Từ những góc phố ngoại kiều

 15:23 | Thứ tư, 18/06/2014  0

Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết, hiện nay có hơn 500.000 cư dân ngoại quốc sinh sống tại TP.HCM. Họ làm đủ loại ngành nghề, ở rải rác hoặc tập trung thành cộng đồng dân cư.

Nếu như khu Đề Thám có phố Tây, chợ Phạm Văn Hai có phố Hàn thì Little Japan ở đường Lê Thánh Tôn, làng Thái Lan ở khu vực Trường Sơn… Nhưng, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM mới thật sự là vùng đất “toàn cầu”. Đây là nơi định cư của cư dân từ hơn 40 quốc gia. Các cư dân ngoại quốc cũng tập trung thành từng cụm, từng khu để hình thành nên những “tổ dân phố” đặc trưng.

Ông Trần Thái Hoà, ở phường Tân Phong nói, người Việt ở đây được xem là "dân tộc thiểu số”. Bởi trong số gần 400 hộ dân cư ngụ trong khu phố Hưng Vượng 3 chỉ có 1/10 là người Việt. Số ít là người Philippines, đa số là Hàn Quốc. Họ làm đủ loại nghề mưu sinh: chủ doanh nghiệp, mở cửa hàng buôn bán hay quán ăn phục vụ cộng đồng Hàn. Giá thuê nhà tại khu Hưng Vượng 3 khoảng 400 – 500 USD/tháng cho căn hộ hơn 70m2 . Cái giá khá mềm với người nước ngoài. Bác Đinh Văn Cải đã trải qua hai nhiệm kỳ là trưởng hai khu phố của phường Tân Phong cho hay, trong số hơn 10.000 nhân khẩu người nước ngoài ở hai khu phố mà bác đã từng quản lý thì “80% là người Hàn Quốc”.

Xây dựng “Khối đại đoàn kết”

Bác Cải kể rằng, có một cuộc họp bầu ban quản lý khu phố, một người châu Âu lấy vợ Việt Nam tự ứng cử xin làm công tác tổ dân phố. Không rõ pháp luật Việt Nam có cho phép hay không, nhưng ứng viên này đã bị loại ngay từ khi có ý định bởi một lý do rất hợp lý là không biết tiếng Việt, lẫn tiếng Hàn. “Chẳng lẽ ông đi xuống tổ dân phố lại phải kèm thêm phiên dịch” – Bác Cải dẫn lời một cư dân phát biểu trong cuộc họp.

Một lớp học của người Hàn ở phố Hàn

Ông Ngô Chí Thành, chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường Tân Phong cho hay: “Điểm đặc biệt của phường Tân Phong chúng tôi là số người nước ngoài xấp xỉ người Việt Nam. Theo thống kê gần đây, người Việt có 16.127 nhân khẩu, người nước ngoài là 10.168 nhân khẩu. Chúng tôi chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết trên tinh thần người nước ngoài nhập gia tuỳ tục”.

Nhập gia tuỳ tục, thế nhưng cũng có những khoảng cách trong nhận thức, ngôn ngữ khó mà lấp đầy giữa cộng đồng cư dân với chính quyền. Chủ tịch phường Tân Phong Lưu Thị Ngọc Tú mở đầu câu chuyển quản lý của mình: “Lập biên bản xử phạt hành chính người nước ngoài chỉ 30 phút nhưng để họ ký biên bản thì phải chờ vài tiếng đồng hồ”. Lý do là để người nước ngoài đọc... từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, sau đó họ dùng điện thoại chụp lại biên bản này gửi đi nhờ dịch. Khi đã hiểu nội dung họ mới ký và đóng phạt. Câu chuyện trên chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện về việc quản lý người nước ngoài ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Một cư dân Ấn Độ, bình thường vẫn giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng khi vi phạm “lấn chiếm vỉa hè, lòng đường” bị đội trật tự đô thị xử phạt (giải thích bằng tiếng Anh) thì anh này cứ múa chân múa tay, không hiểu. Láu cá hơn, anh này nói toàn bằng tiếng Ấn khiến cả đội trật tự lúng túng. Bí bách, một "sáng kiến" được đưa ra. Cán bộ phường “hoa chân múa tay” để “doạ”, ngụ ý, anh đã vi phạm, nếu không chấp hành anh sẽ bị trừng phạt và thu hết tài sản. Sau cả giờ đồng hồ anh này mới chịu chấp hành. Hay chuyện hai hộ gia đình người Hàn Quốc cãi nhau, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của khu phố. Tổ hoà giải khu phố có mặt ngay lập tức . Tuy nhiên, hai gia đình này nói nhau qua lại bằng tiếng Hàn. Tổ hoà giải đành đứng nhìn vì không biết họ đang nói gì, còn cãi hay đã làm lành với nhau.

Tại phường Tân Phong hình thành hẳn một xóm người Hàn Quốc. Tất cả những dịch vụ mở ra tại đây đều phục vụ cho người Hàn. Để lách quy định không được giao dịch bằng ngoại tệ, trong các hàng quán họ đều niêm yết giá bằng tiền Việt nhưng thực chất khi mua bán họ đều trả bằng tiền won. Điều này khiến việc kiểm tra và xử phạt vô cùng khó khăn.

Cần một mô hình quản lý đặc thù

Theo một công an khu vực phường Tân Phong, chỉ tính riêng cụm dân cư Sky Garden (bao gồm Sky Garden 1, 2, 3) đã có 1.968 hộ với 6.869 nhân khẩu là người nước ngoài đang sinh sống. Quản lý một số lượng lớn toàn người nước ngoài như vậy nên công an khu vực ở đây được người dân ví như những Interpol thực thụ. Muốn quản lý được họ đòi hỏi phải am hiểu về pháp luật của quốc gia mà họ mang quốc tịch và những sự khác biệt về đặc điểm sinh hoạt, tập quán, tôn giáo và dân tộc. Hầu hết người nước ngoài thuê nhà từ chủ căn hộ người Việt, thời gian lưu trú có hạn nên cư dân trong phường biến động thường xuyên. Đa số chủ căn hộ cho người nước ngoài thuê lại đang sinh sống các quận khác, tỉnh khác nên việc trình báo về thay đổi nhân khẩu càng khó khăn hơn.

Cuộc sống thường nhật của những gia đình ngoại kiều ở TP.HCM

Tương tự, tại cụm chung cư Thái An (quận 12) cũng có tới 70% cư dân là người nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, chủ đầu tư chung cư Thái An cho biết, riêng chung cư Thái An 2 có 50% là người Hàn Quốc. Căn hộ cho thuê ở đây có hai loại, phần nhiều là do chủ đầu tư hợp đồng trực tiếp với người Hàn, phần còn lại là những cặp vợ chồng Hàn-Việt đến sinh sống. Người Hàn ở đây sống vui vẻ, hoà nhã, tuân thủ đầy đủ những quy định như phải khai báo nhân khẩu, tạm vắng tạm trú, trường hợp vi phạm vẫn bị xử phạt như thường… Trong nhiều năm qua, tại chung cư chỉ xảy ra một vài trường hợp người nước ngoài thuê nhà nhưng do làm ăn thua lỗ nên bỏ trốn, không đóng tiền nhà…và chưa xảy ra trường hợp nào người nước ngoài vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Còn theo bà Tú, muốn cho người nước ngoài hiểu biết và tuân thủ pháp luật Việt Nam thì quan trong nhất là công tác tuyên truyền. Nhưng ngoài những rào cản trong giao tiếp ngôn ngữ thì còn gặp rất nhiều khó khăn trong giờ giấc làm việc. Ban ngày, những chủ hộ người nước ngoài đều vắng nhà, công an, chính quyền địa phương muốn tiếp cận chủ nhà phải tổ chức gặp vào ban đêm từ 20 giờ đến 22 giờ. “Bọn mình có giỏi mấy cũng chỉ biết được hai thứ tiếng Anh – Trung, những ca khó về ngôn ngữ đều cậy nhờ các em nhân viên trẻ, nhưng những nhân viên này đều thuộc cán bộ không chuyên trách” – vị nữ chủ tịch trầm tư.

Theo bà Tú, đã đến lúc cần phải thay đổi, “ít nhất chúng tôi cần một mô hình quản lý đặc thù cho những khu đô thị như Phú Mỹ Hưng. Cần phải có một chế độ riêng cho những người làm công tác quản lý tại những khu vực này. Những tài liệu, văn bản trong công tác vận động tuyên truyền gửi đến họ phải bằng mấy thứ tiếng Anh – Trung – Hàn… Tuy nhiên, những mong muốn này hiện mới dừng ở mức “kiến nghị” nên chúng tôi vẫn phải “liệu cơm gắp mắm”, được đến đâu hay đến đó”, bà Tú nói

Trao đổi với chúng tôi, đại diện sở Nội vụ TP.HCM, cho biết mục tiêu của đề án chính quyền đô thị mà thành phố đang xây dựng cũng nhắm đến giải quyết những kho khăn này. Tuỳ vào tính chất địa bàn của các địa phương, các khu đô thị mà thành phố sẽ bố trí nhân sự cho phù hợp.

 Vũ Nguyên - Ảnh: Lê Trung

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.