Binh sỹ Ukraine bảo vệ một căn cứ không quân ở thủ đô Kiev. Ảnh: Getty Images
Theo hãng thông tấn UNIAN, Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận quân đội Nga đã chiếm sân bay quân sự Gostomel, cách thủ đô Kiev 17km về phía Đông Bắc.
Đây là một trong những mục tiêu quan trọng, nằm gần sân bay quốc tế Antonov, cho phép quân đội Nga đưa ra các bước đi tiếp theo của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Từ đây, quân đội Nga có thể mở ra hướng Đông khống chế đập chứa nước ở hồ chứa Kiev, uy hiếp thủ đô Ukraine từ phía Bắc.
Theo xác nhận của phía Ukraine, quân đội Nga đã điều lực lượng hùng hậu gồm 20 máy bay trực thăng tấn công Ka-52 và Mi-8 chở theo lực lượng đổ bộ tinh nhuệ để đánh chiếm sân bay quân sự Gostomel.
Quân đội Nga cũng đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng lực lượng vũ trang nhận được lệnh tiêu diệt “lực lượng chiếm đóng” tiến vào Gostomel.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24.2 công bố lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga sau khi quốc gia này tấn công Ukraine. Theo Reuters, đợt trừng phạt này nhằm hạn chế khả năng của Nga trong việc giao thương bằng USD, euro, bảng Anh và đồng yen của Nhật Bản. Trong số những thực thể bị trừng phạt có 5 ngân hàng lớn, bao gồm Sberbank và VTB, bên cạnh các thành viên của giới tinh hoa Nga và gia đình của họ. Sberbank, ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga, sẽ không thể chuyển tiền với sự hỗ trợ của các ngân hàng Mỹ.
Nhà Trắng cũng đã thông báo các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm chặn quyền tiếp cận của Nga đối với mọi sản phẩm, từ hàng điện tử thương mại và máy tính đến chất bán dẫn và bộ phận máy bay.
Ông Zelensky cho biết tình hình ở phía Bắc đang gặp khó khăn, nhưng ở hướng Đông quân đội “đang làm việc xuất sắc."
Theo ông, quân đội Ukraine đang đánh những trận ác liệt ở ngoại ô Kherson ở phía Nam.
Cùng ngày, hãng tin Reuters cho biết, cảng biển ở ngoại ô thành phố Mariupol bên bờ Biển Azov xảy ra đám cháy lớn và gây ra các vụ nổ.
Phía Ukraine thừa nhận mất kiểm soát với nhiều khu vực ngay trong ngày giao tranh đầu tiên.
Reuters bình luận Ukraine phải chiến đấu với quân Nga trên cả ba hướng Bắc, Đông và Nam.
Đồng thời các lực lượng đổ bộ đường không của Nga hoạt động linh hoạt với các hướng đổ bộ từ đường biển và đường không.
Hãng tin của Anh cho rằng Nga đang tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào quốc gia châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tối cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga xác nhận tất cả các mục tiêu đề ra cho quân đội Nga trong ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt đều đã được hoàn thành.
* Nga chiếm nhà máy hạt nhân Chernobyl: cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây cho biết quốc gia này đã mất quyền kiểm soát nhà máy hạt nhân Chernobyl vào tay Nga.
Theo ông Myhailo Podolyak, "sau cuộc tấn công của Nga… nhà máy Chernobyl đã không còn an toàn".
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng cho biết họ đã nhận được thông báo từ Ukraine rằng "các lực lượng vũ trang không xác định" đã kiểm soát mọi cơ sở của nhà máy và không có thương vong hoặc hư hại tại địa điểm này.
IAEA đang theo dõi tình hình Ukraine với "mối quan ngại sâu sắc" và đang kêu gọi "kiềm chế tối đa" để tránh các hành động có thể khiến các cơ sở hạt nhân Ukraine gặp rủi ro, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi thông báo hôm 24.2.
IAEA cho biết họ được thông báo rằng các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành của Ukraine vẫn đang hoạt động an toàn.
Ảnh chụp nhà máy hạt nhân Chernobyl, nơi xảy ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất vào năm 1986. Ảnh: EPA
Tổng thống Zelensky trước đó cảnh báo quân đội Nga đang cố gắng chiếm khu hạt nhân Chernobyl bị bỏ hoang và bị phong tỏa - hành động được ông mô tả là "một lời tuyên chiến chống lại toàn châu Âu".
"Vệ binh của chúng tôi đang bất chấp hiểm nguy để đảm bảo thảm kịch năm 1986 không lặp lại" – Tổng thống Zelensky khẳng định trên mạng xã hội Twitter, ám chỉ sự cố hạt nhân khiến ít nhất 32 người thiệt mạng và bị cho là liên quan đến khoảng 11.000 ca ung thư tuyến giáp.
Ở bài phát biểu mới đây trên truyền hình, Tổng thống Zelensky cho biết chiến dịch quân sự của Nga đến giờ đã khiến 137 người thiệt mạng và 316 người bị thương.
Người Việt ở Ukraine cần bình tĩnh, theo dõi sát diễn biến tình hình
Trước những diễn biến phức tạp hiện nay tại Ukraine, sáng 25.2, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao gửi lời thăm hỏi và chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine và lưu ý bà con một số vấn đề.
Cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine cần bình tĩnh, theo dõi sát diễn biến tình hình, thực hiện nghiêm túc những thông báo, hướng dẫn của nhà chức trách địa phương. An ninh, trật tự, giao thông tại một số thành phố có thể bất ổn, vì vậy, kiều bào cân nhắc ở yên tại chỗ, chuẩn bị nhu yếu phẩm, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Nếu phải di chuyển, đề nghị kiểm tra kỹ hành trang, phương tiện, xăng xe và giấy tờ cá nhân để việc di chuyển được thuận lợi, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Kiều bào giữ liên lạc với các hội đoàn người Việt Nam và bạn bè để trao đổi thông tin và giúp đỡ lẫn nhau.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái. Truyền thống này được các thế hệ người Việt Nam ở Ukraine kế thừa và phát huy, góp phần xây dựng một cộng đồng được sở tại yêu mến, gắn bó với quê hương. Trong thời khắc khó khăn này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đề nghị cộng đồng người Việt Nam và các hội đoàn người Việt Nam tại Ukraine cùng nhau tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.
Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam sẽ nỗ lực bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đề nghị các hội đoàn phát huy vai trò nòng cốt, thường xuyên giữ liên hệ, nắm tình hình, động viên kiều bào và thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine nếu có vấn đề phát sinh để kịp thời phối hợp giải quyết.
Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, cộng đồng liên hệ theo số điện thoại/email sau:
Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine:
+380 63 863 8999;
email: vnemb.ua@mofa.gov.vn
Tổng đài Bảo hộ Công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao:
+84 981 84 84 84 ; email: baohocongdan@gmail.com
Tổng đài Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao:
+84 24 38240 401, máy lẻ 0 hoặc 100 (ngoài giờ hành chính) hoặc 141, 269 (trong giờ hành chính); email: vu1.ubnv@gmail.com.
Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)