Kỷ niệm 101 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 23.11.2023):

Võ Văn Kiệt – một nhà lãnh đạo rất đặc biệt

 13:53 | Thứ năm, 23/11/2023  0
“Thủ tướng làm được nhiều việc nhất cho dân tộc, cho đất nước”. Nhận định đó là của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với ông Trần Việt Phương (người giúp việc thân cận của ông vào những năm cuối thế kỷ XX) về Thủ tướng Võ Văn Kiệt (*).

Vì dân mà dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Sau ngày 30.4.1975, ông Võ Văn Kiệt là Phó bí thư kiêm Chủ tịch đầu tiên của thành phố Sài Gòn. Năm 1976, ông được phân công làm Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc tháng 12.1976, ông tham gia Bộ Chính trị và tiếp tục làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Ông Võ Văn Kiệt (thứ hai từ phải sang) thăm cơ sở sản xuất khi còn làm lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM sau 1975. Ảnh tư liệu gia đình


Sau này khi đã trở thành Thủ tướng Chính phủ, nhớ lại những ngày tháng đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Đảng cao nhất của Sài Gòn thời kỳ đầu sau 30.4.1975, ông đã tâm sự với những người gần gũi, rằng với ông đó là thời gian thử thách lớn nhất bản lĩnh của người lãnh đạo – người công bộc của nhân dân. Bởi lẽ, chưa có tiền lệ Đảng lãnh đạo chính quyền ở một đô thị lớn như Sài Gòn – đầu não của chính quyền cũ. Vô vàn khó khăn, phức tạp của đối ngoại và đối nội, trong đó khó khăn nhất có lẽ vẫn là vấn đề hòa hợp dân tộc và giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng cho người dân thành phố.

Quy định ngặt nghèo của Nhà nước lúc đó về giá thu mua gạo, về vận chuyển gạo có thể ví như một trái núi chắn đường các giải pháp nhằm giải quyết khó khăn cũa  thành phố. Ông Kiệt họp Thành ủy liên tục, cuộc nào nội dung chính cũng là “bằng mọi cách phải có gạo cho dân”. Nhưng cách nào? Chỉ còn cách cho phép Công ty Lương thực của thành phố cùng các sở, ngành bươn về các tỉnh mua lúa gạo theo sát giá thị trường, cao gấp 5 lần giá thu mua của nhà nước, rồi lại cho phép chuyên chở gạo thu mua được về thành phố.

Cả hai cách làm đó của Thành ủy mà ông Kiệt là người đứng đầu đều là trái quy định hiện hành. Không ít cán bộ lo lắng. Chính  vào lúc đó ông Kiệt đã phát biểu một câu nổi tiếng đến tận bây giờ: “Nếu vì việc lo cho dân mà vi phạm qui định, cán bộ phải đi tù thì tôi sẽ đi đưa cơm cho các anh chị”. Cán bộ có trách nhiệm đều hiểu, không phải ông khuyến khích chuyện phạm pháp. Ông chỉ muốn cán bộ nhận rõ trách nhiệm cao nhất của mình trước dân: không thể để dân đói, không thể để lòng dân bất an và xã hội bất ổn. Và ông – người lãnh đạo cao nhất phải nêu gương trong hành động. Sự thay đổi sau đó không lâu của chính phủ trung ương trong chính sách lưu thông phân phối đã chứng minh sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của ông là đúng hoàn toàn trong vai trò “là người đày tớ trung thành của nhân dân”.  Ông mang biệt danh “Chủ tịch Gạo” trong những ngày tháng khó quên đó.

“Bí thư xé rào” Võ Văn Kiệt Kiệt đi thực tế nông trường năm 1979. Ảnh tư liệu


Không chỉ câu chuyện Gạo. Cán bộ thành phố những ngày tháng “bình minh của Đổi mới” ấy chắc vẫn còn nhớ biệt danh thứ hai của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt Kiệt: “Bí thư xé rào”. Không thể ngồi chờ trung ương điều chỉnh chủ trương nhập khẩu đã lỗi thời khiến cho sản xuất công nghiệp bị ngưng trệ, không có sản phẩm cung ứng cho thị trường, không có việc làm và tiền lương cho công nhân. Ông và Thành ủy lại tự mình cho phép cán bộ lãnh đạo các xí nghiệp liên kết với nhau tìm mọi cách có đủ vật tư, nguyên liệu, điện, xăng dầu và phụ tùng thay thế để vực dậy sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, dùng chính hàng hóa công nghiệp để đổi lấy lương thực thực phẩm từ các tỉnh.

Ngay cả với chủ trương “Hợp tác hóa hoàn toàn miền Nam”, ông cũng cùng Thành ủy báo cáo trung ương không thực hiện vì qua thực tế thấy chủ trương này không hiệu quả, không phù hợp với lợi ích của người dân. Người ta đồn nhau, khi có người nói: “Ông Kiệt làm quá coi chừng mất ghế”, ông đã cả cười: “Mất dân mới ngán chứ mất ghế thì có gì đâu”.

Giải quyết bước đầu câu chuyện Gạo cho dân và vật tư, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, hoàn thành Thủy điện Trị An với kỷ lục về thời gian để cứu nguy cho công nghiệp TP.HCM và góp phần điện khí  hóa nhiều khu vực nông thôn Nam bộ. Từng đó công việc Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã cùng Thành ủy nỗ lực làm từ 1976 đến 1980 những tưởng đã lớn, đã nhiều so với sức lực tự thân. Nhưng, tầm nhìn xa cho sự phát triển lâu dài và bền vững của thành phố đã khiến cái đầu và trái tim của người lãnh đạo Đảng như ông Kiệt không chịu dừng lại ở đó.

Năm 1981 ông đã chỉ đạo thành lập Văn phòng Kinh tế của Bí thư Thành ủy và giao trách nhiệm đứng đầu cho Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh – người từng là Phó Thủ tướng, rồi quyền Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Với quyết định này, ông Sáu Dân đã trở thành vị lãnh đạo cấp cao đầu tiên sau 1954 (ở miền Bắc) và sau 1975 (ở Việt Nam) dám sử dụng nhân sự cấp cao của chính quyền cũ phục vụ cho chính quyền mới do Đảng Công sản lãnh đạo.

Ông Võ Văn Kiệt (người đeo kính) đã đến thăm, nghiên cứu giải quyết tình hình sản xuất tại Xí nghiệp dệt Việt Thắng ngày 1-2-3.8.1977). Ảnh tư liệu


Không chỉ trường hợp Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, ông Sáu Dân còn sớm tin dùng và học hỏi cả một số người khác đã từng làm việc trong Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, như Thống đốc Ngân hàng và Phó Thủ tướng đặc trách Kinh tế Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Hảo, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Tiến sĩ Hải dương học Bùi Thị Lạng, Luật sư Nguyễn Phước Đại, v.v... Có thể nói, những kiến thức về luật pháp, về kinh tế thị trường và cả về môi trường mà các vị trí thức này cùng những trí thức khác ở Sài Gòn những năm đầu giải phóng trao đổi tận tâm với ông đã giúp ông sớm nắm bắt  những vấn đề cơ bản về kinh tế thị trường, làm cơ sở khoa học cho những quyết sách sau này.

Sau năm 1982, khi đã ra trung ương đảm trách các chức vụ cao như Phó Chủ tịch thứ nhất rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, ông Kiệt vẫn giữ thói quen gần gũi, lắng nghe những trao đổi thẳng thắn của các trí thức, chuyên gia dù họ xuất thân từ đâu, đào tạo từ nguồn nào. Trường hợp quan hệ của ông Kiệt với anh em Nhóm Thứ Sáu (các chuyên gia kinh tế từng làm việc trong chế độ cũ ở lại Sài Gòn sau năm 1975) là một minh chứng.

Sau năm 1985, Nhóm Thứ Sáu đệ trình một đề án về “Các biện pháp chủ động về giá cả tín dụng....”, gọi ngắn gọn là “Giá – Lương – Tiền” với mục tiêu góp phần kéo giảm tốc độ tăng phi mã của vật giá khiến cuộc sống người dân khốn đốn và làm đình trệ nền kinh tế. Đề án này được chuyễn đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông đã cho mời đại diện anh em Nhóm Thứ Sáu ra Hà Nội thuyết trình trước các bộ ngành liên quan. Sau đó, một số kiến nghị của đề án đã được chính phủ tham khảo thực thi. Nhóm Thứ Sáu – nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề “nghiệp dư” của TP.HCM –  được lãnh đạo trung ương và xã hội biết đến từ công trình này và nhờ vai trò hết sức quan trọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự sinh nhật lần thứ 15 của nhóm Thứ Sáu. Luật gia Nguyễn Ngọc Bích (ngồi), cùng ông Phan Chánh Dưỡng (đứng bìa trái), ông Huỳnh Bửu Sơn (bìa phải). Ảnh T.L 


Sau cuộc góp ý nêu trên, một số anh em được mời vào Nhóm chuyên gia Tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, đồng thời tiếp tục tham gia nhiều đề án khác như cải cách hệ thống ngân hàng, nghiên cứu kinh tế vùng hay một số chính sách trong thời kỳ đổi mới. Cũng trong thời gian này, nhiều anh em trong Nhóm đã được cử đi các nước như Thái Lan, châu Âu, Bắc Mỹ… nghiên cứu kinh tế như các anh Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, nhằm cập nhật kiến thức để đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Lắng nghe và thực sự tôn trọng các ý kiến đúng đắn của trí thức chuyên gia được đào tạo và có thực tiễn làm việc từ nhiều nguồn đã giúp cho ông Kiệt khi lãnh đạo Chính phủ đã cho ra đời hàng loạt văn bản thuộc hệ thống pháp luật có tính bản lề cho Đổi Mới: Nghị định cho phép Kinh tế tư nhân (tháng 3.1987), Quyết định bãi bỏ ngăn sông cấm chợ (tháng 3.1987), Quyết định không hạn chế gửi tiền, hàng từ nước ngoài về nước (tháng 4.1987, Nghị định hệ thống Ngân hàng hai cấp (tháng 3.1988), Pháp lệnh Ngân hàng (giữa năm 1989)…

Những năm sau đó (từ 1991 đến 1997), các chỉ đạo hết sức quan trọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự phát triển của đất nước đều có bóng dáng của tác phong thực sự sâu sát, thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị đối với đội ngũ chuyên gia – những người mà ông Kiệt luôn nói “Họ giỏi hơn mình và có trách nhiệm với đất nước không thua gì mình”.

Xây dựng Hệ thống đường dây tải điện 500kV Bắc Nam (1992) – công việc đã đem tới cho ông một biệt danh nũa “Thủ tướng Điện”; Mở rộng thiết lập quan hệ ngoại giao với EU và ASEAN (với 30 hiệp định được ký kết); Bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam (ngày 11.7.1995, Việt Nam gia nhập ASEAN (25.7.1995)… Rồi thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách hành chính (1993) sau đổi tên thành Tổ Nghiên cứu Đổi mới Kinh tế, xã hội, hành chính. Tổ này có rất nhiều đóng góp quý báu cho công tác cải cách của nước nhà.

Đến năm 1998, thời Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổ này được nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Ban này chỉ chấm dứt hoạt động dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định 114-TTg về “Những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng và buôn lậu”. Ông còn nói trước quốc Hội: “Tôi xin chịu trách nhiệm chỉ đạo thực thi bằng được quyết định này”. Việc thực hiện quyết định quan trọng này những năm sau 1997 ra sao khiến cho tình trạng tham nhũng gia tăng một cách nghiêm trọng, đó lại là một câu chuyện khác nằm ngoài khuôn khổ bài viết này.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường đường dây 500KV Bắc-Nam. Ảnh: Minh Đạo


Nhìn lại phong cách làm việc của Bí Thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” – trong đó có việc sử dụng nguồn lực trí thức, chuyên gia, có thể thấy rõ một tư duy và cách làm Đổi Mới rất sớm, rất nhất quán và rất kiên định. Ngay cả khi ông không còn đảm trách bất cứ công việc nào nữa của Đảng và Nhà nước thì sự kiên định ấy vẫn rất rõ ràng và với tinh thần trách nhiệm cao của một đảng viên thương dân, yêu nước.

Báo Nhân Dân ngày 19.8.2005, in lại lời ông trong cuốn Võ Văn Kiệt, người thắp lửa, Nxb Trẻ, 2010, tr.481): “Trong thế giới ngày nay, nguồn lực hàng đầu là trí thức. Nói như thế không có nghĩa là đề cao những con người trí thức cụ thể, mà nói đến một điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển. Trong cuộc đua tranh để phát triển, không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí, mà phải dựa vào kiến thức, học vấn, sự nhận thức các quy luật của thiên nhiên và của xã hội.

Theo kinh nghiệm lịch sử của thế giới và bản thân nước ta, nhất là qua những kinh nghiệm của Bác Hồ, thấy rằng trí thức tận tụy hay không là tùy thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không tùy thuộc vào bản thân trí thức, mà vào lãnh đạo có đủ khả  năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng”.

Cách nghĩ ấy, cách làm ấy của ông Võ Văn Kiệt đã khiến ông trở thành một vị lãnh đạo rất đặc biệt trong mắt nhiều người, trong đó có người viết bài này. Và như một lẽ tự nhiên, nhiều người rất mong cho đất nước có thêm nhiều những người lãnh đạo như thế.

Với nhiều người, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là ngọn cờ, là biểu tượng cho sự nghiệp Đổi mới đất nước, là nhà lãnh đạo có dấu ấn đặc biệt. Ảnh: Thu Thủy


Thắp lửa tin yêu cho người trẻ

Ông Võ Văn Kiệt không chỉ là người có ảnh hưởng lớn với trí thức, chuyên gia, văn nghệ sĩ… như nhiều người đã thấy qua các câu chuyện kể. Ông còn là người thắp ngọn lửa tin yêu cuộc sống, tin yêu con người cho lớp trẻ, không chỉ bằng lời hiệu triệu mà bằng chính việc ông làm.

Trong rất nhiều câu chuyện đã được kể, tôi rất nhớ và muốn kể lại ở bài viết này câu chuyện về kỹ sư Nguyễn Duy Nguyên, con của một trung tá quân đội dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Năm 1980, vượt qua nỗi vất vả khó tả nổi của một gia đình sĩ quan chế độ cũ cha đang đi học tập cải tạo, mẹ tần tảo buôn bán nuôi đàn con 7 đứa, Duy Nguyên đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại TP.HCM (4 môn thi, đạt 47 điểm).

Sau khi Nguyên được báo Tuổi Trẻ, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài biểu dương, một hôm gia đình Nguyên được tiếp một vị khách lạ. Đó là ông Nguyễn Văn Huấn (sau này là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM). Ông Huấn nói: “Bác Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy đọc báo biết tin cháu đỗ thủ khoa nên cử chú đến thăm hỏi gia đình và cháu”. Nhìn cảnh nhà đơn sơ, ọp ẹp của nhà Nguyên, ông Huấn hỏi Nguyên: “Cháu có đề xuất gì không?”. Từ trong tiềm thức của một thanh niên 18 tuổi, Nguyên buột miệng thưa: “Cháu muốn xin cho ba được về sớm đoàn tụ với gia đình”.

Điều Nguyên không thể tưởng tượng được là 2 tháng sau cha Nguyên được về nhà từ trại cải tạo! Khỏi nói cả gia đình Nguyên lúc ấy vui đến thế nào. Điều Nguyên không ngờ còn là: một người lãnh đạo cấp cao trăm công nghìn việc như bác Võ Văn Kiệt mà lại không quên giải quyết nguyện vọng của một thanh niên bình thường, mới lớn như anh. Nguyên biết, nguyên vọng đó được giải quyết tuy bình thường về nhân tình nhưng lại không hoàn toàn dễ giải quyết vào thời điểm còn rất nhiều những định kiến và phân biệt đối xử. Nguyên nói, ân tình đó anh khắc cốt ghi xương.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân đã thắp sáng và truyền rộng khắp đất nước này, truyền tới cả hàng triệu người Việt đang sinh sống khắp năm châu. Ngọn lửa đó đã lan truyền xuyên suốt mấy thế hệ vừa qua và đang tiếp tục bùng lên trong những thế hệ trẻ tiếp nối. Ảnh: Nguyễn Á


Học giỏi, tốt nghiệp xuất sắc trường Đại học Bách khoa, Nguyên về công tác tại Công ty chiếu sáng vỉa hè. Việc gì được giao Nguyên cũng làm tốt, có nhiều sáng kiến cải tiến cho đơn vị. Học giỏi môn hóa, Nguyên mày mò thử nghiệm thành công kỹ thuật xi mạ trên nhựa và mạnh dạn bước ra thương trường. Thành công, Nguyên lập xưởng mang tên Thiện Mỹ, được hãng xe máy Yamaha của Nhật Bản biết tới, chọn làm sản phẩm xi mạ cho họ khi Yamaha triển khai lắp ráp xe máy tại Việt Nam.

Luôn lấy chất lượng làm đầu nên Công ty xi mạ Thiện Mỹ của Nguyên có được hợp đồng với nhiều hãng xe nước ngoài vì kỹ thuật luôn được nâng cao và đầu tư thỏa đáng cho dây chuyền sản xuất: 6 hệ thống xi mạ hoàn toàn tự động. Công ty của Nguyên là một trong 400 doanh nghiệp Việt Nam được JETRO (Nhật Bản) bình chọn xuất sắc trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Gia đình nhỏ của Nguyên hiện vẫn ở Việt Nam. Các con đi học nước ngoài xong là trở về nước phụ cha kinh doanh, làm giàu ở chính nơi mình sinh ra, lớn lên và trở thành người có ích cho xã hội. Trong thành công hôm nay của Nguyễn Duy Nguyên có bóng dáng của ông Võ Văn Kiệt – người đã thắp lên ngọn lửa tin yêu trong trái tim chàng trai 18 tuổi ngày nào.

Khi kể lại câu chuyện của Nguyên, nhà báo Nguyễn Thị Lệ Thủy bạn tôi kết luận: Đó là cách biết ơn và trả ơn của riêng anh vậy./.

Nguyễn Thế Thanh 

(20.11.2023)

_______________

(*) Võ Văn Kiệt, trăm năm trong một chữ Dân, trang 58, NXB Tổng hợp, 2022.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.