Tìm giải pháp bán lẻ cho doanh nghiệp

 23:29 | Thứ năm, 07/07/2016  0
Các khách mời chia sẻ và giải đáp các câu hỏi v62 giải pháp giúp doanh nghiệp có thị trường bán lẻ tại tọa đàm. Ảnh:PV

Sau khi được AT. Kearney xếp hạng vị trí quán quân năm 2008, Việt Nam liên tục tuột dốc và hiện nằm trong top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Nếu như năm 2008 Việt Nam có 386 siêu thị thì hiện con số này đã tăng gấp đôi. Theo quy hoạch đến 2020, dự kiến Việt Nam có từ 1200-1500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.

Ông Trương Phú Chiến, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bibica, dự báo kênh bán lẻ hiện đại gồm hệ thống siêu thị và trung tâm mua sắm sẽ chiếm 45% doanh số của thị trường bán lẻ vào năm 2020 (so với 25% hiện nay). Ngược lại, kênh truyền thống hiện đang chiếm 75% doanh số thị trường bán lẻ sẽ giảm tương ứng còn 55%.

Mặc dù vậy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vẫn rất khó chen chân vào kênh bán lẻ hiện đại này. Theo ông Chiến, một trong những nguyên nhân quan trọng là mức phí, dao động trong khoảng 15% - 28% giá bán tùy theo quy mô chuỗi. Với những dòng sản phẩm mới, nhà cung cấp còn phải chịu phí mở mã lên đến 18 triệu đồng. Thế nhưng trong vòng 3-6 tháng mà doanh số không đạt theo thỏa thuận với nhà bán lẻ thì sản phẩm sẽ bị xóa mã.

Lấy vị dụ từ công ty mình, ông Chiến cho biết song song với hệ thống siêu thị, Bibica tập trung phát triển hệ thống nhà phân phối. Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo như Bibica, ông Chiến cho rằng 500 triệu đồng doanh số mỗi tháng là con số tối thiểu để một nhà phân phối hoạt động hiệu quả. Được biết, mỗi nhà phân phối của Bibica có sự hỗ trợ của đội bán hàng gồm 4 - 7 người. Ông Chiến cho biết sẵn sàng hỗ trợ những SMEs phát triển hệ thống phân phối ở những thị trường Bibica hiện diện.

Lối thoát duy nhất cho những doanh nghiệp Việt Nam là khẩn trương cải thiện năng lực cạnh tranh, hơn là tìm kiếm những cơ chế bảo hộ. Ảnh minh họa: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị co.opmart. Ảnh: TL - SaigonCo-op

Tỏ ra đồng tình với quan điểm của ông Chiến, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) nhấn mạnh hệ thống phân phối cần được xem như một phần giá trị quan trọng của doanh nghiệp. Năm 2010, VISSAN tái cấu trúc hệ thống kênh phân phối, giảm từ 1.000 nhà phân phối xuống còn 116 nhà phân phối, quản lý 130 ngàn điểm bán hàng của VISSAN trên toàn quốc. Chia sẻ 70% doanh số của VISSAN đến từ khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, ông Mười khuyến nghị doanh nghiệp nên chú ý nhiều hơn đến thị trường này.

Những thương vụ mua bán sáp nhập trong ngành bán lẻ thời gian gần đây với sự xuất hiện của đại gia Thái Lan làm dấy lên lo ngại doanh nghiệp Việt Nam sẽ thất thế trên sân nhà. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co-op, tỏ ra khá bình tĩnh. Theo ông, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ đủ chỗ cho 4-5 nhà bán lẻ thuộc tốp 20 thế giới. Người này đến thì người kia phải ra đi.

Về phía Saigon Co-op, nhà bán lẻ này đang khẩn trương tổ chức lại khâu tiếp cận đầu vào nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Một kênh bán hàng qua truyền hình độc quyền khai thác hàng Việt. Saigon Co-op cũng có kế hoạch đa dạng hóa dịch vụ để doanh nghiệp SMEs có cơ hội tiếp cận. Chẳng hạn, 4-5 doanh nghiệp sẽ “cùng mua” một ụ kệ trưng bày trong Saigon Co-op để tiết giảm chi phí. Ngay trong tháng 7 này, Saigon Co-op sẽ tổ chức một hội nghị các nhà cung cấp nhằm tìm giải pháp để đôi bên cùng thắng. 

Hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ là cam kết quốc gia theo lộ trình những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Chính phủ ký kết. Xét cho cùng, lối thoát duy nhất cho những doanh nghiệp Việt Nam là khẩn trương cải thiện năng lực cạnh tranh, hơn là tìm kiếm những cơ chế bảo hộ.

Diệp Khuê 

» Thị trường bán lẻ: “Mở cửa vẫn phải xây thêm rào”

» Tìm giải pháp cho ngành bán lẻ Việt Nam

» Lý do người Thái 'thèm' bia Việt

» “Mất” thị trường bán lẻ: 70% là… ta tự hại mình

» Thị trường bán lẻ Việt: 50% nằm trong tay người Thái?

» Về đâu thị trường bán lẻ Việt?

» Thâu tóm thị trường bán lẻ Việt: tại sao luôn là người Thái?

» TP.HCM: Chậm hoàn thành quy hoạch ngành thương mại dịch vụ

» [Infographic] Hệ sinh thái các 'đại gia' bán lẻ ở Việt Nam

» “Đại chiến” bán lẻ

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.