Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ các dự án gây lãng phí

 22:39 | Thứ bảy, 26/10/2024  0
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phải có người chịu trách nhiệm khi xảy ra tình trạng lãng phí.

Lãng phí là vấn đề đáng lo ngại, người dân bức xúc trước thực trạng này. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 26.10.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ các dự án gây lãng phí- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 26.10.


Tại phiên thảo luận, Tổng Bí thư đã đề cập một vài dẫn chứng về thực trạng lãng phí hiện nay. Theo Tổng Bí thư, nhiều khu đất người dân gọi là "đất vàng" nhưng hàng chục năm để cỏ mọc. Vậy ai chịu trách nhiệm về tình trạng này?

Tổng Bí thư cho rằng đây là tài sản của nhà nước, là tiền của nhân dân nên phải có người chịu trách nhiệm. Vướng mắc điểm nào thì phải tháo gỡ điểm đó. Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh phải có người chịu trách nhiệm.

Nhắc đến dự án chống ngập ở TP.HCM với tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng, Tổng Bí thư cho biết đã qua 2 nhiệm kỳ, người dân địa phương vẫn chịu cảnh ngập lụt, trong khi tiền nhà nước bỏ ra.

Tổng Bí thư tiếp tục dẫn chứng 2 bệnh viện tại tỉnh Hà Nam được đầu tư nhiều năm nhưng chưa đưa vào sử dụng (Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2 - PV). Theo Tổng Bí thư, các dự án này nếu của tư nhân thì họ đã đưa vào hoạt động và hoàn thành việc thu hồi vốn.

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, "có tiền không tiêu được" cũng được Tổng Bí thư nhắc đến như một tình trạng lãng phí. Với kết quả giải ngân sau 9 tháng đầu năm 2024 đã được công bố, Tổng Bí thư đặt vấn đề hết năm nay "liệu có tiêu hết được không?".

Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng chậm được giải ngân, dù vướng mắc đã được nêu ra để tháo gỡ. "Đó là do ai? Là do mình thôi. Sao thấy vướng mà cứ để làm khó mình đến thế? Khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng cái mà gỡ. Quy định thế nào mà đến nhà nước còn không làm được thì doanh nghiệp làm sao làm được?" - Tổng Bí thư đặt vấn đề.

Theo Tổng Bí thư, nhiều dự án tại các địa phương giao cho doanh nghiệp triển khai nhưng do vướng mắc nên đang "đứng chờ nhau". Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải phối hợp các cấp, các ngành để tháo gỡ và triển khai ngay. 

Tổng Bí thư cho biết rất sốt ruột khi nguồn lực đất nước không nhỏ song chưa được phát huy tương xứng, như vậy sẽ lỡ mất cơ hội phát triển. 

Về phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư cho rằng phải đi vào bền vững, thành quả phải đến tận tay người dân. Phải nâng cao được mức sống cụ thể của người dân và bộ mặt xã hội phải thay đổi.

Theo Tổng Bí thư, năng suất lao động của nước ta chưa cao so với khu vực. "Phải đi vào những chỉ tiêu rất cụ thể, sản xuất trong nước cũng phải phát triển, nền tảng công nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu, những ngành cơ bản, cốt lõi của nền kinh tế phải được phát triển..." - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư lưu ý phải phát triển bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường. Người dân mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quan hệ xã hội và môi trường tốt. Do đó, cần chăm lo đời sống người dân phát triển toàn diện, hài hoà, cân bằng. 

"Chúng ta muốn phát triển với tốc độ ổn định, tầm nhìn đến năm 2045 thì phải trở về những mục tiêu phát triển bền vững, thực chất, không để xảy ra những điều bất ngờ" - Tổng Bí thư nêu rõ.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian đề cập tình trạng lãng phí hiện nay. Theo các đại biểu, lãng phí đang xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng "lãng phí còn trầm trọng", trong đó lãng phí thời gian rất phổ biến nhưng chưa có thước đo. Để ngăn chặn, ông đề nghị cần có các quy định cụ thể về chế tài xử lý các hành vi lãng phí.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, trong bài viết Chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: "Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách".

Từ thực tế, đại biểu Yên cho biết việc chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể gây ra những hệ lụy cho an ninh năng lượng.

Trong khi đó, nhiều dự án điện tái tạo vẫn đang vướng mắc về thủ tục, chưa đưa vào khai thác chính là sự lãng phí rất lớn nguồn lực tài chính của xã hội, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển cũng như quy mô nền kinh tế. Tứ đó, đại biểu Đoàn Điện Biên này kiến nghị cần được đánh giá xác đáng để có giải pháp giải quyết.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.