KOL (key opinion leader), hiểu sát nghĩa là những nhân vật mà quan điểm (opinion) của họ có vai trò dẫn dắt (lead) số đông trên cộng đồng mạng. Tại Việt Nam, KOL có thể là một nghệ sĩ nổi tiếng, một nhà báo, một chuyên gia truyền thông hoặc nhà hoạt động xã hội, những người có hàng trăm ngàn người theo dõi các bài viết trên trang cá nhân.
Họ được theo dõi, hâm mộ vì nội dung các bài viết chứa hàm lượng thông tin, kiến thức cao, hoặc một quan điểm về các vấn đề xã hội được nhiều người đồng tình, hoặc gây tranh cãi, hoặc có khi chỉ bởi họ là nghệ sĩ nổi tiếng. Chỉ cần một tấm hình đẹp, vài dòng status bâng quơ, trích dẫn cũng đủ tạo nên tương tác khủng trên mạng xã hội.
Trong một rừng KOL đó bỗng chốc nổi lên một KOL khác lạ mùa đại dịch từ năm ngoái, một bác sĩ Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM (giờ ông là cố vấn chuyên môn). Mái tóc xoăn, gương mặt lấm tấm mồ hôi đã trở nên quen thuộc với các ông bố, bà mẹ có con nhỏ, bác sĩ Khanh đều đặn lên Facebook livestream không sót bữa nào. Mọi thắc mắc đều được trả lời một cách thẳng thắn và có tâm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh trong một livestream trao đổi về dịch bệnh Covid-19 cùng MC. Trần Quốc Khánh.
Ảnh: KAT Media
Từ lúc đại dịch Covid-19 bùng lên lần đầu tiên năm ngoái, ông thường xuyên xuất hiện trên Facebook để livestream giải đáp về Covid-19. Và đến khi dịch bùng nặng nề đợt bốn này, khi mà thông tin nhiễu loạn hơn, mọi thứ cấp bách hơn, thì những thông tin từ bác sĩ Khanh càng trở nên quý báu.
Một status thường xuyên có hơn chục ngàn like, hàng ngàn comment và share, có thể nói Facebook Trương Hữu Khanh là một trong những Facebook “hot” nhất mùa dịch, không thua kém bất kỳ KOL nghệ sĩ nào.
Cách làm truyền thông không giống ai
Điều gì khiến Facebook bác sĩ Khanh trở nên “hot”? Không chỉ bởi nội dung mà là cách thức diễn đạt. Bạn không thường nghe thấy một bác sĩ nói chuyện kiểu như thế.
Khi nghe đến bác sĩ, chúng ta thường hình dung một hình tượng đạo mạo, đôi khi kiệm lời, từ tốn, sử dụng từ ngữ cẩn trọng và khéo léo. Còn bác sĩ Khanh gần như trái ngược hoàn toàn. Bộc trực, thẳng thắn, hài hước, hay chêm từ lóng, ngôn ngữ theo trend, không ngại đụng chạm. Đó là thứ mà cư dân mạng cảm thấy rất thu hút. Bác sĩ Khanh có cách truyền thông, diễn đạt khác người không vì ông cố tình làm như thế, mà do bản chất ông là vậy. Và đó chính là điều giúp ông thu hút người đọc.
Đại dịch Covid-19 bùng phát quá nhanh và quá nặng nề đợt bốn tại Việt Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, khiến công tác chống dịch không tránh khỏi những lúng túng ở khâu truyền thông chính thống. Điều đó càng tạo điều kiện để fakenews (tin giả) hoành hành. Khi người đọc không tìm thấy được thông tin nhất quán, nhanh nhạy, chính xác từ các cơ quan truyền thông chính thống, họ sẽ dễ rơi vào bẫy của fakenews.
Covid-19 là một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe, do đó nhu cầu về kiến thức y tế trong giai đoạn này là hết sức cấp bách. Khi có bệnh, người ta chỉ nghe bác sĩ. Và bác sĩ nào trước đến giờ thường xuyên livestream trên Facebook? Không một ai khác nổi tiếng bằng kẻ được gọi là “tưng tưng”, “gàn dở” nhưng có tấm lòng nhân ái bao la đối với bệnh nhân - bác sĩ Trương Hữu Khanh!
Bác sĩ Khanh đều đặn lên Facebook livestream, mọi thắc mắc đều được trả lời một cách thẳng thắn và có tâm
Trung bình mỗi ngày trang Facebook của ông có 2-3 status cập nhật sát sao những chủ đề nóng, những lo lắng thường trực của người dân mùa Covid-19. Hiểu tâm lý cộng đồng mạng đôi khi hấp tấp, lướt nhanh thông tin, ông thường có một câu rất đặc trưng ở đầu bài “đọc cho kỹ rồi không hỏi lại những gì trong bài nói rồi nhe”. Ấy thế mà vẫn có người comment hỏi tới tấp, và như thường lệ, ông vẫn trả lời hầu như không sót một comment nào.
Xen kẽ giữa những bài chia sẻ kiến thức Covid-19, lâu lâu ông cũng làm dịu không khí nặng nề của đại dịch bằng những tấm hình lọ hoa, tán cây nhẹ nhàng, tươi mới. Một ngày xử lý hơn 500 tin nhắn riêng, vậy mà khi nhận được một tin tích cực, nghe bệnh nhân khỏe mạnh, thoát khỏi lưỡi hái tử thần Covid-19 là ông chụp hình screenshot khoe ngay.
Nhiều khi viết bài xong vẫn bị “hỏi quài”, ông lại làm clip livestream cho rõ, rồi lại viết. Ông bộc lộ cảm xúc một cách hết sức tự nhiên, thường xuyên “mắng yêu” người đọc khi thấy họ không nghe lời. Thoải mái buông những lời cảm thán bằng ngôn ngữ hết sức đời thường càng làm người đọc thấy gần gũi và gắn bó.
Có người nhận xét “bác sĩ Khanh biết cách làm truyền thông” quá. Thật ra họ chưa hiểu ông. Ông chẳng cố tình làm gì cả. Đó chính là con người thật của ông bao năm qua. Trước đây phụ huynh có con nhỏ biết đến ông nhiều hơn, còn bây giờ Covid-19 là mối hiểm họa chung nên đương nhiên ông sẽ “nổi tiếng” hơn.
Fakenews, mạng xã hội và truyền thông chính thống
Fakenews là một phần của mạng xã hội. Nó là thứ mà chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn bởi chúng được tạo ra từ chính chúng ta, những thành viên của mạng xã hội. Với mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể trở thành người chia sẻ thông tin, một “nhà báo nhân dân” trong kỷ nguyên internet. Mỗi cá nhân với khả năng hiểu biết hạn chế và thiên kiến xác nhận (khuynh hướng ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ) sẽ là chất xúc tác đẩy fakenews đi nhanh hơn.
Hiện nay mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook vẫn liên tục đưa ra cam kết sử dụng thuật toán để hạn chế fakenews nhưng đó là một bài toán khó. Cách tốt nhất để giảm bớt sự tiêu cực của fakenews chính là tăng cường sự xuất hiện của “truenews” - tin thật.
Những thông tin mà bác sĩ Khanh chia sẻ phần nào đó đóng vai truenews nhỏ nhoi trong một rừng fakenews vô tận về Covid-19. Ông liên tục đính chính các tin giả bằng giọng điệu mạnh mẽ, đanh thép nhưng gần gũi. Đọc bài của ông, đôi khi cảm giác như đang nghe một người cha chỉ dạy con cái cách chăm trẻ nhỏ hơn là một bác sĩ đang nói với bệnh nhân. Dẫu ông có căng thẳng, nóng nảy thì vẫn dễ dàng cảm nhận được tấm lòng y đức.
Thói thường công chúng sẽ dựa vào truyền thông chính thống để tìm kiếm truenews bởi bản chất mạng xã hội, như đã nói, thường là nơi ẩn chứa hiểm họa fakenews nhiều hơn. Tuy nhiên, truyền thông chính thống đa phần không gần gũi, nhanh nhạy như những tiếng nói trên mạng xã hội.
Chính vì thế, những nhân vật có uy tín, chuyên môn như bác sĩ Khanh khi chọn mạng xã hội làm công cụ tất yếu sẽ tạo một hiệu quả rất lớn cho người đọc. Một mình ông hẳn không thể ôm xuể nhu cầu của dân chúng trong thời đại dịch đầy hoảng loạn này. Mạng xã hội rất cần thêm những tiếng nói và “cách làm truyền thông” tương tự. Dẫu vậy, đây không phải là cách mà ai muốn làm theo cũng được. Nó phải xuất phát từ cá tính, từ chính con người thật của họ.
Các status chuyên môn bằng ngôn ngữ đời thường của bác sĩ Khanh làm người đọc cảm thấy gần gũi
Quan sát và theo dõi kỹ các bài viết của bác sĩ Khanh từ đầu mùa dịch đến nay, sẽ thấy rất nhiều lần ông lên tiếng, đưa ra những giải pháp riêng từ rất sớm về các vấn đề như chống lây nhiễm khi xét nghiệm, điều trị F0 tại nhà, tiêm ngừa các loại vaccine… Và rất nhiều lần, khi báo chí phản ánh lại những sửa đổi trong cách phòng chống dịch, người ta đã thấy ông nói đúng.
Đôi khi người viết tự hỏi, tiếng nói của ông thật sự có được đội ngũ điều hành chống dịch lắng nghe? Cái tên Trương Hữu Khanh vốn đã quá nổi tiếng trong giới y khoa bởi sự bộc trực. Nhưng dù có nghịch nhĩ thì đó vẫn là những tiếng nói phản biện cần thiết, có uy tín chuyên môn, đặc biệt trong lúc tình hình chống dịch Covid-19 ở giai đoạn căng thẳng, hỗn loạn thông tin như thời điểm này.
Dù thế nào đi nữa thì bác sĩ Khanh sẽ vẫn luôn như thế. Với trang Facebook gần nửa triệu người theo dõi thường xuyên, ông vẫn ngày đêm cặm cụi chia sẻ và giúp đỡ công chúng bằng một cách rất riêng của mình.
Trần Quốc Khánh