Quần áo “không cần giặt” sẽ là xu hướng kế tiếp của ngành thời trang?

 13:33 | Chủ nhật, 30/06/2019  0
Bạn có thể mặc một chiếc T-shirt suốt hai tuần lễ mà không giặt? Điều này là có thể. Dù bạn vốn là người thích sạch sẽ và không thích quần áo trông có vẻ bẩn dù chỉ một vết nhỏ, nhưng sau hai tuần chiếc áo bạn mặc trông vẫn sạch (và không có mùi!) như vừa mới giặt. Chiếc áo giá 65 USD này là sản phẩm của một công ty startup có tên gọi Unbound Merino, được thành lập vào năm 2016, chuyên sản xuất quần áo du lịch bằng sợi len có thể mặc hằng tuần mà không cần phải giặt.

Unbound là một phần của làn sóng khởi nghiệp thiết kế quần áo ít cần phải giặt. Pangaia, một thương hiệu khác thân thiện với môi trường, ra mắt vào cuối năm ngoái và đã giành được sự mến mộ của những người nổi tiếng như Jaden Smith và Justin Bieber. Những chiếc T-shirt bằng sợi rong biển có giá 85 USD của Pangaia còn được xử lý với tinh dầu bạc hà để áo giữ được sự tươi mới lâu hơn.

Thương hiệu này ước tính họ sẽ tiết kiệm được khoảng 3.000 lít nước trong suốt vòng đời của sản phẩm, so với một chiếc áo cotton thông thường khác. Một loạt các thương hiệu “ít cần giặt” này đang khai thác nhu cầu về tính tiện lợi do không phải giặt nhiều – điều đặc biệt có ích khi bạn đang du lịch, không có nhiều thời gian.

Nhưng họ còn đưa ra một lập luận liên quan đến môi trường: Giặt quần áo quá nhiều không tốt cho hành tinh của chúng ta. Máy giặt chiếm 17% lượng nước sử dụng tại nhà và 1/4 lượng khí thải carbon trong suốt vòng đời của một sản phẩm may mặc cần được làm sạch nó. Chưa hết, Công ty máy giặt AEG ước tính 90% quần áo được giặt thực sự chưa đủ bẩn để ném vào giỏ giặt.

Một phần chuyện này liên quan đến một thực tế là các thương hiệu bột giặt đã thuyết phục người tiêu dùng rằng họ cần giặt quần áo thường xuyên, thậm chí là sau mỗi lần mặc, để giữ cho chúng sạch sẽ, vệ sinh. Hàng thập niên tiếp thị của ngành hàng giặt tẩy đã mặc định rằng mọi người nên giặt quần áo sau khi mặc trong ngày, ngay cả khi điều này là không thực sự cần thiết.

Thiết kế quần áo ít cần giặt

Trước khi các thương hiệu có thể thuyết phục người tiêu dùng ngừng giặt quần áo, họ cần thiết kế loại quần áo sẽ thực hiện được yêu cầu này bằng cách lựa chọn cẩn thận những nguyên liệu có khả năng chống mùi và bụi bẩn cao hơn. Các thương hiệu này tin rằng một phần lớn trong sứ mệnh của họ là “truyền thông lại” cho khách hàng về mức độ cần thiết của việc giặt giũ và khi nào việc giặt quần áo trở nên thừa thãi.

Những chiếc T-shirt bằng sợi rong biển có giá 85 USD của Pangaia còn được xử lý với tinh dầu bạc hà để áo giữ được sự tươi mới lâu hơn. Ảnh: courtesy Unbound Merino​​​​​​​

“Đầu tiên, cần phải hiểu rằng điều gì làm cho quần áo bẩn”, Mac Bishop, nhà sáng lập Wool & Prince – thương hiệu quần áo ít cần giặt dành cho nam giới, nói. “Tự thân mồ hôi là sạch; chỉ khi mồ hôi được hấp thu vào quần áo, nó bắt đầu thu hút vi khuẩn và có mùi khó chịu. Vì vậy, điều quan trọng là tìm nguyên liệu không giữ mồ hôi”.

Sản phẩm của cả Unino Merino và Wool & Prince đều phụ thuộc rất nhiều vào len vì chất liệu này có nhiều đặc tính khiến nó ít bị bẩn hơn. Len tự nhiên thoáng khí và thoát ẩm, điều đó có nghĩa là khi bạn đổ mồ hôi, mồ hôi sẽ bay hơi từ da vào không khí, thay vì bị giữ lại bên trong vải. Đồng thời, điều này cũng có nghĩa là vải len đang điều chỉnh nhiệt độ. Khi trời nóng, sự bốc hơi của mồ hôi khiến người mặc cảm thấy mát mẻ. Nhưng khi lạnh, len tạo ra một lớp cách nhiệt giữ nhiệt cơ thể, giữ ấm cho họ.

Tất nhiên, tính hữu dụng của len như một loại sợi quần áo đã được biết đến trong nhiều thế kỷ trải qua nhiều nền văn hóa. Gần đây, các thương hiệu trang phục ngoài trời như Patagonia và Icebreaker đã sử dụng len để tạo ra các lớp điều chỉnh nhiệt độ bên trong và những chiếc áo sơmi flannel có thể giữ sạch lâu trong các chuyến đi bộ đường dài hoặc cắm trại. Thương hiệu giày sneaker Allbirds tạo ra những đôi giày len không cần đi tất mà không khiến chân bốc mùi. Và những công ty startup mới này cũng đã cố gắng kết hợp len vào quần áo mặc hằng ngày.

Nỗ lực thuyết phục khách hàng “khỏi giặt nhiều”

Trong thực tế, những thương hiệu này phải vất vả tìm cách thuyết phục khách hàng của họ ít giặt quần áo hơn mà không làm họ cảm thấy “khó chịu”. “Chúng tôi có nguy cơ làm mất lòng khách hàng bằng cách khiến họ cảm thấy như chúng tôi đang gợi ý rằng họ không cần phải quá sạch sẽ”, Bishop nói.

Với Unbound Merino, chiến lược quảng bá thành công của họ đã tập trung vào những người tiêu dùng đang tìm kiếm các giải pháp trang phục phù hợp khi đi du lịch. Thương hiệu này ra mắt bằng một chiến dịch hứa với khách hàng rằng họ có thể du lịch hằng tuần với một túi đồ gọn nhẹ gồm áo T-shirt, đồ lót và vớ làm bằng chất liệu len.

Wool & Prince cũng tập trung vào tính tiện lợi và phong cách tối giản. Nhà sáng lập Bishop muốn tạo ra các sản phẩm đủ linh hoạt để khách hàng mặc hằng ngày, trong nhiều bối cảnh, để họ có thể sở hữu quần áo ít hơn. Và để đạt được mục tiêu này, cũng đồng nghĩa là quần áo có thể mặc lâu hơn mà không cần giặt vì người tiêu dùng không có quá nhiều quần áo trong tủ. Wool & Prince nhận thấy rằng thông điệp này đã tạo được tiếng vang tốt với người tiêu dùng nam, đặc biệt là những người không thích giặt giũ.

Nhưng Mac Bishop lo rằng đối tượng phụ nữ sẽ không hưởng ứng với ý tưởng “không giặt quần áo”, một phần vì các sản phẩm giặt tẩy chủ yếu nhắm vào người tiêu dùng nữ, khiến họ thận trọng hơn về sự sạch sẽ. Đó là lý do vì sao khi quyết định sản xuất trang phục dành cho nữ, ông đã tách nhóm sản phẩm này thành một thương hiệu riêng – Wool&, và đưa ra một thông điệp tiếp thị riêng biệt. Nghiên cứu ban đầu của thương hiệu cho thấy phụ nữ sẽ hưởng ứng hơn với thông điệp rằng giặt giũ ít sẽ tốt hơn cho môi trường, trong khi đàn ông dường như quan tâm nhiều hơn đến việc tiết kiệm thời gian.

Long Hồ

 

Nguồn Theo Doanh Nhân Plus, Fast Company
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.