Trước đó, vào ngày 21.7 và 18.9, Nhà máy Thủy điện Bắc Hà cũng đã xả lũ ứng phó cơn bão số 2 và số 3 với lưu lượng xả nước từ 2.300 m3/giây đến 2.600m3/giây.
Do kết hợp với mưa to trên địa bàn huyện Bảo Yên, nên mực nước sông Chảy dâng cao trên mức báo động 3 từ 53cm-1,13m, gây ngập lụt và thiệt hại nặng cho khoảng 130 hécta lúa và hoa màu trên địa bàn xã Bảo Nhai (Bắc Hà) và 9 xã của huyện Bảo Yên, dẫn tới nhiều diện tích lúa bị mất trắng.
Theo kết quả kiểm tra từ các cơ quan chức năng, việc vận hành, quản lý thủy điện Bắc Hà (Lào Cai) trong hai đợt lũ nói trên đều tuân thủ đúng quy trình vận hành của Bộ Công thương và địa phương.
Tuy nhiên, do thống kê kết quả quan trắc chưa đúng theo thời gian quy định, việc vận hành hồ chứa đón lũ chưa linh hoạt; thời gian chưa phù hợp, lưu lượng xả tràn lớn hơn lưu lượng tự nhiên về hồ từ 1-4%; công tác kiểm tra xác nhận thông tin phát ra chưa đầy đủ nên đã dẫn đến hậu quả trên.
Ngày 24.12, làm việc với chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Thủy điện Bắc Hà chấp thuận hỗ trợ một phần kinh phí khôi phục sản xuất người dân chịu thiệt hại do thủy điện này xả lũ ẩu gây lên.
Đà Nẵng đã định kiện
Trước đó, vấn nạn thủy điện mùa lũ thì xã lũ, mùa cạn thì tích nước khiến người dân địa phương thì điêu đứng đã được bàn thảo rất nhiều. Trong vụ lúa hè thu vừa qua, hàng ngàn héc- ta lúa từ Quảng Nam- Quảng Ngãi, Đà Nẵng đến các huyện Tây Nguyên nông dân đứng ngồi không yên, lúa cháy khô, cây trồng khát nước...
Ngày 10.6, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng cho biết, chuyện thủy điện tích nước mùa cạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, đời sống, sinh hoạt của người dân vùng hạ du vẫn chưa được Bộ TN-MT giải quyết thỏa đáng.
Ông Thắng cho rằng, Bộ TN-MT đã đặt lợi ích của thủy điện lên hàng đầu mà bỏ qua lợi ích của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hộ dân vùng hạ du.
Liên quan tới quy trình xả lũ mùa cạn, đơn vị này trước đó đã có văn bản đòi kiện Bộ TNMT nếu không sửa đổi dự thảo Quy trình xả nước mùa cạn liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2.
Theo ông Thắng dự thảo khống chế mức xả nước trong mùa cạn tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc, Quảng Nam) H = 2,53m để làm cơ sở cho vận hành.
Khi khống chế mực nước tại Ái Nghĩa bằng 2,53m, có nghĩa là gần như Thủy điện Đăk Mi 4 sẽ không xả trả nước lại cho sông Vu Gia bất chấp hạ du thiếu nước.
“Đây cũng đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước làm ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu dân vùng phía Bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng cho biết, sông Vu Gia - Thu Bồn rất giàu nước, tới 10.000m3/người/năm. Đó là nơi được gọi là giàu tài nguyên nước so với thế giới, tự nhiên thủy điện đến và giờ lại áp dụng cái nguyên tắc kiểu như ban ơn, trong khi anh đang lấy nước của người ta đi để phát điện nơi khác. Rồi sau đó bố thí kiểu như sẽ không để cho người ta đến nỗi chết.
Thực tế hàng ngàn héc-ta lúa hè thu chịu cảnh chết cháy, nông dân cắt lúa điếc cho bò. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, thủy điện miền Trung không có khả năng chống lũ, lũ xả đầu dân đúng quy trình...
An An
Theo: Đất Việt