả hai người lần lượt từ chối. Shockley đành phải chạy xuôi chạy ngược khắp các tiểu bang nước Mỹ để chọn tuyển các chuyên viên cho công ty mới của ông. Và quả thực, ông đã chọn ra được một đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ cực kỳ xuất sắc, tuổi đời chưa quá 28.

Trong số họ có nhà vật lý lý thuyết trẻ Jean Hoerni, người sau này đã phát minh ra một kỹ thuật mới khai sinh ra công nghệ chip bán dẫn. Ngoài ra còn có Robert Noyce và Gordon Moore sau này đã sáng lập ra công ty Intel nổi tiếng. Có thể nói, nhóm các nhà nghiên cứu trẻ được Shockley tuyển chọn cũng chính là những người có công vô cùng lớn trong việc phát triển chip bán dẫn làm thay đổi cả nền công nghệ và kỹ thuật cuối thế kỷ 20 cho đến tận ngày hôm nay.       

Một công ty bán dẫn ra đời và sự hình thành Silicon Valley

Đến tháng 9.1955, Shockley chính thức rời Bell Labs cùng các chiến hữu của mình lập ra Shockley Semiconductor Laboratory ở Mountain View (California) lúc bấy giờ chỉ là một vùng nông nghiệp trồng cây ăn trái nằm về phía nam của thành phố San Francisco. Đây cũng có thể được coi là thời điểm ra đời của Sillicon Valley lừng danh hay còn được biết với cái tên quen thuộc của người Việt là ‘Thung lũng Silicon” hay “Thung lũng điện tử’.  

Tại sao lại là California mà không phải New Jersey hay New York vốn là các trung tâm công nghệ cao của nước Mỹ thời bấy giờ? New Jersey là nơi gắn liền với các phòng thí nghiệm của Thomas Edison lừng danh cũng như Bell Labs của Alexander Graham Bell. Ngoài ra, xung quanh đó có các phòng thí nghiệm quan trọng của bộ quốc phòng Mỹ cũng như rất nhiều các đại học nổi tiếng (Harvard, MIT, Princeton, Yale, Colombia, NYCU, Chicago, Penn State …), một hệ thống liên hoàn các khu công nghiệp cùng các công ty lớn nằm khắp các tiểu bang vùng Đông Bắc giàu có của nước Mỹ thời bấy giờ.

Thực ra, lý do Shockley chọn Mountain View, California cũng đơn giản thôi. Năm 1913 khi gia đình Shockley di cư từ London sang Mỹ, lúc cậu bé William Shockley mới 3 tuổi, bố mẹ của cậu đã chọn Palo Alto (California) ngay sát campus của Đại học Stanford làm nơi định cư cho gia đình của họ. Shockley lớn lên ở đây mãi cho đến khi sang làm tiến sỹ ở Học viện Kỹ thuật Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology - MIT) tít tận miền Đông Bắc xa xôi của nước Mỹ.

Khi quyết định rời bỏ Bell Labs ở New Jersey, ông nghĩ ngay đến việc trở về ‘quê hương thứ hai‘ nơi đại gia đình của ông đang sinh sống.

Tiệc mừng Shockley được trao giải Nobel Vật lý năm 1956. Shockley ngồi giữa những người nghiên cứu chính. Nguồn: The Electrochemical Society Interface 2007


Chỉ mấy tháng sau khi Shockley Semiconductor Laboratory được thành lập, ngày 1.11.1956 niềm vui tột độ đến với các nhân viên trẻ khi hay tin ông chủ sáng lập công ty của họ được trao giải thưởng Nobel về Vật lý do có công phát minh sáng chế ra transistor đầu tiên.

Nhưng sự việc hóa ra không suôn sẻ như mọi người vẫn tưởng. Đến đầu năm 1957, những người trong nhóm nghiên cứu nòng cốt của công ty đã bắt đầu bất mãn với sự lãnh đạo theo phong cách có phần thô bạo của Shockley. Điều đặc biệt hơn cả và không một ai hiểu lí do là Shockley đã từ bỏ mục đính ban đầu của công ty là nghiên cứu chế tạo transistor silicon bằng phương pháp ‘khuếch tán’ (diffusion). Trong khi đó, ông lại tập trung nhân lực, thời gian và tiền bạc theo đuổi nghiên cứu một loại transistor có 4 lớp bán dẫn cực kỳ khó chế tạo.

Hai nhà nghiên cứu trẻ Robert Noyce và Gordon Moore (sau này là hai nhà sáng lập ra công ty Intel nổi tiếng) đã đề nghị Shockley chỉ nên tập trung vào loại transistor có ba lớp đơn giản và dễ sản xuất hơn. Theo họ, mục tiêu là phải cho sản phẩm transistor của công ty ra đời sớm để chiếm lĩnh thị trường.

Họ lập luận rằng loại transistor 4 lớp dù rất tốt về mặt lý thuyết nhưng quá khó chế tạo, hãy để sau này nghiên cứu tiếp. Shockley không những bỏ ngoài tai các đề nghị như vậy mà còn tập trung nhiều công sức hơn nữa vào chương trình nghiên cứu sản xuất transistor 4 lớp. Hơn thế nữa, ông còn lập một nhóm nghiên cứu riêng chỉ bao gồm một số người thân tín, khiến cho các nhân viên khác còn lại cảm thấy bị xúc phạm vì không được tin tưởng.

Các mâu thuẫn nội bộ bùng nổ vào tháng 5.1957. Trong một phiên họp với đại diện cho những nhà đầu tư của công ty, khi được hỏi về các kết quả và kế hoạch sắp tới cũng như yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về vấn đề chi phí của công ty, Shockley bỗng dưng nổi đóa, bật dậy quát to với đại diện của các nhà đầu tư, đại ý: Nếu ông không thích những gì chúng tôi làm ở đây thì tôi sẽ đưa tất cả những người này theo tôi đi làm chỗ khác với sự tài trợ và đầu tư của người khác.

Nói xong, Shockley bỏ ra khỏi phòng họp. Trớ trêu thay không một thành viên nào của công ty bỏ ra theo ông. Vài tháng tiếp theo các thành viên chủ chốt lần lượt rời bỏ công ty, và đến tháng 9 năm đó thì nhóm 8 nhà nghiên cứu và là kỹ sư chính mà Shockley gọi là “nhóm tám thằng phản bội” đã rời bỏ công ty của Shochkley, khiến công ty gần như sụp đổ sau đúng 2 năm thành lập.

Chỉ sau vài ngày rời bỏ công ty của Shockley, tám nhà khoa học nổi loạn kia nhận được một đề nghị đầu tư 1,38 triệu USD từ một công ty tài chính với sự bảo trợ của một công ty công nghệ lúc bấy giờ là Fairchild Camera and Instrument Corporation, và thế là công ty bán dẫn Fairchild Semiconductor ra đời, công ty bán dẫn thứ hai được thành lập ở Palo Alto, gần campus của Đại học Stanford. Sự ra đời của Faichild cũng gần như là sự kết liễu của công ty thứ nhất, công ty Shockley Semiconductor Laboratories.

Ảnh chụp 1960 "tám nhà nổi loạn" và cũng là những người sáng lập ra Fairchild Semiconductor. Từ trái sang phải, người thứ nhất là Gordon Moore cùng người thứ tư Robert Noyce sau này sáng lập ra Intel. Người phát minh ra phương pháp sản xuất chip bán dẫn  Hoerni thứ nhì từ phải. Trên cùng là biểu tượng của Fairchild. Nguồn The Electrochemical Society Interface 2007.


Khác với công ty của Shockley, Fairchild nhanh chóng tập trung chế tạo transistor theo cấu trúc 3 lớp đơn giản với mục tiêu tung ra thị trường sản phẩm của họ một cách sớm nhất. Tám nhà nghiên cứu vốn là cựu thành viên chủ chốt của Shockley đã nhanh chóng áp dụng các kiến thức học hỏi được từ Shockley, đặc biệt là kỹ thuật khuếch tán ‘diffusion’ mà Shockley là một trong những người tiên phong. Chẳng bao lâu, chưa đầy một năm sau thành lập, đến tháng 5.1958 Fairchild đã tung ra sản phẩm thương mại đầu tiên của họ là các transistor silicon, và ngay lập tức các transistor này được chọn sử dụng trong các bộ nhớ máy tính của IBM dùng trong hệ thống điều khiển của các máy bay ném bom B-70 do Boeing sản xuất. Ngay trong năm 1958 họ đã thu được hơn 500 ngàn USD do bán ra các transistor silicon đầu tiên. Trong khi đó, những người trung thành với Shockley vẫn vật lộn với việc chế tạo transistor 4 lớp.

Trong những năm tiếp theo, Fairchild nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của bộ quốc phòng Mỹ và NASA cũng như các cơ quan khác của chính phủ Mỹ.  Như đã nói ở trên, chỉ riêng trong năm 1964, NASA đã mua hơn 100.000 chip bán dẫn của Fairchild. Sự thành công vượt bậc của Fairchild đã tạo ra một tiếng vang, lôi cuốn hàng trăm công ty điện tử và vô số các dịch vụ khác tạo ra sự phát triển bùng nổ kinh tế của cả một vùng rộng lớn vốn trước đó chỉ là các cánh đồng trồng cây ăn trái. 

‘Thung lũng Điện tử’ hay Silicon Valley đã thực sự ra đời như thế. Là một nhà khoa học và một nhà phát minh kiệt xuất, nhưng không có tài lãnh đạo Shockley đã làm tan rã nhóm nghiên cứu bán dẫn lừng danh của Bell Labs, và sau này cũng chính ông chứ không phải là ai khác đã làm sụp đổ công ty của chính mình. Dẫu vậy, lịch sử vẫn rất công bằng, Shockley là một trong hai người được ghi nhận là  ‘Cha đẻ của Silicon Valley’ (The Father of Silicon Valley).

‘Bầu trí quyển’ của Silicon Valley

Thực ra, việc ra đời và phát triển của Silicon Valley là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó Đại học Stanford với 86 giải thưởng Nobel (tính đến 2022) cũng như các giải thưởng khoa học danh giá khác, đóng vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ là lò đào tạo và cung cấp các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu mà còn là nơi sản sinh ra các ý tưởng và công nghệ mới. Chỉ cần điểm qua vài cựu học sinh của Stanford như Bill Hewlett và David Packard sáng lập ra công ty HP từ năm 1939, đến Jerry Zhang (sáng lập ra Yahoo), Larry Page và Sergey Brin (sáng lập ra Google), Morris Chang (người sáng lập ra TSMC) cũng lấy PhD ở Stanford, Jensen Huang (đồng sáng lập và hiện là CEO của NVDIA)... cũng đủ thấy vai trò của Stanford trong công nghệ mới như thế nào.

Ảnh chụp khung cảnh cổng chính của Đại học Stanford. Nguồn: Divulgação


Không phải vô cớ mà GS. Frederick Terman, Hiệu trưởng Trường Kỹ sư của Đại học Stanford cùng với Shockley được ghi  nhận là ‘Cha đẻ của Silicon Valley’. GS. Terman có thể được coi là hiệu trưởng một trường đại học lớn đầu tiên kêu gọi và khích lệ tất cả các nhà nghiên cứu khoa học của trường tự mở các công ty riêng, đưa các kiến thức của họ biến thành của cải vật chất cho xã hội và làm giàu cho chính bản thân họ.

GS. Terman cũng là người có công chính trong việc xây dựng Stanford Indusstrial Park (năm 1951) sau này là Stanford Science Park, qui tụ các công ty công nghệ lớn như HP, General Electric, Lockheed, Eastman Kodak… cũng như tạo điều kiện cho các nhà khoa học của trường mở các công ty start-up ngay trong khuôn viên. Truyền thống này vẫn đang được phát huy ở Đại học Stanford. (Cũng xin nói thêm đôi chút là khi mới sang làm việc trong đại học ở Mỹ, các đồng nghiệp trong đại học cho tôi biết khó có thể tìm thấy một vị giáo sư nào thuộc các nghành kỹ thuật của Đại học Stanford mà không phải multi-millionairs).

GS. Frederick Terman khi nghỉ hưu. Ảnh chụp năm 1965. Nguồn: Gillmor


Trước khi Shockley mở công ty bán dẫn của ông (9.1955), nhiều công ty công nghệ cũng như các cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng và hải quân Mỹ đã có mặt ở vùng phía nam San Francisco từ những năm 1940 phục vụ cho quân đội Mỹ thời kỳ Thế chiến II. Tuy nhiên, các công ty này phát triển theo các lĩnh vực khác nhau và ảnh hưởng của chúng ít nhiều vẫn còn có tính chất đơn lẻ. Chỉ mãi sau này khi các công ty bán dẫn, đầu tiên là của Shockley sau đó là Fairchild và Intel với thành công đặc biệt trong việc nghiên cứu và phát triển transitor silicon và chip bán dẫn thì mới có sự phát tiển bùng nổ kinh tế, ban đầu tập trung về các lĩnh vực bán dẫn điện tử, máy tính rồi sau này cả công nghệ tin học và cả các lĩnh vực công nghệ khác.

Không phải vô tình mà Silicon Valley qui tụ các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đặt trụ sở chính như Apple, Google (Alphabet Inc), Facebook (Meta Platform), Intel, Cisco, Yahoo, Ebay, Uber, HP, Nvdia, Netflix, Tesla (mới chuyển qua Texas 2021) và rất nhiều công ty nước ngoài cũng mở các phòng thí nghiệm hoặc chi nhánh như TSMC - công ty sản xuất chip bán bẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan, hay như SONY, Hitachi của Nhật, Samsung của Hàn Quốc...  Một trong những lí do chính để các công ty công nghệ trên toàn thế giới muốn đặt trụ sở hoặc phòng thí nghiệm ở Sillicon Valley là vì nơi đây có một bầu trí quyển đậm đặc. Nói nôm na là chỉ cần hít thở trong bầu trí quyển đó bạn đã có thể học hỏi được vô số thứ về các công nghệ mới nhất.

Hơn nữa, nếu công ty của bạn có đại diện ở đó bạn cũng dễ bắt kịp các chuyến tàu công nghệ tương lai khác, giống như câu chuyện SONY và "chuyến tàu thế kỷ" về công nghệ bán dẫn là một thí dụ điển hình từ những năm 1950 của thế kỷ trước.  

Còn tiếp...

Nguyễn Trung Dân

New York, tháng 9.2022

___________

* Tác giả bài viết có trên 25 năm nghiên cứu về vật lý lý thuyết và ứng dụng các chất bán dẫn, trong đó có thời gian nghiên cứu ở Italy, Đức, Nhật  và Mỹ (từ 1998). Là Associate Research Professor của Đại học Arizona cho đến 2017 chuyển sang làm nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm nghiên cứu của một công ty công nghệ cao, đa quốc gia tại New York, nghiên cứu về lĩnh vực Viễn Thông lượng tử và Mô phỏng lượng tử, đồng thời vẫn tiếp tục giữ cương vị giáo sư ngoài biên chế (Adjunct Professor) của Đại học Arizona. Là tác giả cuốn sách chuyên môn “Modeling and design photonics by examples using Matlabs” đang được sử dụng làm giáo trình trong một số Đại học ở Mỹ.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.