Trong sương và tro

 21:56 | Thứ bảy, 13/05/2023  0
Hai bộ phim phát hành cách nhau không xa, kể về hai xứ sở rất khác nhau, đã trình bày một tình thế chung của những con người kẹt lại bởi đất đai của họ.

1.

“Mỵ trẻ, Mỵ vẫn còn trẻ. Mỵ muốn đi chơi” (Tô Hoài, Vợ chồng A Phủ, 1952).

Tây Bắc khi tôi đến dường như không khác mấy so với cái không gian Tô Hoài phác ra cách đây đã nửa thế kỷ. Sương mù đến từ đêm hôm qua và vẫn chưa chịu đi dẫu hơn tám giờ sáng. Được sự ủng hộ của mây, mây không phải từng cụm mà cả dải bay qua phủ xuống một tấm màn trùm lên thế gian và thoáng chốc chẳng còn thấy cảnh vật như thể mắt đang phóng vào một cõi không. 

Tôi nhớ phim Những đứa trẻ trong sương của Hà Lệ Diễm cũng bắt đầu bằng hình ảnh cô bé Má Thị Di đứng trên núi cố nhìn qua màn sương tỏa ra dày đặc. Không biết cô bé dân tộc H’Mông muốn thấy gì qua màn sương ấy, Hà Nội hay một nơi chốn nào không phải là Tây Bắc, một không gian khác, một tương lai khác nơi cô sẽ không lặp lại cuộc đời của chị, cũng như chị đã lặp lại cuộc đời của mẹ, mẹ đã lặp lại cuộc đời của bà và bà đã lặp lại cuộc đời của cố… cứ thế những sinh mệnh vĩnh viễn như tấm gương không ngừng phản chiếu lấy đời nhau, được bao bọc được chở che bởi những đỉnh núi, bởi những mùa hoa bởi một ước mơ sâu thẳm không cất lên được. 

Cô bé Má Thị Di trong phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của Hà Lệ Diễm. Ảnh: TTP


Mùa xuân, cô bé Di ham vui xuống chợ hẹn hò cùng bạn trai. Không biết ngày nay thương nhau người ta có còn thổi kèn môi, có còn treo khăn trước cửa. Cô bé Di mười mấy tuổi chơi mạng xã hội không thua bất kỳ cô bé nào trên đời, thông minh, lém lỉnh. Nhưng trong mắt mẹ mãi là cô con gái ngốc. Cô con gái ngốc được mẹ dặn rằng đi chơi đâu thì chơi, phải giữ thân đừng để ai bắt về làm vợ. Di đi cùng bạn trai mà, mẹ đừng sợ. Cậu bạn trai cũng mới mười mấy tuổi từng nói trước máy quay mình thương Di thật sự, vậy mà quay đi quay lại cảnh chính cậu đã kéo cô về nhà. 

“Di vẫn còn trẻ. Di muốn đi chơi!” Di đã không nói thế, nhưng giấu trong đôi mắt ướt của Di buổi sáng hôm sau khi trở về nhà đã bảo thế. 

Người xem sẽ không bao giờ biết suốt một đêm bị bắt vợ đó, Di đã trải qua những chuyện gì, tâm trạng cô bé thế nào. Đó là những chuyện nằm ngoài khuôn hình. Chỉ biết buổi sáng ngày cô bé trở về, cô bé đã quyết tâm không để mình bị bắt làm vợ.

Đoạn tiếp sau đó là cao trào của toàn bộ phim, khi “nhà trai” đến bắt em đi. Gia đình em không phản đối. Không ai dám phản đổi. Cô bé giãy giụa, bị lôi, bị kéo đi như người ta khiêng một con trâu, con ngựa. 

Và sương mù đến hay đúng hơn nó vẫn luôn ở đó, chứng kiến tất cả và che đậy chúng trong sự bất định mà trường cửu của nó. 

2.

Kết thúc buổi công chiếu, có phần trò chuyện, trao đổi ý kiến của khán giả. Tôi nhớ một khán giả lớn tuổi có thắc mắc, nhưng tiếc là không có sự hiện diện của đạo diễn hay nhà sản xuất ở đó để trả lời. Đại ý, Những đứa trẻ trong sương có tên tiếng Anh là Children of the Mist - Những đứa trẻ của sương mù. Sự khác biệt giữa trong và của?

Tôi thích nét nghĩa của trong tên bộ phim hơn. Rừng núi, con người, loài vật, đến từng ngọn cỏ nơi đó đều thuộc về sương mù. Từ lúc sinh ra, những đứa trẻ đã thuộc về sương mù và cả đời chúng là của sương mù. Một thứ sương mù che khuất người bên trong nhìn ra thế giới bên ngoài lẫn người bên ngoài nhìn vào. 

Chúng ta, những người vẫn tự xem mình là hiện đại đã nhìn về chốn vắng ấy và chỉ thấy một nơi còn nhiều nét nguyên sơ đẹp đẽ và ước chi nó nguyên sơ mãi mãi để đẹp đẽ hoài hoài, cho du khách đến đôi ba ngày rồi trở về với những tấm hình đẹp, chút kỷ niệm vui. 

Cô gái H’Mông tên Mỵ đã thoát khỏi nhà thống lý Pá Tra lâu rồi, nhưng Tô Hoài đã không viết thêm cô đã thoát khỏi sương mù của vùng đất đó hay chưa?

Những con người của sương mù. Những tù nhân của địa lý - tên một cuốn sách của Tim Marshall nói về địa chính trị của các quốc gia, châu lục. Nay chúng ta có thể áp dụng viễn kiến Marshall trong những phạm vi hẹp hơn. 

Và cũng vì đang mạch nhắc đến phim, ta sẽ xuôi từ cực Bắc xuống cực Nam đến một vùng huyền thoại Thổ Sầu của Nguyễn Ngọc Tư, nơi con người chỉ còn hạnh phúc khi nhìn thấy ngọn lửa từ căn nhà cháy của mình bốc lên trong bộ phim Tro tàn rực rỡ

Nơi con người chỉ còn hạnh phúc khi nhìn thấy ngọn lửa từ căn nhà cháy của mình bốc lên trong bộ phim điện ảnh Tro tàn rực rỡ. Ảnh: ĐP


Một vùng đồng bằng mênh mông bị xẻ dọc ngang bởi sông ngòi, kênh rạch, nơi người ta không thể đi, không dễ thoát dẫu có mang một quá khứ muốn chối bỏ nhưng không biết trốn đi đâu để chối bỏ, nơi mà hung thủ và nạn nhân buộc phải giáp mặt nhau, nơi mà người vợ trẻ phải giáp mặt với người trong mộng của chồng, nơi mà các mối quan hệ thân sơ dây mơ rễ má cứ không ngừng ràng buộc quấn quýt lấy nhau và cuối cùng người ta không thể đi đâu, người ta ở lại để tiếp tục chịu đựng, để tiếp tục sống, vì phải sống. 

“Các nhân tố địa lý vốn đã góp phần xác định lịch sử đa phần sẽ tiếp tục xác định tương lai của chúng ta” - Tim Marshall đã viết. Chúng ta nhận ra địa lý đóng vai trò quyết định nhiều hơn ta tưởng, dẫu trong sương hay là trong tro khói lam chiều, giữa khúc ca của những đỉnh núi hay câu hò của những dòng sông. 

Tôi biết có những người không rời khỏi quê hương trú xứ, những người cả đời bị đất đai cầm cố. Những mảnh đất bị trói buộc bởi tự nhiên, không thể và bất khả cất lên. 

Hai bộ phim phát hành cách nhau không xa, kể về hai xứ sở rất khác nhau, đã trình bày một tình thế chung của những con người kẹt lại bởi đất đai của họ. Và chính chúng ta-những đôi mắt từ bên ngoài, cũng chỉ chạm được vào cái rìa bao bọc một thế giới kỳ thực u ẩn hơn, phức tạp hơn, nơi có những tâm hồn nhiều khi phải tự đốt lên ngọn lửa để thấy được sự tồn tại của chính mình. 

Huỳnh Trọng Khang

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.