Nhà báo Dương Thành Truyền đã nhận định trong lời giới thiệu sách: “Ta phải thấy mặt trời không chỉ nhằm nhắc nhở về một ngôi trường của ngày hôm qua, mà chính là trao truyền cho hôm nay những thông điệp tiếp nối của lý tưởng và niềm tin”. Người Đô Thị trân trọng giới thiệu bài viết chủ đề của quyển sách này.
Những ai đã từng bước chân vào khuôn viên Dược khoa Đại học đường Sài Gòn năm 1971-1972 hẳn thấy nơi cái hồ nhỏ nằm trên con đường từ cổng vào có đặt bức tượng với tiêu đề ghi trên tấm bảng nhỏ “Ta phải thấy mặt trời”. Bức tượng này chỉ hiện diện ở vị trí đó hơn một năm, rồi bị di dời vào sâu trong khuôn viên nơi các tàng cây lúc nào cũng xanh um che khuất để nhường chỗ cho bức tượng Galien, ông tổ Dược khoa. Tượng Galien hiện diện cho đến hôm nay và hồ nước được gọi là hồ Galien. Rất tiếc bức tượng Ta phải thấy mặt trời nay không còn nữa.
Ta phải thấy mặt trời được lưu trong một bức ảnh kỷ niệm
Năm học 1970-1971, tôi bước chân vào Đại học Dược khoa Sài Gòn với nỗi háo hức, không chỉ vì đậu vào một trường đại học nổi tiếng mà còn bởi sẽ được “hoãn dịch vì lý do học vấn” đến năm năm. Năm học thứ nhất trôi qua trôi chảy, tôi đã đậu tất cả các môn học ngay trong kỳ thi lần một mà không phải thi lại môn nào. Như vậy một tháng hè không phải làm việc gì, chỉ dành cho sự nghỉ ngơi đang chờ đón tôi. Tôi đã nghĩ đến chuyện tìm việc làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng cái hồ nước nhỏ với trụ xi măng vươn cao ở giữa, nơi rất thích hợp để đặt một bức tượng, đã thu hút sự chú ý của tôi.
Thật ra nơi đây, trước khi tôi bước chân vào học, đã được đặt một bức tượng. Năm 1970, khi còn là học sinh trung học và tham gia đợt biểu tình chống chiến tranh quy tụ đông đảo học sinh sinh viên, tổ chức tại trường Nông Lâm Súc (nằm kế cận trường Dược), tôi đã leo lên hàng rào phóng mình vào khuôn viên trường Dược vì bị cảnh sát đàn áp bằng lựu đạn cay và ma trắc quá dữ dội. Trong lúc chạy trốn, tôi vẫn kịp nhìn thấy bức tượng tạc cô gái Việt Nam mặc áo dài tay cầm nón lá đặt tại hồ nước. Đây là bức tượng được đặt làm nhân hội chợ Kỹ Nông Công Thương tổ chức trong khuôn viên Trường Dược và Nông Lâm Súc (lúc ấy hai trường gần như thông nhau). Sau khi hội chợ kết thúc một thời gian ngắn, bức tượng cô gái được dỡ đi để lại một bục trống giữa hồ nước.
Tại sao không làm một cái tượng đặt lên chỗ có vẻ thơ mộng ấy nhỉ? Từ bé tôi đã ham thích mỹ thuật và bấy giờ, ước muốn làm tượng trỗi dậy mãnh liệt. Lúc học trung học đệ nhị cấp, tôi vì gia đình nghèo đã có mấy năm làm thư ký ca đêm tại khách sạn President dành cho lính viễn chinh Mỹ. Tôi đã chứng kiến cuộc sống thác loạn do ảnh hưởng của đồng đô la “xanh” “đỏ” thời đó xói mòn đạo lý của người Việt Nam.
Thêm nữa, tin tức chiến sự với bao dân lành chết oan được cập nhật, hình ảnh những cuộc xuống đường biểu tình cứ như những đợt sóng trào dâng, cuốn hút tôi vào suy tưởng phải làm gì đó để góp phần chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình. Tôi như nhiều thanh niên thời đó thường xuyên nghêu ngao hát nhạc Trịnh Công Sơn. Tựa một bài hát chợt đến: Ta phải thấy mặt trời. Tôi thường hay lẩm nhẩm bài hát này những khi một mình. “Ta phải thấy mặt trời / Sáng trên quê hương này đầy loài người /Ta phải thấy một ngày / Ngày dân ta đi lên giành lấy hòa bình...”. Phải rồi, tuổi trẻ chúng tôi cần phải thấy mặt trời, phải thấy hòa bình. “Mặt trời” trong suy nghĩ của tôi lúc ấy là cái gì cao đẹp, chính trực, và là hòa bình. Để được thấy “mặt trời”, tuổi trẻ chúng tôi không thể ngồi khoanh tay, thu mình trong ghế giảng đường để mơ màng ghi bài giảng và nuôi mộng dược sĩ giàu nứt vách trong tương lai, mặc cho bom đạn nổ, mặc cho dân lành bị thảm sát.
Với phác thảo tượng bắt đầu thành hình trong đầu, tôi tìm hai người bạn học thân trong lớp là Đỗ Xuân Thủy và Nguyễn Đình Diệm thố lộ ý định. Sau một năm học, chúng tôi đã thấu đáo tâm tưởng lẫn nhau. Nhất trí làm, chúng tôi góp tiền mua xi măng, cốt thép... chở về khoảng đất trống cạnh bãi giữ xe trong trường và tiến hành làm tượng. Sau nhiều ngày gặm bánh mì, bỏ giờ nghỉ trưa, hì hục trộn, đắp, chúng tôi hoàn thành bức tượng. Tượng được sơn đen phủ nhũ vàng óng ánh trông như được đúc đồng.
Tượng là hình dạng hai người, một đang ngồi bó gối cúi đầu, còn một đứng thẳng đầu ngẩng cao với một tay đặt lên vai bạn, một tay giơ ngang tầm mắt như ngắm nhìn mặt trời. Tượng người đứng như đang nói với bạn đang ngồi: “Ta phải thấy mặt trời”, mà lời nói ấy được ghi trên tấm bảng đúc bằng xi măng đặt dưới chân. Trên cái nền đất của tượng hai người, chúng tôi chăng đầy kẽm gai lởm chởm. Thời ấy, kẽm gai là loại rất dễ tìm, nhưng dùng kẽm gai để nói lên gì đó trong tác phẩm là thách thức ghê gớm đối với chúng tôi. Tượng làm xong, tôi sung sướng nhìn ngắm và lẩm nhẩm bài Ta phải thấy mặt trời của nhạc sĩ họ Trịnh.
Do hồ nước nằm ngay trước Câu lạc bộ Sinh viên nên tôi chỉ cần xin phép ban đại diện sinh viên để đặt tượng trên vị trí ấy. Giây phút bức tượng yên vị trên hồ nước nằm trong khuôn viên trường Dược là giây phút đầu tiên trong đời tôi vượt qua nỗi sợ hãi. Từ giây phút đó, tôi bắt đầu gặp gỡ một số sinh viên đàn anh để hiểu thêm ít nhiều về những người bên kia mà bên này gọi là Việt cộng còn bên kia gọi là Cách mạng, Quân giải phóng.
Tượng Claude Galien - ông tổ Dược khoa
Tượng Ta phải thấy mặt trời an vị tại hồ nước từ năm 1971 đến 1972. Cuối năm 1972, vài vị giáo sư trong Ban giảng huấn đã đến gặp tôi để bàn chuyện thay bằng tượng Galien. Một thầy nói trường Dược phải đặt tượng Galien mới hợp, nhưng tôi biết các thầy đang bị áp lực phải nhổ cái gai là bức tượng của chúng tôi. Một thầy hỏi: “Này, kẽm gai tùm lum như thế tượng trưng cho cái gì vậy?”. Tôi mỉm cười trả lời: “Dạ, đó là những khó khăn mà chúng em luôn phải vượt qua đó thầy!”.
Sau đó tượng Ta phải thấy mặt trời được dời về nơi khuất sâu trong khuôn viên, trong lùm cây um tùm và trong lần sửa chữa vào năm 1976, thợ xây đã đập bỏ vì nghĩ đó là phế liệu!
Bài và ảnh PGS-TS. Nguyễn Hữu Đức