Sau lưng tài tử

 11:22 | Thứ hai, 14/07/2014  0

Một người từng là đồng nghiệp của ông kề tai người bên cạnh nói nhỏ: giờ ngồi xe lăn ngó coi dễ thương vậy chớ lúc trước khó chằn ăn trăn quấn. Vừa khó vừa có tật nói lâu. Lâu cỡ nào? Cỡ uống hết ba bình trà vẫn chưa nói dứt.

Trong vài chục kiểu ảnh được bấm máy hôm đó, kiểu nào cũng có ít nhất mười lăm người vây quanh ông, đứng ngồi, nghiêm trang, cười cợt, cau có, nôn nóng… đủ kiểu. Ông như bị lún sâu vào chiếc xe lăn, mệt mỏi nhưng cũng gắng gượng ra vẻ tươi cười trong mọi kiểu ảnh. Gì thì gì, tuy là giải cấp tỉnh nhưng lại là phần thưởng cho sự cống hiến trọn đời, xét về tính chất thì chỉ có từ ngang bằng đến cao hơn cái giải khác cũng mang ý nghĩa tương tự nhưng... ở tận Hollywood.

Buổi trao giải hôm ấy, lướt nhanh cũng dễ nhìn ra những gương mặt quen thuộc: tóc bạc trắng giống như ông thì chắc chắn là đồng nghiệp thời còn “nước cất từng lon, đói ăn trái mắm” (trong số này có người từng kiểm thảo ông và cả những người mà ông từng kiểm thảo vì cái tội tư tưởng không ổn định thể hiện qua tiếng đờn, câu hát); tóc lốm đốm hoa râm như người vừa kề tai nói nhỏ thì từng bị ông vỗ bàn dọa kỷ luật đến mức phải sợ xanh mặt; son phấn lượt là thì là lớp học trò gần đây nhất của ông đã thành danh.... Có cả sự góp mặt của những người chỉ vì sự tò mò mà đến, đến để coi cái ông già chiều nào cũng ôm cây đờn kìm ngồi trước hàng ba gảy tửng từng tưng mấy bản Phú lục, Kim tiền bản, Tứ đại oán, Đảo ngũ cung…bữa nay nhận được bao nhiêu tiền, xài vô chuyện gì cho hết khi đã ở cái tuổi đó (họ làm như người già thì quên luôn cả chuyện xài tiền).

Hôm anh phóng viên của một tờ báo đến phỏng vấn, ông vẫn còn tinh anh, tuy phải nửa nằm nửa ngồi để tiếp chuyện nhưng lời nào lời nấy rành rọt rõ ràng. Đặc biệt, trí nhớ của ông vẫn còn khá tốt, bằng chứng là ông còn nhớ về tận thế kỷ mười chín; chuyện tài tử, chuyện giai nhân ở cái thời của ông nó khác cái thời buổi “bát nháo” hiện giờ ra sao. Cao trào của buổi phỏng vấn là việc ông giải thích vì sao cái loại hình nghệ thuật từ lâu đã ăn sâu vào máu thịt của mình lại có sức sống mãnh liệt đến như vậy. Như “trời khiến”, chiếc máy ghi âm của anh phóng viên hôm ấy dở chứng không thu lại được đoạn đó. Trong sổ tay của anh chỉ nguệch ngoạc mấy chữ, đại ý là: vì không ai nuôi nó nên nó mới sống. Lúc về, giở ra đến trang đó, anh phóng viên cứ ngờ ngợ đến mức nghi ngờ mình hứng chí ghi bừa hoặc không thì ông già bức bối quá nên thiếu kiềm chế. Biên tập viên cười sặc sụa khi biên tập bài của anh vì đoạn ấy làm chị ta liên tưởng đến chuyện “con gì nuôi mà không ăn thịt, những con thả lang không nuôi thì thịt lại ngon”. Lúc đồng ý với biên tập viên cắt bỏ, anh hối hận ngay tức khắc vì sực nhớ ở cái tuổi của ông già thì chẳng còn thứ gì khiến phải sợ đến mức không dám nói ra. Chỉ đáng tiếc, khi còn trẻ người ta đã sợ quá nhiều thứ, đến nỗi khi nỗi sợ suy tàn thì cũng chẳng còn ai tin là mình không biết sợ.

Cũng ở buổi lễ trao giải hôm ấy, ít người để ý thấy phía ngoài cửa hội trường có một tốp người cố kiễng chân nhìn qua mấy dãy bàn ghế dày đặc quan khách để “ngó cho rõ mặt cái ông mà cách đây mấy chục năm, tối nào cũng xách đờn qua nhà, ngồi với ông già tía của mình tới khuya lơ khuya lắc”. Họ còn thì thầm bảo với nhau rằng: hồi đó, đang phát ngoài ruộng vậy mà hễ nghe tiếng lên dây đờn từ trong nhà vọng ra là quăng phảng ngang một bên, cắm đầu cắm cổ chạy miết về. Như “ma khiến”! Lúc đó, đâu có ai kêu ổng bằng nghệ nhân gì đâu, ổng cũng chỉ nói là rảnh tay rảnh chân đờn ca hát xướng cho vui nhà vui cửa, nên xóm nên làng vậy thôi.

Lúc nhìn thấy mặt ông già khi ông được dìu đứng lên nhận giấy chứng nhận giải thưởng, có người giụi mắt sợ mình nhìn lầm vì không giống ổng chút nào, “mới”… mấy chục năm không gặp mà nhìn sao lạ hoắc. Một số người khác lại khẳng định: ổng chớ còn ai khác “trồng khoai đất này”.

Họ nhận ra bởi vì trong lồng ngực gầy gò ốm yếu của ông, nhịp đập trái tim yêu nghề vẫn còn bổi hổi như thời thanh xuân. Cả trái tim họ cũng vậy, giống như đang đập chung một nhịp, một loại “đồng thanh, đồng khí” được gieo trồng từ cái thời mới khai hoang, lập ấp.
Sao không vào trong ngồi? Ai đó tằng hắng làm tốp người ngoài hội trường giật thót. Nhìn một chút rồi tụi tui về liền, vô ngồi là mất “sở hụi” của ngày hôm nay. Họ lí nhí, ngượng ngập nhìn xuống bàn tay bàn chân thô kệch nếu không ám vàng một màu phèn thì cũng nhuốc nhem dầu mỡ. Miệng thì nói vậy chứ mắt họ vẫn dán chặt lên phía sân khấu của hội trường khi trên đó ban nhạc bắt đầu lục tục rao đờn. Nhìn vào tốp người tay chân ngứa ngáy, ngọ ngoạy bên ngoài, người ta cứ tưởng lầm là có một ban nhạc thứ hai đang bắt đầu “khởi động” trong khi chờ đến lượt mình lên biểu diễn.

Khi Đảo ngũ cung của ban nhạc trên sân khấu chuyển sang Song cước, đám người bên ngoài mới tiếc rẻ kéo nhau ra về.

Đáng ra họ nên nán lại đến hết chương trình trao giải. Ông già muốn trao lại một phần trong số những tài sản quý giá gắn liền cái nghiệp đờn ca hát xướng mà mình trót vương cho vài cái tên người, ở một nơi nào đó. Chắc chắn những cái tên đó không thuộc về số quan khách đang lim dim tựa ghế. Nó nghe có vẻ hợp với tốp người ban nãy hơn.

Bây giờ ông không cần thứ gì cả, kể cả giải thưởng, vì khi chết đâu có mang theo được, chỉ mong sao trao những tài sản vô hình của mình đúng bạn tri âm. Chỉ cần người đó cam đoan rằng họ sẽ làm cho số tài sản được nhận từ ông ngày càng sinh sôi nảy nở thì ông sẽ thanh thản theo mây về trời. Cái câu cuối cùng của ông xem ra làm mất lòng không ít người có mặt đang vây bủa xung quanh ông, bằng chứng là họ đã nhếch mép biểu hiện sự nghi hoặc đang tràn trề mọc rễ.

Họ cố tình không hiểu: cho dù có muốn, người ta cũng chẳng thể chia chác được chút lợi lộc nào từ chính cái chết của mình, kể từ khi cảm giác được nó đã bắt đầu diễn ra…

Nghệ sĩ, Tài tử, Nghệ nhân… đó là tất cả những gì ông già kia có. Nhìn vào đám đông trước mặt, có lẽ ông đã thấy phía sau lưng mình là một khoảng vắng mênh mông, như cái bản Văn thiên tường mà ban nhạc đang trỗi lên ngay bên cạnh.

Lê Minh Nhựt

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.