Vua Gia Long và người Pháp
Là cuốn sách mang tính khảo sát về ảnh hưởng của người Pháp trong giai đoạn triều Nguyễn được viết bởi tác giả Thụy Khê, một nữ nhà báo gốc Việt nổi tiếng về các tác phẩm lịch sử, chính trị Việt Nam đang sống và làm việc tại Pháp. Tác phẩm như đang khắc họa một bức tranh mới về bối cảnh nghiên cứu, dẫn chứng các tài liệu lịch sử bị thất lạc, hay tạm thời bị che giấu vì lý do thời cuộc tại Việt Nam.
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu tương đối quan trọng về chân dung vua Gia Long cùng những công trạng trong việc giành độc lập, chủ quyền đất nước của ông bên cạnh là sự có mặt của người Pháp cũng như sự ảnh hưởng từ nền văn minh, chính trị của họ lên Việt Nam trong suốt chiều dài lich sử nhà Nguyễn, đó là thời đại lịch sử phức tạp đã qua của thế kỷ 18, 19, 20.
Để nhận định tác phẩm này, nhà xuất bản Hồng Đức có một bài viết được in trong cuốn sách cho ra mắt lần này tại Việt Nam, như sau: Lịch sử là một khoa học luôn chỉnh sửa lại mình trên cơ sở những phát hiện mới của khảo cổ, hoặc từ những tư liệu lịch sử bị lãng quên, bị thất lạc, bị che giấu vì những lý do xã hội nào đó, tới nay mới có điều kiện lộ sáng.
Cuốn sách này chỉ khuôn gọn vào một chi tiết lịch sử là xác minh hành trạng của những người Pháp bên cạnh Nguyễn Ánh thời còn kình chống với Tây Sơn và lên ngôi vua về sau.
Nhận thấy nhiều sai khác rất lớn giữa sử sách của vua quan nhà Nguyễn với sử sách mà các sử gia phương Tây thời đó viết ra và có sức ảnh hưởng gần như tuyệt đối tới nhiều sử gia trong và ngoài nước trước đây cũng như sau này, tác giả Thụy Khuê đã tìm ra nhiều tư liệu lịch sử mới lưu trữ tại các tàng thư công, tư, tôn giáo ở châu Âu (chủ yếu là ở Pháp), nhằm làm rõ có đúng là không có những người Pháp nói trên thì Nguyễn Ánh sẽ gặp vô vàn khó khăn khi chống lại Tây Sơn, thậm chí còn có thể thất bại, như các sử gia phương Tây – tác giả Thụy Khuê gọi là các "sử gia thực dân", khẳng định.
Thận trọng trong tác phẩm của mình, tác giả chỉ đặt tên sách là “Khảo sát về …” nghĩa là chưa kết luận bởi có thể còn nhiều tư liệu lịch sử lẩn khuất đâu đó. Vấn đề mà cuốn sách đặt ra chắc sẽ mở đầu cho những phát kiến mới, cho những thảo luận sôi nổi nhằm dựng lại được bức tranh khách quan và đầy đủ nhất về những người Pháp bên cạnh Nguyễn Ánh – Gia Long trong giai đoạn lịch sử vô cùng phức tạp này của nước ta.
Cuốn sách này là một phản biện khoa học. Trong khoa học, phản biện là cần thiết và rất bình thường.
Bên cạnh đó Nhà xuất bản Hồng Đức còn lưu ý bạn đọc khi tham khảo tác phẩm:
- Không gian sử là không gian mở, có trước có sau nên tác phẩm có đề cập tới nhiều sự kiện, nhân vật trước và sau Nguyễn Ánh – Gia Long là điều dễ hiểu. Đó là quan hệ nguyên nhân – kết quả với mục đích làm rõ chủ đề mà tác giả đặt ra qua tên sách.
- Tác giả dùng khái niệm “triều Nguyễn” không giống với cách gọi thông thường hiện nay, vì triều Nguyễn dùng để chỉ giai đoạn sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua với hiệu là Gia Long, cho tới lúc chấm dứt vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Để khẳng định những lý do bắt tay vào việc cho ra cuốn sách này, tác giả Thụy Khê khẳng định: “Hơn 50 năm sống ở Pháp cho phép tôi nhìn người Pháp một cách công bằng hơn, coi họ như một thực thể con người, không phải bọn “thực dân tàn ác”, cũng không phải là một dân tộc “cao” hơn, giỏi hơn chúng ta về mọi mặt, một sự cao sang của người Âu, da trắng, chúng ta muốn mà không đạt nổi, đã biến thành cách lập ngôn như Tây. Ở Pháp, tôi mới hiểu ra rằng: Chỉ khi mặc cảm thấp hèn của dân thuộc địa bị tiêu diệt rồi, ta mới có thể nhìn người Pháp một cách bình đẳng, để điều tra thẳng thắn lại lịch sử Pháp-Việt. Cuốn sách này nằm trong mục đích đó.”
Sách do NXB Hồng Đức, kết hợp cùng Saigon Books xuất bản 2017.
Đại Việt sử ký toàn thư
Đại Việt sử ký toàn thư được xem là bộ quốc sử danh tiếng, một di sản quý báu của dân tộc Việt Nam nghìn năm văn hiến. Đó là bộ sử cái đồ sộ, có giá trị nhiều mặt, gắn liền với những tên tuổi lớn các sử gia Việt qua nhiều trăm năm như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy…
Việc phát hiện ra bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư này - bản Nội các quan bản năm Chính Hòa thứ 18 (năm 1697), mang ý nghĩa đặc biệt. Nhờ đó, bản dịch quốc ngữ Đại Việt sử ký toàn thư theo bản Nội các quan bản đã lần lượt ra mắt bạn đọc từ những năm 1980 và được tái bản trọn bộ bốn tập lần đầu tiên vào năm 1998.
Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Công ty Đông A cùng với Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã cho ra mắt ấn bản một tập khổ lớn Đại Việt sử ký toàn thư dựa theo bản in bốn tập năm 1998 với một số thông tin chú thích về địa danh được chỉnh lý theo các đơn vị hành chính mới. Ngay từ khi ra đời, cuốn sách đã nhận được sự yêu quý của đông đảo bạn đọc và giành được Giải vàng Sách đẹp năm 2011.
Năm 2017, công ty Sách Đông An tái bản ấn phẩm này. Bản in lần này được tiếp tục chỉnh lý chú thích về địa danh. Tác phẩm được tiến hành đối chiếu, rà soát và bổ sung đầy đủ, chính xác hơn ở phần Bản tra cứu, để làm sao một lần nữa lịch sử nước nhà lại được lan tỏa sâu rộng trong lòng người dân Việt, nhất là thời đại giới trẻ cần biết nhiều hơn về nguồn cội, về những thăng trầm của lịch sử nước nhà trước các thế lực ngoài bang và các chính sách cai trị của nhiều triều tộc nối tiếp nhau trong suốt chiều dài hình thành và phát triển đất nước Việt Nam.
Luận các phái người Trung Hoa và Đàng Ngoài
Càng ngày giới sử học càng ý thức rõ hơn về các vấn đề người Trung Hoa ở Việt Nam trong thời kỳ cận đại của lịch sử nước nhà. Đặc biệt, giai đoạn này sự ảnh hưởng của người phương Bắc có thể được xem vấn đề trọng yếu tạo nên Việt Nam với bối cảnh xã hội ngày nay. Tuy nhiên, viết và bàn luận về vấn đề các tộc người Trung Hoa ở phía Bắc vẫn đang là đề tài còn khá ít sự nghiên cứu. Mới đây, cuốn sách Luận các phái người Trung Hoa ở Đàng Ngoài của một tác giả là người truyền giáo Ý viết những năm thế kỷ 18 đang gây nên mối quan tâm đặc biệt với nhiều người.
Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses (Luận về các phái ở người Trung Hoa và Đàng Ngoài) của nhà truyền giáo người Italy Adriano di St.Thecla (1667-1765) được viết ở Đàng Ngoài (Bắc Việt Nam) vào năm 1750, người đã trải qua gần 30 năm sống ở miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ 18. Đây là một tư liệu xa xưa và độc đáo. Cuốn sách này đề cập đến tình trạng tôn giáo ở Đàng Ngoài và một phần ở Trung Hoa, qua cái nhìn của một nhà truyền giáo Dòng Augustine chân đất.
Thế kỷ 18 là một thế kỷ định mệnh đặc biệt đối với đời sống chính trị và các dân tộc về đức tin, tín ngưỡng và cách mạng. Vào khoảng giữa thế kỷ này, khá nhiều nhà truyền giáo châu Âu đã rải khắp một vòng cung rộng lớn trên những địa bàn cư trú lâu đời từ Trung Hoa, Philippines, Nhật Bản, đến Việt Nam; và đã tạo ra được một diễn trình giao thoa văn hóa trong từ vựng của các dân tộc ở châu Âu và châu Á; tạo ra một loạt các văn bản, bản dịch, chú giải, bản đồ, sách biên niên, tư liệu tiền dân tộc học, được ấn hành tại chỗ ở châu Á và số khác được lưu hành rộng rãi ở châu Âu.
Trong số các thành viên của dòng Augustine chân đất hoạt động ở Đàng Ngoài, có ít nhất 3 người đã viết sách về thực hành tín ngưỡng ở Trung Hoa và Việt Nam, trong đó có Đức cha Adriano Di ST.Thecla.
Adriano Di St. Thecla đặt tiêu đề cho công trình của mình là Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses có lẽ là để chuẩn bị cho độc giả của mình làm quen với thực hành tôn giáo ở Trung Hoa và Việt Nam. Tác phẩm này bao gồm mọi tín ngưỡng đương thời mà Adriano Di St. Thecla biết đến, gồm 6 chương: Khổng giáo, Thần linh, Phái Tuật sĩ (tức Đạo giáo), Bói toán, Phật giáo, và Ki-tô giáo. Chương cuối cùng viết về Ki-tô giáo chưa hoàn tất thì đột ngột chấm dứt.
Tác phẩm là một mô tả về đức tin và thực hành tôn giáo mang tính hệ thống đầu tiên được biết đến ở Đàng Ngoài, hay thực ra là ở Việt Nam nói chung. Nó cung cấp một cuộc khảo sát mang tính cảnh báo thông qua cách nhìn và tư duy của một người châu Âu có học ở thế kỷ 18 với cách tiếp cận khoáng đạt.
Sách do Omega Plus liên kết với Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản tháng 5.2017.
Hữu Nam