Xuyên Mỹ và câu chuyện ly hôn của Phan Việt

 12:14 | Thứ năm, 15/05/2014  0

Khi chuẩn bị hoàn thành luận án tiến sĩ tại đại học Chicago (Mỹ) và bắt đầu hành trình tìm việc làm, Phan Việt đối diện với sự rạn nứt trong hôn nhân. Trải qua những ngày khó khăn nhất, tác giả đã tìm hiểu các nghiên cứu tâm lý về hôn nhân, ly hôn nhưng tuyệt nhiên muốn tìm hiểu xem người Việt Nam đã trải qua những chuyện đó như thế nào thì Phan Việt không tìm thấy thông tin ở đâu cả. Hầu như không có ai viết ra những chuyện này - những câu chuyện cá nhân. “Chúng ta đều im lặng, mỗi chúng ta tự vật lộn một mình. Và tôi muốn phá vỡ, một chút, sự im lặng này!”, đó là lý do Xuyên Mỹ ra đời.

Hai năm băng ngang nước Mỹ, từ bờ Ðông sang bờ Tây là hai năm khó khăn nhất trong cuộc sống Phan Việt. Mỗi ngày của Phan Việt tràn ngập những câu hỏi “chia tay có đúng không”, “sẽ bắt đầu lại từ đâu”, “vì sao”, “liệu có nên gọi cho Sơn (chồng cũ) để thử sống cùng nhau trở lại”, những câu chuyện tìm việc làm vào cao điểm khủng hoảng kinh tế ở Mỹ.

Không phụ nữ nào muốn kể lại đổ vỡ của mình. Phụ nữ Việt Nam mà lại là phụ nữ thành đạt, luôn là sinh viên giỏi từ khi ở Hà Nội đến khi có học bổng sang Mỹ, theo đuổi con đường nghiên cứu và học tiến sĩ ngành công tác xã hội như Phan Việt càng không. Nhưng chính vì sự im lặng này mà họ không tìm được sự chia sẻ cũng như khả năng tìm hiểu, phân tích tất cả những cảm xúc của mình.

Trong một thời gian dài, tác giả tự đấu tranh với  câu hỏi liệu có nên in cuốn sách này hay không, vì toàn bộ nội dung cuốn sách đều là những câu chuyện có thật, nhân vật có thật.  Cuối cùng, cuốn sách được in ra như là một sự giải thoát của Phan Việt với những cảm xúc cũ, những cảm xúc có thể biến một con người năng động trở thành tự ti vì giam hãm mình trong những ý nghĩ đen tối.

Phan Việt đã kể lại câu chuyện ly hôn của mình một cách rất thật, rất chi tiết, cảm xúc nhưng cũng rất “văn minh” khi ở đó, không có người tốt kẻ xấu, không lên án ai. Nhân vật trong Xuyên Mỹ không phải lúc nào cũng đẹp, Phan Việt cũng có lúc dùng những lời oán trách dành cho chồng cũ, nhưng người đọc không cảm thấy Phan Việt đang muốn giành phần yêu thương về phía mình.  Dường như không có ranh giới giữa đúng với sai, hạnh phúc và bất hạnh. Cuốn sách trở nên độ lượng, đỡ mang tính phán xét, nghiệt ngã.

Xuyên Mỹ tuy tràn đầy cảm xúc nội tâm, được phân tích, kể lể với giọng văn đầy nữ tính nhưng có nhiều thông tin để những phụ nữ khác nghiên cứu và học hỏi, vì Phan Việt đã cất công tìm hiểu rất nhiều tài liệu nghiên cứu tâm lý về hôn nhân, ly hôn lúc viết cuốn sách này. Phan Việt cung cấp những thông tin xã hội học về chủ đề ly hôn: tình trạng xã hội, đời sống và tâm lý của những người ly hôn, đặc biệt là phụ nữ. Sách không chỉ hay mà còn hữu ích.

Với bạn đọc nữ, Xuyên Mỹ chắc chắn là một cuốn sách thu hút vì nó xúc động. Tuy không bi kịch hoá vấn đề, không tình tiết éo le nhưng có thể khiến người đọc rớt nước mắt. Ðiều đó được thể hiện qua một giọng văn ít mang tính kể lể, chỉ mô tả hành động, giản dị, thật, tự do.

Trâm Anh


Trao đổi ngắn với Phan Việt

Bất hạnh là một tài sản sẽ còn mấy cuốn nữa, thưa chị?

Nó còn một cuốn cuối cùng có tên Về nhà. Cuốn này tôi đang viết và viết chậm hơn vì nó là cuốn quan trọng nhất và nó sẽ giải thích, thâu tóm tất cả những đầu mối của hai cuốn trước. Cuốn này sẽ có bối cảnh chính là Việt Nam.

Chị đã được gì và mất gì sau những cuốn sách về chuyện tình cảm riêng tư của mình?

Cũng khó nói. Cho tới giờ thì cái được lớn nhất là tôi được chia sẻ được câu chuyện của mình cho nhiều người. Có bạn đọc gửi email cho tôi, nói rằng cuốn sách làm cho họ hiểu thêm về mình rất nhiều và hiểu về cuộc sống gia đình của họ. Cái mất thì tôi chưa rõ nhưng tôi mong là những cuốn sách này không khiến người ta nói những câu quy kết hôn nhân thì thế này thế kia, ly hôn thì thế này thế kia, đàn ông Việt Nam thì thế này thế kia, đàn bà thì thế này thế kia, X thì thế nọ, Y thì thế kia... Nếu cuốn sách tạo nên những định kiến kiểu như vậy thì đấy chính là cái mất lớn nhất cho tôi với tư cách một nhà văn; vì điều tôi muốn chính là phá vỡ những định kiến.


   

Phan Việt hiện đang là assistant professor (giáo sư bậc 1) ngành công tác xã hội tại đại học South Carolina (Mỹ). Tháng 5.2014, Phan Việt về Hà Nội nhân dịp đưa sinh viên Mỹ về Việt Nam học vào mùa hè và chuẩn bị ra mắt cuốn sách.

Từng là tác giả các tập truyện ngắn Phù phiếm truyện (2005, giải nhì cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 3); Nước Mỹ, nước Mỹ (2009); tiểu thuyết Tiếng người (2008); và bộ sách Bất hạnh là một tài sản (2013). Ngoài ra, còn tham gia viết báo, dịch, hiệu đính, biên tập sách và là đồng sáng lập tủ sách Cánh cửa mở rộng với GS. Ngô Bảo Châu nhằm dịch và giới thiệu sách hay tới bạn đọc Việt Nam.

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.