Sáng nay (30.9), lúc 9 giờ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị của UBND TP.HCM "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố.
Theo đó, sau ngày 30.9, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại thành phố và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phải sử dụng ứng dụng VNEID và Y tế HCM
Người dân TP.HCM được yêu cầu thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang- Khoảng cách- Khai báo y tế- Khử khuẩn- Không tụ tập đông người). Đồng thời luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt và động viên người thân cùng gia đình biết tự bảo vệ mình, sống khỏe và sống an toàn.
Người dân TP.HCM muốn ra đường phải sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc-xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc-xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo quy định tại Chỉ thị này.
Còn người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP HCM tiến hành khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại thành phố.
Phương tiện cá nhân chỉ được phép lưu thông trong TP.HCM
Đối với hoạt động giao thông vận tải, kiểm soát lưu thông, phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi thành phố.
Còn hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố, phù hợp với cấp độ dịch bệnh của từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.
Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải và quy định của Bộ Y tế.
Việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về thành phố và các trường hợp cấp thiết theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô có sử dụng công nghệ kết nối với hành khách (shipper) thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương.
Đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với các địa phương được thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Tại các chốt kiểm soát này tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.
Đồng thời tổ chức các chốt kiểm soát lưu động trong nội thành theo tình hình thực tế, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người và tránh ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát.
TP.HCM giãn cách xã hội hơn 120 ngày
Tính đến ngày 30.9, TP.HCM đã trải qua hơn 120 giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau. Từ 0 giờ ngày 31.5, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn TP và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp; phường Thạnh Lộc (quận 12).
Sau khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hơn một tháng nhưng tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, ngày 19.6, UBND TP.HCM đã ban hành riêng Chỉ thị 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, tình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, từ ngày 9.7, UBND TP.HCM quyết định giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16.
TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 từ hôm 9.7 đến nay với nhiều mức độ tăng cường theo từng giai đoạn. Trong đó từ ngày 26.7, UBND TP.HCM yêu cầu mọi người dân trên địa bàn TP hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ hằng ngày.
Nhất là từ ngày 23.8, UBND TP.HCM yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó"; việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ"; người dân tham gia lưu thông phải có giấy đi đường.
Phan Anh