Liệu kế hoạch của Sơn Tùng M-TP sẽ đi xa đến đâu, có lẽ không chỉ là câu chuyện của riêng anh, mà còn là bài học tham khảo cho các nghệ sĩ Việt Nam khác.
Cần nhớ lại rằng thành công toàn cầu của K-pop chứng tỏ con đường đi đến sự công nhận toàn cầu luôn bất trắc và khó khăn. Chỉ 10 năm trước, K-pop đã “thống trị” châu Á, đặc biệt là thành công ở Nhật Bản, thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới. Nhưng khi ấy K-pop vẫn còn là một thể loại âm nhạc ít người yêu thích tại Hoa Kỳ.
Sự phổ biến bất ngờ của Gangnam Style năm 2012 không dẫn tới thành công ở phương Tây của các nhóm nhạc Hàn Quốc khác. Đơn cử, cùng giai đoạn này, các dự án tiếng Anh của Wonder Girls (2009) và Girls’ Generation (2011) đều không có tiếng vang ở Mỹ (theo Billboard 15.2.2018). BTS, thành lập năm 2010, lần đầu có album xếp hạng 171 trên Billboard 200 ở Mỹ năm 2015. Phải tới 2016, album Wings của BTS, xếp hạng 26 trên Billboard 200, mới là album K-pop xếp hạng cao nhất tại Mỹ tính tới thời điểm đó.
Điều này cho thấy rằng con đường “Mỹ tiến” vẫn là mới mẻ, dù với các nghệ sĩ K-pop lớn nhất. Do đó, đầu tiên, cần hạn chế kỳ vọng của chúng ta đối với các nghệ sĩ Việt Nam và cần tôn vinh những thành công khu vực của họ, giống như các nghệ sĩ Hàn Quốc đã làm được trước khi thâm nhập được thị trường phương Tây.
Hai ca sĩ: Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh.
Hòa trộn yếu tố phương Tây và bản địa
Tiếp theo, một chiến lược có thể giúp thu hút khán giả nước ngoài chính là sự kết hợp thể loại thịnh hành quốc tế và truyền thống bản địa. Âm thanh và phong cách độc đáo của K-pop đã giúp phân biệt nhạc Hàn với nhạc pop phương Tây và góp phần vào thành công toàn cầu của K-pop. Bằng cách kết hợp các yếu tố Mỹ như hip hop/rap và truyền thống Hàn Quốc vào âm nhạc của họ, các nghệ sĩ Hàn Quốc đã tạo ra âm nhạc quyến rũ, gây được tiếng vang với khán giả trên toàn thế giới.
BTS, Blackpink vẫn hát tiếng Hàn đồng thời tiếp cận những trào lưu phương Tây mới nhất. Bằng cách hòa quyện nhiều thể loại và nền văn hóa vào nhau, các bài hát K-pop đã làm mới nhịp điệu Mỹ quen thuộc, trở nên thịnh hành trong sự khác biệt với nhạc trẻ phương Tây. Ví dụ gần đây là khi thành viên của BTS, Suga, ra mắt bài Haegeum, đặt theo tên một loại đàn dây truyền thống của Hàn Quốc. Nhạc phẩm kết hợp khéo léo âm hưởng nhạc cụ truyền thống cùng nhạc rap, đã giành vị trí số 1 trên bảng xếp hạng iTunes ở 90 nước, trong đó có Hoa Kỳ. Trước đó, đĩa đơn Pink Venom của Blackpink đã hòa trộn hip-hop cùng tiếng đàn tranh Geomungo do thành viên Jisoo thể hiện.
Các video âm nhạc - thường có hình ảnh bắt mắt, với cốt truyện và vũ đạo công phu - cũng là một yếu tố quan trọng thu hút người hâm mộ. Điều làm nên sự khác biệt của các video âm nhạc K-pop là chiến lược toàn cầu hóa - địa phương hóa để thu hút cả khán giả trong nước và quốc tế. Chiến lược này là việc kết hợp các nền văn hóa khác nhau trong khi vẫn giữ được nguồn gốc Hàn Quốc.
Sau 24 giờ phát hành, Making my way của Sơn Tùng M-TP đã thu về nhiều thành tích quốc tế ấn tượng. Ảnh: SKY
Đơn cử, năm 2016, khi vừa mới ra mắt, Blackpink đã có video âm nhạc Boombayah, tới nay thu được 1,5 tỷ lượt xem trên YouTube. Nhạc phẩm kết hợp cả lời tiếng Anh và tiếng Hàn, giúp khán giả quốc tế dễ tiếp cận hơn. Hình ảnh video lại là sự kết hợp các nền văn hóa khác nhau. Video âm nhạc có bối cảnh và quần áo của trường trung học Mỹ, đồng thời lại có các bước nhảy của Bollywood và ảnh hưởng của kiến trúc Trung Đông.
Cũng vẫn Blackpink, năm 2020, gây sốt khi mặc trang phục truyền thống hanbok trong video How you like that. Video âm nhạc DNA của BTS (2017) là một ví dụ khác, với phần vũ đạo do các biên đạo người Mỹ phụ trách. Trang phục trong video lấy cảm hứng từ phương Tây nhưng cách trang điểm, màu mắt, và kiểu tóc lại theo phong cách Hàn Quốc.
Thêm nữa, chiến lược sử dụng phương tiện truyền thông xã hội bậc thầy của các công ty Hàn Quốc đã giúp tạo ra các cộng đồng fan xuyên quốc gia. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã tận dụng YouTube, Facebook, TikTok rất hiệu quả để tăng số lượng người hâm mộ. Nhưng làm thế nào để kết nối fan các nước, vẫn là một vấn đề lớn.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi thành công quốc tế lớn nhất của nhạc Việt gần đây đáp ứng đầy đủ các yếu tố vừa kể. Bài hát See Tình của nhóm DTAP, qua thể hiện của Hoàng Thùy Linh, là sự pha trộn độc đáo giữa phong cách truyền thống Việt Nam và đương đại. Vai trò của TikTok, với bản remix lan truyền mạnh mẽ, giúp ca khúc trở thành “hot trend” tại nhiều quốc gia. See Tình là ví dụ tiêu biểu cho sự khám phá, thử nghiệm các phong cách khác nhau trong khi vẫn trung thành với cội nguồn văn hóa của người nghệ sĩ.
See Tình của Hoàng Thùy Linh đã thu hút hàng chục triệu lượt xem trên các nền tảng trực tuyến, hashtag See Tình đã vượt qua con số 1,3 tỷ view trên TikTok, trong đó có nhiều người nổi tiếng thuộc các lĩnh vực ca nhạc, phim ảnh, thể thao… không chỉ ở châu Á mà còn ở Mexico, Brazil, Canada… đã cover lại hoặc nhảy theo vũ đạo trong MV. Ảnh: T.A.T
Một yếu tố đằng sau thành công quốc tế của K-pop còn là dấu ấn của các nhạc sĩ phương Tây. Khi xem danh sách người viết các bài hát cho BTS, chúng ta thấy ngoài tên các thành viên trong nhóm và các nhạc sĩ Hàn Quốc, còn có những nhạc sĩ từ Thụy Điển, Hoa Kỳ, Úc và Anh. Siêu sao Ed Sheeran từng tham gia viết chung bài hát Make it right cho BTS năm 2019. Sự tham gia của các nhạc sĩ/nhà sản xuất phương Tây góp phần giúp K-pop có âm thanh độc đáo, đem lại nguồn cảm hứng mới. Làm thế nào kết nối, hợp tác với nguồn nhân lực nước ngoài, sẽ là một yếu tố quan trọng trên con đường nhạc Việt ra với khán giả quốc tế.
Internet, và sự lớn mạnh của các nền tảng như YouTube, Spotify, đã xóa mờ ranh giới địa lý để khán giả năm châu dễ dàng tìm kiếm, thưởng thức âm nhạc, cũng như giúp việc hợp tác nghệ thuật dễ dàng hơn. Trong 10 năm qua, các công ty Hàn Quốc đã tận dụng tối đa bối cảnh thị trường mới này. Các video âm nhạc đã trở thành nguồn thu đáng kể cho các nghệ sĩ K-pop khi họ kiếm được tiền bản quyền từ YouTube. Các công ty giải trí Hàn Quốc cũng đầu tư nghiên cứu thị trường để hiểu sở thích của khách hàng - công chúng. Kết quả là K-pop có một chiến lược toàn cầu hóa - địa phương hóa: hòa nhập quốc tế mà vẫn không lẫn yếu tố Hàn Quốc.
Việc đi vào thị trường phương Tây đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và hiểu biết sâu sắc về những khác biệt văn hóa, cùng với thời gian và cả may mắn. Một số nghệ sĩ Việt Nam như Sơn Tùng M-TP đã bắt đầu có một lượng khán giả nước ngoài nhất định. Thành công châu Á của See Tình, hay việc ca sĩ Chi Pu đang tham gia một show giải trí tại Trung Quốc, là những tín hiệu tích cực khi các nghệ sĩ Việt Nam hướng đến mục tiêu mở rộng sự hiện diện của mình.
Tuy nhiên, để thêm nhiều nghệ sĩ và âm nhạc Việt vươn tầm ra thị trường quốc tế, một trong những cách phù hợp nhất có thể là sự đòi hỏi một chiến lược toàn cầu hóa - địa phương hóa, tìm hiểu và tôn trọng sở thích của khán giả quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trần Lê Quỳnh