Càng lạ kỳ, ngắm kỹ hai công trình kiến trúc và cảnh quan này, ta có thể nhận ra chúng có nhiều đặc điểm và giá trị lịch sử tương đồng. Hơn thế nữa, cả hai dinh thự đã và đang trở thành ví dụ điển hình cho cuộc tranh luận giữa quan niệm quy hoạch cân đối khoáng đạt với quy hoạch cao tầng dồn nén trong trung tâm thành phố. Mặt khác, đó còn là cuộc đấu tranh giữa khát vọng ưu tiên nhân văn với những toan tính kim tiền thượng đẳng, vào thời kỳ bùng nổ đô thị!
Hãy ngẫm xem…
Cùng là chứng tích khai sinh đô thị
Dinh Thượng thơ Sài Gòn là chứng tích hay đẹp của thời kiến tạo Sài Gòn. Còn Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt cũng là chứng tích ý nghĩa không kém về sự ra đời của một thành phố trên cao nguyên. Thật vậy, Dinh Thượng thơ Sài Gòn - tuổi đời khoảng 140 năm, là dinh thự mang phong cách Tân cổ điển của châu Âu cuối thế kỷ XIX, không nhiều chi tiết trang trí hoa mỹ.
Là một công thự thể hiện uy quyền của bộ máy nhà nước song Dinh Thượng thơ được thiết kế không theo lối kín cổng cao tường, hay cao sang vời vợi. Nơi đây là trụ sở làm việc của Bộ Nội vụ (thành lập từ năm 1864) phụ trách toàn bộ công việc nội trị của Nam kỳ kiêm quản chức năng Tòa Thị chính. Thời ấy, Trương Vĩnh Ký diễn dịch tên cơ quan này qua tiếng Việt là Dinh Thượng thơ Bộ Lại. Và rồi, dân Sài Gòn gọi tắt là Dinh Thượng thơ.
Đây chính là chiếc nôi của các cơ quan hành chính Sài Gòn tân tiến. Tại đây, có đủ các phòng ban về hộ tịch, thương mại, thuế quan cho đến phát hành công văn, tài liệu và gọi thầu mua bán. Tòa nhà cũng là trụ sở và nơi phát hành Gia Định Báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên của Việt Nam, tồn tại từ 1865 - 1909.
Sau năm 1954, Dinh Thượng thơ chuyển thành trụ sở Bộ Kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và cũng là nơi đặt trụ sở của tờ báo Chấn hưng Kinh tế. Từ tháng 4.1975 đến nay, tòa nhà được sử dụng làm trụ sở của nhiều cơ quan kinh tế cấp trung ương và thành phố. Hiện, tòa nhà là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Công Thương TP.HCM. Như vậy, xuyên suốt hơn hai thế kỷ, Dinh Thượng thơ đều được các chính quyền nối tiếp sử dụng làm công sở hành chính ngay tại trung tâm thành phố.
Tòa nhà Dinh Thượng thơ Sài Gòn, gần đây được quét sơn mới trông sáng sủa và xinh đẹp hẳn lên đem đến niềm hy vọng tòa nhà sẽ được bảo tồn đúng cách. Ảnh: Phúc Tiến, chụp ngày 10.7.2020.
Thế nhưng, ý nghĩa lịch sử của Dinh Thượng thơ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chính quyền hay báo chí. Cần lưu ý, nền đất và vị trí của tòa nhà có dấu ấn lịch sử xa hơn vào thế kỷ XVII và XVIII. Bởi tòa nhà nằm đúng ngay một góc thành xưa Gia Định (cửa Càn Nguyên, tường thành phía Nam) và là một phần của con dốc - người xưa gọi là dốc Tân Khai. Đó chính là dấu tích còn lại của một ngọn đồi lớn, đỉnh đồi là trục đường Lê Duẩn - nơi người Việt mở làng đầu tiên ở Sài Gòn vào thế kỷ XVII. Và sau đó, chúa Nguyễn Ánh cho xây Thành Quy, trùm lên ngọn đồi, vào năm 1790.
Trong khi ấy, Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt tọa lạc trên Đồi Dinh - vùng đất khai sinh phố núi. Chính ngọn đồi này là một cột mốc định hình Đà Lạt bên cạnh hồ nước lớn và con suối nhỏ của bộ lạc Lat, khi bác sĩ Yersin đặt chân đến đây vào năm 1893. Đồi Dinh - giống như gò Tân Khai của Sài Gòn, là nơi chính quyền xuất phát và điều hành việc xây dựng đô thị.
Trên đồi, ban đầu người Pháp cho làm một đồn binh, sau đấy là một nhà sàn đơn giản, kế đến là Dinh Thị trưởng được xây dựng vững chắc vào trước 1910. Đây là một tòa nhà, bao gồm hai tầng lầu và một tầng hầm, khá bề thế, mang dáng dấp kiến trúc công sở miền bắc Pháp. Mặt ngoài tòa nhà, giống như Dinh Thượng thơ, không có những trang trí hoa mỹ. Từ các cầu thang đến cửa ra vào, cửa sổ và mái nhà đều thể hiện sự thanh thoát, rộng mở. Chung quanh dinh là sân vườn rộng lớn với nhiều cây xanh lâu năm. Từ tòa nhà có thể ngắm nhìn khung cảnh toàn thành phố dần dần mọc lên như một vườn hoa xinh xắn.
Sau 1954, khi Đà Lạt và miền Nam chuyển qua quyền quản trị của người Việt, Dinh Thị trưởng trở thành trụ sở làm việc và chỗ ở của tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức nên người dân quen gọi là Dinh Tỉnh trưởng. Trải qua nhiều biến động và thay đổi chính quyền, Đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng vẫn được giữ nguyên vẹn, điều này thể hiện sự hiểu biết và trân trọng lịch sử của những người quản trị và quy hoạch Đà Lạt trước đây. Tuy nhiên, sau tháng 4.1975, Dinh Tỉnh trưởng có lúc trở thành doanh trại quân đội, rồi nhà văn hóa và kể cả quán cà phê - trưng bày nhiều cổ vật của Đà Lạt. Bản thân tòa nhà không được tu sửa, xuống cấp trầm trọng, giống như nhiều tòa nhà đẹp ở xứ hoa đào bùi ngùi lâm vào cảnh hoang phế.
Cùng “xếp hàng” mà chưa được “xếp hạng”?
Năm 2018, khi dư luận lên tiếng không được phá bỏ Dinh Thượng thơ, một viên chức TP.HCM đã “hồn nhiên” cho biết tòa nhà này “chưa hề được xếp hạng di tích hay di sản”. Cách trả lời “ngộ nghĩnh” đó, bỗng được lập lại mới đây khi một lãnh đạo Đà Lạt trả lời báo chí về giá trị của Đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng. Song sự thật, đối với hai dinh thự này, hoàn toàn không phải các cơ quan chuyên môn chưa hề tìm hiểu và nhận xét về các giá trị của chúng!
Với TP.HCM, từ nhiều năm trước, UBND thành phố đã thông qua “Danh sách vị trí các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử”, ban hành theo quyết định số 3457, ký ngày 28.6.2013 về Quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha). Trong danh sách đó, tòa nhà Dinh Thượng thơ mang ký hiệu A-16, nằm trong Phân khu 2 thuộc Khu Trung tâm văn hóa - lịch sử theo quy hoạch được duyệt. Vào tháng 5.2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã khảo sát và kiểm kê sơ bộ tòa nhà.
Tổ công tác nhận xét Dinh Thượng thơ có giá trị đặc biệt về cả kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Còn về mặt lịch sử, văn hóa, “công trình là bằng chứng lưu giữ dấu vết về một trong những tòa nhà công quyền đầu tiên của Sài Gòn” và là “bằng chứng lịch sử trong quy hoạch không gian đô thị”. Vậy mà, đến nay, không hiểu vì sao Dinh Thượng thơ vẫn chưa được các ngành chức năng đưa vào danh sách đề nghị xếp hạng di sản kiến trúc hay di sản lịch sử?
Dinh Tỉnh trưởng là một trong những dinh thự được xây sớm nhất tại Đà Lạt (thập niên 1910) nằm giữa mảng đồi xanh hiếm hoi còn lại của khu trung tâm. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên chụp tháng 7.2020.
Với Đà Lạt, càng “lạ lùng” hơn, từ lâu Dinh Tỉnh trưởng đã nằm trong danh sách các công trình được bảo tồn. Vào năm 2011 và 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa Dinh Tỉnh trưởng vào danh sách 5 dinh thự được bảo tồn đặc biệt (nhóm 1 các biệt thự sở hữu của nhà nước). Trước đó, dinh đã được Bảo tàng Lâm Đồng kiểm kê, lập hồ sơ khoa học từ năm 1996.
Qua năm 2004, dinh cũng đã nằm trong danh sách hệ thống các kiến trúc Pháp tại Đà Lạt được báo cáo tại hội nghị các chuyên gia đánh giá quỹ kiến trúc hiện hữu của thành phố. Như vậy, cả Dinh Thượng thơ và Dinh Tỉnh trưởng đều đã được khảo sát và tiêu tốn không ít thời gian, công sức và tiền bạc để được xem xét cần thiết phải bảo tồn! Song, những kết luận ấy đã bị lãng quên hay bị cố ý gạt ra bên ngoài, từ khi những dự án sửa đổi xây dựng và quy hoạch mới xuất hiện.
Cùng hồi hộp với những dự án hào nhoáng
Tại TP.HCM vào năm 2014 -2015, đã có dự án xây dựng trung tâm hành chính TP.HCM bằng cách xây tiếp phần kiến trúc mới bên cạnh trụ sở UBND thành phố hiện hữu (tòa nhà 86 Lê Thánh Tôn, đã có từ 1909) ở các phần đất tiếp giáp đường Đồng Khởi và đường Lý Tự Trọng. Qua cuộc thi ý tưởng thiết kế, một công ty Nhật trúng giải nhì (không có giải nhất) với phương án dịch chuyển Dinh Thượng thơ nằm đối diện mặt sau tòa nhà 86 Lê Thánh Tôn. Và trên nền đất cũ của Dinh Thượng thơ, chỉ dự kiến sẽ xây lên một cao ốc vừa phải. Xem ra phương án này là đáp án tối ưu - vừa giữ được các kiến trúc lịch sử, vừa không phá hỏng không gian xưa.
Tuy nhiên, việc xây dựng trung tâm hành chính TP.HCM sau đấy bị đình lại vì nhiều lý do. Sang tháng 4.2018, bỗng xuất hiện một dự án mới với tên gọi “Mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND và UBND thành phố”. Theo đó, qua phương án của một công ty Mỹ, tòa nhà Dinh Thượng thơ bị phá bỏ hoàn toàn để nhường đất xây dựng một cao ốc 10 tầng (6 tầng nổi và 4 tầng hầm) bao trọn khu đất dọc đường Lý Tự Trọng (đoạn Pasteur đến Đồng Khởi). Đáng chú ý, vì thành phố không có ngân sách xây dựng cao ốc tân kỳ này nên có khả năng tư nhân được mời bỏ tiền xây dựng sẽ được “bù đắp” theo cách “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”.
Lập tức, người yêu di sản và nhiều người trong giới chuyên môn đã lên tiếng chất vấn và kiến nghị, bằng nhiều hình thức, dừng ngay phương án phá bỏ Dinh Thượng thơ. Đại sứ Liên hiệp châu Âu tại Hà Nội cũng gởi công hàm đề nghị bảo tồn một kiến trúc châu Âu có giá trị lịch sử như vậy. Cuối cùng, sau một cuộc hội thảo lớn tháng 9.2018, UBND TP.HCM đồng ý ngưng phương án phá bỏ và đưa Dinh Thượng thơ vào diện kiểm kê để bảo tồn.
Sang tháng 12.2019, lãnh đạo chính quyền thông báo sẽ bảo tồn và cải tạo tòa nhà này thành “Nhà truyền thống của UBND thành phố”. Tuy nhiên, theo thông báo, sẽ có “khối kiến trúc mới được thiết kế phủ bên trên” tòa nhà. Đến nay, công luận chưa rõ công ty thiết kế đệ trình phương án mới cụ thể như thế nào. Mọi người vẫn đang “hồi hộp”: liệu Dinh Thượng thơ có giữ được nguyên bản về kiến trúc và cảnh quan, hay bị biến dạng theo một ý tưởng tân kỳ nào đấy?
Vấn đề Dinh Thượng thơ Sài Gòn và Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt cũng như nhiều kiến trúc và cảnh quan quan trọng khác ở nước ta, không chỉ thuộc về cuộc đấu tranh giữ gìn di sản mà còn là cuộc đấu tranh giữ gìn công sản.
Với Đà Lạt, những người yêu di sản và giới chuyên môn cũng đang rất “hồi hộp”. Kể từ ngày 14.8.2020, chính quyền Đà Lạt đã giới thiệu đồ án quy hoạch mới, bao gồm cả phương án kiến trúc, cho khu vực Đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng. Theo thông tin và các hình ảnh được công bố, Dinh Tỉnh trưởng hoặc được di dời qua nơi khác, hoặc sẽ được bao bọc bởi những cao ốc thương mại. Bản thân Đồi Dinh sẽ trở thành một quần thể nhà cao tầng là khách sạn, thương xá, trung tâm vui chơi, giải trí.
Nếu các phương án này được thực hiện thì không những mảng xanh duy nhất còn sót lại ở trung tâm Đà Lạt bị “xóa sổ” mà ngay cả chứng tích khai sinh của thành phố cũng tổn hại! Hơn nữa, các nhà đầu tư cho những công trình hào nhoáng trên - hiện giờ đang đứng trong bóng tối, chắc chắn sẽ thu thêm lợi lớn vì không phải tốn chi phí đền bồi giải tỏa trên mảnh đất công. Mặt khác, họ còn có thể lobby để chính quyền “hỗ trợ” bằng việc đầu tư cho các cơ sở hạ tầng phục vụ khu thương mại trên đồi.
Chính vì vậy, cộng đồng những người muốn cứu Đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng - không chỉ công dân Đà Lạt mà công dân nhiều nơi khác, đang khẩn thiết lên tiếng cần phải xem lại các ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc. Việc xem lại, trước nhất cần thực hiện bằng hội thảo, hội nghị khoa học rộng rãi để chính quyền chính thức lắng nghe các ý kiến phản biện. Thêm nữa, chính quyền cần công bố các kết quả khảo sát, kiểm kê đã có về Đồi Dinh, Dinh Tỉnh trưởng và dự kiến những cuộc khảo sát, kiểm kê cần thiết kế tiếp. Đồng thời, chính quyền nên mau chóng công bố các quyết định bảo tồn kiến trúc của Đà Lạt hiện hành.
Mặt khác, chính quyền nên tổng kết các việc đã làm được và chưa làm được cho Đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng, cũng như các công trình khác trong danh sách bảo tồn. Thêm nữa, cần thông tin minh bạch các đề xuất của các nhà đầu tư xây dựng đã có tại những khu vực trung tâm của thành phố; cũng như các phản hồi, các phương án dự kiến của chính quyền nếu tiếp nhận đầu tư của họ.
*
Thực tế đã và đang cho thấy, vấn đề Dinh Thượng thơ Sài Gòn và Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt, cũng như nhiều kiến trúc và cảnh quan quan trọng khác ở nước ta, không chỉ thuộc về cuộc đấu tranh giữ gìn di sản mà còn là cuộc đấu tranh giữ gìn công sản, chống tham ô và lãng phí tài sản chung của toàn xã hội. Mong rằng “số phận” của những công trình di sản sẽ được giải quyết bằng lương tri, bằng ý thức nhân văn chứ không phải bởi sự thiếu hiểu biết hay vì những quyền lợi cục bộ đen tối!
Phúc Tiến
>> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi