Đoàn tàu chuẩn bị khởi hành cho một chuyến chạy thử trên tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, tại ga Halim của Jakarta. Ảnh: Xinhua
Liên danh Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) cho biết tàu cao tốc kết nối thủ đô Jakarta và thành phố Bandung của tỉnh Tây Java đã đạt vận tốc 300km/h trong lần chạy thử nghiệm mới nhất vào ngày 16.6.
Theo KCIC, quá trình chạy thử đoàn tàu cao tốc đầu tiên của Indonesia này đã diễn ra suôn sẻ với tốc độ tăng lên nhờ những cải tiến về đường ray, hệ thống tín hiệu, hệ thống giám sát và hệ thống điện tử.
Người phát ngôn KCIC, ông Emir Monti cho biết: “Cuộc thử nghiệm đã diễn ra suôn sẻ bất chấp trời mưa lớn. Đoàn tàu thử nghiệm đã đạt tốc độ 300km/h và duy trì rất ổn định. Chúng tôi có kế hoạch tăng tốc độ theo từng giai đoạn."Trong lần thử nghiệm trước đó, tốc độ tối đa đã đạt 220km/h, một kỷ lục mới trong lịch sử ngành đường sắt của “đất nước vạn đảo."
Chính phủ Indonesia có kế hoạch khai trương tuyến tàu cao tốc này vào tháng 8.2023 tới nhân kỷ niệm 78 năm ngày quốc khánh, cùng ngày với tuyến đường sắt vận tải hạng nhẹ (LRT) vùng Đại Jakarta, trước khi đưa vào khai thác thương mại vào tháng 9 với số chuyến hạn chế.
Trước đó ngày 22.5, KCIC thông báo rằng tốc độ của đoàn tàu sẽ được nâng dần lên mức 385 km/h trong loạt thử nghiệm toàn diện kéo dài 3 tuần và sẽ giảm hành trình giữa Jakarta và Bandung xuống còn khoảng 40 phút.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 142km này đã được khởi công vào năm 2016.
Các công ty nhà nước của Indonesia - trong đó có nhà điều hành đường sắt KAI và công ty xây dựng Wijaya Karya, kiểm soát 60% cổ phần của KCIC, trong khi Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc và các công ty Trung Quốc khác nắm giữ số cổ phần còn lại.
Dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung có tổng chi phí dự kiến ban đầu là 6 tỷ USD, song hồi năm ngoái, phía Indonesia thông báo cần thêm 1,2 tỷ USD để đáp ứng thời hạn khai thác thương mại vào tháng 6.2023.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2019 song đã phải đối mặt với các vấn đề về giải phóng mặt bằng và chậm tiến độ xây dựng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Hữu Chiến