Sau đại án ở Bộ Y tế - đang còn điều tra - thì việc bắt đầu “đụng” đến NXB Giáo dục là chỉ dấu khởi đầu cho những sai phạm ở lĩnh vực dân sinh bị phanh phui. Trong vụ án này, các bị can gồm ông Nguyễn Đức Thái (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên), bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing), ông Đinh Quốc Khánh (nguyên Phó Trưởng ban Kế hoạch Marketing) và bà Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng) vi phạm quy định về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ các sai phạm của NXB Giáo dục Việt Nam. Nguồn: Công An Nhân Dân
Dấu hiệu sai phạm ban đầu, tương đối đơn giản chỉ là “ăn giấy”, nhưng câu chuyện về sách giáo khoa là nỗi bức xúc chung của xã hội hàng chục năm nay. Với hàng triệu gia đình có con đi học, bắt đầu năm học mới là “chạy” sách giáo khoa cho đúng quy định của ngành giáo dục. Rồi sách đổi mới, sách cải cách xài cho từng năm, tăng giá “do in to chữ đẹp”, mặc cho Nhà nước tháo gỡ độc quyền, “một chương trình, nhiều bộ sách”.
Với những ai quan tâm đến chính sách giáo dục thì không khỏi ngạc nhiên bởi nhiều đề xuất ở cấp bộ, các dự án cải cách giáo dục hàng chục ngàn tỷ, khi làn sóng dư luận đặt vấn đề thì rút xuống còn 1/4 dự toán ban đầu. Mỗi lần cải cách là biên soạn lại, là in mới, là tập huấn, triển khai... kèm theo lời hứa hẹn về những mục tiêu tốt đẹp.
Và rồi đâu lại vào đó, thậm chí ngày càng rối rắm và gây bức xúc lớn hơn.
Với ngành giáo dục, chưa bàn đến chất lượng, chỉ cần nhìn vào phản ứng xã hội từ vài chục năm nay cũng cảm nhận được sự thiếu minh bạch trong quản lý, mà hệ quả của nó liên quan đến sự không công bằng, chi phí xã hội quá sức chịu đựng của đại đa số dân chúng. Đó là tình trạng chạy trường chạy lớp, đưa hối lộ cho nhà trường, giáo viên để có thành tích học tập; giáo viên thì đút lót cho hiệu trưởng để có nhiệm sở, giờ lên lớp, ép học trò học thêm; rồi thì ăn chặn tiền cơm nội trú, tổ chức du lịch, ngoại khóa bằng liên kết làm ăn thiếu minh bạch với bên ngoài... Lên cấp đại học thì sai phạm tuyển sinh, thu học phí vô tội vạ với nhiều danh nghĩa “chất lượng cao” hay liên kết, liên minh giả hiệu; gạ tình lấy điểm, bán bằng thật mà học giả…
Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận trong một văn bản trả lời cử tri Đà Nẵng như sau: “Tình trạng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa cao”, còn tồn tại tình trạng nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án, thông qua một số đề tài luận án tiến sĩ có phạm vi quá hẹp, không bảo đảm giá trị khoa học… Cho dù ông Sơn giải thích “nguyên nhân do nguồn lực đầu tư hạn chế, một số đơn vị chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế đào tạo”, thì cũng khiến người ta liên tưởng đến phong bì, đến tiền bồi dưỡng đã góp phần không nhỏ để tạo ra danh hiệu học hàm, học vị lâu nay.
Trong mớ bùng nhùng rối rắm như đã nêu, mà hậu quả tác động đến từng gia đình, học sinh, sinh viên, ai cũng thấy đồng tiền đã chi phối hết thảy. Vậy mà nó chỉ được mô tả là “hiện tượng tiêu cực” chứ chưa được gọi tên đúng bản chất: THAM NHŨNG!
Khi không gian thể chế vẫn còn thiếu cơ chế giám sát hữu hiệu, điều hành thiếu minh bạch, thì những chủ trương “chuyến bay giải cứu”, “xét nghiệm thần tốc”, hay cải cách sách giáo khoa... còn là cơ hội cho ý đồ tham nhũng ở cấp độ ra chính sách.
Tham nhũng trong giáo dục khiến các gia đình phải chấp nhận đầu tư cho con cái chi phí cao hơn, bất bình đẳng trong cơ hội học hành, khiến cho xã hội phải nhiều phen đau đớn với những trường hợp như người mẹ tuyệt mệnh nhằm lấy tiền phúng điếu trả học phí cho con. Tốn nhiều tiền của hơn nhưng chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống, với hàng triệu cử nhân ra trường chạy xe ôm, làm công nhân tay nghề giản đơn. Và hậu quả lâu dài, xót xa hơn là môi trường học đường bị hoen ố; đạo đức học trò, nhà giáo lệch chuẩn theo đồng tiền.
Trong mấy mươi năm từ ngày đổi mới, có lẽ ngành giáo dục chuyển động sau cùng, mà cũng chỉ ở “bên ngoài”: xã hội có thêm loại hình trường tư thục, trường quốc tế, cung cấp thêm dịch vụ học hành... nhưng nội lực bên trong, tổ chức bộ máy quản trị, với tư cách là một ngành chiến lược, đầu tư phát triển con người gần như vẫn “đóng” và không theo kịp chuyển động xã hội. Vẫn duy trì và cơ chế kiểm soát xin - cho từ trung ương đến từng trường lớp, lương giáo viên không được cải thiện dù đã có bao nhiêu lời hứa hẹn từ các đời bộ trưởng…
Cho nên, khởi tố một vụ án tham nhũng trong ngành giáo dục chỉ là phần ngọn của vấn đề. Khi không gian thể chế vẫn còn thiếu cơ chế giám sát hữu hiệu, điều hành thiếu minh bạch, thì những chủ trương “chuyến bay giải cứu”, “xét nghiệm thần tốc”, hay cải cách sách giáo khoa... còn là cơ hội cho ý đồ tham nhũng ở cấp độ ra chính sách.
Và, phanh phui vụ án có thể phát hiện cả một đường dây, cán bộ to cấp nào đi nữa, thì cơ hội thay đổi cho từng số phận học trò đến lớp vẫn chưa có gì rõ ràng.
Và, có lẽ cứ mỗi năm hết hè thì nhiều gia đình vẫn phải chạy tiền, chạy lớp, chạy thầy cô...
Duy Thông