Chuyện xưa...
Cuối thập niên 1950, trước áp lực di dân từ miền Bắc vào, chuyện mở rộng Đà Lạt đã trở thành một vấn đề lớn, tốn nhiều giấy mực, công văn trao đổi giữa Tòa Thị chính Đà Lạt này với Phủ Tổng thống tại Sài Gòn.
Ông Trần Văn Phước, Thị trưởng Đà Lạt lúc bấy giờ, trong công văn ngày 25.7.1957 gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu lý do cần “giải nén” cho khu trung tâm Đà Lạt như sau: “Việc di chuyển một phần lớn dân chúng của đô thị đi nơi khác là rất cần thiết. Vì thời cuộc, đồng bào nơi khác đã đến sinh cơ lập nghiệp tại Đà Lạt, được yên tĩnh hơn các tỉnh khác. Do đó, Đà Lạt đã biến thành một đô thị chuyên môn trồng rau cải với tất cả sự bất tiện: phần hôi hám, nhà cửa lụp sụp, thiếu vệ sinh. Để Đà Lạt làm tròn nhiệm vụ chính yếu của một trung tâm du lịch di dưỡng và văn hóa danh tiếng nhất Đông Nam Á, vấn đề giải tỏa đô thị cần phải giải quyết cấp bách”.
Giải pháp của ông Thị trưởng Phước lúc bấy giờ là đưa dân về phía Liên Khương, cho “tiếp tục sinh sống với nghề của họ” vì nơi đây có độ cao 1.000m, đất rộng, phì nhiêu, thích hợp cho nghề trồng rau và chăn nuôi. Đã có những đợt kêu gọi dân tự nguyện di dời về vùng này.
Khu Hòa Bình hiện tại nhếch nhác, chắp vá, công trình di sản bị xâm phạm... Đây là khu vực cần chỉnh trang hợp lý để giữ hình ảnh nhận diện một Đà Lạt có lịch sử, có căn tính đô thị. Ảnh chụp ngày 17.7.2020
Tiếp theo, ông thị trưởng này theo đuổi kế hoạch mở rộng Đà Lạt tăng 21 lần diện tích hiện hữu thời điểm đó. Và ông đưa ra viễn kiến: “Nếu Đà Lạt được mở rộng, những khu đất rộng lớn và phì nhiêu còn bỏ trống ở phía Nam và phía Đông sẽ giúp cho chương trình giải tỏa được dễ dàng, để cho dân lại tiếp tục có đất khai phá, trồng tỉa, chăn nuôi để sinh sống”.
Ý định mở rộng Đà Lạt để giãn dân ở lõi trung tâm, giữ lại khu trung tâm thoáng đãng, sạch sẽ, nhà cửa di sản khang trang để “xứng đáng là trung tâm di dưỡng” đã được lên kế hoạch, song về sau phải tạm gác, có lẽ một phần chồng chéo với việc quyết định thành lập tỉnh Tuyên Đức và hoàn cảnh an ninh chung của miền Nam chưa thật ổn định bởi chiến tranh.
Chuyện nay...
Nếu ông Trần Văn Phước làm thị trưởng ở giai đoạn này, có lẽ ông sẽ lên phương án làm sao cho Đà Lạt đỡ kẹt xe, đem lại chất lượng sống cho người dân và sự thảnh thơi di dưỡng thực sự cho du khách đến Đà Lạt. Ngày nay, có thể nói, tình trạng kẹt xe và ùn tắc tại Đà Lạt đã xảy ra trên phạm vi toàn thành phố vào những ngày cuối tuần đông du khách, và sắp tới, có thể không chỉ những ngày cuối tuần. Kẹt xe trầm trọng và triền miên ở các lối dẫn vào khu trung tâm đang là vấn đề nan giải, khiến cho người dân khổ sở, điêu đứng.
Việc phá cây xanh lấp đầy những khối bê tông trên những ngọn đồi bằng các tòa nhà từ 5 đến 10 tầng... là lập tức cả khối đồi đặc cứng cư dân và dịch vụ sẽ gây áp lực lên giao thông đô thị hơn cả những tòa chung cư ở Sài Gòn hay Hà Nội.
Một trong những nguyên nhân, thấy rõ: hệ lụy của quy hoạch thiếu khoa học và tầm nhìn đã biến khu trung tâm thành một kiểu đô thị nén. Nếu đô thị nén ở các thành phố đồng bằng dễ nhận ra bằng những tòa chung cư cao tầng chọc trời thì có vẻ như Đà Lạt lại khó nhận ra, vì địa hình đồi dốc. Việc phá cây xanh lấp đầy những khối bê tông trên những ngọn đồi bằng các tòa nhà từ 5 đến 10 tầng... là lập tức cả khối đồi đặc cứng cư dân và dịch vụ sẽ gây áp lực lên giao thông đô thị hơn cả những tòa chung cư ở Sài Gòn hay Hà Nội. Việc đổ dồn dịch vụ vào khu trung tâm cũng khiến cho áp lực cung cầu tiêu dùng dồn về một phía trong lúc hạ tầng giao thông thì quá tải.
Bài toán mà người dân và du khách cần chính quyền giải quyết lúc này, nhãn tiền, đó là tìm một giải pháp quyết liệt, khoa học và đúng đắn để giao thông được thuận lợi, trả lại phần nào không khí thanh bình như vốn có. Sau đó, là chỉnh trang để khu trung tâm không còn nhếch nhác như hiện tại, không cố tình làm cho di sản xuống cấp nhanh chóng rồi quy hoạch, mang búa ra đập bỏ. Và nhất là không nên tiếp tục dấn sâu thêm cái sai của quá khứ: nén thêm vào trung tâm bằng những khối nhà cao tầng, bằng các dự án bất động sản và dịch vụ hiện đại. Người dân Đà Lạt và du khách đến thành phố này cũng cần những khu thương mại khách sạn cao cấp phức hợp hiện đại, song, cần một sự bố trí hợp lý, dời ra xa trung tâm.
Những điều trên vừa giúp trung tâm giải tỏa, vừa giữ được hình thái kiến trúc di sản giúp nhận diện Đà Lạt.
Dinh Tỉnh trưởng là một trong những dinh thự được xây sớm nhất tại Đà Lạt (thập niên 1910) nằm giữa mảng đồi xanh hiếm hoi còn lại. Ảnh chụp tháng 7.2020
Một điều nữa mà chính quyền Đà Lạt cần đề phòng. Đa số các dự án bất động sản kiểu cá mập sau khi nắm được đất trung tâm, xây dựng xong thì sẽ bán, đút túi lợi nhuận và biến mất, còn hệ lụy to lớn thì để lại cho địa phương. Về sau, không ai khác, chính thành phố này phải gánh vác, trả giá bằng ngân sách khổng lồ để mở rộng đường sá, xây dựng hệ thống điều tiết giao thông và nhất là làm cho chất lượng sống người dân tại chỗ ngày càng giảm sâu, việc phát triển kinh tế địa phương nhất là du lịch ngày càng bị ảnh hưởng.
Xét về du lịch, thành phố lúc bấy giờ sẽ mất bản sắc và không đảm bảo được các nhu cầu di dưỡng tối thiểu để thu hút du khách.
Câu chuyện có nên hay không việc xây khách sạn, trung tâm thương mại cao tầng ở đồi dinh tại Đà Lạt cần cân nhắc trên ba khía cạnh: di sản, dân sinh và kinh tế tương lai. Nếu cả ba đều không đạt được, dự án không mang lại lợi ích gì cho địa phương mà chính quyền thành phố này vẫn quyết làm, không cần tham khảo ý kiến giới chuyên gia thiện chí, thì có lẽ bộ hồ sơ Thủ Thiêm sẽ là một điển cứu đáng cho họ tham khảo trong một tương lai gần?!
Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi