Ngày đầu tiên đi học
Brisbane – thành phố thuộc bang Queensland nước Úc, đón tôi bằng ánh nắng chiều nhạt dần trên phố và ánh mắt hiền hoà của những người Úc thân thiện. Tôi và chị bạn đi cùng được chị chủ nhà trọ - một phụ nữ gốc Việt đón về nhà ở khu Inala (cách trung tâm Brisbane khoảng 30 phút đi xe hơi).
Inala là vùng có nhiều người Việt cư ngụ. Tại đây, chúng tôi có thể đi bộ ra chợ người Việt nằm phía bên kia đường để mua thức ăn Việt về nấu hoặc mỗi sáng có thể thưởng thức những món điểm tâm mang hương vị quê nhà. Trở ngại duy nhất là tôi phải mất hơn một tiếng đi xe buýt đến đại học Queensland – ngôi trường mà tôi theo học khoá đào tạo thạc sĩ quản lý giáo dục. Vì thế mà tôi quyết định cùng chị bạn chuyển nhà đến gần trường.
Những ngày đầu tiên đi học khá vất vả vì đường xa lại còn phải tranh thủ đi kiếm nhà gần trường. Tôi và chị bạn phải đi bộ loanh quanh trường nhiều buổi để tìm nhà rồi lại nhờ vào các văn phòng giới thiệu nhà ở cho sinh viên, lục tung thông tin ở các trang web trong hơn một tháng mới kiếm được ngôi nhà ưng ý, cách trường chừng năm cây số. Ở khoảng cách này thì tôi có thể đi bộ hàng ngày đến trường chỉ mất khoảng 15 phút.
Rồi tôi cùng chị bạn quyết định chuyển đến nhà mới và lại một phen vất vả dọn dẹp, thu gom, nhờ người chở hộ đồ đạc cá nhân bằng xe hơi đến nơi ở mới – một ngôi nhà gỗ sơn trắng xinh xắn và đáng yêu ở một góc ngã tư đường. Một cuộc sống mới bắt đầu…
Nỗ lực hoà mình
Chúng tôi ở cùng hai người Úc với các phòng riêng biệt. Lúc đầu, không khí trong ngôi nhà mới thật bỡ ngỡ vì mỗi người một phòng, ai về nhà rồi thì đóng cửa im ỉm, chỉ lúc nấu ăn mới gặp nhau và trò chuyện vì cả nhà chỉ có một bếp ăn chung. Dần dần, trong vài tuần sau đó, chúng tôi đã có dịp nấu những món Việt cho hai người bạn bản xứ vừa thưởng thức vừa hàn huyên, chia sẻ về cuộc sống để ngày càng cảm thấy thân thiết với nhau hơn.
Việc học ở trường của tôi rất khác biệt so với Việt Nam từ chương trình, môi trường và phương pháp học. Bạn bè trong lớp đến từ nhiều đất nước, chỉ có vài ba bạn Việt Nam mà thôi.
Vì vậy, tôi phải gắng mau chóng hoà nhập với bạn bè quốc tế qua những lần cà phê hay ăn trưa cũng như các chuyến bách phố, đi chợ phiên vào ngày rảnh hay cuối tuần. Chúng tôi còn hẹn nhau đến mượn sách tại thư viện trường – một Tàng Kinh Các đồ sộ rồi cùng đến ngồi trên những thảm cỏ xanh mượt trong khuôn viên trường để học nhóm hay bàn luận về những vấn đề khó giải quyết trong từng bài học.
Dần dà, tôi kết thân được với nhiều bạn bè người bản xứ hay các nước khác và cũng chính nhờ đó, kỹ năng giao tiếp trở nên phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là việc sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống.
Chỉ sau gần bốn tháng học tại Úc, tôi tình cờ biết đến hội Du học sinh Việt Nam tại Brisbane và tự nguyện tham gia ban điều hành hội qua sự kiện Đêm hội trăng rằm 2010 tại đại học Queensland thu hút hơn 200 bạn trẻ tham dự với nhiều tiết mục múa, hát đậm sắc màu sinh viên và tiệc bánh trung thu ấm cúng.
Thông qua gặp gỡ trực diện hay họp online của ban điều hành hội đến các phong trào, hoạt động sinh viên sau này như đêm diễn từ thiện “Giáng sinh yêu thương” tại đại học công nghệ Queensland quyên góp hơn 3.000 đô Úc gửi về cho đồng bào lũ lụt miền Trung Việt Nam, lễ hội trò chơi dân gian Việt Nam tại công viên Roma Street Parklands… tôi đã mở mang các mối quan hệ xã hội và phát triển các kỹ năng lãnh đạo trong công tác thanh niên.
Săn việc làm thêm
Tìm việc làm thêm tại Úc không hề đơn giản. Sau gần nửa năm sống ở Brisbane và kiên trì săn thông tin trên các trang web giới thiệu việc làm như www.seek.com hay www.gumtree.com.au, thậm chí cả trên các forum hay facebook của hội Du học sinh, tôi may mắn được nhận làm chuyên viên tư vấn du học tại iAE - một tập đoàn giáo dục quốc tế - sau khi vượt qua vòng loại hồ sơ và vòng phỏng vấn trực tiếp với hơn 20 ứng viên. Trong suốt thời gian làm việc, tôi có dịp mở rộng mối quan hệ của mình với các du học sinh Việt Nam, trau dồi kỹ năng ngôn ngữ với các đồng nghiệp đến từ Hàn Quốc, Philippines, Trung Quốc, Mã Lai... và đặc biệt là nâng cao kỹ năng sống.
Trở thành đại sứ sinh viên quốc tế
Cơ hội lại đến với tôi khi cùng Huỳnh Thị Ngọc Hân (Người đẹp du lịch Việt Nam năm 2011) được ông Campbell Newman – cựu thị trưởng Brisbane phong tặng danh hiệu “Đại sứ sinh viên quốc tế tại Brisbane năm 2011” qua nhiều vòng thi tuyển.
Từ đó, chúng tôi bắt tay ngay vào việc tổ chức các sự kiện quảng bá văn hoá Việt tại đây như ngày Văn hoá Việt Nam tại trung tâm Brisbane, đêm hội Chào Việt Nam tại đại học công nghệ Queensland; quảng bá hình ảnh nón lá, áo dài tại lễ hội Đông Tây…
Thành quả sau một nhiệm kỳ đại sứ sinh viên là chúng tôi được ông Graham Quirk – tân thị trưởng Brisbane phong tặng danh hiệu “Đại sứ hữu nghị” và “Đại sứ xe đạp công cộng” tại Brisbane.
Trong suốt thời gian làm đại sứ sinh viên, tôi cùng Ngọc Hân có nhiều dịp tham gia những chuyến du lịch sinh thái đến nhiều địa điểm tại Brisbane hay nhận được nhiều vé mời tham dự các sự kiện chính trị, văn hoá – văn nghệ, thể dục – thể thao cấp thành phố như hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á – Thái Bình Dương trong vai trò các đại sứ, dạ tiệc doanh nhân của tân thị trưởng… để mở mang tầm mắt về Brisbane - một trong tám thành phố đáng để sống nhất trên thế giới. Qua đó, chúng tôi học được khá nhiều về văn hoá bản xứ và thêm yêu Brisbane hơn bao giờ hết.
Du học không chỉ là học từ giảng đường, mà còn phải học từ cuộc sống thực tế trên xứ người. Hơn một năm rưỡi trên đất Úc đã mang lại cho tôi những bài học kinh nghiệm quý giá. Tuy nhiên, học là một chuyện, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn lại là một việc khác. Theo tôi, các bạn du học sinh nên mạnh dạn tự tạo ra hoặc tìm kiếm cơ hội áp dụng những kiến thức đã học từ những đất nước có nền giáo dục hiện đại sau khi quay trở về quê hương.
Trần Quốc Duy, cựu du học sinh Úc, trưởng ban tuyên giáo Tỉnh Đoàn Bình Phước