LTS: Trong những ngày qua, thông tin liên quan đến Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một trong những vấn đề thời sự Hà Nội chủ lưu nhận được sự quan tâm của rộng rãi dư luận xã hội. Bởi, sau khi đồ án quy hoạch này được phê duyệt, sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án cụ thể và là cơ sở để cấp phép xây dựng giúp cho người dân ổn định cuộc sống... Như vậy, một thời gian dài Hà Nội "mang tiếng" quay lưng vào sông Hồng, thì với đồ án quy hoạch này Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển. Nhân dịp này, Người Đô Thị giới thiệu ký sự (*) của nhà báo Trần Trung Chính (nay là Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng) viết cách nay 26 năm trước. Tư liệu đặc biệt này không chỉ ghi nhận đời sống dân cư gắn với con sông một cách sinh động mà còn đặt ra nhiều vấn đề quy hoạch vẫn còn tính thời sự, như: "...Hướng phát triển Hà Nội về phía Đông là một trong những hướng phát triển quan trọng để sông Hồng hội nhập với Hà Nội, tận dựng được khả năng giao thông, sông Hồng như “mặt trước” của đô thị, dòng sông và các bãi bồi của nó là hành lang đón gió Đông Nam cho toàn thành phố...".
*
* *
Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió
Đùi bãi ngô non ngo ngó sông đầy
Lê Đạt
Ấn tượng
Mỗi lần ông thi sĩ H. từ Sài Gòn ra Hà Nội lại rủ: “Đi với tôi ra sông Hồng”, đến một chỗ nào đó trong thành phố để ngắm sông Cả, sông Mẹ... con đê thân gày uốn khúc, bến nước, ruộng ngô xanh non trên bãi giữa... Tôi ngờ rằng ký ức con người không vận hành theo lối “cơ giới”. Bé đến lớn sống ở phố nhưng ông H. luôn nhớ chốn đồng bãi nhà quê. Một nàng quê ra tỉnh lại gắn bó với phố, ghét về làng, hoặc người ở biển thích nói chuyện rừng v.v... Vì lẽ gì thi sĩ H. đứng hàng giờ trên cầu Chương Dương lộng gió ngó xuống dòng sông đặc phù sa rân rấn nước mắt?... Tôi hãi những sự cảm động lắm, và chỉ thấy chỗ khúc quanh co sông nước đỏ thắt lại như cái nậm rượu hoặc tựa cái eo lưng mầu nâu non của người đàn bà Bắc Bộ, hai hình ảnh luôn vui sống trong mọi liên tưởng lãng mạn nhất của tôi.
Chăn bò trên bãi bồi rộng lớn giữa sông Hồng. Ảnh tư liệu minh hoạ. Nguồn: Zing
Thi nhân xứ ta nhìn con sông chảy tưởng đến sự cần cù muôn đời của tạo hóa. Nhưng cái biến đổi mà một đời người có thể mấy lần trông thấy là những dải đất bãi bồi ven sông, nơi con sông Hồng chẳng bao giờ dứt trò chơi kéo lở đất bờ này, bồi tụ phù sa cho bờ kia.
Những năm 60, đoạn giữa cầu Long Biên và Chương Dương hiện nay trong trí nhớ của tôi là bãi phù sa quạnh quẽ đỏ sậm màu da chu. Trên bãi đất ấm như mới được con sông sinh ra từ đêm trước, chỉ có những người đi câu vén quần đến háng đứng thụt chân trong bùn và (xin lỗi) họ lăn phân người với bông gòn lên cặp đùi vàng khè làm mồi câu cá.
Giữa dòng nước màu gụ bạc vài chiếc thuyền chài lang thang, dân chài cởi trần, thân thể như vuốt lên từ bùn đất loáng nắng sông Hồng...
Một chút quá khứ
Tôi tin đoạn đê có tên Cơ Xá này được đắp từ 1108 đơn giản vì đến nay tôi vẫn nom thấy nó, cảm ơn ông bà tổ tiên chịu khó lao động cho tôi được ngồi trên đê nhổ cỏ may ống quần người yêu, hoặc ngược lại. Nghĩa là cái gì có vẻ “nguyên cư” thì tin ngay, còn như bảo rằng thời Lý – Trần có quân cảng Đông Bộ Đầu chỗ dốc Hàng Than và thương cảng sông Tô Nhị ở phố chợ Gạo cách đê bây giờ đến vài trăm mét thì... cũng tin chứ, chỉ tại tôi kém tưởng tượng.
Nếu cái đê này có từ thời Lý... trước Lý không có đê, một nhà sử Hà Nội biết tôi chậm hình dung tả rằng xưa vùng nam Hồ Tây là bãi cát bằng (Động Đình Sa). Khi nhà Lý lấy đất chỗ phố Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám (bây giờ) để xây thành đã dời dân nơi đó ra sông Hồng, và thế ông Lý Thường Kiệt được đẻ ra trên bờ sông. Cái tên đê Cơ Xá vốn đội tên làng, do một ông vua Lý đi chơi sông nom thấy dân bãi kéo nước bằng kọn (guồng lớn), ông bảo vật ấy đáng gọi là máy cái bèn cho tên “Cơ” Xá.
Thời Lê mạt, chúa Trịnh mở rộng Cơ Xá từ Tứ Liên, Nhật Tân xuống gần bến Phà Đen “thượng Sù Gạ, hạ Thanh Trì”. Thời thuộc Pháp, Cơ Xá được chia thành bốn làng (1913) Cơ Xá nguyên ủy gọi là Phúc Xá, đối ngạn qua sông gọi Bắc Biên, phía Nam gọi Cơ Xá Nam và bãi giữa Trung Hà.
Bến tàu sông Hồng cạnh khu phố cổ thập niên 1920 trước khi bị bồi lắng. Ảnh TL
Những năm đầu thế kỷ XX giai gái vẫn có thể ngồi đê Cơ Xá thả bốn bàn chân xuống nước sông Hồng vì nó không cao như bây giờ, theo mốc cốt đê bằng sắt ở lối vào Bộ Thủy Lợi nó kém chừng 4m. Và từ đó, họ vừa đong đưa bốn bàn chân vừa ngắm cảng Hà Nội với ba bến tàu lớn: Sova (của hãng Sova), Ký Bưởi (của ông Bạch Thái Bưởi), Tàu Hiệu (của các chủ hiệu Hoa kiều). Liệu có phải người Pháp biết thế nào cũng thua ta nên phải dành 18ha đất dọc sông Hồng (1874 – các phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải) làm khu nhượng địa để tiện đường rút chạy?
Chẳng nên bảo họ xoàng thế. Ngoài ba cảng vừa nêu, hàng loạt công trình quan trọng được xây dựng kề cận sông Hồng: Nhà máy điện, nước (1895), Ngân hàng Đông Dương (1886), Dinh Thống Sứ, khách sạn Mestropol, bệnh viện Quân đội (1892), Nhà hát lớn (1901), Viện Pastuer (1925), bảo tàng Lui Finô (1926)... và đặc biệt là cầu Long Biên được khởi công 1898. Hướng phát triển Hà Nội về phía Đông là một trong những hướng phát triển quan trọng để sông Hồng hội nhập với Hà Nội, tận dựng được khả năng giao thông, sông Hồng như “mặt trước” của đô thị, dòng sông và các bãi bồi của nó là hành lang đón gió Đông Nam cho toàn thành phố...
Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội năm 1926. Ảnh tư liệu
Như thế, người Pháp có vẻ muốn nhắc lại ý tưởng xây dựng đô thị sông nước thời Lý – Trần, hay truyền thống sinh sống bên bờ của tổ tiên người Việt. Nếu coi chợ là một trong những yếu tố “tiền đô thị” thì trên một đoạn khoảng 10km dọc sông Hồng (từ làng Vẽ Từ Liêm đến Bá Dương – Đan Phượng) có loạt các chợ: Bá Dương, Bồng Lai, Thượng trì, Thượng Cát, Đông Ngạc... Những cái chợ quê đã có hàng trăm tuổi ấy vì trăm ngàn lý do kinh tế, xã hội... “chẳng chịu lớn thành đô thị”, nhưng sự ra đời, tồn tại của chúng đã căn bản dựa trên những điều kiện tự nhiên, khai thác những thuận lợi của mạng giao thông đường thủy vốn chằng chịt trên đồng bằng Bắc Bộ.
Những người con của sông
Hồng Cơ Xá, với Phúc Xá “vỡ kế hoạch” đẻ thêm Phúc mới: phường Phúc Tân. Tôi đồ rằng loại cư dân xưa nhất của Phúc Tân là dân vạn chài, ông Khải là người như vậy, hái lượm săn bắt những phương thức sinh sống cổ nhất của con người, dòng họ tông tộc ông đến đời ông và con cháu vẫn sống trên thuyền.
Cuộc sống ấy chẳng lạ gì so với muôn vàn dân vạn chài ở các con sông Bắc, Trung, Nam Bộ. Nó chỉ cá biệt với dân Hà Nội, những công dân này hạnh phúc nhất thủ đô xét về mặt nào đó trong đời sống tinh thần. Nghĩa là không vướng vào quan hệ chủ - tớ hay thủ trưởng – nhân viên... cùng biết bao khát vọng làm người “văn minh” trên mặt đất. Nhưng môn đệ của Lão Đam sáng giong thuyền ngược xuôi tùy thích, trưa luộc cá tươi uống rượu, buổi chiều chồng vá lưới, vợ chạy vào phố đổi cá lấy gạo về thuyền bắt chấy cho chồng con...
Cầu Long Biên chụp vào năm 1940. Cây cầu là “chứng nhân lịch sử” về quy hoạch Hà Nội. Ảnh tư liệu
Chật chội, ra đụng vào đụng, hạnh phúc về đêm của dân nhà thuyền dồi dào nên thuyền nào cũng đầy ắp trẻ nhỏ. Trong số chúng khối đứa mẹ đẻ rơi khi “chiếc bách lênh đênh giữa dòng” bố cắt rốn cho con, mẹ vừa đạp chèo vừa cho con bú... Lũ trẻ sinh ở nước, lớn trên thuyền, phụ việc đánh cá từ lúc 6, 7 tuổi chúng theo nghề chài lưới “ngày ngược Châu Phan, Việt Trì... đêm xuôi Phủ Lý, Nam Hà...” chẳng mấy lúc lên bờ cho nên thất học. “Từ ngày có nhà trên bờ, có cái “trust” làng chìa đẻ ít và các cháu đã cắp sách đến trường Phúc Tân”.
Chuyện vui với cha con ông Khải quanh cái mốc thời gian: chiến tranh – hòa bình luôn luôn lẫn lộn, ông bố bảo đận hòa bình năm 54, anh con chỉ nhớ hòa bình năm 75. Người ta dùng những cái mốc ấy để tính những trận lụt to, đất lở trôi làng... Đại khái có những thập kỷ vài trăm thuyền chài leo đậu bãi Phúc Tân thành vạn chài. Khi con sông cho đất họ lập làng dựng nhà sàn, nhà bè, nhà thờ... trên bộ. Lúc con sông lấy đi tất cả họ lại xuống thuyền thường trú.
Tôi ngồi trên chiếc thuyền chài tiến ra giữa sông, hầu như mấy tháng nay trời Hà Nội không nắng, u ám, đô thị đã “chớp mi đèn điện” trong chiều đông sương giá và nhòa trong lảng bảng sương khói. Thi sĩ H. gặp cảnh kia hẳn phải phóng ra vài câu thơ bởi cảnh thơ trước mắt đang đợi người thơ... Còn kẻ sung tục này chỉ khoái sống hưởng tiện nghi của đô thị, nhưng lại được sống kề bên sông không phải chịu mọi nạn ô nhiễm của Hà Nội.
Trong sự yên tĩnh giữa trời nước tôi mới biết năm nào cũng có đôi chục người chán sống buông mình từ cầu Long Biên xuống nước và nhờ dân vạn chài nhiều cuộc trầm mình chẳng thành, họ nên tình nghĩa với nhau. Nước sông Hồng lành lắm, dân thủ đô trút mọi thứ xuống nhưng dân chài vẫn ăn uống, tắm giặt bằng dòng nước đó, ông Khải tiếc cá mòi sông Hồng tiệt giống từ mấy năm nay vì dòng sông ô nhiễm, nhưng vẫn tự hào ngược xuôi 70km quanh Hà Nội, con chiên, con lãng... ngon nhất xứ mình.
Sông Hồng một thời gian dài gần như bị bỏ quên trong khi các đô thị trên thế giới họ đều ôm trọn dòng sông vào lòng. Ảnh: KT/VOV
So sánh với nhiều thành phố hiện đại trên thế giới phải đào sông vào thành phố “để chơi”, tôi mạnh dạn cho rằng việc Pháp lấp sông Tô Lịch trong khu 36 phố phường là sai lầm đầu tiên về quy hoạch Hà Nội (1888). Ngày nay để nỗ lực xây dựng thủ đô người ta tiếp tục lấp đi hàng trăm đầm, hồ lớn bé sau khi đã xả chan chứa rác rưởi vào đấy, tiếp tục lấp sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu... cắt rời loại bỏ sông Hồng với các bộ phận của nó vốn thông nhau lan tỏa trong đô thị. Có thể coi đó là hàng động phá bỏ, chống lại cảnh quan, sinh thái tự nhiên?
Và, sự khốn khổ về ngập lụt trên các đường phố Hà Nội mới là hậu quả ban đầu, rồi đây Hà Nội sẽ phải chịu thêm những hậu quả gì nữa thiên nhiên chưa “báo cáo” cho ta rõ”. Nói “loại bỏ” sông Hồng còn bởi hầu như chúng ta không dùng đến nó, tức là đánh mất “cuộc sống” của nó. Cuộc sống trong quá khứ sông Hồng từng gắn bó với Hà Nội... Hiện nay các công trình cao tầng kề đê (bãi ngoài) đang chen nhau mọc như “tường thành” cản gió từ hướng sông vào thành phố.
Đằng sau các công trình đó là các dãy “phố mới” chật chội dày đặc chủ yếu của dân lấn chiếm tràn tới mép nước. Sông Hồng đang trở thành “sân sau” của cư dân ngoài bãi với đủ loại dòng thải, bãi xú uế, ngập ngụa dọc sông. Tôi và ông nhiếp ảnh trượt theo các dốc rác bê bết phân người để xuống thuyền, kinh hoàng bởi cảnh tượng dân cư đổ rác lấp sông rồi làm nhà trên những bãi rác... Các đường phố mới lầy lội mùa mưa, ngập bụi tháng nắng... Tóm lại sự cách biệt trong đê, ngoài đê không phải do sự tồn tại của đê mà bởi chiều cao của các công trình ngăn cách không gian đô thị, do giao thông... và lối quần cư “vô chính phủ” của dân bãi...
Hà Nội như đang quay lưng lại với sông hồng, dân Hà Nội không còn thấy con sông chảy qua thành phố, không tận hưởng được cảnh quan, khí hậu... không chứng kiến những hoạt động kinh tế, văn hóa phong phú xuất phát từ con sông, vốn được coi là món ưu đãi của thiên nhiên dành cho thủ đô.
Vấn đề “làng đô thị”
Các nhà quy hoạch từng nghĩ đến việc bảo tồn một số làng nghề truyền thống: trồng hoa, canh cửi, chạm khảm... trong đô thị, xem nó vừa có giá trị cân bằng không gian, khí hậu chung cho thành phố, vừa gìn giữ được các yếu tố văn hóa độc đáo của Hà Nội. Nhưng tại các khu vực ven nội do sức tăng dân số, quá trình đô thị hóa ồ ạt đã hầu như thanh toán các loại làng nghề. Vậy bây giờ có thể khai thác các dải đất bồi, yếu ven hai bờ sông Hồng để thực hiện ý tưởng trên?
Với xu hướng mở Hà Nội ra hướng sông, lập “các làng đô thị” trên vùng bãi bồi, tổ hợp các loại kiến trúc thấp tầng có kết cấu nhẹ, cơ động khi có sự cố, thích ứng với vùng nền đất yếu, không thương hại đến đê Cơ Xá, và nhất là đảm bảo được hành lang đón gió Đông Nam cho toàn thành phố. Dải đất ven đôi bờ sông Hồng có thể bao gồm những quần thể làng bán nông, thủ công, vạn chài, du lịch... hoặc tổng thể của nó là khu cây xanh, nghỉ ngơi giữa lòng Hà Nội.
Một chiều nào nhớ gió sông Hồng sẽ dẫn con gái dạo trên con đường dọc bờ sông (tôi tưởng tượng vậy) để bảo với cháu đây là dòng sông con đã học vẹt trong sách địa lý, sao con đẻ ở Hà Nội đến giờ vẫn chưa biết nó? – Là vì chẳng bao giờ con nhìn thấy sông khi nhà cửa khuất lấp chèn ép nó, vì chẳng có một con đường dưới bóng cây cho trẻ nhỏ ra sông với Mẹ... để chúng con như các bạn Huế, Đà Nẵng, TP.HCM luôn được ngắm sông Hương, Hàn, Sài Gòn. Nhưng thôi đọc thơ bác H. con cũng đã biết Hà Nội có một con sông nước đỏ ở đâu đó... trong “truyền thuyết”.
Đấy là ý kiến rất “nhầm lẫn” thưa các nhà quy hoạch Hà Nội?
Hân Hương
________________
(*) Bài viết có tựa đề "Sông Hồng ở đâu?" đã đăng trên báo Lao Động số 57.