Sự lầm than của khoa học so với tâm linh trong tiếp cận nguồn lực cho phát triển

 21:55 | Thứ năm, 01/08/2019  0
Những ngày này, khi đất nước đứng trước sự o ép của láng giềng phương Bắc hung hãn và xảo quyệt ngoài Biển Đông, như nhiều người dân Việt khác, tôi ước gì đất nước mình có được nội lực kinh tế, nội lực khoa học kỹ thuật mạnh mẽ hơn để đối phương phải kiêng dè khi muốn dùng sức mạnh vượt trội hòng đòi hỏi những gì không thuộc về họ trong vùng biển của ta.

Lại ước, giá mà nạn tham nhũng không lan tràn khiến đất nước suy yếu, nguồn lực kiệt quệ; giá mà trong quá trình phát triển, nguồn lực quốc gia được phân bổ và quản lý tốt hơn để nhanh chóng xây dựng tiềm lực khoa học kỹ thuật của đất nước, đóng góp vào sức mạnh tổng hợp của quốc gia, trong đó có sức mạnh quốc phòng.

Có được sức mạnh tổng hợp ấy, khi phải đối mặt với thách thức từ bên ngoài, chúng ta hẳn sẽ hoàn toàn tự tin trong công cuộc bảo vệ các lợi ích quốc gia và khiến đối phương không thể xem thường.

Nhìn lại, cho tới nay, ngoài nạn tham nhũng đục khoét thì sự phân bổ và quản lý nguồn lực dành cho khoa học kỹ thuật cũng như chính sách thích hợp để nhanh chóng phát triển sức mạnh khoa học kỹ thuật của nước nhà là chưa tương xứng với đòi hỏi của tình hình. Từ lâu, đất nước đặt ra mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhưng mục tiêu hiện đại hóa đề ra một đường còn chính sách và nguồn lực cho hiện đại hóa mà cốt lõi là chính sách và nguồn lực cho phát triển khoa học kỹ thuật lại một nẻo. Nghịch lý trong việc cấp đất, cho thuê đất nhằm phát triển sự nghiệp khoa học kỹ thuật của nước nhà so với việc cấp đất, cho thuê đất nhằm mục đích khác, như “du lịch tâm linh”, là một thí dụ.

Những khó khăn mà dự án Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại thung lũng Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, do nhà khoa học Trần Thanh Vân từ Pháp về đầu tư xây dựng là một thí dụ cụ thể.

Hơn mười năm trước, khi nghe vợ chồng GS. Trần Thanh Vân trình bày về việc tìm đất đầu tư dự án ICISE, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định lúc ấy là ông Vũ Hoàng Hà từng hứa sẽ miễn tiền thuê đất và hỗ trợ tối đa cho các hoạt động giáo dục, khoa học.

Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tọa lạc tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn. Công trình do hai kiến trúc sư Pháp Jean Francois Milou và Thomas Rouyrre thuộc Văn phòng Kiến trúc Milou thiết kế với mục đích mang đến một không gian hội nghị, nghiên cứu và nghỉ dưỡng nhiều tiện ích cho giới khoa học. Ảnh: TL

Và rồi, sau hơn mười năm đi vào hoạt động, Trung tâm ICISE đã trở thành cầu nối, nơi hội tụ nhiều giáo sư Nobel, hàng nghìn nhà khoa học nổi tiếng khắp thế giới, giúp nền khoa học Việt Nam tiến thêm một bước dài trong việc tiếp cận nền khoa học thế giới.

Theo GS. Trần Thanh Vân, từ năm 2013 đến nay, ICISE đã tổ chức gần 60 hội nghị khoa học quốc tế và 16 trường khoa học chuyên đề, với sự tham dự của khoảng 5.500 nhà khoa học quốc tế. Trong đó, có 12 người đoạt giải Nobel, 2 giải Fields (được coi là giải Nobel trong toán học), 2 giải Kavli (giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thiên văn học) và một giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)...

Tuy nhiên, cũng từ năm 2013 đến nay, ICISE liên tục nhận được thông báo phải nộp tiền thuê đất của Chi cục Thuế TP. Quy Nhơn. Số tiền thuế thuê đất từ năm 2013 - 2019 đối với hơn 14ha đất thuộc dự án ICISE gần 6 tỷ đồng. Theo báo Dân Trí (9.7.2019), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết từ năm 2018 đến nay, tỉnh này và GS. Trần Thanh Vân đã nhiều lần có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương đề nghị miễn tiền thuê đất đối với dự án Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, tại thung lũng Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện để được miễn tiền thuê đất. Thủ tướng cũng chưa kết luận nên thời gian qua tỉnh Bình Định không có cơ sở miễn tiền thuê đất cho ICISE.

Nhằm phát triển nền khoa học kỹ thuật nước nhà và kết nối khoa học kỹ thuật nước ta với thế giới, lẽ ra việc đầu tư một trung tâm như ICISE phải là công việc của Nhà nước. Nhưng Nhà nước với bao nhiêu ban bệ đã không làm thì cũng nên hết lòng hỗ trợ nhà khoa học tự bỏ công sức ra làm. Đàng này...

GS. Trần Thanh Vân buồn bã chia sẻ: “Tôi đề nghị tỉnh Bình Định nếu không miễn tiền thuê đất được, hãy tính toán tiền cho thuê đất đối với chúng tôi ở thời điểm 2008, chứ không phải áp mức thuê đất hiện nay. Chúng tôi sẽ cố gắng xoay xở để trả, một lần hay nhiều lần tùy theo khả năng tài chính. Nếu không giải quyết dứt điểm việc này ngay bây giờ, rất khó thuyết phục các nhà khoa học tiếp tục tham gia hỗ trợ cho các hoạt động khoa học, giáo dục tại ICISE như hiện nay. Tôi thực sự cảm thấy buồn và rất áy náy khi buộc phải giải thích rõ với nhà khoa học quốc tế trong Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam về việc này”.

Trong khi đó, nhìn sang lĩnh vực khác, chẳng hạn các siêu dự án “du lịch tâm linh”, không phải vài ba chục mà hàng ngàn hecta đất đã được Nhà nước giao cho doanh nghiệp. Quần thể chùa Tam Chúc tại thị trấn Ba Sao, tỉnh Hà Nam, đang xây dựng và dự kiến phải mất thêm 30 năm nữa để hoàn thiện và trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới, có diện tích quần thể lên tới 5.000ha. Còn quần thể chùa Bái Đính tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, xây dựng hoàn tất vào năm 2003, có khuôn viên rộng 539ha bao gồm 80ha khu chùa Bái Đính mới, và 27ha khu chùa Bái Đính cổ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm không gian khoa học và nhà mô hình vũ trụ tại Trung tâm ICISE ngày 6.5.2018. Ảnh: VGP

Báo Zing (ngày 11.2.2019) viết: Những năm gần đây, quần thể tâm linh đồ sộ đã không còn xa lạ với người Việt Nam. Nổi tiếng nhất phải kể đến khu du lịch Tràng An - Bái Đính mới được xây dựng tại tỉnh Ninh Bình hay quần thể chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất thế giới, nằm trong khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (tỉnh Hà Nam).

Đứng sau cả hai dự án này là Công ty Xây dựng Xuân Trường (có trụ sở tại Ninh Bình), một trong những doanh nghiệp đi đầu cả nước trong việc phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam. Tràng An - Bái Đính hay Tam Chúc nằm trong cả chuỗi “siêu dự án” tâm linh do doanh nghiệp xây dựng này đầu tư. Một vài dự án khác nằm rải rác ở Thái Nguyên, Hải Phòng hay Hà Tây cũ.

Tại Hải Phòng, doanh nghiệp này đang đầu tư 9.800 tỷ đồng làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp với diện tích 450ha, trong đó khu tâm linh rộng 88,7ha. Số đất dành cho khu dịch vụ là 108ha, trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino... Còn tại Thái Nguyên, doanh nghiệp này tuyên bố đầu tư vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940ha (gồm diện tích hồ là 2.500ha) với số tiền 15.000 tỷ đồng. Xuân Trường dự định xây tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, có thể chứa được 5.000 - 10.000 người cùng lúc. Gần đây nhất, tại Hà Nội, Xuân Trường cũng xin 1.000ha đất để đầu tư làm khu du lịch tại chùa Hương.

Theo Zing, Công ty Xây dựng Xuân Trường không chỉ có thể kiếm doanh thu từ chính công trình tâm linh mà còn từ hạng mục dịch vụ xây kèm. Có lẽ bí quyết thành công, và cũng là lý do doanh nghiệp này được giao nhiều đất, nằm ở chỗ đó. Điều mà một trung tâm khoa học như ICISE không thể nào có được, và so với những siêu dự án tâm linh nói trên thì ICISE chỉ là “muỗi”.

Tất nhiên, nhu cầu tâm linh là một nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng những thí dụ và con số nêu trên cho thấy một sự bất cân xứng và bất hợp lý quá đáng trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai cho sự nghiệp phát triển nền khoa học kỹ thuật nước nhà. Đối chiếu với mục tiêu hiện đại hóa đất nước, sự bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực như trên lại càng nổi bật và người ta phải tự hỏi với tình trạng lầm than, lép vế đó, bao giờ nền khoa học kỹ thuật Việt Nam mới có thể cất cánh.

Đối diện với thách thức ngoài Biển Đông những ngày này, câu hỏi đó càng khiến chúng ta ray rứt. 

Đoàn Khắc Xuyên

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.