Ngày 13.3, nguồn tin từ Sở Công Thương TP.HCM cho biết Sở vừa có tờ trình gửi Thành ủy và UBND TP.HCM đề xuất nghiên cứu, phát triển chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM.
Chợ đầu mối Bình Điền nằm ven đại lộ Nguyễn Văn Linh ở phía Tây Nam của TP.HCM (thuộc Phường 7, Quận 8), được xem là chợ đầu mối có quy mô lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn - Trần Đạt
Theo tờ trình, qua khảo sát thực tế, kết hợp nghiên cứu các xu hướng phát triển, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong tương lai, Sở Công Thương nhận thấy khả năng phục vụ, cung ứng hàng hóa của 3 chợ đầu mối hiện hữu tại TP.HCM gần như đã bão hòa, không có khả năng mở rộng (ngoại trừ chợ đầu mối Bình Điền). Cụ thể:
Chợ đầu mối Thủ Đức (diện tích 20 ha) nằm ở cửa ngõ phía Đông thành phố, là chợ bán buôn với các ngành hàng trái cây, rau củ, hoa... Chợ nằm trong khu vực đô thị hóa và chợ hiện đang bão hòa, không có khả năng mở rộng.
Chợ đầu mối Hóc Môn (diện tích 10 ha) nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố, là chợ bán buôn với ngành hàng thịt heo, rau củ... Chợ hiện cũng đang bão hòa, không có khả năng mở rộng.
Chợ đầu mối Bình Điền (diện tích 65 ha, giai đoạn 1 là 15 ha) nằm ở cửa ngõ phía Tây thành phố. Chợ gần như bão hòa nhưng có khả năng mở rộng về phía Nam của thành phố, kết nối khu vực trung chuyển các sản phẩm thực phẩm từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, cần xác định mô hình tổ chức hoạt động phù hợp trong tương lai để tăng cường vai trò của chợ trong cung ứng thực phẩm cho thành phố.
“Nhìn chung ba chợ đầu mối đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố, chiếm từ 50% - 70% nhu cầu sản phẩm tươi và cung ứng khoảng 7.000 - 8.500 tấn thực phẩm mỗi đêm.
Tuy nhiên, cách thức vận hành chưa được thay đổi để thích nghi kịp thời xu thế phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng, mặt bằng kiến trúc của các chợ đầu mối khá lạc hậu và những khó khăn, tồn tại, hạn chế khác đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chợ đầu mối trên địa bàn thành phố”, Sở Công Thương nhận định.
Chợ đầu mối Thủ Đức (diện tích 20 ha) nằm ở cửa ngõ phía Đông thành phố, là chợ bán buôn với các ngành hàng trái cây, rau củ, hoa.... Ảnh: Quỳnh Danh - Hữu Khoa
Để đảm bảo duy trì hoạt động chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của chợ đầu mối như một mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, Sở xác định cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa quy trình vận hành và tiến đến thực hiện chuyển đổi số trong mô hình hoạt động kinh doanh hiện nay của 3 chợ đầu mối: Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn.
Trong đó, chú trọng xác định mô hình hoạt động của Khu thương mại Bình Điền trong tương lai đảm bảo phù hợp định hướng phát triển của TP.HCM, xu hướng phát triển của ngành thương mại và đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Nghiên cứu, đề xuất hình thành, phát triển chợ đầu mối theo mô hình hiện đại, làm trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa TP.HCM với các tỉnh, thành và giữa thương nhân bán buôn với thương nhân bán lẻ, góp phần kết nối các sản phẩm theo chuỗi giá trị và hướng đến xuất khẩu trong tương lai.
Theo tờ trình của Sở Công thương, dự án Khu thương mại Bình Điền do Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) làm chủ đầu tư đã triển khai từ năm 2002 với quy mô dự án 547.626m2 gồm 2 giai đoạn:
Khu Thương mại Bình Điền giai đoạn 1 có diện tích 247.500m2, đã đưa vào hoạt động từ năm 2002 gồm khu vực kho lưu trữ hàng hóa (Công ty cổ phần Bình Điền làm chủ đầu tư và quản lý) với diện tích 83.845,9m2 (Thuộc khu IIIB - khu B - Khu thương mại Bình Điền) và chợ đầu mối Bình Điền (do SATRA làm chủ đầu tư và Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền quản lý).
Khu thương mại Bình Điền giai đoạn 2 có diện tích 300.126 m2. Từ năm 2002 đến nay, Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu thương mại Bình Điền đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế và công tác vận hành Khu thương mại Bình Điền. Tại Khu thương mại Bình Điền đã phát sinh một số công trình không phù hợp với phê duyệt Quy hoạch chi tiết phân lô tỷ lệ 1/500.
Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu thương mại Bình Điền đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế và công tác vận hành Khu thương mại Bình Điền. Ảnh: CTV - Thành Nhân
Sở Công Thương đã phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn SATRA triển khai thực hiện các nội dung liên quan đối với dự án đầu tư Khu thương mại Bình Điền giai đoạn 2 (tại Phường 7, Quận 8), đồng thời Sở đã chủ trì, tổ chức các cuộc họp để nắm bắt tiến độ, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án (liên quan thủ tục về chủ trương đầu tư, thủ tục giao thuê đất Khu thương mại Bình Điền giai đoạn 2 và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành; cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại dự án; xác định mô hình phát triển, hoạt động của Khu thương mại Bình Điền trong tương lai...).
Theo kế hoạch chiến lược phát triển chợ đầu mối Bình Điền do Công ty RunGis Marche International đề xuất, ghi nhận chợ đầu mối Bình Điền cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện để phát triển thành chợ đầu mối nông sản có khả năng cung cấp hàng hóa chất lượng cho TP.HCM và các địa phương lân cận, trong đó quỹ đất sẵn có và khả năng mở rộng là lợi thế chiến lược cần tập trung;
Cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp để cải thiện các tồn tại: hoạt động lưu thông, cơ sở hạ tầng, quy mô của các hộ kinh doanh, xử lý chất thải, bao bì đóng gói, vệ sinh và chất lượng thực phẩm...
Sở Công Thương nhận thấy cần phát huy thế mạnh của chợ Bình Điền - vị trí thuận tiện so với các vùng sản xuất và tiêu dùng chính, khả năng mở rộng chợ kết hợp cùng các giải pháp thúc đấy phát triển chợ theo hướng (1) hiện đại hóa, (2) cải thiện chất lượng sản phẩm và hậu cần, (3) nâng chất hoạt động của đơn vị quản lý chợ để phát triển chợ đầu mối Bình Điền là một trong các chợ hiện đại và hiệu quả của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
Đồng thời, trên cơ sở các khuyến nghị, đề xuất từ phía Công ty RunGis Marche International, cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể hóa, triển khai thực hiện và tổ chức lấy ý kiến của đơn vị tư vấn có kinh nghiệm nước ngoài đối với mô hình hoạt động, phương án đề xuất điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết phân lô tỷ lệ 1/500 Khu thương mại Bình Điền.
Trên cơ sở định hướng hợp tác trong thời gian tới giữa TP.HCM và thành phố Paris (Pháp), tận dụng cơ hội mang lại từ cam kết hỗ trợ của phía đơn vị quản lý chợ đầu mối quốc tế Rungis (về công nghệ quản lý chợ đầu mối, quy định, quy chuẩn, quy cách đóng gói hàng hóa, quy trình sơ chế hàng hóa, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin), Sở Công Thương nhận thấy cần thiết nắm bắt cơ hội hợp tác, học tập kinh nghiệm quản lý chợ đầu mối từ mô hình chợ đầu mối quốc tế Rungis để nghiên cứu, đề xuất phát triển chợ đầu mối tại TP.HCM theo hướng hiện đại.
Đồng thời, đề xuất Tập đoàn Semmaris, Ban quản lý chợ đầu mối quốc tế Rungis tham gia tư vấn xây dựng, đầu tư phát triển chợ đầu mối Bình Điền giai đoạn 2.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đề xuất TP.HCM tổ chức đoàn công tác trao đổi kinh nghiệm phát triển chợ đầu mối tại Pháp nhằm:
Làm việc, trao đổi kinh nghiệm với ban quản lý chợ đầu mối quốc tế từ mô hình chợ đầu mối quốc tế Rungis - chợ đầu mối thực phẩm tươi sống lớn nhất thế giới về các nội dung: kinh nghiệm, công nghệ quản lý, giải pháp phát triển chợ đầu mối; các quy định, quy chuẩn, cách thức đóng gói hàng hóa, quy trình sơ chế hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức hoạt động của chợ đầu mối.
Chợ đầu mối Hóc Môn (diện tích 10 ha) nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố, là chợ bán buôn với ngành hàng thịt heo, rau củ... Ảnh: CTV - Quỳnh Trần
Làm việc, trao đổi với Tập đoàn Semmaris và Ban quản lý chợ đầu mối quốc tế Rungis: đề xuất Tập đoàn Semmaris tham gia tư vấn xây dựng, đầu tư phát triển chợ đầu mối Bình Điền giai đoạn 2; hỗ trợ kiểm định, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua ứng dụng công nghệ số; đồng thời, tư vấn, đề xuất ý tưởng, giải pháp và các khuyến nghị đối với cách thức xây dựng mô hình chợ đầu mối phù hợp tại TP.HCM theo hướng hiện đại.
Khảo sát chợ đầu mối quốc tế Rungis. Tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển mô hình của một số hệ thống phân phối hiện đại, truyền thông điển hình tại Pháp. Khảo sát, tìm hiểu thực tế các mô hình, phương thức hoạt động sàn giao dịch hàng hóa tại Pháp; bộ máy tổ chức, cơ sở hạ tầng, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức hoạt động giao dịch qua sàn, tiêu chuẩn kiểm định hàng hóa giao dịch qua sàn, điều kiện tham gia giao dịch, hệ thống pháp lý, quy chế quản lý nội bộ, tư vấn giải quyết tranh chấp và các vấn đề tài chính liên quan...
Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu về chính sách quản lý, hỗ trợ sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ, giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến...
Minh Hoàng - Phạm Tuấn