Vẻ đẹp và quyền đẹp: Người phụ nữ trong nghệ thuật thị giác Việt

 16:10 | Thứ sáu, 07/03/2025  0
Trong lịch sử nghệ thuật thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hình tượng phụ nữ đã sớm xuất hiện với tư cách là sự hợp nhất giữa biểu tượng tối thượng của sự sống – sự phồn sinh duy trì nòi giống và biểu tượng mỹ học – cái đẹp. Các vị thần mùa màng và sắc đẹp đều là nữ thần.

Ngay từ buổi đầu, hình tượng phụ nữ đã xuất hiện trong các tạo vật thờ cúng hay hình kỷ hà trên trống đồng Ngọc Lũ. Đến thời trung đại, thì vẻ đẹp phụ nữ lại được nhấn mạnh nhiều hơn trong thi ca văn học, điển hình như Truyện Kiều của Nguyễn Du, hay sự xuất hiện của một số nữ tác giả như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan. Tuy nhiên, trong nghệ thuật tạo hình, thì vẻ đẹp phụ nữ vẫn đâu đó xuất hiện trong nghệ thuật dân gian, như trong tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tượng và tranh thờ Đạo giáo và Phật giáo.

Hoa văn người phụ nữ giã gạo trên trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VIệt Nam


Nhưng khi văn hóa Việt Nam có sự giao thoa tiếp xúc với văn hóa phương Tây cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thì vẻ đẹp phụ nữ được mở rộng, biểu kiến mạnh mẽ và cởi mở nhất, thực sự đại diện cho tính nữ.

Với sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương, chúng ta chào đón thế hệ họa sĩ sáng tạo cá nhân đầu tiên và lẫy lừng của Việt Nam. Họ, với ảnh hưởng của đào tạo nghệ thuật phương Tây và với cảm hứng truyền thống Việt Nam, đã để lại rất nhiều tác phẩm bất hủ mô tả vẻ đẹp phụ nữ Việt.

Tác phẩm Gia từ cận tượng (1930, sơn dầu) của Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ.

Gia từ cận tượng (Chân dung về mẹ), 1930, sơn dầu của Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ. Ông là người tham gia đắc lực cùng Victor Tardieu trong sự sinh thành của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ vẽ mẹ mình mặc áo choàng màu xanh, đội mũ khăn, đeo chuỗi tràng hạt, ngực đeo kim khánh “Tiết hạnh khả phong” do vua Bảo Đại ban năm 1927, tay cầm sách. Góc phải bên trên có bốn chữ “Gia từ cận tượng” (Chân dung của mẹ tôi), góc trái phía dưới ghi “Nam tử Nguyễn Văn Thọ bái họa” (Con trai Nguyễn Văn Thọ dâng mẹ bức họa).

Tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ từng tham gia Triển lãm Thuộc địa Quốc tế Paris năm 1931 của trường Mỹ thuật Đông Dương, được giới thiệu tại triển lãm Salon năm 1932 của Hội Nghệ sĩ Pháp và đoạt huy chương bạc. Chi tiết “kim khánh Tiết hạnh khả phong” là một điểm nhấn quan trọng, cho thấy xã hội lúc bấy giờ vẫn đề cao đức hạnh truyền thống của người phụ nữ. Gia từ cận tượng không chỉ là một bức chân dung mà còn thể hiện quan niệm về gia đình, đạo hiếu và mối liên kết văn hóa giữa nghệ thuật và đời sống.

Tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ, 1943.


Không thể không kể đến Thiếu nữ bên hoa huệ (1943) của Tô Ngọc Vân mà ngày nay có thể coi đã trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng. Người Thiếu nữ trong tranh chính là cô Sáu - một trong những người mẫu nổi tiếng của các họa sĩ trứ danh bấy giờ như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị. Bức tranh tạo ra sự đối ứng, ngầm ẩn đối thoại Đông - Tây giữa hình ảnh người con gái Việt Nam thướt tha trong trang phục áo dài giản dị với bình hoa huệ trắng khiết trinh.

Tác phẩm Chợ hoa đào,1985, tranh lụa.


Còn Chợ hoa đào (1985) của Lương Xuân Nhị lại khắc họa những thiếu nữ Hà Thành ngày Tết cổ truyền trong trang phục áo dài truyền thống đầy thướt tha, dáng điệu thanh tú, cử chi e ấp và dung nhan thùy mị, tương tác với những phụ nữ mặc áo tứ thân truyền thống. Bức tranh này đã được nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn tái hiện lại trên bốt điện tại vườn hoa Cửa Nam, đối diện với số 29 phố Cửa Nam, là nhà của họa sĩ Lương Xuân Nhị - một điểm nhấn văn hóa cho không gian văn hóa đô thị, đối thoại giữa quá khứ và đương đại.

Ba bức tranh cho thấy một sự vận động văn hóa về loại hình lẫn trang phục. Đầu tiên là từ tranh thờ có tính chất truyền thống, tâm linh (Nam Sơn) sang tranh chơi, có yếu tố thẩm mỹ và nghệ thuật được đề cao (Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị).

Còn sự chuyển đổi trong trang phục thể hiện ở chỗ áo để thờ thì là áo rộng, còn áo mặc chơi thì chật, theo đường cong cơ thể. Điển hình đó là áo dài cách tân qua Phong trào cải cách y phục nữ giới, cuộc cách mạng thời trang cho phái đẹp, do họa sĩ Nguyễn Cát Tường khởi xướng dưới sự bảo trợ truyền thông của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Trước đây Việt Nam thời Nho giáo phong kiến chỉ có y phục của Nam giới được chú trọng với áo ngũ thân. Rõ ràng, phụ nữ Việt Nam cũng có và được khẳng định quyền đẹp.

Tác phẩm Người bán ốc (1929) của Nguyễn Phan Chánh.

Tác phẩm Những cô thợ may của Nguyễn Phan Chánh.


Các bức tranh nông thôn, tông màu trầm của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh cho thấy rằng hội họa cũng là một tư liệu quý để chúng ta tìm về phong tục cổ truyền và bối cảnh lịch sử văn hóa đầu thế kỷ XX. Chúng ta thấy hình ảnh những người phụ nữ Việt với trang phục truyền thống, làm những công việc lao động thường ngày như chải đầu, may vá, giặt giũ, róc mía rồi bán trầu, bán bún ốc, quạt bánh đa... Có giai thoại rằng trong quá trình đi học, ông luôn giữ được cái chất “quê” của mình giữa những bạn học con quan tây học mặc complet trắng đi giày tây.

Dịch chuyển sang hội họa sau năm 1945, Ký họa cô nữ du kích của Lưu Công Nhân (1966) và Cô gái dân quân Lệ Thủy - Quảng Bình (1969) của Trần Văn Cẩn thể hiện những va đập trải nghiệm với thực tế của người nghệ sĩ dưới hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa, bất chấp những điều kiện nghịch cảnh thời chiến thì người nghệ sĩ vẫn tìm thấy vẻ đẹp phụ nữ nơi bình dị tầm thường.

Tác phẩm Ký họa cô nữ du kích (1966) của Lưu Công Nhân.

Tác phẩm Cô gái dân quân Lệ Thủy - Quảng Bình  (1969) của Trần Văn Cẩn.


Những người phụ nữ đôi mươi trong độ tuổi xuân thì đẹp nhất, nhưng thay vì lụa là kiêu sa thì họ phải gắn bó với những vật dụng rất mang tính nam như khẩu súng, mũ cối, nhưng không vì thế mà mất đi vẻ đẹp nội tại của họ... Trong bối cảnh chiến tranh, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam không còn chỉ gắn liền với sự dịu dàng, nữ tính mà còn mang tinh thần chiến đấu kiên cường.

Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng cũng dẫn dắt người xem đến với vẻ đẹp sinh động của người phụ nữ, nhưng trên một thổ nhưỡng địa hình khác – vẻ đẹp của người phụ nữ sơn cước, trong các hoạt động lao động thường nhật như Quay tơ dệt vải (1957), Đi chợ vùng cao (1967).

Tác phẩm Quay tơ dệt vải (1957) của Nguyễn Đức Nùng.

Tác phẩm Đi chợ vùng cao (1967) của Nguyễn Đức Nùng​​​​​​​.


Vẻ đẹp của người phụ nữ luôn là đề tài được tôn vinh trong nghệ thuật. Phụ nữ có sự mềm mại, uyển chuyển, đường nét giàu cảm xúc, là nguồn cảm hứng bất tận cho các họa sĩ. Phụ nữ không chỉ là đối tượng thẩm mỹ, mà còn là biểu tượng văn hóa, xã hội, kết tinh những giá trị xuất sắc nhất của một thời đại. Mona Lisa của Leonardo da Vinci không đơn thuần là một bức chân dung, mà còn phản ánh một giai đoạn chuyển mình của nghệ thuật Phục Hưng. Những bức tranh vẽ phụ nữ thường mang vẻ đẹp vừa hiện thực, vừa siêu thực, tạo nên sức hút vượt thời gian.

Đồng thời, có một quán tính lạ và thú vị, là không ít những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao nhất trên thị trường, lại là những kiệt tác về phụ nữ.

Những bức tranh về phụ nữ lại là những bức tranh đắt nhất

Hạnh phúc gia đình của họa sĩ Lê Phổ gõ búa 1,1 triệu USD năm 2017, thể hiện áo dài Lemur Cát Tường và bối cảnh gia đình thượng lưu người Việt.

Tác phẩm Hạnh phúc gia đình của họa sĩ Lê Phổ.


Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ 3,1 triệu USD gõ búa năm 2021, hiện đang giữ kỷ lục tranh VN bán với giá cao nhất.

Phiên bản La Joconde (Mona-Lisa) của Mai Trung Thứ.


Phiên bản La Joconde (Mona-Lisa) của Mai Trung Thứ năm 2021 bán với giá 724.000 USD.

Tác phẩm Thiếu nữ mặc áo xanh trong phong cảnh của Vũ Cao Đàm.


Vũ Cao Đàm, Thiếu nữ mặc áo xanh trong phong cảnh, 910.000 USD, bán đấu giá năm 2023.

Phạm Minh Quân - Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội

____________

*Các hình ảnh trong bài viết là tư liệu từ Internet.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.