Vụ kiện chất độc da cam: Bản án của tòa phúc thẩm Paris phải được phá án để xử lại

 20:14 | Thứ ba, 03/09/2024  0
Tòa phá án tối cao Paris nên hủy bản án phúc thẩm (BAPT) của Tòa phúc thẩm Paris theo hướng công nhận các yêu cầu của bà Trần Tố Nga. Nước Mỹ đã và đang góp phần khắc phục hậu quả của chất da cam/dioxin, mà họ đã rải ở Việt Nam, bằng những hành động thực tế. Không có lý do gì để tòa án Pháp không hành động phù hợp với tiêu chí cao quý “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của nước Pháp, chí ít cũng bằng một quyết định phá án nhằm khắc phục những khiên cưỡng, thiên vị và bất công của BAPT...

Sáng 22.8.2024 giờ Paris, Tòa phúc thẩm Paris đã ra bản án phúc thẩm (BAPT) bác bỏ đơn kháng cáo của bà Trần Tố Nga, một quả phụ 82 tuổi, một nạn nhân da cam, cựu phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, người đã trải qua nhiều năm tháng bom đạn, tù đày và đang bị bệnh ung thư. Tòa phúc thẩm Paris đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, công nhận các tập đoàn, công ty hóa chất Mỹ được hưởng quyền miễn trừ tư pháp vì họ cung cấp chất diệt cỏ da cam (Agent Orange) có độc tố dioxin theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ, và vì Chính phủ này được hưởng quyền miễn trừ tư pháp, tòa án không có thẩm quyền xét xử vụ kiện.

BAPT còn buộc bà Trần Tố Nga trả 1.500 euro cho mỗi công ty bị kiện!

Các nhà hoạt động cầm ảnh bà Trần Tố Nga trong một sự kiện ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam tổ chức ở Paris - Pháp. Ảnh: AP


Một bản án khiên cưỡng và thiên vị

Nổi bật lên từ BAPT là đã dựa trên các luận cứ chủ yếu trong các phán quyết của tòa án sơ thẩm và phúc thẩm Hoa Kỳ khi bác đơn kiện của nạn nhân Mỹ và Việt Nam nhiễm độc dioxin từ chất diệt cỏ da cam do Mỹ rải ở Việt Nam từ năm 1961 đến 1971 trong một chiến dịch có tên “Operation Ranch Hand”.

BAPT sử dụng nhiều luận cứ chủ yếu trong Quyết định ngày 9.2.2004 bác đơn kiện của một số nạn nhân là cựu binh Mỹ và Bản án ngày 10.3.2005 bác đơn kiện của một số nạn nhân là công dân Việt của Tòa sơ thẩm liên bang quận Đông của thành phố New York. Điều này không khỏi làm nảy sinh câu hỏi về tính thuyết phục cũng như tính độc lập, khách quan của BAPT.

Điểm khiên cưỡng và thiên vị rõ rệt nhất là BAPT đã bác đơn kiện của bà Nga với luận cứ đầu tiên là công nhận “quyền từ chối thụ lý” của tòa sơ thẩm, cho rằng tòa án Pháp không có thẩm quyền xét xử đơn kiện Chính phủ Mỹ vì Chính phủ này được hưởng “quyền miễn trừ tư pháp”.

BAPT bảo vệ “quyền miễn trừ tư pháp” này của Chính phủ Mỹ với lý do: "Theo các nguyên tắc của luật quốc tế tập quán, các quốc gia nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ tư pháp khi hành vi dẫn đến tranh chấp có liên quan đến bản chất hoặc mục đích của việc thực hiện chủ quyền của các quốc gia này và do đó không phải là một hành vi quản lý... Quy định này xuất phát từ nguyên tắc tập quán rằng các quốc gia bình đẳng, một quốc gia không thể bị xét xử bởi một quốc gia khác và nhằm bảo vệ sự độc lập và chủ quyền của họ.”

Bà Trần Tố Nga phát biểu tại cuộc họp báo ngày 25.4 tại trụ sở Hội Người Việt Nam tại Pháp ở thủ đô Paris, với sự tham gia các luật sư và đại diện các hội đoàn ủng hộ cuộc chiến pháp lý của bà. Ảnh: TTXVN


Có thể tìm thấy những điểm “khiên cưỡng pháp lý” của lập luận này. Một là, không có bất kỳ chứng cứ nào về việc độc lập và chủ quyền của Hoa Kỳ bị nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam xâm phạm hay đe dọa trong chiến tranh Việt Nam; trái lại, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quốc gia nông nghiệp lạc hậu ở cách Hoa Kỳ nửa vòng trái đất, chính là nước bị đe dọa, thậm chí bị xâm phạm chủ quyền!

Hai là, không thể cho rằng hành vi rải 18 triệu gallons chất da cam chứa dioxin lên hàng triệu ha đất rừng, đất ruộng và làng mạc nông thôn Việt Nam là để “bảo vệ độc lập và chủ quyền của Hoa Kỳ”! Khi không có việc bảo vệ độc lập, chủ quyền thì đương nhiên một chính phủ không có quyền miễn trừ tư pháp. Khi một chính phủ không có quyền miễn trừ tư pháp thì các tổ chức, cá nhân đại diện hay làm thuê cho họ lại càng không thể có quyền miễn trừ ấy!

Từ chỗ công nhận quyền miễn trừ tư pháp của chính phủ Hoa Kỳ với những lập luận khiên cưỡng nêu trên, BAPT đã công nhận quyền miễn trừ thứ phát của các bị đơn sản xuất và kinh doanh chất diệt cỏ da cam. BAPT viết: "Nhiệm vụ sản xuất "chất da cam" bởi các công ty bị cáo buộc dẫn đến tranh chấp này, với bản chất và mục đích của nó, là thực hiện một hành động vì lợi ích của dịch vụ công cộng về quốc phòng quân sự. Chủ quyền của nhà nước đang bị đe dọa (Tác giả viết nghiêng để nhấn mạnh). Từ tất cả các yếu tố trên, có thể thấy rằng các nhà sản xuất không có bất kỳ lựa chọn nào trong việc thực hiện các đơn đặt hàng theo yêu cầu với các điều khoản chi tiết về thành phần của "chất da cam" được chỉ định rõ ràng trong các hợp đồng, sự hiện diện của dioxin là kết quả của công thức sản phẩm do chính phủ Mỹ đặt hàng, như đã đề cập ở trên. Do đó, các công ty bị đơn đã thực hiện theo lệnh và vì lợi ích của Hoa Kỳ.”

Bà Trần Tố Nga trả lời phỏng vấn báo chí sau phiên tòa phúc thẩm Paris ngày 7.5. Ảnh: TTXVN


BAPT cho rằng chủ quyền của Hoa Kỳ “đang bị đe dọa” và dẫn chiếu pháp luật quốc phòng của Mỹ để cho rằng các bị đơn không thể từ chối các đơn đặt hàng và công thức sản xuất do chính phủ Hoa Kỳ áp đặt.

Các thẩm phán Pháp cũng không thể không biết, năm 1966, một số nghị quyết đã được đệ trình lên Liên hiệp quốc cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm Nghị định thư Geneva 1925 “cấm sử dụng trong chiến tranh chất gây ngạt, chất độc là các loại khí, và các phương thức chiến tranh vi trùng”, gọi chung là “vũ khí hóa học”. Năm 1969, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 2603-A khẳng định rằng Chiến dịch “Operation Ranch Hand” vi phạm Nghị định thư 1925. Nghị quyết này được thông qua vào ngày 16.12.1969 với tỷ lệ 80 trên 3, có 36 phiếu trắng.

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga ngày càng được dư luận ủng hộ. Ảnh: Collectif Vietnam-Dioxine


Tiến sĩ James Clary, một nhà khoa học của không lực Mỹ, là người đã tham gia soạn thảo lịch sử của Chiến dịch “Operation Ranch Hand”. Năm 1988, ông đã viết một bức thư cho Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Dashle đang điều tra về chất da cam, có đoạn như sau: "Khi bắt đầu chiến dịch diệt cỏ trong những năm 1960, chúng ta đã biết những thiệt hại tiềm ẩn từ sự ô nhiễm dioxin cực độc trong chất diệt cỏ da cam. Chúng ta thậm chí đã biết rằng các công thức của quân sự có một hàm lượng dioxin cao hơn trong chất da cam dùng trong dân sự, bởi việc sản xuất với giá thành thấp và tiến độ nhanh. Tuy nhiên, bởi vì chất này sẽ được dùng trên kẻ thù, nên không ai trong chúng ta quan tâm đầy đủ.

Chúng ta chưa hề cân nhắc một kịch bản mà những nhân sự của chúng ta cũng sẽ bị ô nhiễm bởi chất diệt cỏ này.”

Triển lãm và Tọa đàm “Một nguyên đơn, triệu nạn nhân” diễn ra ngày 8.5.2021, tại Đường Sách TP.HCM nhằm mục đích hệ thống đầy đủ thông tin quá trình đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất Da Cam chứa độc tố Dioxin tại Việt Nam và một số quốc gia khác, trong đó vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với 14 công ty hóa chất sản xuất chất Da Cam là tiêu điểm.


Một bản án bất công

Dioxin là một chất độc chết người, phát sinh hay tồn tại trong nhiều hoạt động, hàng hóa, thực phẩm bình thường của con người. Là phụ phẩm trong quá trình sản xuất chất diệt cỏ da cam, loại dioxin này, với tên gọi TCCD, có độc tố cao nhất và nguy hiểm nhất. Khi bị rải với số lượng lớn, trên diện rộng, TCCD sẽ gây tác hại khủng khiếp cho sức khỏe và sinh mệnh con người, như ung thư, dị tật trẻ em và tổn hại gen, với những hậu quả dai dẳng kéo dài nhiều thế hệ.

Ngay trong chiến tranh, nhiều hoạt động điều tra khoa học về hiểm họa da cam được xúc tiến, nhưng bị ngăn chặn, hạn chế bởi chính phủ Mỹ, và Chiến dịch da cam ở Việt Nam vẫn tiếp tục. Ngay sau chiến tranh, nhân dân Mỹ, đi đầu là các cựu binh, đã tiến hành các vụ kiện yêu cầu chính phủ bồi thường cho những người Mỹ bị nhiễm dioxin khi tham chiến ở Việt Nam.

Bà Trần Tố Nga tại phiên xử đầu tiên ở toà Ivry, tỉnh Esson (phía Nam Paris), Pháp vào ngày 25.1.2021. Ảnh: Báo Phụ nữ TP.HCM


Bà Joan Duffy, một y tá người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, thành viên của Chiến dịch Trách nhiệm và Đền bù cho cho nạn nhân da cam của Việt Nam, kể lại: "Khi không quân rải chất da cam trên trời, những con người trên mặt đất, bị bao trùm bởi một màn sương chất độc diệt cỏ. Họ ngủ với nó, uống nó trong nước uống, ăn nó trong thức ăn, hít nó vào phổi mình, nó thấm vào da họ. Một số lính Mỹ đã sử dụng các thùng rỗng đã đựng chất da cam để nướng thịt, một số khác đựng thực phẩm trong đó, có người lại dùng đựng nước tắm.”

Trước những kết quả nghiên cứu hiển nhiên về tác hại của chất da cam, kể cả ở Mỹ, vào năm 1971, Tổng cục trưởng phụ trách sức khỏe của Hoa Kỳ (US Surgeon General) đã ban hành lệnh cấm sử dụng chất da cam trong nước Mỹ và ngày 30.6.1971, mọi hoạt động diệt cỏ bằng chất da cam ở Việt Nam được chấm dứt. Ngày 8.4.1975, Tổng thống Gerald Ford ban hành Sắc lệnh 11859 từ bỏ việc sử dụng đầu tiên chất diệt cỏ trong chiến tranh, với một số ngoại lệ.

Năm 1991, Tổng thống George H.W. Bush ký đạo luật Chất diệt cỏ da cam (Agent Oragen Act) công nhận một số bệnh liên quan đến chất da cam và chất diệt cỏ khác được đối xử như là hậu quả của việc phục vụ quốc phòng, nhưng chỉ áp dụng cho cựu binh Hoa Kỳ.

Khi nói tính bất công của BAPT, tôi muốn nói thêm một khía cạnh pháp lý khác. BAPT viết rằng: “Dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, một Công ước về “quyền miễn trừ tư pháp của các quốc gia và tài sản của họ” đã được thông qua tại New York vào ngày 2.12.2004. Công ước này đã được Pháp ký kết vào ngày 17.1.2007 và phê chuẩn vào ngày 12.8.2011, nhưng chưa có hiệu lực do chưa đủ 30 quốc gia phê chuẩn theo quy định”. Chưa có hiệu lực nhưng tòa phúc thẩm Paris lại áp dụng với lý do: “Pháp áp dụng công ước này như là một phần của luật tập quán”.

Bà Trần Tố Nga trong một hoạt động đòi công lý cho nạn nhân Da Cam Dioxin tại Pháp. Ảnh: TLNV


Theo tôi, còn một luật tập quán khác rất phổ quát trong pháp luật dân sự của nhiều quốc gia, mà tôi đoán là cả ở Pháp, là “lẽ công bằng” (equity). Tòa phúc thẩm Paris lẽ ra phải hành động phù hợp với tiêu ngữ cao quý “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của nước mình bằng cách áp dụng nguyên tắc “lẽ công bằng” để chấp nhận kháng cáo của bà Nga trong trường hợp này. Các thẩm phán Pháp chắc chưa quên rằng, vào ngày 1.9.1966, phát biểu trước 100.000 người ở Phnom Penh, Tổng thống Charles de Gaulle của Pháp đã công khai tố cáo chính sách của Mỹ tại Việt Nam và kêu gọi chính phủ Mỹ rút quân khỏi Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. 

Đô đốc về hưu Elmo Zumwalt Jr., người đã từng ra lệnh rải chất da cam trên một số vùng ở Việt Nam, có con trai, một sĩ quan hải quân Mỹ, đã bị nhiễm chất diệt cỏ da cam khi tham chiến tại Việt Nam, và đã chết vì ung thư năm 1988, khi mới 42 tuổi. Đô đốc Zumwalt từng cáo buộc Chính phủ Mỹ cố ý thao túng hoặc che giấu những thông tin thuyết phục về những hậu quả độc hại liên quan đến chất da cam.

Ông nói: "Tôi tin con tôi sẽ sống thêm 20 năm nữa, nếu chúng ta đã không rải cái chất da cam ấy.”

Chất độc màu da cam được rải trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh


Tưởng cũng cần trích dẫn một vài số liệu về việc nước Mỹ đã “bảo vệ độc lập và chủ quyền” bị đe dọa như thế nào trong chiến tranh Việt Nam (tư liệu của cố giáo sư Ngô Vĩnh Long):

  • 15.500.000 tấn bom đạn (tương đương 600 quả bom nguyên tử đã dùng ở Hiroshima) đã được sử dụng ở Đông Dương, trong đó 12.000.000 tấn được sử dụng ở Nam Việt Nam, trong khi Mỹ chỉ sử dụng 6.000.000 tấn trong chiến tranh thế giới II;
  • 18.000.000 gallons Agent Orange được rải trên 6 triệu mẫu Tây đất rừng và ruộng ở miền Nam Việt Nam;
  • Khoảng 150.000 đến 300.000 tấn bom đạn chưa nổ rải rác khắp Đông Dương, chủ yếu là ở Việt Nam, gây thương tích và tử vong cho hàng nghìn nông dân.

[Trích từ Ngo Vinh Long, in Vietnamese Perspectives, in Encyclopedia of the Vietnam War, ed. by Stanley Kutler (New York: Scribner’s, 1996)]

Tòa án Mỹ đã xét xử thiên vị Chính phủ Mỹ và Chính phủ Mỹ đã thiên vị cựu binh Mỹ là một bất công đối với các nạn nhân Việt Nam. Chính phủ Mỹ đã và đang tìm cách khắc phục sự bất công này. Năm 2006, Quốc hội Mỹ đã quyết định chính thức tham gia việc giải quyết hậu quả chất da cam/ dioxin từ thời chiến tranh ở Việt Nam. Từ 2007 đến nay, hàng trăm triệu USD đã được Mỹ viện trợ không hoàn lại hay cung cấp ODA cho Việt Nam trong hoạt động này.

Bà Tố Nga cùng một nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam trong ảnh công bố tháng 8.2023. Ảnh: Collectif Vietnam-Dioxine


Chính phủ Mỹ khẳng định được miễn trừ trách nhiệm theo luật pháp quốc tế, nhưng đã và đang chính thức chi những khoản ngân sách không nhỏ cho việc khắc phục hậu quả chất da cam ở Việt Nam. Đối với các bị đơn, những “gã không lồ” sản xuất, kinh doanh hóa chất trên toàn cầu, những yêu cầu bồi thường của bà Trần Tố Nga thật là bé nhỏ, nhưng đã bị BAPT bác bỏ, và thậm chí bà Nga bị buộc phải bồi thường cho họ.

Hạ nghị sĩ Barbara Lee (Đảng Dân chủ - bang California), thành viên Ban Vận động cứu trợ và Trách nhiệm đối với chất độc da cam ở Việt Nam của Mỹ (VAORRC), Hội Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ (VFP) đã trình Quốc hội Mỹ 5 Dự luật Cứu trợ nạn nhân chất độc da cam. Ngày 25.5.2021, Hạ nghị sĩ Barbara Lee đã trình Quốc hội Mỹ Dự luật Cứu trợ nạn nhân chất độc da cam 2021 (H.R.3518). Các dự luật này để bênh vực nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đồng thời bênh vực cả các nạn nhân chất độc da cam Mỹ và đặc biệt là các nạn nhân gốc Việt Nam hiện sống ở Mỹ, là những người cho đến nay cũng chưa được đền bù cho thiệt hại do chất độc da cam gây ra cho họ trong thời gian họ ở Việt Nam.

Theo tôi, Tòa phá án tối cao Pháp (Court of Cassation of France) nên hủy bản án bất công của BAPT theo hướng công nhận các yêu cầu của bà Trần Tố Nga. Nước Mỹ đã và đang khắc phục bất công này bằng những hành động thực tế và pháp lý. Không có lý do gì để tòa án Pháp không hành động phù hợp với tiêu chí cao quý “tự do – bình đẳng – bác ái” của nước Pháp, chí ít cũng bằng một quyết định phá án nhằm khắc phục những khiên cưỡng và thiên vị của BAPT, qua đó khôi phục công bằng cho bà Nga - một nạn nhân điển hình trong hơn 4 triệu nạn nhân da cam của Việt Nam và Mỹ.

Trương Trọng Nghĩa (công dân Việt Nam)

__________________

* Các trích dẫn từ bản án của tòa phúc thẩm Paris trong bài này dựa theo một bản dịch không chính thức được cung cấp cho tác giả.

Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết liên quan đến vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, diễn ra vào chiều ngày 22.8.2024, về phiên tòa liên quan đến vụ bà Trần Tố Nga kiện các công ty sản xuất chất độc da cam/dioxin của Mỹ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Chúng tôi cũng vừa nhận được thông tin về việc này.

Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của tòa phúc thẩm Paris về vụ việc và chúng tôi đã nhiều lần nêu quan điểm về việc này. Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những hậu quả nặng nề vẫn còn tác động sâu sắc đến đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin.

"Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân chất độc da cam dioxin yêu cầu những công ty sản xuất và cung cấp loại chất này cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam, khiến hàng triệu người Việt Nam trở thành nạn nhân, có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong cuộc họp báo ngày 22.8.

Bà Trần Tố Nga đã trải qua hành trình gian nan chuẩn bị và theo đuổi vụ kiện từ năm 2009. Bà từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và bị nhiễm chất độc dioxin trong chiến tranh. Giám định y tế cho thấy sức khỏe của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng với nồng độ dioxin trong máu cao hơn tiêu chuẩn quy định.

Vào tháng 5.2009, bà Tố Nga đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ở Paris. Sau đó, với sự ủng hộ và đồng hành của luật sư William Bourdon và ông André Bouny, nhà hoạt động xã hội người Pháp ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ.

Phải chờ đến năm 2013, Quốc hội Pháp mới khôi phục lại quyền xét xử các vụ án quốc tế của tòa án Pháp. Bà Trần Tố Nga có đủ 3 điều kiện để khởi kiện: là công dân Pháp gốc Việt, sống tại quốc gia duy nhất có luật cho phép luật sư mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân chống lại một nước khác làm tổn hại mình và là nạn nhân chất độc dioxin.

Điều kiện tiên quyết để khởi kiện phải là nạn nhân chất độc da cam và còn sống. Rồi kết quả xét nghiệm của một phòng thí nghiệm đặc biệt ở Đức đã xác nghiệm độc tố dioxin trong cơ thể của bà.

Tháng 5.2013, Tòa đại hình Évry đã chấp thuận đơn của bà Tố Nga khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ. Đây là một quyết định quan trọng cho phép vụ kiện chuyển sang giai đoạn mới sau nhiều tháng bị trì hoãn vì những thủ tục tố tụng kéo dài do luật sư đại diện cho các công ty Mỹ yêu cầu tiến hành nhằm kéo dài thời gian.

Tháng 4.2014, bà Nga nhận được thông báo Tòa mở phiên đầu tiên với danh sách ra tòa của 19 công ty chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Sau 19 phiên thủ tục, thẩm phán đã quyết định mở phiên xét xử vào ngày 12.10, rồi hoãn tới ngày 25.1.2021. Tuy nhiên, Tòa án Évry đã bác vụ kiện vì cho rằng các doanh nghiệp này có đủ cơ sở để sử dụng "quyền miễn trừ," do họ đã hành động theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ. Vì vậy, Tòa án Évry không có đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia có chủ quyền khác.

Sáng 7.5.2024, Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) mở phiên điều trần cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, vì đã sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin (chất độc da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. 

Tòa phúc thẩm Paris ngày 22.8.2024 đã ra phán quyết giống với Tòa sơ thẩm Ervy.

BTV

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.