Trên thế giới, các thương hiệu ô tô từ Buick đến Nissan, BMW, Ford đã nhúng Amazon Alexa vào ô tô, bên cạnh đó, nhiều thương hiệu khác chuyển sang sử dụng trợ lý riêng để đáp ứng nhu cầu của người lái xe theo cách cá nhân hóa hơn.
Năm 2018, Toyota cũng đã đưa trợ lý ảo Amazon Alexa lên vài dòng xe của họ và đến 2019 đưa hệ điều hành Apple Carplay & Android Auto vào một số dòng xe để hỗ trợ cho việc đưa các tiện ích thông minh lên xe. Tiếp tục, đến 2021 hãng này ra mắt trợ lý Joya sử dụng cho dòng xe Toyota Sienna.
Một ông lớn khác trong ngành công nghiệp ô tô là Mitsubishi cũng đã đưa trợ lý giọng nói Alexa lên một số dòng xe. Còn Honda thì công bố hợp tác với SoundHound, phát triển trợ lý ảo Honda với wake word “OK Honda”.
95% người tiêu dùng cho biết sẽ sử dụng trợ lý giọng nói để truy cập thông tin trên ô tô.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Capgemini (CAPP) nhận định, người tiêu dùng đã và tiếp tục có nhu cầu ngày càng lớn với việc trải nghiệm trợ lý giọng nói. Theo CAPP, 72% giám đốc điều hành trong ngành ô tô nói rằng, công nghệ trợ lý giọng nói là nhân tố chính thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo số liệu báo cáo của CAPP, ba phần tư người tiêu dùng cho biết sẽ sử dụng trợ lý giọng nói thường xuyên miễn là họ có trải nghiệm tốt. Và 37% người tiêu dùng sẵn sàng trả phí để sử dụng trợ lý giọng nói trên ô tô, 48% khác cho biết sẽ xem xét làm như vậy trong tương lai. Chỉ có 15% cho biết họ không sẵn sàng trả tiền.
Nhiều năm làm việc trong ngành trợ lý thông minh trên ô tô, một chuyên gia chất lượng của một OEM (Nhà sản xuất thiết bị gốc) lớn cho biết, khi bắt đầu ở Ấn Độ vào năm 2012, việc tích hợp trợ lý giọng nói trên xe đã tạo nên một cơn sốt. Và sau đó nó đã trở thành một điều cần thiết trong đời sống.
Đến nay, thậm chí người tiêu dùng không chỉ nghĩ về trợ lý giọng nói như một điều cần thiết mà còn mong đợi nhiều hơn với các tính năng sử dụng nâng cao.
Những dẫn chứng trên cho thấy, công nghệ giọng nói trên xe ô tô đã và đang trở thành tiềm năng khai thác tuyệt vời cho doanh nghiệp. Từ đó, cuộc đua trang bị, tính năng thông minh trên ôtô của các hãng xe cũng ngày càng sôi động.
Phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng trả phí để sử dụng trợ lý giọng nói trên ô tô.
Tại Việt Nam, để chinh phục kỷ nguyên ô tô thông minh, các doanh nghiệp Việt cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Trợ lý giọng nói đã đi vào đời sống người Việt. Tuy vậy, một số trợ lý ngoại nhập vẫn còn rào cản về ngôn ngữ và sự thấu hiểu người dùng bản địa. Chính điều này lại là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường.
Ra mắt vào tháng 12.2020, trợ lý giọng nói Kiki do đội ngũ kỹ sư Zalo AI phát triển giúp người Việt thực hiện tác vụ thông qua việc điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt. Thế mạnh của trợ lý này là khả năng xử lý tiếng Việt, nghe hiểu tốt giọng nói địa phương, hiểu thói quen và văn hóa giao tiếp bản địa.
Có thể nói đây là một trong những trợ lý giọng nói trên ô tô phát triển thành công nhất tại Việt Nam. Mới đây trợ lý này đã cán mốc 300.000 lượt cài đặt sử dụng chỉ trong thời gian ngắn, với hơn 150.000 lượt truy vấn mỗi ngày. Đây là minh chứng cho sự đón nhận của người dùng.
Kiki đã cán mốc 300.000 lượt cài đặt sử dụng với hơn 150.000 lượt truy vấn mỗi ngày.
Khi Việt Nam không thuộc thị trường được các hãng xe lớn ưu tiên địa phương hóa cao, thì trợ lý Kiki đã giúp người dùng Việt có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm đầy đủ công nghệ mới nhất về AI bằng ngôn ngữ mẹ đẻ - điều khó xảy ra trong tương lai gần với các trợ lý do tập đoàn quốc tế phát triển.
Đồng thời, những sản phẩm với tính địa phương hóa cao như Kiki cũng giúp các doanh nghiệp ô tô, các hãng màn hình thông minh tăng lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua giành thị phần tại thị trường nội địa.
Minh Nam