Quy hoạch Khu Hòa Bình - Đà Lạt: Không lẽ chỉ là “thằng Bờm đổi cái quạt mo”?

 06:34 | Thứ ba, 01/09/2020  0
Chính quyền Đà Lạt cần hiểu rằng thành phố này có nhiều yếu tố đặc thù, duy nhất, có tiềm năng trở thành một đô thị di sản, điều rất hiếm hoi trong tổng số hơn 800 đô thị Việt Nam hiện nay. Họ đang sở hữu một gia tài quý để phát triển thành phố lâu dài, bền vững, cho người dân Đà Lạt và cả quốc gia.

Lời tòa soạn

Trong cuộc trao đổi với Người Đô Thị về quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt, cách ứng xử của chính quyền Lâm Đồng đối với vai trò tài trợ kinh phí lập đồ án quy hoạch của Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh, và phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng đang lấy ý kiến, PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan (Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng; Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản hiện đại Việt Nam thuộc mạng lưới Hội bảo tồn di sản hiện đại quốc tế) cho biết, quá trình thực hành chuyên môn bà đã nhìn thấy quy hoạch ở nhiều nơi bị thao túng bởi nhà tài trợ kinh phí lập quy hoạch, và mất đi vai trò “cân bằng, dung hoà” các lợi ích và mâu thuẫn. 

“Đà Lạt nên xem xét kỹ lại lợi ích và nguy hại của các điều luật liên quan đến việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch. Kinh phí để lập quy hoạch là rất nhỏ so với giá trị của đất đai, giá trị của môi trường sống và tương lai của đô thị. Nên lắng nghe một cách thấu đáo các ý kiến của các hội nghề nghiệp, các nhà chuyên môn và của cộng đồng xã hội…”, PGS. Loan bày tỏ.

Tôn trọng các quan điểm đa chiều, Người Đô Thị giới thiệu trọn vẹn các ý kiến này của PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan, tựa bài do tòa soạn đặt.

Người Đô Thị

Khu vực Đồi Dinh nơi có Dinh Tỉnh trưởng là vị trí trọng yếu về cảnh quan, di sản với diện tích rộng, tầm nhìn cao nhất trong khu vực và đó cũng là mảng xanh hiếm hoi ở trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Lê Quân


Ứng xử thô bạo với cảnh quan và di sản ngay từ khâu quy hoạch

PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan

Về 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đang được trưng bày để lấy ý kiến công khai và vấp phải những phản ứng gay gắt của công luận bởi cả 3 phương án đều xuất hiện một cách thô bạo, lộ liễu tại một địa điểm tinh tế về cảnh quan và nhạy cảm về di sản. 

Khu Hòa Bình là khu trung tâm của người Việt do Pháp xây dựng ngay từ thời kỳ đầu khi mới lên Đà Lạt, bao gồm ba yếu tố đô thị chính là chợ, khu phố chợ (shophouse) và đồi Dinh Tỉnh trưởng (đồi Dinh); mà trong đó khu đồi Dinh nằm trên vị trí cao nhất của trung tâm Đà Lạt, là điểm đầu tiên được xây dựng khi bắt đầu hình thành đô thị Đà Lạt. Như vậy, đây là một địa điểm có giá trị đặc biệt về cảnh quan và lịch sử.

Tuy nhiên, theo đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và công bố tháng 3.2019 thì khu vực quy hoạch này có diện tích 30 ha, trong đó khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng có diện tích 4,43 ha, là khu thương mại, dịch vụ cao cấp; tại đây có cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi để tạo điểm nhấn.

Rõ ràng, sự bất hợp lý, hay có thể nói là sự thô bạo nằm ngay từ khâu quy hoạch khi cho phép những kiến trúc đồ sộ, cao tầng với chức năng sinh lợi nhuận và chỉ phục vụ những đối tượng có tiền đã được đặt thành đầu bài cho các phương án kiến trúc.

Tôi không muốn bình luận sâu cả 3 phương án kiến trúc kia xấu đẹp ra sao. Xấu hay đẹp chẳng có ý nghĩa gì bởi chúng đã không phù hợp và không xứng tầm để đặt vào một vị trí đặc biệt như khu đồi Dinh. 

TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cả 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng đang trưng bày, lấy ý kiến từ ngày 14.8 đến 14.9 đều không ổn, bởi quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt vốn dĩ đã là một quy hoạch sai lầm về bảo tồn và phát triển đô thị. Ảnh: BTC


Tài trợ lập quy hoạch Khu Hòa Bình: Bình thường hay Bất thường?

Trên thế giới, xưa nay, quy hoạch là công tác thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Tại sao lại như vậy? Vì bản chất của quy hoạch là công cụ nhằm quản lý sự biến đổi của một khu vực lãnh thổ trong một khoảng thời gian (thời hạn hiệu lực của quy hoạch), nhằm đảm bảo một kết quả tốt đẹp chung cho tất cả.

“Quản lý” ở đây bao hàm tất cả các can thiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển, trong đó bao hàm cả việc giữ gìn những giá trị của khu vực. Còn “kết quả tốt đẹp chung cho tất cả” tức là phải đảm bảo sự cân bằng, hài hoà (1) lợi ích giữa các bên, các nhóm, các lực lượng trong xã hội (mà thường có mâu thuẫn lợi ích), (2) giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài (cũng thường mâu thuẫn), (3) giữa các khía cạnh lĩnh vực (cũng thường có mâu thuẫn, ví dụ phát triển công nghiệp có thể mâu thuẫn với an ninh lương thực hay bảo vệ môi trường).

Vì một trong những ý nghĩa cốt lõi của quy hoạch là điều tiết các mâu thuẫn và tranh chấp đa ngành, đa diện như trên, mà quy hoạch phải được thực hiện bởi Nhà nước, là “cơ quan đại diện cao nhất” cho toàn xã hội. Quá trình này cần được thiết kế (thông qua luật pháp) đảm bảo tính khách quan, minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình và có sự giám sát của xã hội.

Kinh phí lập quy hoạch, do đó đương nhiên phải là kinh phí từ ngân sách nhà nước, không sử dụng các khoản tài trợ, hỗ trợ từ các bên khác vì khó đảm bảo tính khách quan, trung lập. Vì vậy, việc một doanh nghiệp tài trợ kinh phí thiết kế đồ án quy hoạch, mà như hiện nay là trường hợp quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt đang “dậy sóng” dư luận là điều rất bất thường xét trên cơ sở lý luận chung về quy hoạch.

Thế nhưng, trớ trêu thay, ở nước ta hiện nay việc doanh nghiệp này sau đó lại trở thành nhà đầu tư của một số khu vực đắc địa trong đồ án thiết kế đó thì lại trở thành khá “bình thường” (Chữ “bình thường” hiểu theo nghĩa để trong nháy nháy).

Khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Ở rất nhiều nơi, từ kinh nghiệm thực hành chuyên môn của cá nhân tôi, quy hoạch đã bị thao túng bởi nhà tài trợ kinh phí lập quy hoạch, và mất đi vai trò của nó là “cân bằng, dung hoà” các lợi ích và mâu thuẫn. Nếu không có lợi ích gì thì họ bỏ tiền tài trợ quy hoạch để làm gì. Một chân lý giản đơn như vậy mà chúng ta cứ vờ như không muốn thấy.

GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cảnh báo: Đà Lạt từng có đủ những căn cứ để liệt vào diện đô thị - di sản nhưng với quy hoạch như hiện nay Đà Lạt đứng trước nguy cơ nhãn tiền trở thành đô thị có di sản đô thị (urban heritage, chứ không phải city-heritage). Ảnh: Tầm nhìn từ Hồ Xuân Hương về khu trung tâm Đà Lạt bị chắn ngang bởi những khách sạn lớn. Ảnh: Mai Vinh


Có ý kiến cho rằng khi doanh nghiệp bỏ rất nhiều tiền ra tài trợ thực hiện đồ án quy hoạch thì nếu họ có được những ưu đãi đầu tư từ quy hoạch thì cũng là chuyện bình thường; vấn đề là trong quá trình lập quy hoạch chính quyền phải thật sự độc lập, khách quan, khoa học, không cho bất kỳ một lợi ích nhóm nào chi phối đồ án quy hoạch. Theo tôi chuyện này không đơn giản như vậy. Chỉ với lối tư duy ngắn và nhìn ngây thơ mới thấy việc này “bình thường”.

“Tư duy ngắn” vì chỉ thấy lợi ích cỏn con trước mắt là tiết kiệm được chút kinh phí lập quy hoạch mà làm mất đi toàn bộ năng lực tạo ra các cơ hội và điều tiết của quy hoạch để mang lại cơ hội lâu dài bền vững cho toàn thể. Còn “ngây thơ” vì hy vọng vào kết quả của quy hoạch theo cách này khi nó phụ thuộc vào 2 cái “nếu” rất mong manh: nếu doanh nghiệp “làm ăn tử tế” và nếu chính quyền “độc lập, khách quan”. Nếu không như vậy thì sao?

Thực tế đã cho thấy, xã hội đã và đang tiếp tục phản ứng dữ dội với các đề xuất quy hoạch cho Khu trung tâm Hoà Bình - Đà Lạt hiện nay và cả giai đoạn trước đây. Doanh nghiệp thì mục tiêu đầu tiên và tối thượng luôn là lợi nhuận, còn chính quyền thì không ở đâu trên trái đất thực sự độc lập, khách quan. Nên vấn đề thiết kế nội dung và công cụ pháp luật để quy định hành vi của các bên là vấn đề cốt lõi.

PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục (Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững; Nguyên Trưởng khoa Kiến trúc và khoa Sau đại học, Đại học Kiến trúc Hà Nội) đề nghị Đà Lạt cần làm lại bằng một quy hoạch bảo tồn đô thị mà bản chất là đánh giá lại qũy di sản đô thị một cách nghiêm túc. Ảnh: Người dân Đà Lạt xem triển lãm phối cảnh đồ án khu Hòa Bình sáng 15.3.2019. Ảnh: Lâm Viên


Tính nguy hiểm của việc sử dụng kinh phí tư nhân cho công tác lập quy hoạch

Theo Luật Quy hoạch đô thị hiện hành, với đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 lập khi đã được giao đất, thì chủ dự án bỏ tiền lập quy hoạch chi tiết 1/500; còn các đồ án cấp cao hơn là quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, hay các quy hoạch khác được lập bằng tiền ngân sách nhà nước; nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và khoản 2 Điều 19 Luật Xây dựng năm 2014 "Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị.

Việc dùng tiền tư nhân lập quy hoạch hoặc tài trợ quy hoạch như những quy định trên chứa nhiều nguy hiểm cho chất lượng quy hoạch.

Với Quy hoạch chi tiết 1/500, việc chủ đầu tư phải tự bỏ kinh phí lập quy hoạch chi tiết (phù hợp với những quy định và chỉ tiêu đã được xác định ở các đồ án cấp cao hơn) trên khu vực đất đã được giao thì tạm chấp nhận được về mặt trách nhiệm chịu các chi phí liên quan đến đầu tư của chính nhà đầu tư. Suy nghĩ sâu xa hơn thì việc này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, khi sản phẩm của dự án đầu tư lúc này là môi trường sống của nhiều người, là bộ phận cấu thành của đô thị. Trong đa số các trường hợp, các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cây xanh… sẽ được lựa chọn ở mức độ thấp nhất, sao cho có lợi nhất cho nhà đầu tư…  

Thực tế cho thấy, tại rất nhiều khu đô thị, chủ dự án vẫn bán được sản phẩm, nhưng sản phẩm họ làm ra trở thành những khu đô thị bỏ hoang, những khu đô thị thiếu thốn hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật có nhiều bất cập, và quan trọng hơn, tiêu tốn rất nhiều tài nguyên đất đai, tài chính…, nhưng lại không đi vào hoạt động được như những khu đô thị bình thường, không đóng góp được cho sự phát triển của đô thị, đặc biệt là kinh tế đô thị.

Đối với các đồ án cấp cao hơn, từ quy hoạch phân khu trở lên, và đặc biệt là các đồ án quy hoạch chung, nếu quy hoạch liên quan đến việc phân phối tài nguyên và lợi ích của nhiều nhóm, nhiều đối tượng, mà có sử dụng tiền tài trợ từ tư nhân để lập quy hoạch thì cần được xem xét lại ngay.

TS. Nguyễn Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị; nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng) cho rằng với những khu vực trọng yếu, nhạy cảm về di sản, văn hóa, lịch sử như Khu Hòa Bình của Đà Lạt, chính quyền nên có một ứng xử khác với doanh nghiệp đã bỏ kinh phí ra tài trợ lập quy hoạch. 


"Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị" nghe có vẻ rất cởi mở, tích cực và vô hại, nhưng thực ra hàm chứa nguy cơ tai hại, làm méo mó mục tiêu, ý nghĩa của quy hoạch, đã được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị về yêu cầu đối với quy hoạch đô thị” là:

1. Cụ thể hoá Định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia và các quy hoạch vùng liên quan; phù hợp với mục tiêu của chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi đô thị; bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân.

2. Dự báo khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và quy chuẩn khác có liên quan.

3. Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm hoạ ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị.

4. Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.

5. Bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hoà giữa các khu vực trong đô thị.

Và những yêu cầu khác.

Trên thực tế, rất nhiều nơi khi tài trợ quy hoạch, chủ dự án đã ép tư vấn lập quy hoạch lồng ghép động cơ lợi ích của mình và “vận động” chính quyền chấp nhận các đề xuất đó.

Một sự thực rất mỉa mai là kinh phí lập các quy hoạch phân khu cho một khu vực từ vài chục đến vài trăm ha chỉ là một vài tỷ đồng, nó rõ ràng rất ít so với những lợi ích lớn lao nhiều mặt mà một bản quy hoạch tốt và khách quan có thể mang lại hàng trăm tỷ đồng nhưng không phải cho một nhóm mà cho toàn xã hội.

Nếu thực sự đại diện quyền lợi cho cái toàn thể, tổng thể, chứ không phải cho nhóm, thì các chính quyền cần tránh dùng tiền tài trợ quy hoạch. Và trên tất cả, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng cần xem xét lại một cách sâu sắc vấn đề này.

Những kiến nghị từ góc độ chuyên gia, tôi có mấy ý kiến như sau:

Kinh phí để lập quy hoạch là rất nhỏ so với giá trị của đất đai, giá trị của môi trường sống và tương lai của đô thị. Nguồn vốn cho chi phí tư vấn lập các quy hoạch cần phải là nguồn vốn ngân sách.

Với đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, sau khi có quy hoạch, nhà đầu tư nào trúng thầu đầu tư dự án thì sẽ hoàn trả lại ngân sách chi phí lập quy hoạch chi tiết cho khu vực đó. Riêng với các khoản tài trợ quy hoạch, Nhà nước nhất thiết không nhận tài trợ trực tiếp cho các đồ án. Các khoản tài trợ có thể được chuyển vào một quỹ chung (có thể gọi là quỹ quy hoạch và phát triển đô thị) do các chính quyền địa phương lập, rồi chính quyền sử dụng quỹ đó cùng các khoản ngân sách phù hợp để tổ chức lập các quy hoạch một cách độc lập, không liên quan trực tiếp đến từng nhà tài trợ, thì may ra mới đảm bảo được tính khách quan trong việc này.

Vì vậy, kiến nghị của tôi là xem xét lại các quy định liên quan đến kinh phí từ nguồn phi ngân sách cho quy hoạch ở các Luật và Nghị định liên quan.

Luật Quy hoạch đô thị cũng đã quy định, trong quá trình lập quy hoạch, phải xin ý kiến cộng đồng - được hiểu theo nghĩa bao gồm cả các nhà đầu tư, các hội doanh nghiệp, hội nghề nghiệp, các tổ chức cá nhân khác. Vì vậy, nếu các nhà đầu tư quan tâm thì vẫn có thể đóng góp cho nội dung đồ án quy hoạch để đồ án có chất lượng và nội dung phù hợp, hài hòa giữa các lợi ích, mong muốn…, bao gồm cả lợi ích, mong muốn của các nhà đầu tư.

Riêng với chính quyền Đà Lạt, họ cần hiểu rằng thành phố này có nhiều yếu tố đặc thù, duy nhất, có tiềm năng trở thành một đô thị di sản, điều rất hiếm hoi trong tổng số hơn 800 đô thị Việt Nam hiện nay. Họ đang sở hữu một gia tài quý để phát triển thành phố lâu dài, bền vững, cho người dân Đà Lạt và cả quốc gia. Không lẽ lại chỉ là thằng Bờm đổi cái quạt mo lấy một nắm xôi rồi cười!

PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan

(Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng; Thành viên sáng lập và Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản hiện đại Việt Nam thuộc mạng lưới Hội bảo tồn di sản Hiện đại quốc tế)

>> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.