Tôi tự hỏi một ông kiến trúc sư ốm tong ốm teo, một ông bố bỉm sữa có con còn bé xí, làm sao đủ giờ và đủ sức vừa làm phó chủ nhiệm chi hội Doanh nhân Trẻ Tân Sơn Nhất với quá nhiều dự án cộng đồng, làm trưởng ban tổ chức một hội thảo quốc tế về giao thương các nước, lại phụ trách điều phối chương trình Siêu thị 0 đồng của Giáo hội Công giáo, còn làm chủ dự án rau bình ổn giá, mà kiêm luôn việc làm bốc vác, lái xe chở rau, thịt, sữa, ô xy khắp Sài Gòn - Bình Dương…
Thịnh trao máy ô xy lúc nửa đêm cho một gia đình nghèo có người bị F0.
1. “Ra ngoài nhiều vậy không sợ hả?”. “Dạ, sợ chứ. Bao nhiêu người ra đi rồi mà. Mỗi ngày mình phải đối diện nhiều nỗi đau lắm. Bởi vậy nên mỗi ngày ra đường, đều vô cùng cẩn trọng. Lại cứ phải xét nghiệm liên tục. Việc mọi người đang cần mình bây giờ thì làm. Nhưng cũng còn rất nhiều việc cần làm dài hơi trong tương lai nên luôn phải giữ gìn”.
“Đi hoài vậy con gái không buồn hả?”. “Dạ buồn chứ. Hơn cả tháng nay, Cốm không được chơi với ba. Ba Cốm ra khỏi nhà từ sớm, đến khi Cốm ngủ, ba mới về. Trước khi ra khỏi cửa và khi về đến nhà, ba chỉ qua phòng nhìn Cốm từ xa mà không dám ôm hay nựng... Có hôm quên đóng cửa phòng, nửa đêm Cốm mò qua nằm bên cạnh, ba giật mình, đành chờ con ngủ lại rồi bế về phòng, đứng nhìn con hồi lâu. Cốm cũng là lý do mà Thịnh suy nghĩ nhiều nhất, đắn đo nhất mỗi khi bước chân ra khỏi nhà, là những ngày tháng này sẽ không bao giờ quay lại, để có cơ hội chơi đùa, cùng con lớn lên…”.
2. Tôi gặp Thịnh lần đầu qua giới thiệu của một bạn ở JCI - Liên đoàn Lãnh đạo trẻ thế giới tại Việt Nam. Lý do Thịnh cần gặp, là để nhờ hỗ trợ một thành viên của JCI ở mãi tận vùng núi phía Bắc mà anh đang giúp phát triển hệ thống phân phối sang Mỹ. Thịnh hỏi chuyện, rồi chăm chú lắng nghe. Chỗ nào không hiểu thì hỏi lại rất kỹ. Tôi nghĩ, anh chàng này chắc có cổ phần ở công ty làm đồ gỗ kia. Mãi sau mới biết Thịnh đi học để hỗ trợ người khác thiệt sự.
Doanh nhân Nguyễn Quang Thịnh. |
Thịnh cũng có công ty làm đồ gỗ nội thất, nhưng: “Thịnh chuyên làm đồ nội thất giá rẻ, để ai cũng có thể dùng được”. “Ủa kiến trúc sư xịn nghe nói đoạt giải kiến trúc quốc tế gì mà đi làm đồ giá rẻ? Làm đồ giá rẻ là hạn sử dụng ngắn lắm, thải ra rác còn làm ảnh hưởng môi trường nữa”. Thịnh không trả lời, anh gỡ cái huy hiệu là logo 17 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc đang đeo trên áo xuống, tặng cho tôi. Sau quen lâu, nghe nói chuyện nhiều, mới hiểu Thịnh biết lo cho môi trường, cho sự phát triển bền vững nhiều hơn một đứa thích nói lý thuyết như… tôi!
3. Thịnh nói vanh vách về vật liệu, về công nghệ sản xuất, về các loại keo ép, về nhiệt độ, tùm lum thứ về tái chế. Ngầu ghê. Trong vài lần chia sẻ với sinh viên kiến trúc, thiết kế nội thất, anh mang theo một cái máy in 3D. Thịnh nói về nghề kiến trúc, về sự cạnh tranh của công nghệ.
Chẳng hạn Thịnh có cái phần mềm, chuyên thiết kế bếp. Chỉ cần ngồi đây hỏi thăm diện tích, số lượng người trong nhà, ai là người nấu ăn chính, người nấu thuận tay phải hay tay trái, các loại phong cách ẩm thực hay nấu, các thiết bị đã có, màu sắc chung… Cứ nhập hết chừng 50 câu hỏi như vậy, máy tính sẽ vẽ ra cái bản vẽ, đưa cho người đối diện, chỉnh sửa một xíu. Trong lúc nói chuyện thì máy in 3D cứ rè rè in ra nguyên cái mô hình nhà bếp…
“Để vẽ một cái nhà bếp đẹp, thì sinh viên năm hai là làm ngon lành. Nhưng để thiết kế một cái nhà bếp đúng, đầy đủ công năng, thuận lợi về quy trình nấu ăn, bảo quản thực phẩm cũng như thói quen tiêu dùng của một gia đình, thì cần một kiến trúc sư nhiều trải nghiệm. Vậy mà cái phần mềm này, với mớ dữ liệu vô cùng lớn, có thể làm thay việc của kiến trúc sư. Chúng ta phải tìm ra được điều gì mà chỉ có kiến trúc sư thực sự làm khác biệt với máy chứ…”, Thịnh nói.
4. Tôi không hỏi sự khác biệt đó là cái gì, bởi tin mình sẽ tự tìm ra được, vì Thịnh đã trở thành bạn uống bia của tôi. Có điều lần nào uống bia với Thịnh cũng lại ra một đống việc. Thí dụ, cả đám trong chi hội Doanh nhân Trẻ Tân Sơn Nhất ngồi uống bia, nói về cái thư viện cho con nít nghèo ở quê. Là của Trung ương Đoàn đứng ra làm tới 100 cái, rủ làm chung một vài cái cho vui. Chuyện sẽ rất dễ nếu cả đám vừa góp tiền vừa đi xin tiền cho đủ 100 triệu đồng một cái. Nhưng Thịnh nói một câu rất thiệt lòng: “Thịnh muốn làm một cái thư viện cho con nít nghèo nhưng mà bé Cốm con mình cũng phải vô cùng thích tới đọc sách, hoặc chơi…”.
Thư viện cho con nhà nghèo ở Gia Lai do Thịnh thiết kế và đang làm tiếp cho trẻ em nghèo ở Trà Vinh, Thủ Đức...
Có Thảo Trần, chủ nhiệm, tiến sĩ từ Harvard về hẳn hoi. Có anh Trí Mai, kiến trúc sư, tổng giám đốc một công ty kiến trúc siêu to khổng lồ của thế giới. Lại có bạn Thu Thảo, chuyên gia tối ưu hóa nhà máy ngồi chung. Cả nhóm vừa uống bia vừa bàn. Thịnh lụi cụi ghi chép hết các ý kiến.
Mấy hôm sau, gửi lại bản vẽ 3D một không gian thư-viện-con-nhà-nghèo nhìn rất siêu thực, mà con nít nhà giàu ở nước ngoài cũng phải mê. Vậy là cái không gian đọc và trải nghiệm sách đầu tiên ra đời ở Gia Lai, cái thứ hai đang thành hình ở Trà Vinh và cái thứ ba cũng đã chọn được chỗ ở khu dân nhập cư nghèo của Thủ Đức…
5. Quay lại cuộc uống bia online lúc nửa đêm. Tôi hẹn Thịnh là để cùng linh mục Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam trò chuyện với Thịnh, vì thấy cũng lo cho sức khoẻ tinh thần của anh chàng. Bôn ba quá, chuyện gì cũng làm, bếp ăn bệnh viện nào cũng tới, rau củ về tới Sài Gòn nửa đêm nửa hôm cũng Thịnh, mấy linh mục đi tình nguyện chăm sóc bệnh nhân F0 thiếu mấy cây quạt cũng Thịnh…
6. Chuyện bắt đầu từ một lá thư Đức cha Linh gửi đi với thông điệp “Thương quá Sài Gòn ơi!”. Vậy là từ Bắc chí Nam, tất cả các nhà thờ đều gom tiền, gom rau củ, gom quà gửi vô Nam. Nhà thờ xưa nay không quen việc hỗ trợ mọi người, không phân biệt có tôn giáo hay không. Kết nối được với ban tổ chức chương trình Siêu thị 0 đồng chỗ cô Cao Ngọc Dung PNJ đang làm rất tốt, nên xin làm chung. Làm chung, nhưng vẫn cần người điều phối.
Lúc này, mới nhớ ra Thịnh là người Công giáo gộc. Cái tên “Thịnh thiệt thà” là từ nhóm tổ chức của chương trình này mà ra. Thiệt thà tới mức, làm một núi việc cả ngày, cuối giờ ra về, thấy có mấy thùng mì gói trong góc nhà thờ, bèn xin các linh mục cho chất lên xe, chạy về dọc đường gặp ai cần thì ghé cho… “Dạ không mệt!”. Đơn giản vì Thịnh thấy mình có nhiều đồng đội cùng làm. An nè, Lâm nè, Ivy nè, rồi nhiều tình nguyện viên lắm. Thịnh ốm tong teo, nhưng tấm lòng thì không tong teo tí nào.
Dự án “Thương quá Sài Gòn ơi” của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam hỗ trợ người lao động khó khăn do đại dịch COVID-19 tại TP.HCM thông qua chương trình Siêu thị mini 0 đồng, do Thịnh phụ trách điều phối. Ảnh: Tiến Hương
Tôi lại mở một chai bia, ngồi nhấm nháp mớ trái cây đặt trên web rau bình ổn giá do doanh nhân Công giáo Nguyễn Quang Thịnh trực tiếp giao tới nhà. Anh mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh, tóc mấy tháng chưa cắt, đứng xa xa đưa đồ xong lại lên xe chạy mất.
Nhà hàng xóm vọng lại đâu đó một bài hát rất hợp thời điểm này: “Hôm nay mẹ trực đêm bữa cơm chiều ăn vội… Mưa ngoài trời vẫn cứ rơi, con thương mẹ vì mọi người…”. Tiếng nhạc chữ được chữ mất, tan loãng giữa bầu trời đêm thời COVID-19 của Sài Gòn...
Bài: Trần Bung - Ảnh: NVCC