Sông nội thành Hà Nội vẫn tiếp tục ô nhiễm nặng

 16:18 | Thứ năm, 20/08/2020  0
Nước các sông nội thành Hà Nội vẫn tiếp tục bị ô nhiễm nặng, chỉ số chất lượng nước (WQI- Water Quality Index) từ 12-28.

Lưu vực sông Nhuệ - Đáy có 13 điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường Việt Nam, kết quả quan trắc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thực hiện vào tháng 5.2020, cho thấy chất lượng môi trường nước sông được cải thiện so với cùng kỳ quan trắc năm 2019. Trong số 185 điểm, hiện chỉ có 15 điểm quan trắc bị ô nhiễm nặng, tập trung chủ yếu ở các điểm nóng về môi trường nước trên Lưu vực sông Nhuệ - Đáy (13 điểm) và Lưu vực sông Cầu (2 điểm là  điểm Cầu Đào Xá trên sông Ngũ Huyện Khê và điểm Cầu Bóng Tối trên suối Bóng Tối).

Trong số các lưu vực sông ở phía Bắc, lưu vực sông Nhuệ - Đáy là một trong những lưu vực sông có chất lượng môi trường nước sông kém nhất, 62% số điểm quan trắc cho kết quả WQI <50 ở mức xấu đến rất xấu, trong đó 31% số điểm quan trắc cho giá trị WQI <25, nước bị ô nhiễm nặng.

Đoạn sông Nhuệ chảy qua Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ từ điểm Phúc La tới điểm Cống Nhật Tựu, nhưng môi trường nước sông được cải thiện dần khi chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam.

Nước các sông nội thành như sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch vẫn tiếp tục bị ô nhiễm nặng, chỉ số WQI từ 12-28 và không có dấu hiệu được cải thiện so với đợt quan trắc tháng 5.2019.

Nhiều dòng sông từ các làng nghề ô nhiễm thải ra sông Nhuệ - Đáy. Ảnh tư liệu (Nguồn: KH&ĐS)

Theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm nước tại các lưu vực sông Nhuệ - Đáy và lưu vực sông Cầu là do nguồn nước thải sinh hoạt từ các thành phố Hà Nội, Thái Nguyên. Ước tính mỗi ngày, chỉ có khoảng 207 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt của các doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội được xử lý, chiếm 23% tổng lượng nước thải của toàn thành phố, trong đó riêng sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt.

Ngoài ra, còn một lượng lớn nước thải từ các làng nghề đổ ra các lưu vực sông. Điển hình là sông Ngũ Huyện Khê ở tỉnh Bắc Ninh đã trở thành dòng sông “chết” vì từ nhiều năm nay gánh chịu lượng lớn nguồn nước thải từ các làng nghề đặc biệt là từ các xưởng sản xuất chế biến kim loại, nhôm nhưng sử dụng công nghệ lạc hậu và không có hệ thống xử lý nước thải.

TS Trần Văn Miều – Phụ trách truyền thông của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước tại các lưu vực sông là do công tác quản lý môi trường nước còn nhiều bất cập, sông chảy qua nhiều địa bàn nên xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về bảo vệ môi trường cũng như các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế, nhiều người dân còn chưa ý thức được trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.

Thực tế trong quá trình khảo sát nghiên cứu tại một số địa phương Hải Dương, Nam Định, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, một số cán bộ môi trường còn chưa nắm rõ các quy định về Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, ông Miều thông tin.

Đầu tư 16.293 tỷ đồng để “hồi sinh” sông Tô Lịch, sông Lừ

TS Trần Văn Miều lưu ý, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước, giải pháp căn cơ là phải xử lý nước thải ngay tại các nguồn, quy hoạch lại hệ thống nước thải ra môi trường. Dọc hai bên bờ sông, cần xây dựng các cụm thu và xử lý nước thải tại các khu vực dân cư, các làng nghề trước thi đổ ra các sông.

Đối với nước thải làng nghề, GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng chất thải và nguồn nước xả thải của mỗi làng nghề có những đặc thù riêng nên tùy theo loại hình làng nghề và điều kiện kinh tế địa phương áp dụng những giải pháp xử lý nước thải khác nhau. Tuy nhiên, bà Chi cũng cho rằng, nước thải của các làng nghề có nhiều hóa chất độc hại nên cần phải thu gom nước thải tập trung và có những biện pháp xử lý giống như nước thải công nghiệp, nước xả thải ra môi trường phải đạt những tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định.

Vị chuyên gia cho rằng một số làng nghề buộc phải di dời ra khỏi khu dân cư, chuyển đến những cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải và công nghệ xử lý nước thải hiện đại, mới có thể hạn chế được tình trạng xả thẳng nước thải ra các sông trên địa bàn.

Dự án xây dựng hệ thống cống bao quanh sông Tô Lịch và cống chính dài hơn 21km liệu sẽ hạn chế tình trạng ô nhiễm? Trong ảnh: Ngã ba sông Tô Lịch giao với sông Lừ ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Ảnh: Ngọc Thành/VNExpress

Hồi tháng 5 vừa qua, Hà Nội đã động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính và xây dựng hệ thống thu gom nước thải tại sông Lừ thuộc Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư 16.293 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Thành phố.

Theo đó, gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao quanh sông Tô Lịch và cống chính, dài hơn 21 km, thu gom nước thải từ các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, do nhà thầu TEKKEN (Nhật Bản) triển khai bằng công nghệ khoan kích ngầm.

Gói thầu số 3 xây dựng hệ thống thu gom nước thải tại sông Lừ, có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,6 km, thu gom nước thải cho khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai và Đống Đa; sau đó được kết nối vào hệ thống cống bao quanh sông Tô Lịch trước khi đưa về xử lý ở Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Dự án được kỳ vọng sẽ có thể “hồi sinh” sông Tô Lịch và sông Lừ.

Chỉ số chất lượng nước (WQI - Water Quality Index) là một chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc chất lượng nước, dùng để mô tả định lượng về chất lượng nước và khả năng sử dụng của nguồn nước đó; được biểu diễn qua một thang điểm.

WQI được tính toán riêng cho số liệu của từng điểm quan trắc; WQI thông số được tính toán cho từng thông số quan trắc; mỗi thông số sẽ xác định được một giá trị WQI cụ thể, từ đó tính toán WQI để đánh giá chất lượng nước của điểm quan trắc; thang đo giá trị WQI được chia thành các khoảng nhất định.

Tháng 7.2011, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường, ra quyết định số 879/QĐ-TCMT về việc ban hành sổ tay hướng dẫn tính toán WQI từ số liệu quan trắc chất lượng nước quốc gia và sử dụng số liệu WQI để đánh giá nhanh chất lượng nước mặt lục địa một cách tổng quát, WQI mới chính thức trở thành công cụ phục vụ công tác quản lý chất lượng nước và kiểm soát ô nhiễm nước. (Theo website Sở khoa học công nghệ Bình Dương)

Nguyễn Lê

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.