Phó chủ tịch TP.HCM: 'Có nhóm lợi ích trong chiếm dụng vỉa hè'

 22:11 | Thứ tư, 10/01/2018  0
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết có nhóm lợi ích trong chiếm dụng vỉa hè, vì vỉa hè là lợi nhuận khủng kiếp lắm, nó là đất vàng.

Câu chuyện lập lại trật tự đô thị (dẹp vỉa hè) bỗng nóng lên trong hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2017 và triển khai nhiệm vụ an toàn giao thông năm 2018 trên địa bàn TP.HCM vừa diễn ra sáng 10.1 do UBND TP.HCM tổ chức.

Không phải cứ chăm chăm xử phạt

Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, thẳng thắn thừa nhận tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tồn tại ở khắp các quận, huyện. 

Ông Phong đánh giá về lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường một năm qua có chuyển biến tốt nhưng tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè… vẫn còn nhiều bất cập. 

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị mỗi quận, huyện phải gắn trách nhiệm quản lý trật tự vỉa hè, lòng lề đường với trách nhiệm người lãnh đạo. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường.

Lực lượng liên ngành quận 1 xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Tùng Tin

 

Đề cập tầm quan trọng và quyết tâm lập lại trật tự đô thị, ông Phong khẳng định kiên quyết xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, lơ là trong công việc.

"Trật tự vỉa hè, lòng lề đường đòi hỏi kiên trì, quyết liệt với tâm thế chính trị cao để đạt được mục đích, chắc chắn không giải quyết được một sớm, một chiều dù ai cũng muốn. Muốn làm được phải cả hệ thống vào cuộc, tuyên truyền cho từng người hiểu và nhận thức được việc thượng tôn pháp luật, chứ không phải cứ chăm chăm xử phạt, mục đích là xây dựng TP đáng sống, văn minh", ông Phong chia sẻ. 

Vỉa hè là đất vàng

Cũng chia sẻ tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng về chủ trương TP sẽ tạo điều kiện cho sử dụng vỉa hè. Vỉa hè sẽ giao cho người sử dụng, người nào sử dụng thì họ phải có trách nhiệm quản lý luôn cả phần đường đi bộ.

"Người được giao phải có trách nhiệm giữ thông thoáng, đảm bảo cho phần đường còn lại. Nếu không làm đúng như vậy mà cứ chăm chăm kinh doanh, lấn chiếm thêm phần còn lại thì dẹp, giao cho người khác làm tốt hơn. Bộ máy chính quyền chỉ quản lý người sử dụng vỉa hè thôi, không quản lý từng cung đường nữa. Ở đâu, điểm nào được giao thì trách nhiệm cụ thể phải đảm bảo thông thoáng giao thông tại điểm đó", ông Tuyến nói.

Bãi xe trên đường Công xã Paris ngay cạnh UBND quận 1 của Văn phòng UBND quận 1 nay đã bị dẹp. Ảnh: Tùng Tin

Chia sẻ về câu chuyện lợi ích từ vỉa hè, ông Tuyến thẳng thắn có nhóm lợi ích trong chiếm dụng vỉa hè, vì kinh doanh vỉa hè lợi nhuận khủng kiếp lắm, nó là đất vàng.

"Cần rà soát, kiểm tra để loại bỏ các nhóm lợi ích này. Minh bạch trong quản lý và giao sử dụng vỉa hè là phương pháp tốt nhất để loại bỏ nhóm lợi ích, loại bỏ cán bộ lợi dụng trục lợi trong vỉa hè”, ông Tuyến khẳng định. 

Ông Tuyến cho biết TP không khuyến khích các bãi giữ xe, chỉ khi nào có lễ hội lớn thì lập bãi giữ xe để phục vụ người dân tham gia lễ hội do Lực lượng thanh niên xung phong giữ miễn phí. Hoặc những vị trí mang tính cộng đồng, xã hội thì lập bãi giữ xe như Đường sách Nguyễn Văn Bình, Bưu điện TP, Cấp nước... nhưng giá phải ưu đãi hoặc miễn phí. Còn vỉa hè cương quyết phải trả lại cho giao thông. 

Thời gian tới TP.HCM đưa thêm 6 tàu buýt sông vào khai thác tuyến buýt sông số 1 Bến Bạch Đằng - Linh Đông. Ảnh: Lê Quân

UBND TP.HCM đánh giá việc giữ xe trên vỉa hè quận 1 đang tràn lan, bị trục lợi. Do đó cần phải rà soát, chấm dứt ngay trong quý I. UBND TP cũng đã giao cho Thanh tra toàn diện việc cấp phép các bãi giữ xe được cho là do các phòng, ban, hội ở UBND quận 1 đứng tên quản lý. 

Cần phát triển giao thông công cộng 

Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh trong năm 2018, TP sẽ cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, làm được vậy mới hạn cế được phương tiện giao thông, giảm ùn tắc… Còn cấn đề cấm xe cá nhân không nên quản lý không được thì cấm này, cấm nọ. Chỉ khi bó tay mới sử dụng biện pháp cấm, hạn chế tối đa cấm trong quản lý.

Ông Phong ví dụ: “Tôi lấy ví dụ, việc cấm mặc quần juen, áo thun… cấm làm gì, chỉ khuyến khích cán bộ đi làm thì mặc đồng phục, mặc đẹp, phù hợp để tiếp dân. Chứ cấm thì đụng chạm đến quyền lợi cá nhân của từng người là không hay”. 

Sắp tới TP.HCM quyết tâm đầu tư thêm 6 chiếc tàu buýt đường sông, thêm tuyến các xe điện đưa đón du khách người dân kết nối các trạm, ga vận tải công cộng. Một nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đề xuất cung ứng 1.000 xe đạp điện để giúp người dân đi lại, tiếp cận dễ dàng các vận tải công cộng. 

Phước Tuần

Nguồn theo zing.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.