Hạ tầng giao thông trung tâm thành phố không thể tải nổi lượng xe cộ đang ngày một tăng lên. Ảnh: Quỳnh Danh/Zing
Theo Zing.vn đưa tin, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay việc lắp đặt 34 trạm thu phí ôtô vào trung tâm thành phố chỉ mới là đề xuất của Sở GTVT, UBND TP.HCM chưa phê duyệt cũng như chưa có ý kiến về vấn đề này. Thông tin được ông Tuyến chia sẻ bên lề buổi tiếp xúc cử tri quận 4 vào sáng 2.8.
"Cần nghiên cứu kỹ tính khả thi và ảnh hưởng của việc lắp đặt trạm thu phí đối với đời sống người dân. Không phải muốn thu phí ở đâu là thu ở đó", ông Tuyến nói.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM thì đề xuất của Sở GTVT TP.HCM lắp đặt 34 trạm thu phí không liên quan tới việc UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong tổ chức nghiên cứu, đầu tư dự án lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát và thu phí tự động đối với ôtô ra vào khu trung tâm cách đây 10 năm.
Ngoài ra, UBND TP.HCM đang tích cực nghiên cứu để nhanh chóng áp dụng việc thu phí tự động, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thu phí thủ công tại các tuyến quốc lộ kết nối với TP.HCM.
* Liên quan đến vấn đề này, chiều 22.7, tại hội nghị sơ kết tình hình ATGT 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến việc TP.HCM đang đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm thành phố, việc này đang được thảo luận và có rất nhiều ý kiến. Thủ tướng yêu cầu phải tính toán, thảo luận rất kỹ, đặc biệt về hình thức thu phí là thu trực tiếp hay bằng cách nào khác. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng quán triệt, yêu cầu các địa phương phải quyết liệt triển khai hệ thống thu phí tự động tại các trạm BOT.
"Bộ trưởng Giao thông Vận tải và lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về việc này. Việc triển khai thu phí không dừng phải kết thúc trong năm nay. Nếu không làm thì trạm BOT không được hoạt động nữa", Thủ tướng chỉ đạo.
* Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM đầu tư xây 34 cổng thu phí ôtô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.
Cụ thể, phạm vi thu phí thuộc khu vực quận 1, 3 và giáp ranh với quận 5, 10. Cụ thể, vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường ở phía Bắc là Hoàng Sa dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với đường Cách Mạng Tháng Tám; đường Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.
Dự án do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2021, bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí. Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ôtô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy.
Trước nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, chiều 17.7, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Khai thác hạ tầng đường bộ, Sở GTVT TP.HCM đã chia sẻ với phóng viên về các vấn đề liên quan đề xuất. Ông Đường cho biết thực tế hiện nay tình hình giao thông trong khu vực nội đô đã quá tải. Trong sáu tháng đầu năm, xe ô tô trên địa bàn thành phố tăng trên 15% (xe máy tăng 6%). Ngoài việc mở đường, làm hạ tầng thì giải pháp hạn chế xe cá nhân cũng được tính đến. Sở nhận thấy đã đến lúc phải bắt đầu nghiên cứu các giải pháp như thu phí ô tô vào trung tâm thành phố. Nếu thành phố không có giải pháp, tình hình kẹt xe ở trung tâm sẽ ngày càng nghiêm trọng.
"Cần thấy rằng việc thu phí không giải quyết được bài toán ùn tắc mà phải tổng thể nhiều giải pháp song hành như phát triển giao thông công cộng, đầu tư hạ tầng, metro, tổ chức giao thông, thu phí đậu xe dưới lòng đường… Đây chỉ là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp đi theo nó để hạn chế xe cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng.", ông Đường cho hay.
Trước lo ngại khi triển khai thu phí, việc tổ chức giao thông tại khu vực vành đai được thực hiện như thế nào bởi vấn đề đặt ra là nếu không phù hợp, ùn tắc giao thông sẽ trầm trọng, ông Đường khẳng định việc thu phí ôtô vào trung tâm chỉ là một trong những giải pháp tổng thể, sẽ đi kèm với việc tổ chức lại giao thông ở phần "lõi" trung tâm, các khu phố đi bộ, loại hình giao thông mới... "Xung quanh vành đai thu phí, bãi giữ xe xây dựng ở đâu, những tuyến buýt kết nối, đối tượng giảm, miễn phí hoặc thu phí trong những khung giờ nào... Tất cả những vấn đề này đều phải được nghiên cứu tổng thể, đi kèm với các giải pháp hỗ trợ. Mục tiêu không phải là trong thoáng ngoài kẹt mà sẽ đồng bộ rất nhiều yếu tố" - ông Đường khẳng định.
Song Ngô tổng hợp