Đô thị đặc thù: Đô thị công nghiệp - Kỳ cuối:

Bao giờ công nhân thoát phận ngụ cư?

 13:06 | Thứ ba, 28/09/2021  0
Từ các vùng công nghiệp, hình ảnh hàng chục vạn gia đình công nhân bồng bế nhau chạy cả ngàn cây số suốt ngày đêm, vượt bao con sông, đèo dốc, nắng lửa… trở về quê hương, không thể nói khác, phản ánh nỗi thất vọng to lớn về nơi chốn họ đã dốc sức trẻ cống hiến cho nó.

Dòng người chạy xe máy về quê tránh dịch. Ảnh tư liệu: Internet

Cuộc di tản khổng lồ, đầy đau khổ của những người công nhân và gia đình họ ra khỏi TP.HCM và các tỉnh miền  Đông Nam bộ đang đặt ra nhiều câu hỏi cấp thiết.  

Trong số các câu hỏi, là: Vì sao nhiều gia đình công nhân đã sinh sống nhiều năm tại các khu công nghiệp nhưng vẫn thiếu các điều kiện sống thiết yếu để tin cậy gắn bó, trụ lại với nó? Tại sao trong số hơn 850 các loại đô thị được xếp hạng hiện nay cùng nhiều khu đô thị mới  bỏ hoang, lại vắng bóng loại đô thị công nghiệp, khu đô thị công nghiệp, và đa số  công nhân vẫn ở trọ trong nhà nông dân?

Để trả lời các câu hỏi lớn đó phải có những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, khách quan. Kết quả của nó dùng điều chỉnh các chính sách phát triển loại đô thị công nghiệp, đô thị  khu công nghiệp (về tổ chức hành chính Khu đô thị công nghiệp chỉ tương đương với loại Khu đô thị mới hiện nay) vô cùng cần thiết cho công cuộc công nghiệp hóa  đang diễn ra ở Việt Nam. Bài báo này chỉ có thể  trình bày vài suy nghĩ.

Sở dĩ nói vô cùng cần thiết, vì nước muốn thoát nghèo phải công nghiệp hóa, muốn công nghiệp hóa cần lực lượng công nhân mạnh, muốn lực lượng này mạnh phải có chốn định cư tốt cho họ - đó là đô thị công nghiệp, khu đô thị công nghiệp (đô thị gắn với sản xuất công nghiệp), một loại hình  đô thị đặc thù mà dân cư chủ yếu là công nhân. Đô thị công nghiệp và nhà ở công nhân như  “một sinh thể” không thể tách rời,  tuy nhiên để bạn đọc tiện theo dõi, xin tạm chia thành hai nội dung.

Đương đầu với “con quái vật công nghiệp”

Trong số các thế mạnh của đô thị công nghiệp đối với một quốc gia, thì ưu điểm  nổi trội tạo ra nhiều việc làm (chủ yếu cho người nhập cư), nhưng dân sợ nhất bị ô nhiễm. Vì mâu thuẫn “gây chết chóc” ấy mà  nó thuộc loại đô thị chứa nhiều xung đột xã hội, và phải bàn cãi nhiều về cấu trúc (điều tạo ra sự khác nhau giữa các loại đô thị).

Thành phố hay đô thị nào cũng phải cung cấp những chức năng dịch vụ: hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện nước, xử lý chất thải…), xã hội (cơ sở y tế, giáo dục, giải trí..) cho các nhóm dân cư và các khu vực sản xuất của nó. Cách mà các dịch vụ này được tổ chức trong mối quan hệ với nhau, gọi là cấu trúc đô thị, hay cấu trúc sử dụng đất.

Phòng trọ của gia đình công nhân người Ê Đê làm việc ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân.

Các thành phố công nghiệp ở châu Âu là hình mẫu điển hình của đô thị công nghiệp. Ban đầu nhà máy mọc lên kề sát hay ngay trong thành phố (có trước), sản xuất công nghiệp đã trở thành một thành phần không thể tách rời trong cấu trúc của chúng. “Đến cuối thế kỷ XIX  hình dạng và chức năng của hầu hết các thành phố (chứa các cơ sở sản xuất công nghiệp - N.V) cùng với các mối quan hệ xã hội, gần như đã thay đổi cơ bản.” (Quan sát Manchester, Anh của Friedrich  Engels). Từ bối cảnh này, thuyết mô hình “Thành phố vườn” nổi tiếng của Ebenezer Howard (1850-1928) ra đời dùng tái cấu trúc thành phố (tách dân cư khỏi khu sản xuất, di nhà máy ra ngoại ô…).

Hay ở Mỹ, “các nhà tư bản thường lập các nhà máy trước, các thị trấn hình thành sau, quanh nó. Công nghiệp phát triển, các nhà máy và công nhân cần nhiều nguyên liệu, nhà ở, hàng hóa, dịch vụ… dần hình thành thành phố, sự mở rộng tư bản này thường không có kế hoạch.

Ngược lại, ở Trung Quốc thành phố, hay đô thị công nghiệp thường được tạo ra trước, từ các đồ án quy hoạch của chính quyền (tập quyền mạnh), sau đó các ngành công nghiệp tìm vị trí đã được xác định để đặt nhà máy.” (Theo Charles Hirschman và Elizabeth Mogfor).

Sở dĩ nói dài, vì đô thị công nghiệp (không nói tới công nghiệp nặng:  khai mỏ, luyện kim…) sinh ra theo cách nào thì cấu trúc của nó cũng phải giảm thiểu, kiểm soát được ô nhiễm. Có thể vì thế chi phí xây dựng các hạ tầng kỹ thuật loại đô thị công nghiệp phức tạp, tốn kém hơn, nên thường phản ánh mối quan hệ “giằng co về trách nhiệm giữa chính quyền với  nhà tư bản”. Mà Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ, phần thiệt thòi luôn thuộc về người công nhân do chính quyền chưa có các thiết chế thu hút đầu tư cung cấp các dịch vụ xã hội (xã hội hóa), hoặc không đầu tư ban đầu  đủ mức cần thiết để xây dựng nên cấu trúc của một khu đô thị công nghiệp, hay đô thị công nghiệp .

Đô thị công nghiệp cũng tựa  một sinh thể, có tiến hóa, ban đầu con người sống kề nhà máy, rồi “quái vật” bị đẩy ra xa, bị  “nhốt cứng” trong  các hàng rào khu công nghiệp, cách ly khỏi khu dân cư.  

Nhưng sang giai đoạn Hậu công nghiệp (4.0) với các thế hệ nhà máy có công nghệ mới (kiểm soát được ô nhiễm) ra đời, chúng lại trở về gần người, chuyển từ chức năng thuần sản xuất sang phục vụ đời sống con người, cũng là tái phục vụ chức năng đầu tiên của nó. Do thế, tại nhiều đô thị công nghiệp hiện đại có các viện nghiên cứu, trường đại học, trường dạy nghề, các công trình, không gian  văn hóa, y tế thể thao, giải trí… cho công dân của mình. Cấu trúc mới  này làm mờ ranh giới công nghiệp với đô thị theo mô hình đa chức năng, tích hợp các yếu tố tiện ích công cộng trong cùng lãnh thổ.    

Giải quyết đơn giản như New Zealand (vai trò nhà nước), mối quan hệ công nghiệp - đô thị chủ yếu dựa trên sự phân định 9 loại đất. Đất loại 4 và 5 dành cho các doanh nghiệp làm công nghiệp nhẹ được nằm kề  hay trong lòng đô thị, miễn tuân theo mục đích kinh doanh và  các chính sách  kiểm soát của thành phố.

Thị trấn Koromo thu hút các làng xung quanh  để trở thành thành phố Toyota  vào năm 1959, dân số hiện khoảng 420.000 người. Ảnh: TL


Hoặc từ vai trò nhà tư bản kiến tạo Toyota City nổi tiếng  thế giới (trụ cột khổng lồ của kinh tế Nhật, nơi sống của hơn 100.000 công nhân làm trong 860 nhà máy, 357 thuộc  số đó sản xuất ô tô) vốn được “nâng cấp, hiện đại hóa” từ thị trấn Koromo của ngành công nghiệp tơ lụa. Thông minh - sinh thái - tuần hoàn... là những gì người ta nói về thành phố hiện này, rằng nó  “ chắc chắn sẽ mở ra một thế giới cơ hội cho các cấu trúc đô thị mới ra đời”.  Hay so với các khu công nghiệp nước ta, thì SamSung Digital City  (Hàn Quốc) quy mô chỉ 150ha, cũng vẫn cung cấp đủ từ việc làm đến mọi tiện nghi cho cuộc sống của người công nhân.

Gần gũi  nhất  là nhà máy Dệt Tomioka (tỉnh Gumma, Nhật) người Pháp xây năm 1872 trên vẻn vẹn 53.000m2 đất, trở thành di sản Thế giới UNESCO năm 2014,   bằng chứng vật chất khởi đầu thời Phục hưng kinh tế Nhật thông thương với phương Tây. Nó còn nổi tiếng do tổ chức làm việc, ăn ở tại chỗ và chăm lo giáo dục, y tế, giải trí rất tốt cho các nữ công nhân vùng này.

So Dệt Tomioka (bảo tồn, phát triển tại chỗ) với Dệt Nam Định (xây năm 1898, bị phá, di dời năm 2016, sau hơn 110 năm gắn bó với người dân thành Nam), có thể thấy chúng cùng bắt đầu bằng công nghệ tương tự, có lịch sử tương tự. Nhưng Dệt Tomioka trở thành Di sản thế giới, một tiêu biểu của nước Nhật về cả giá trị kinh tế, xã hội và văn hóa, còn Dệt Nam Định lùi nhanh vào dĩ vãng.

Tức là ở quy mô nào, bối cảnh nào quan điểm về khoảng cách từ nơi cư trú của công nhân đến nơi sản suất thuận tiện nhất, vẫn nhất quán và không thay đổi.

Là nước đi sau, lẽ ra Việt Nam có cơ hội học hỏi từ nhiều mô hình để xây dựng các đô thị công nghiệp, khu đô thị công nghiệp mới cho mình, chứ không phải  hình ảnh các nhà máy, khu công nghiệp (của những chủ đầu tư thuê đất, thường không kết nối với nhau) nằm rải rác phân tán trên khắp những cánh đồng, hoặc mọc bám theo các con lộ, mỗi tan ca công nhân lại túa ra đến tắc đường để chạy về chen chúc  sống trong các làng xóm trọ trong nông thôn?

Tìm đất trong chính sách 

Một người chết còn cần đất chôn. Nên nói đất trước, và tạm tách khái niệm  không gian đô thị công nghiệp thành hai phần: đất đô thị (cho cư dân sống) và đất công nghiệp (đặt các nhà máy) bắt đầu từ bảng phân loại đô thị. 

Về đô thị: Để được gọi là đô thị và xếp theo các thứ hạng (ở ta chia 6 hạng từ  5 đến đặc biệt) căn cứ vào các chỉ tiêu đại diện: dân số, chức năng, quy mô, lao động phi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng. Theo đó, một khu vực nông thôn (xã) khi trở thành đô thị loại 5 (thị trấn) hay đô thị loại 5 lên loại 4 được hưởng các quyền lợi đi kèm như giá đất, biên chế quản lý, mức lương bộ máy hành chính... đều tăng, và các khoản ngân sách đầu tư cho hạ tầng (rất quan trọng) cũng  tăng. Đó cũng là lý do nhiều chính quyền địa phương muốn được xếp hạng, thăng hạng đô thị. 

Cảnh sống của công nhân trong xóm trọ kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân.


Ngoài những ưu điểm, cách phân loại này hạn chế do chưa bao quát/ đề cập đến  những loại đô thị đặc thù: đô thị biển, đô thị du lịch, đô thị di sản, đô thị đại học… và đô thị công nghiệp. Là những loại đô thị mà các yếu tố địa lý - kinh tế, sản xuất, nhân khẩu… có tính quyết định cho sự hình thành cấu trúc riêng của chúng (đã nói ở trên). 

Vì  chỉ cần đối chiếu với vài chỉ tiêu đô thị loại 5 (dân số nhiều hơn 4.000 người, mật độ hơn 2.000 người/km2, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên 65%..), thì những thôn như Núi Hiểu (Bắc Giang) có 9.000 công nhân, hay thôn Bầu (Hà Nội) có  tới 16.000 lao động nhập cư (xem bài: Tìm đô thị công nghiệp trong cuộc công nghiệp hóa) và vô số “ làng phòng trọ” nơi hàng triệu công nhân  đang chen chúc sống ở ven đô Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, trung du Bắc bộ…  đã có thể  trở thành, chí ít  cũng là những  “đô thị công nghiệp loại 5”, nếu được đầu tư hạ tầng tại chỗ?

Chưa nói với số người nhập cư làm công nghiệp đông gấp bội người nông dân sở tại sẽ nhanh chóng phá hủy toàn diện hệ thống làng mạc thường dựa nhiều vào tự nhiên, các hạ tầng nhỏ bé (thoát nước, xử lý rác, giao thông, công trình công cộng: trường học, trạm y tế, công trình tôn giáo, tín ngưỡng...) và đe dọa các mối quan hệ huyết thống, xóm giềng vốn có khả năng liên kết xã hội nông thôn trong ổn định.

Tất nhiên nếu xác định rõ được như  vậy, chính quyền mới có chính sách huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng (tái cấu trúc- cũng là cần nhiều đất đai hơn cho phát triển hạ tầng đô thị ) những làng xã hỗn độn, xây cất tự phát, chất lượng sống tồi tệ, để chúng có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mới, phù hợp với  lối sản xuất và định cư của người làm công nghiệp.

Do nhận định trên rất dễ bị phản đối từ phía các cơ quan hữu quan (vì nếu không có trong các văn bản phân loại đô thị, nhưng loại  đô thị công nghiệp vẫn được thể hiện  ở các văn bản hướng dẫn khác?)  nên chúng tôi buộc phải nói tới các Nghị định và Luật Đầu tư liên quan tới  việc xây dựng và quản lý KCN. Tức là cần xem trong các “lãnh thổ công nghiệp” có đất đai dành cho người lao động cư trú không?

Về lãnh thổ công nghiệp: Có một số khái niệm như điểm, cụm, khu, trung tâm, vùng công nghiệp và những phái sinh. Nó có ranh giới, có sở hữu, thường được chủ đầu tư (mua hoặc thuê đất) rồi làm hạ tầng (đường, điện, cấp nước, thu gom xử lý chất thải, cấp viễn thông...) sau đó phân lô cho thuê hoặc bán cho các chủ đầu tư trực tiếp sản xuất công nghiệp.

Tính đến cuối tháng 4.2021 cả nước có 575 khu công nghiệp trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219,5 ngàn ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước) (theo Kinh tế và Dự báo).

Ở ta, lãnh thổ công nghiệp, lấy khu công nghiệp làm đại diện, được khẳng định trong các nghị định (từ năm 2000 đến nay) và Luật Đầu tư là “trong khu công nghiệp, khu chế xuất không có khu dân cư”. Mới nhất, Nghị định 82/2018/NĐ-CP thêm nội dung “đô thị - dịch vụ” vào khu công nghiệp, giải thích “có thể bao gồm các phân khu chức năng như nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác… Quy mô diện tích khu đô thị - dịch vụ tối đa không vượt quá một phần ba quy mô diện tích khu công nghiệp”. 

Điểm lưu ý văn bản ghi “có thể” chứ không khẳng định (để chế tài). Nó gồm gần 10 hạng mục chứ không chỉ nhà ở (thứ công nhân cần nhất) và “siết” các hạng mục không được vượt 1/3 diện tích toàn khu công nghiệp.

Nhưng diện tích khu công nghiệp (lớn trên 300ha; vừa 150ha- 300ha; nhỏ dưới 150ha) nói chung không tỷ lệ thuận với quy mô diện tích mỗi nhà máy, mà tùy thuộc vào từng loại hình sản xuất (nhà máy chiếm diện tích đất lớn không có nghĩa đông công nhân). Thí dụ nhà máy kết cấu thép, hay lắp ráp ô tô mật độ công nhân /diện tích sẽ thấp hơn nhiều so với nhà máy dệt may, chế biến thủy sản. Nghĩa là tính toán đó dựa trên diện tích máy móc chiếm chỗ, chứ không  phải cho con người cư trú? Nên dẫu có  thêm “đô thị - dịch vụ” vào khu công nghiệp cũng không  làm thay đổi quan điểm “trong khu công nghiệp không có dân cư”. Dường như nghị định này chỉ  để “cải tiến” khái niệm khu công nghiệp, theo đó người làm quy hoạch có thể vẽ ra khu công nghiệp ở bất kỳ đâu mà chẳng cần tính đến các hậu quả xã hội, môi trường?

Vậy có phải là nghịch cảnh: chính quyền  đô thị bắt các chủ cao ốc phải xây hầm chứa ô tô, các chủ xe phải mua chỗ để xe,  để bảo vệ và vận hành máy móc (là tài sản) các chủ đầu tư phải xây nhà cho nó (nhà máy); nhưng lại không có chế tài bắt các chủ sử dụng lao động phải xây nhà ở cho công nhân, hoặc chính quyền (nơi có khu công nghiệp)  có chính sách  để  công nhân (tài sản của ngành công nghiệp và toàn xã hội) có nhà ở? Nói trắng ra từ trong chính sách, người công nhân đã hầu như không có điều kiện định cư lâu dài trong đô thị lẫn nhà máy?

“Tấn kịch phân bổ nguồn lực đất đai” cho đô thị và công nghiệp còn nằm trong tình trạng phân mảnh quản lý: Bộ Xây dựng quản đô thị; Bộ Kế  hoạch và đầu tư quản  khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; Bộ Công thương quản cụm công nghiệp (dưới 70ha đất); Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ quản khu công nghệ cao;  Bộ Tài nguyên và Môi trường quản đất… Với bối cảnh bộ nào cũng tự xây dựng  hệ thống văn bản pháp quy riêng, thì việc tất cả cùng vận hành đồng bộ, là chuyện xa vời?

Tóm lại,  khu công nghiệp trong tường rào là một khái niệm có thể  được chính quyền ưa thích vì tránh được các phản ứng xã hội về môi trường, có thể dễ trải thảm đầu tư, có thể tập trung xây dựng hạ tầng công nghiệp khác kiểu với hạ tầng đô thị? Hậu quả là công nghiệp và đô thị bị tách nhau ra, trước hết là về không gian, nhưng nặng nề hơn là thiếu các tính toán về xã hội học trong sự tương tác của chúng. Đồng thời khái niệm đất công nghiệp chưa được phân loại (theo  sử dụng công nghệ) từ sạch đến bẩn (lạc hậu, gây ô nhiễm) và chính quyền cũng chưa xây dựng được khái niệm và bộ tiêu chuẩn cho đô thị công nghiệp và  khu đô thị công nghiệp.

“Kẻ ngụ cư và bàn tay ông Adam Smith” 

Xưa, lệ làng ở Bắc Bộ dân xa đến ở nhờ gọi “ngụ cư”, sau thời gian (tùy nơi)  lao động chăm, đóng góp tốt, được xét “chính cư” (chính thức) để hưởng các quyền lợi như con dân của làng. Nay, người nông dân xa quê vào nhà máy, dẫu lao động siêng năng, đóng góp đủ thuế cho địa phương, lấy chồng/vợ, sinh con… vẫn hầu hết sống phận “kẻ ngụ cư” trong các xóm trọ của nông dân. Họ ra đi từ nông thôn đi hàng ngàn km để lại rơi vào loại “nông thôn mới khốn khổ hơn”?

Xin nhắc lại có đến 50-70% công nhân là người nhập cư, là đặc điểm nhân khẩu quan trọng nhất, nên phần lớn họ (khoảng 90%) không có nhà riêng, phải ở trọ (cư trú không chính thức). Tình thế này khiến công nhân không thuộc địa phương quản lý do không có hộ khẩu thường trú (hưởng các quyền lợi đi kèm) mà cũng chẳng thuộc về ông chủ nhà máy vốn chỉ quản lý họ về thời gian lao động…

Bộ Xây dựng vừa có công văn số 3822 gửi UBND các tỉnh, thành phố về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn...

Xin nhớ cái nhà ở nước ta vô cùng quan trọng (Khoản 1, Điều 20 Luật Cư trú 2020, có hiệu lực từ 1.7.2021, quy định điều kiện đăng ký thường trú: Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó). Vậy nếu xem việc có nhà là điều kiện đầu tiên ra nhập “chính cư”, thì điều này gần như bất khả với họ.

Người công nhân hiện sống bằng mức lương do Hội đồng tiền lương Quốc gia quy định để chủ sử dụng  lao động lấy làm cơ sở  để trả lương và các loại  phụ cấp, bị đánh giá là: “Lương công nhân tối thiểu trung bình quốc gia tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 37% mức lương của mức sàn châu Á và 64% mức lương của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu. Lương công nhân dao động theo 4 vùng và loại công việc từ 2.760.000 - 3.091.000 VNĐ/ tháng đến 3.091.00  - 4.457.600 VNĐ /tháng.” (Theo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy- nghiên cứu một số doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam” của Oxfam, Viện Công nhân và Công đoàn)

Lương giá rẻ lợi cho nhà tư bản, nhưng là một nguyên nhân gây cuộc sống cực khổ, sức khỏe suy kiệt cho người công nhân (phản ánh trên rất  nhiều tờ báo, nhiều năm qua). Ăn chẳng đủ, nói gì đến mua nhà bằng lương, còn thị phần loại nhà xã hội (theo Luật nhà ở) lại quá nhỏ, rất ít khi đến tay họ?

Nên không có lựa chọn, giải pháp  phổ biến duy nhất của họ là  thuê nhà ở trọ của nông dân trong những hẻm xóm chật chội, tăm tối, ô nhiễm, dễ lây nhiễm dịch bệnh… còn hậu của nó thì tác động đến toàn xã hội, mà đại dịch covid chỉ  là thêm một  bằng  chứng.

Những đứa trẻ con công nhân trong xóm trọ kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân.


“Bàn tay vô hình của thị trường” (Adam Smith) tạo ra vô số khu đô thị mới, các dãy “phố hàng quán”,  resort, biệt thự, cao ốc, căn hộ sang trọng, chiếm các vị trí mặt sông, biển, núi đẹp nhất, khí hậu trong lành nhất, giá hàng chục, trăm tỷ đồng.  Nhưng  “bàn tay ấy” không thể  tạo  được chốn ở khả dĩ cho người công nhân, để “dân ngụ cư được chính cư”. Nghĩa là thị trường không thể tự nó giải quyết được các vấn đề phát triển đô thị công nghiệp và nhà ở của công nhân.

Chính vì thế mà ở các nước phát triển, vấn  đề nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng không bao giờ chỉ là của thị trường, để  mặc thị trường tự giải quyết mà, nước Pháp chẳng hạn: “ Vấn đề nhà ở hoàn toàn mang mầu sắc chính trị, có nghĩa là nó phụ thuộc vào sự lựa chọn chính sách của đảng cầm quyền.” (Nhà ở tại Pháp dưới góc độ kinh tế, chính trị và xã hội - Emmanuel Edou, 2002) .

Từ các vùng công nghiệp, hình ảnh hàng chục vạn gia đình công nhân bồng bế nhau chạy cả ngàn cây số suốt ngày đêm, vượt bao con sông, đèo dốc, nắng lửa… trở về quê hương, không thể nói khác, phản ánh nỗi thất vọng to lớn về nơi chốn họ đã dốc sức trẻ cống hiến cho nó. Sự kiện bi thương ám ảnh này, đang và sẽ tiếp tục đặt ra những câu hỏi gay gắt cho những ai đang kỳ vọng vào tương lai công nghiệp hóa ở nước ta. 

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: “Tôi đã khảo sát cuộc sống công nhân ở khoảng 20 khu công nghiệp vùng miền Đông Nam bộ trong dự án Hành trình xanh. Xóm trọ của những người làm tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM) gây ám ảnh nặng nề. Nó được lập ra bởi những chủ mua đất dựng nhà lợp tôn cho cả nghìn công nhân thuê trọ, trên dưới một triệu đồng/căn/tháng. Ban ngày nóng trên 40 độ C như đứng trong “lò vi sóng”, quanh nhà một ngày bảy lần nước đổi màu theo giờ xả chất thải từ các khu công nghiệp ra kênh, đêm xuống bầu trời mù mịt khói từ các nhà máy xả trộm…     

Một căn 8m2 có hai cặp vợ chồng cùng thuê theo ca làm ngày - đêm, cũng trong 8m2 gia đình 8 người ở… Có thể nhận ra người từ mọi vùng miền đến đây sống qua giọng nói, âm nhạc, tranh ảnh dán tường... Họ đã kẹt ở đây chừng 20 năm vì không đủ tiền về lại quê...

Khái niệm đô thị công nghiệp

Không có một định nghĩa duy nhất, bỏ qua sự khác biệt tương đối đô thị/thành phố, thì đô thị hay thành phố công nghiệp thường được hiểu: Là một vùng hoặc một khu vực bao gồm một cụm các cơ sở công nghiệp hoạt động đồng thời. Là trung tâm của các quá trình sản xuất, địa điểm cho các nhà máy công nghiệp  hoạt động, nơi tập trung nguyên liệu, trang thiết bị cho sản xuất. Các chức năng đô thị phụ trợ: ngân hàng, thương mại bán buôn, bán lẻ, giao thông vận tải và thông tin liên lạc phát triển để thúc đẩy quá trình sản xuất và cung cấp lực lượng lao động.

- Về lịch sử hình thành: có sau thành phố (châu Âu), có trước thành phố và không được dự liệu đầy đủ (ở Mỹ), có từ trên giấy ở bản quy hoạch (Trung Quốc).

- Về kinh tế: Thành phố thu hoạch chính từ các sản phẩm của sản xuất công nghiệp chuyên môn hóa, người lao động làm công ăn lương.

- Về nhân khẩu, xã hội: Là nơi tập trung cư dân với công nhân và người làm việc trong chuỗi cung ứng của công nghiệp chiếm đa số được tập hợp từ những nơi xuất cư khác nhau, đặc biệt là người nhập cư đa sắc tộc và có nhiều hình thức tổ chức kinh tế, chính trị khác nhau ở vùng lõi và vùng ngoại vi đô thị.

- Về văn hóa: Dù đa nguồn gốc văn hóa, nhưng văn hóa đô thị chung của người lao động  phù hợp với trật tự kinh tế tư bản  thống trị các thể chế xã hội khác. Mối quan hệ dân tộc và chủng tộc tạo  các liên kết cho những chuỗi di cư, giúp họ thích nghi trong môi trường xã hội mới, đồng thời  dẫn đến các khu dân cư đô thị tách biệt về sắc tộc giữa các tầng lớp lao động.

- Về cấu trúc không gian: Giao thông (đường sắt, bộ, biển) được đặc biệt nhấn mạnh với vai trò kết nối ở các cấp độ : quốc tế, quốc gia, vùng, đô thị,và giữa các nhà máy (phế thải của nhà máy này là nguyên liệu của nhà máy khác...). Những không gian hành lang an toàn (khu rừng, công viên, hồ nước...)  có vai trò kiểm soát ô nhiễm.  Các rủi ro đô thị (cháy, lụt, dịch bệnh...) được chuẩn bị ở mức cao (khi bị lụt thoát nước vào sân vận động, quảng trường…thậm trí khu vui chơi giải trí, một số không gian logistics, chợ... nhưng để không ngập nhà máy phát tán hóa chất trong nước).

(Tham khảo từ  The Modern World-System, Immanuel M. Wallerstein.1974, Social science, Wikipedia…)

Bài: Trần Trung Chính  - Ảnh: Nguyễn Thế Sơn 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.